Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

Tại sao Mỹ mở căn cứ quân sự mới tại Úc?


Việc Mỹ mở căn cứ quân sự mới ở Úc nhằm tăng cường sự hiện diện tại Tây Thái Bình Dương, rút ngắn thời gian tiếp cận Biển Đông.
>> Từ sự kiện "Đuổi chó" ...
Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Úc trong các ngày 16-17/11, nhân dịp kỷ niệm 60 năm hai nước thiết lập liên minh quân sự hai nước. Ông đã dùng sự kiện này để tái khẳng định cam kết của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương và đánh dấu việc mở căn cứ quân sự Mỹ tại nước này. Năm ngoái ông Obama dự kiến đi thăm Úc nhưng hai lần phải hoãn do các vấn đề trong nước.
Trong bài phát biểu tại Quốc hội Úc, Tổng thống Mỹ đã không quên tái khẳng định Washinton sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng quan hệ hợp tác với Trung Quốc, nhấn mạnh rằng sự phát triển hòa bình và thịnh vượng của Trung Quốc có lợi cho tất cả các nước trong khu vực, vì vậy Mỹ cũng sẽ tìm kiếm các cơ hội hợp tác với Trung Quốc, bao gồm tăng cường liên hệ giữa quân đội hai nước nhằm thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và tránh “những tính toán sai lầm”. Thông điệp này chủ yếu là để làm yên lòng nước chủ nhà. Úc hiện có quan hệ kinh tế đặc biệt chặt chẽ với Trung Quốc. Dư luận Úc đang lo ngại nền kinh tế nước này đang ngày càng lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc. Giới chính trị Úc trong khi đẩy mạnh quan hệ với Mỹ, không thể không tính tới những biện pháp để làm yên lòng Trung Quốc. Nhất là việc Mỹ mở căn cứ quân sự đang thành chủ đề được dư luận khu vực và Trung Quốc quan tâm.
Tổng thống Obama và Thủ tướng Julia Gillard tiếp xúc với các thiếu niên Úc sau khi Tổng thống Mỹ phát biểu tại Quốc hội Úc ngày 16/11.
Thủ tướng Julia Gillard cho biết việc củng cố liên minh giữa Úc và Mỹ sẽ không ảnh hưởng tới mối quan hệ của Canbera với Bắc Kinh, giữa lúc các nhà phân tích quân sự và đảng Xanh cảnh báo rằng động thái này sẽ gây thù địch với Trung Quốc vì sẽ được hiểu là sự đáp lại trực tiếp trước sức mạnh đang nổi lên của Bắc Kinh trong khu vực.
Mỹ triển khai lính thủy đánh bộ tại Úc từ giữa năm 2012
Thủ tướng Úc Julia Gillard ngày 16/11 tuyên bố Mỹ sẽ triển khai lính thủy đánh bộ tới thành phố Darwin ở miền Bắc nước này từ giữa năm 2012 trong bối cảnh hai nước tăng cường quan hệ đồng minh quân sự. Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Mỹ Barack Obama, bà Gillard nói: “Đó là thỏa thuận quân sự song phương mới nhằm mở rộng quan hệ hợp tác hiện nay giữa Lực lượng Phòng vệ Úc với Lực lượng Thủy quân Lục chiến và Không quân Mỹ... Cụ thể, từ giữa năm 2012, Úc sẽ đón một lực lượng cỡ trung đội từ 200-250 lính thủy quân lục chiến tới Vùng lãnh thổ phía Bắc theo cơ chế luân phiên sáu tháng”.
Thỏa thuận trên, không bao gồm 2.000 quân nhân Mỹ đang đồn đóng tại Úc, sẽ giúp Mỹ có được một hướng tiếp cận gần hơn tới Biển Đông so với các căn cứ của Mỹ tại Nhật Bản và Hàn Quốc.
Về phần mình, Tổng thống Obama nói rằng việc Mỹ triển khai quân ở Úc sẽ góp phần duy trì cấu trúc an ninh tại châu Á cũng như giúp đối phó với các vấn đề an ninh và nhân đạo ở khu vực này. Ông Obama nhấn mạnh quyết định trên là một cam kết đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Úc là một đối tác chiến lược cho những lợi ích của Mỹ tại khu vực. Vị trí then chốt nằm giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, cũng như cơ sở hạ tầng quân sự hiện có ở phía Bắc và phía Tây làm cho nước này, trở thành một vị trí quan trọng trong việc hỗ trợ an ninh hàng hải ở các vùng biển của khu vực. Úc coi quan hệ đối tác với Mỹ là một cách để xây dựng các cơ hội kinh tế, đồng thời bảo đảm tự do đi lại cho các nguồn tài nguyên quan trọng. Sự hiện diện tăng lên của Mỹ sẽ đóng góp cho sự cân bằng của khu vực và giúp Úc có lợi thế trong khu vực và với Trung Quốc, đối tác thương mại chính của nước này.
Ngày 17/11, Tổng thống Obama đã đến Darwin, hoàn tất thoả thuận cho phép quân đội Mỹ tiếp cận các căn cứ của Úc. Chiến lược của Mỹ cho rằng cấu trúc đóng quân hiện có của Úc không đủ hiệu quả để giải quyết các thách thức đang nổi lên ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Thỏa thuận này đạt được tại cuộc họp tư vấn cấp bộ trưởng Úc-Mỹ năm 2010, hai bên đã đồng ý tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại quốc gia này.
Chiến lược tái can dự của Mỹ đã tập trung vào vấn đề đảm bảo an ninh hàng hải và tạo một điểm chốt ở khu vực trước sức mạnh đang tăng lên của Trung Quốc. Tuy nhiên, mối quan tâm đối với chiến lược của Mỹ lại xuất phát từ một đòi hỏi chiến lược trong đó sự hiện diện lớn hơn của Mỹ sẽ tạo điểm tựa cho đòn bẩy, đảm bảo tự do hàng hải, tăng cường các cơ hội kinh tế và củng cố vị thế lãnh đạo của các cường quốc đang nổi.
Năm động cơ đằng sau lập căn cứ quân sự mới
Các nhà quan sát nêu câu hỏi, tại sao Mỹ đang gặp khó khăn kinh tế và giảm bớt các kế hoạch triển khai lực lượng quân sự ở nước ngoài lại thiết lập một căn cứ quân sự hoàn toàn mới tại Úc? Mạng Atlantic nêu 5 lí do:
Thứ nhất, căn cứ quân sự mới của Mỹ nhằm ngăn chặn sự bành trướng quân sự của Trung Quốc. Trước mắt, Mỹ muốn kiềm chế thái độ gây hấn của Trung Quốc đối với các nước láng giềng trong các bất đồng trên biển. Các cuộc xung đột quy mô nhỏ ở Biển Đông có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại toàn cầu, bởi vì phần lớn hoạt động thương mại trên biển đi qua khu vực Biển Đông. Mỹ hy vọng việc triển khai lực lượng quân sự lớn hơn sẽ duy trì ổn định ở khu vực ngày càng quan trọng này. Triển khai lực lượng tại Darwin sẽ giúp quân đội Mỹ tăng cường sức mạnh ở Thái Bình Dương và quan trọng hơn Mỹ sẽ thiết lập sự hiện quân sự thường trực tại Tây Thái Bình Dương đủ sức ngăn chặn Trung Quốc mà không sợ nằm trong tầm bắn của tên lửa Trung Quốc.
Các địa điểm đặt căn cứ quân sự Mỹ tại Úc.
Thứ hai, Mỹ chuyển trọng tâm từ Trung Đông sang Đông Á. Các nước bạn hàng ở Trung Đông thường xuyên gặp rắc rối và Mỹ phải trả giá đắt. Trong khi đó, các liên minh của Mỹ tại Đông Á đáng tin cậy và đem lại cho Mỹ nhiều lợi ích.
Thứ ba, Tổng thống Obama muốn rút khỏi Afghanistan. Một lực lượng quân sự mới của Mỹ tại Ôxtrâylia đòi hỏi sự điều chỉnh, lấy quân từ một số mặt trận khác.
Thứ tư, Mỹ lo ngại căng thẳng về căn cứ quân sự với Nhật Bản. Không người Nhật Bản nào hài lòng trước sự hiện diện của hàng nghìn binh sĩ Mỹ trên lãnh thổ của họ, cộng với một số vụ bê bối của một số binh sĩ lính thủy đánh bộ Mỹ tại căn cứ ở Nhật Bản, khiến quan hệ hai nước càng căng thẳng hơn. Căn cứ quân sự Darwin có thể giảm bớt một phần sức ép của căn cứ Okinawa.
Thứ năm, nếu muốn thiết lập sự hiện diện quân sự ở Đông Á, Mỹ cần có một nước chủ nhà có thể tin cậy ở trong khu vực. Úc là nước dân chủ, nói tiếng Anh, không có những lý do ý thức hệ để phản đối Mỹ và có thể thực sự muốn dựa vào một nước Mỹ mạnh, đặc biệt khi Trung Quốc ngày càng có ảnh hưởng lớn trong khu vực.
Nhà phân tích người Úc, Tom Gara cho rằng, “cũng như vùng Vịnh, Úc không thể tự vệ nên dựa vào sự bảo vệ của Mỹ”. Điều này giải thích tại sao Úc thường xuyên tham gia tất cả các cuộc chiến tranh của Mỹ, trong đó có cả cuộc chiến tranh Việt Nam. Úc có thể nghiêng mạnh về phía Mỹ trong chính sách đối ngoại để đánh đổi sự bảo đảm an ninh tuyệt đối bằng một căn cứ quân sự lớn của Mỹ trên lãnh thổ của họ.
Cách thức Mỹ phản ứng với sức mạnh kinh tế, sức mạnh quân sự và ảnh hưởng khu vực ngày càng tăng của Trung Quốc và Ấn Độ sẽ quyết định những vấn đề của thế giới trong những năm tới./.

Lưu Việt - Báo Tổ Quốc

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang