Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

Học giả TQ ngại nước này 'ngộ nhận Biển Đông'

Mới đây, ông Lý Thần Huy, Phó giáo sư ngành Khoa học vật liệu và Công nghệ, Trường Đại học Khoa học kỹ thuật Hoa Trung, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc có bài viết "E rằng chúng ta ngộ nhận trong vấn đề Nam Hải (theo cách gọi của Trung Quốc, tức Biển Đông - PV)”.

PGS Lý Thần Huy.
Dù mục đích bài viết của PGS Lý để thuyết phục người Trung Quốc thấy chính phủ của họ "không ươn hèn", tuy nhiên qua bài viết, cũng có thể thấy sự ngộ nhận của rất nhiều người Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, dẫn đến kích động tinh thần dân tộc cực đoan ở nước này.

Mở đầu bài viết, PGS Lý tỏ ra lo ngại trước một bài báo có tên "Âm thanh vũ lực ở Nam Hải đang được khuếch đại trong dân chúng Trung Quốc", trong đó viết: "trong dân chúng Trung Quốc, bao gồm cả một số chuyên gia học giả, chủ trương dùng vũ lực trong vấn đề tranh chấp ở Nam Hải".
Theo bài "Âm thanh vũ lực..." trên, phần lớn người Trung Quốc cho rằng họ "bị xúc phạm nặng nề" vì đương nhiên cho rằng "Nam Hải là của chúng ta". Cũng theo bài báo này, "Việt nam và Philippines dám tranh chấp với chúng ta là vì có sự hậu thuẫn từ phía Mỹ, do Mỹ xúi giục. Và Mỹ muốn ngăn chặn, muốn có kẻ địch luôn bên cạnh Trung Quốc".
"Những nhận thức này đang rất phổ biến trong dân chúng Trung Quốc. Nhưng chính phủ Trung Quốc hoàn toàn im lặng, không có ý định dẹp yên dư luận này", PGS Lý viết. 

Sự im lặng trên, theo PGS Lý sẽ "có thể thổi bùng một cách sai lầm chủ nghĩa dân tộc, làm cho Trung Quốc trở thành một dân tộc hiếu chiến trên thế giới và làm mất đi giá trị của hình tượng Trung Quốc". 

"Họ cho rằng, Việt Nam, Philippines tranh chấp Nam Hải với Trung Quốc là do Mỹ xúi giục, điều đó không tránh khỏi tức giận lây người Mỹ. Thế là trong cộng đồng quốc tế, kẻ thù của Trung Quốc ngày càng nhiều mà bạn bè càng ít", 
PGS Lý viết tiếp.

 
Trung Quốc "cho rằng, lý do của chúng ta là đầy đủ, thì họ cũng làm được như vậy", PGS Lý phân tích.

Phản bác ngộ nhận của nhiều người Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, PGS Lý cho rằng: "Việt Nam và Philippines tranh chấp Nam Hải với Trung Quốc hoàn toàn không phải do Mỹ cổ vũ, hỗ trợ. Ở đây, Mỹ không có liên quan gì. Việt Nam, Philippines không thể vì một nước xúi giục mà đi gây sự với một nước khác, điều đó không phù hợp với đạo lý và quy tắc quốc tế. 

Cách nghĩ này thật ngây thơ, thậm chí là ngớ ngẩn. Đối với một quốc gia, đem sự an toàn, yên ổn của mình trao vào tay người khác, hoàn toàn vô căn cứ. Huống chi Việt nam và Mỹ vẫn là hai đối thủ từng có mối thù không đội trời chung.

Còn Philippines, mặc dù là đồng minh quân sự của Mỹ, nhưng là một nước nhỏ bé ở xa Mỹ, gần Trung Quốc thì không dại gì đi gân hấn với Trung Quốc, “nước xa không cứu được lửa gần”, chỉ rước hoạ vào thân".

Đặt câu hỏi: "Vậy rốt cuộc, vì cái gì để Việt Nam và Philippines gây tranh chấp với Trung Quốc trên Nam Hải? Có phải là Nam Hải thuộc Trung Quốc? và Nam Hải có nhiều tài nguyên nên các nước mới đến tranh chấp?" , PGS Lý viết: "nếu chúng ta cứ kiên quyết cho rằng khu vực này thuộc Trung Quốc, thì họ cũng khẳng định, khu vực này thuộc về họ. Chúng ta có thể đưa ra rất nhiều tư liệu, chứng cứ chứng minh, khu vực này từ xưa dến nay là thuộc sở hữu của Trung Quốc thì họ cũng đưa ra được những tài liệu, chứng cứ để chứng minh. Chúng ta cho rằng, lý do của chúng ta là đầy đủ, thì họ cũng làm được như vậy".

"Chúng ta giận dữ cho rằng họ đến cướp đất của chúng ta, thực tế là, chúng ta cũng tự nhận thấy là một nước lớn, khi thấy khu vực này có nhiều tài nguyên thì đến chiếm giữ, người ta sẽ cho rằng, chúng ta ỷ thế là nước lớn, không phải họ uy hiếp chúng ta mà chúng ta uy hiếp họ. Trong bối cảnh như vậy, dù không có sự ủng hộ của Mỹ, dù họ là nước nhỏ, họ cũng không dễ dàng lùi bước".

"Tôi nghĩ, dựa vào lý của mình sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề. Vì sẽ không ai thừa nhận khu vực đó là thuộc về đối phương". 
Từ phân tích trên, PGS Lý phát biểu: "Trong thời đại ngày nay, càng không thể nói đánh là có thể đánh người khác". 

PGS Lý cũng đề xuất: "Theo tôi, biện pháp tốt nhất là nhờ vào sự phân xử của cộng động quốc tế. Lấy cộng đồng quốc tế làm trọng tài. Chúng ta là một trong năm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc".

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang