Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

Thủ tướng: “Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam”


(Dân trí) - Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục nhấn mạnh, Việt Nam có đủ căn cứ pháp lý khẳng định quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam và thực tế chúng ta đã làm chủ từ cách đây vài thế kỷ.

Nên đọc và nghe:
 (Ảnh: Việt Hưng) 
Vấn đề đầu tiên được các đại biểu chất vấn Thủ tướng là chủ trương của Chính phủ để bảo vệ chủ quyền ở biển Đông, bảo đảm cho ngư dân đánh bắt…
Thủ tướng cho biết, trên cơ sở chủ trương đối ngoại của ta, trên cơ sở luật pháp của quốc tế, căn cứ thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản ứng xử trên biển Đông giữa ta và Trung Quốc, chúng ta phải giải quyết và khẳng định chủ quyền đối với 4 vấn đề.
Trước hết là đàm phán phân định ranh giới ngoài vịnh Bắc Bộ, còn trong vịnh Bắc Bộ ta và Trung Quốc đã hoàn thành việc phân định.
Theo Thủ tướng, thềm lục địa của ta có chồng lấn với đảo Hải Nam - Trung Quốc và hai bên đã đàm phán từ 1986, sau đó tạm dừng do quan điểm còn khác nhau. Năm 2011 ta và Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biển Đông.
Ngoài vịnh Bắc Bộ là vấn đề giữa hai nước nên hai bên sẽ đàm phán để có giải pháp hợp lý. Chúng ta đang xúc tiến để phân định.
Với chừng mực khác nhau, hai bên đã tự hình thành vùng quản lý của mình trên cơ sở đường Trung tuyến.
Vấn đề thứ hai, chúng ta phải giải quyết và khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa. "Việt Nam có đủ căn cứ, pháp lý khẳng định quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Thực tế chúng ta đã làm chủ, ít nhất là từ thế kỷ XVII.", Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo đó, năm 1956, Trung Quốc chiếm các đảo phía đông đảo Hoàng Sa. Năm 1974 Trung Quốc đem quân chiếm toàn bộ đảo Hoàng Sa. Chính quyền miền Nam Việt Nam đã phản đối tới Liên Hiệp Quốc. Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa cũng bày tỏ sự phản đối tại thời điểm đó.
"Lập trường nhất quán là quần đảo Hoàng Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nhưng chúng ta đàm phán bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với hiến chương liên hợp quốc và luật biển.", Thủ tướng bày tỏ.
Với quần đảo Trường Sa, sau giải phóng miền Nam (1975), chúng ta tiếp quản 5 hòn đảo của quần đảo Trường Sa. Sau đó với chủ quyền của mình, chúng ta tiếp tục mở rộng để tiếp quản 21 đảo. Hiện ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc chiếm 7 đảo đá ngầm, Đài Loan chiếm 1 đảo, Philippin 9 đảo, Malaysia chiếm 5 đảo…
Trên quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam đang nắm giữ số đảo nhiều nhất và cũng là quốc gia duy nhất có cư dân đang làm ăn sinh sống trên các đảo chúng ta năm giữ, với 21 hộ, trên 80 khẩu.
Chủ trương của chúng ta là nghiêm túc thực hiện công ước luật biển, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC). Các bên không làm phức tạp thêm tình hình, gây ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định của khu vực…
Chúng ta sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật ở những nơi chúng ta đang đóng giữ. Tiếp tục có cơ chế chính sách hỗ trợ đồng bào ta khai thác thủy hải sản ở khu vực này.
Liên quan đến cam kết quốc tế, đảm bảo tự do hàng hải ở biển Đông, bởi đây là mong muốn của tất cả các bên liên quan, do biển Đông là tuyến đường chiếm dung lượng vận tải lớn (50% từ Đông sang Tây).
Tới đây phải giải quyết và khẳng định chủ quyền của chúng ta trong phạm vi 200 hải lý thuộc thềm lục địa và đặc quyền kinh tế theo công ước luật biển 1982. 
Trình bày báo cáo trước QH, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tập trung làm rõ các vấn đề kinh tế vĩ mô, hướng điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu, cơ cấu lại các tập đoàn. Các đại biểu chất vấn Thủ tướng về kiềm chế lạm phát, bảo vệ chủ quyền, vụ Vinashin…
Trình bày báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng cho biết, các thành viên Chính phủ đã nhận được 237 câu hỏi chất vấn, trong đó có 11 câu chất vấn Thủ tướng. Thủ tướng đánh giá cao những chất vấn của đại biểu.
Thủ tướng cho biết, kinh tế xã hội có những chuyển biến tích cực trong các tháng 10, 11, trong đó, giá tiêu dùng tăng giảm, xuất khẩu 11 tháng tăng 37% so với cùng kỳ năm trước, nhập siêu còn 10,2%, lãi suất có xu hướng giảm, dự trữ ngoại hối tăng… Văn hóa xã hội có những chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, lạm phát giảm dần, nhưng tính chung cả năm tăng cao, nợ xấu tăng lên, thị trường bất động sản, chứng khoán trầm lắng… Công nghiệp đang có xu hướng tăng chậm, một bộ phận công nhân mất việc.
Về xây dựng cơ bản, nhiều công trình đầu tư dở dang, nếu không xử lý phù hợp sẽ lãng phí.
Thủ tướng cho rằng, theo dự báo, thời gian tới khủng hoảng nợ châu Âu sẽ nghiêm trọng hơn, đẩy khu vực này vào tình trạng suy thoái, giá dầu, lương thực có khả năng tăng mạnh tác động lớn tới nền kinh tế có độ mở lớn như nước ta.
Đề cập giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng cho biết, thời gian tới Chính phủ sẽ tập trung kiềm chế lạm phát, trong đó tăng cường kiểm tra thị trường, tuyên truyền để ngăn chặn tăng giá do tâm lý… Giảm dần lãi suất theo mức giảm của chỉ số giá tiêu dùng, điều hành linh hoạt tỷ giá theo tín hiệu thị trường để khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập khẩu, có tác động để phục hồi thị trường bất động sản, chứng khoán, bảo đảm quyền sở hữu vàng của người dân, không để vàng trở thành phương tiện thanh toán.
Bảo đảm nợ công trong giới hạn an toàn, chống gian lận thu, chống trốn thuế, nuôi dưỡng nguồn thu, tăng cường giám sát thanh tra các khoản chi nhà nước. Đẩy mạnh xuất khẩu, tăng dự trữ ngoại hối, kiểm soát chặt chẽ những mặt hàng không khuyến khích, những mặt hàng trong nước đã sản xuất được.
Đối với giá điện, than… Thủ tướng đề nghị Quốc hội ủng hộ chủ trương kiên định giá thị trường. Chính phủ sẽ xác định lộ trình thích hợp để thực hiện. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này công khai, minh bạch để nhân dân giám sát.
Về các doanh nghiệp nhà nước, xác định rõ chức năng của doanh nghiệp nhà nước, xác định ngành nghề kinh doanh. Chính phủ sẽ xây dựng đề án cơ cấu lại tổng thể doanh nghiệp nhà nước trình Quốc hội, trong đó giữ lại những doanh nghiệp thực sự cần thiết, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Tập đoàn, Tcty chỉ tập trung đầu tư vào ngành kinh doanh chính, xử lý các doanh nghiệp thua lỗ kéo dài bằng sát nhập, phá sản.
Chính phủ sẽ bố trí đúng cán bộ để lãnh đạo các tập đoàn, Tcty; công khai minh bạch hoạt động của các tập đoàn…
Cấn Cường - Phương Thảo - Dân Trí

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang