Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

'Sấm sét' chiến trường


Những cải tiến liên tục, đáp ứng đòi hỏi trong chiến đấu giúp pháo binh giữ vị trí quan trọng, là “nắm đấm hỏa lực” trong tấn công và phòng thủ.

Kỳ 1: Dàn đồng ca đỏ
Hiệu quả chiến đấu của dàn pháo “Cachiusa” nhanh chóng át đi tiếng cười chế giễu và khiến giới quân sự suy nghĩ nghiêm túc về loại vũ khí mà đến nay, ngày càng chiếm vị trí quan trọng trên chiến trường.

Uy lực bất thình lình
Sau chiến tranh thế giới thứ 2, dù pháo phản lực của Liên Xô hay các nước phương Tây đã phát triển với nhiều thiết kế hiện đại, mang nhiều tên gọi khác nhau, nhưng những người ngoại đạo vẫn thường nhận diện chúng với cùng 1 tên gọi “Cachiusa”. 

“Thương hiệu” này gắn liền với chiến công đầu của pháo binh Liên Xô tập kích phát xít Đức tại Orsha (Belarus), ngày 7/7/1941. Chỉ với 7 xe phóng, trong một khoảng thời gian vô cùng ngắn ngủi, toàn bộ nhà ga với các đoàn tàu tiếp tế bị phá hủy hoàn toàn. 

Những tên phát xít còn sống sót thì bàng hoảng không hiểu “sấm sét” đã giáng xuống từ đâu. Sự khủng khiếp của Cachiusa và tiếng rít đặc trưng khi khai hỏa sau này được lan truyền trong hàng ngũ quân phát xít với biệt danh “Dàn đồng ca của Stalin”.


Trên thực tế, Liên Xô đã thử nghiệm loại vũ khí mới này từ năm 1938. Tuy nhiên, độ tản mác cao, tầm bắn thấp (5,5km) thời gian nạp đạn lâu (24 viên/50 phút)… khiến giới tướng lĩnh Liên Xô xem thường pháo phản lực. 

Thế nhưng, trong bối cảnh sự phát triển pháo binh dường như tới hạn, tầm xa và uy lực như đại pháo Gustav hay Paris Gun luôn đi kèm với sự nặng nề, chậm chạp thì khả năng cơ động, và tốc độ bắn lại trở thành yếu tố đột phá. 

Chính vì vậy, Cachiusa đã dành được cơ hội thể hiện và cũng từ đây, vị thế của pháo phản lực cùng chiến thuật “bắn và chuồn” được xác lập.

Dàn đồng ca đỏ

Kế thừa truyền thống của Cachiusa (BM-13), nhiều thiết kế pháo phản lực ra đời, giúp “Dàn đồng ca đỏ” của Hồng quân Liên Xô ngày càng thêm đông đúc. Ngày nay, thành viên mới nhất của “Dàn đồng ca đỏ” là BM-30 Smerch (“Cơn lốc”), ra đời từ  năm 1987.

Hệ thống này bao gồm 12 ống phóng đạn tên lửa cỡ 300 mm được đặt trên khung xe 8x8. BM-30 có thể phóng hết 12 quả đạn của mình trong 38 giây và bắn loạt thứ hai sau 36 phút. Đạn của BM-30 có loại dài tới 7,6m, do đó tầm bắn được nâng lên đáng kể. Biến thể Smerch-M có tầm bắn tối đa lên tới 90km, vượt xa so với hầu hết các loại pháo binh truyền thống.




BM-30 trong một cuộc duyệt binh ở Ukraine.
Bên cạnh tính cơ động, khả năng chế áp, những cải tiến không ngừng về đạn giúp nâng độ chính xác, mở rộng nhiệm vụ của pháo phản lực, uy thế của loại vũ khí này ngày càng cao.

Tuy nhiên, để nói tới thành công của pháo phản lực Liên Xô phải kể tới BM-21 Grad (“Mưa đá”), xuất hiện từ năm 1964. Với số ống phóng lên tới 40, có cơ chế bắn đồng loạt, 1 tiểu đoàn BM-21 có thể nã 720 quả đạn trong vòng… 20 giây, sau đó, rút thật nhanh trước khi đối phương kịp phản ứng. 

Ngày nay, BM-21 bản nâng cấp được thiết kế để tiêu diệt binh lính đối phương cả trong và ngoài công sự, phá hủy phương tiện xe bọc thép hạng nhẹ hay xe tăng, pháo cối các loại ở các bãi tập kết, các máy bay trực thăng hay cánh cố định trên bãi đáp, bộ phận chỉ huy và nhiều mục tiêu khác. Thậm chí, BM – 21 Grad cũng có thể dùng để rải mìn. 

Vì lẽ đó, BM-21 là pháo phản lực dành được thành công xuất sắc trên thị trường xuất khẩu vũ khí, có mặt trong biên chế quân đội gần 70 quốc gia, trong đó có Việt Nam.




BM-21 khai hỏa, tạo ra những cơn "mưa lửa".
Pháo phản lực ở Việt Nam Trên chiến trường Việt Nam, pháo phản lực được bộ đội pháo binh sử dụng rất sáng tạo và linh hoạt. Với địa hình nhiều đồi núi, thiếu thốn phương tiện cơ giới, nhưng quan trọng nhất là phải bí mật, các ống phóng của pháo phản lực được tháo rời và vận chuyển riêng, chỉ được ráp lại tại nơi tập kết chiến đấu. 

Thậm chí, để phù hợp với chiến tranh du kích các ống phóng còn được tháo rời và chế tạo súng DKB. Nhờ vậy, pháo phản lực đóng góp không ít chiến công cho truyền thống vẻ vang của lực lượng “chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng”.




Khẩu DKB, cỡ đạn 122mm được dùng trong kháng chiến chống Mỹ.
Trong trận đánh sân bay Biên Hòa rạng sáng ngày 3/8/1972. Với 54 khẩu DKB, tiểu đoàn 174 quân Giải phóng đã bắn 202 quả đạn DKB vào sân bay, phá hỏng 74 máy bay, đốt cháy các kho bom, kho xăng và tiêu diệt nhiều sinh lực địch.

Cũng trong năm 1972, tại chiến trường Quảng Trị, các đơn vị pháo binh phát huy sức mạnh của BM-14 góp phần chế áp trận địa pháo và chặn đứng nhiều cuộc phản công của địch, tạo điều kiện cho đồng đội giữ vững thành cổ.

Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, các khẩu đội pháo phản lực đã cùng các đơn vị khác trong lực lượng, phối hợp với các binh chủng bạn, tham gia tất cả các chiến dịch quan trọng. Mở màn là trận dội lửa báo hiệu chiến dịch Tây Nguyên. 

Đúng 2h ngày 10/3/1975, từ thị xã Buôn Ma Thuột, hàng loạt đạn pháo phản lực rít lên, nổ ầm ầm đánh mạnh vào Sư đoàn 23 VCNH, chôn vùi uy danh “Nam bình, Bắc phạt, Tây Nguyên trấn” của sư đoàn này.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, các khẩu đội pháo phản lực nhận nhiệm vụ đánh tê liệt sân bay Tân Sơn Nhất, và không chỉ bắn rồi rút mà phải luồn sâu vào sân bay, trụ lại để khống chế hoàn toàn sân bay, tạo chỗ “đứng chân” cho pháo lớn cỡ 130, nhằm tạo uy thế chính trị cho chiến dịch.

Đúng 3h ngày 28/4, lệnh bắn phát ra, hàng trăm trái đạn phản lực vun vút lao vào sân bay. Phóng viên tuần báo Das Spiegel (Tấm Gương) của CHLB Đức thuật lại, qua sóng FM tần số riêng Đại sứ quán Mỹ, ông nghe được giọng hốt hoảng của một lính thủy đánh bộ Mỹ ở sân bay Tân Sơn Nhất: “Đạn nổ khắp xung quanh. Ở đây mọi cái đều bốc lửa cả. Trên dưới 30 trái rocket đã rơi xuống đường băng và các kho đạn. Ở sân bay bốc lên quả cầu lửa màu cam, cuộc tiến công bằng đại bác và rocket vẫn tiếp tục…”





 Kỳ 2: Dấu ấn riêng

‘Độc nhất vô nhị’ trong lục quân Mỹ Ra đời cùng thời với cơn lốc BM-30 Smerch, hệ thống pháo phản lực phóng loạt M270 là thiết kế gần như duy nhất trong pháo binh Lục quân Mỹ, được sử dụng vào các nhiệm vụ chế áp, cô lập và phá hủy mục tiêu đối phương, có nhiều điểm phù hợp với chiến tranh hiện đại. 

Thay vì sử dụng ống phóng cố định, M270 có thiết kế kiểu module, đạn rocket được chứa trong container có thể tháo lắp. Nhờ vậy, công việc bảo quản trở nên đơn giản, thời hạn sử dụng của đạn kéo dài tới 10 năm, tiết kiệm thời gian khi nạp và tái nạp (5-10 phút), trong khi BM-30 mất khoảng 30 phút.

Hệ thống pháo phản lực phóng loạt M270 đặt trên khung thân xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley. Mỗi xe phóng mang được 2 container, mỗi container chứa chứa 6 quả đạn rocket cỡ 240mm. Một xe M270 khai hỏa sẽ phóng 8.000 đầu đạn (nhỏ) trong 60 giây với tầm bắn khoảng 32km. 

Đặc biệt, khi M26 chứa đầu đạn phụ 644 M77 có thể coi là “bom chùm” của pháo binh. Vì loại đầu đạn này được kích nổ ở trên không làm bung ra các đầu đạn nhỏ, trùm lên khu vực lớn với sức sát thương khủng khiếp. Nó thường sử dụng để chống thiết giáp hoặc bộ binh đối phương.


Hệ thống pháo phản lực M270 khai hỏa.
Nếu sử dụng đạn tăng tầm M26A1/A2, M270 có thể bắn tới cự ly 45km, tuy nhiên, khoảng cách này vẫn thua tầm bắn của BM-30 của Nga. Bù lại, M270 được dùng làm “bệ phóng” tên lửa đạn đạo chiến thuật MGM-40. Đây là điểm mà dòng pháo phản lực Nga không có. MGM-140 có tầm bắn 150km, thậm chí 300km nếu sử dụng đạn có điều khiển tân tiến hơn. 

Như vậy, so với pháo phản lực Liên Xô – Nga, pháo phản lực Mỹ tuy thua về tầm bắn nhưng độ chính xác và linh hoạt khá cao.

M270 được sử dụng lần đầu trong chiến tranh vùng Vịnh 1991, tại đó nó được ghi nhận đã phóng 32 tên lửa chiến thuật MGM-140 cùng nhiểu quả đạn rocket gây thiệt hại cho Quân đội Iraq. Chứng minh được năng lực của mình trên chiến trường, nhiều quốc gia mà chủ yếu là đồng minh Mỹ đã nhập khẩu M270.

Lấn át trường phái thiết kế pháo phản lực Nga Sự tối ưu của M270 khiến các nước đồng minh của Mỹ như Anh, Pháp, Đức không ngần ngại chọn giải pháp này thay vì nghiên cứu thiết kế riêng biệt tốn kém. 

Thậm chí, thiết kế kiểu module của M270 còn tạo dấu ấn trên các thiết kế pháo phản lực kiểu Nga tồn tại trong quân đội các nước Đông Âu. Theo đó, một vài nước Đông Âu đưa “chất Mỹ” vào các biến thể pháo phản lực Nga đang phục vụ trong lực lượng.

Điển hình, hệ thống pháo phản lực RM-70 Module – sản phẩm hợp tác giữa Cộng Hòa Séc và Đức. RM-70 Module là biến thể nâng cấp từ RM-70 do Séc phát triển dựa trên BM-21 Grad. Điểm thiết kế mà có thể coi nó là sự pha trộn rõ ràng “Nga – Mỹ” với bệ phóng kiểu module. Đạn rocket chứa trong các container nằm riêng biệt với xe mang phóng. Theo từng nhiệm vụ khác nhau, RM-70 mang container chứa 28 viên đạn 122mm (dùng chung với Grad) với tầm bắn tối đa 21km hoặc 6 viên đạn cỡ 240mm có cự ly bắn 40km.


Thiết kế pha trộn "Nga - Mỹ" RM-70 Module với container loại 122mm.
Ngoài ra, Romania – quốc gia có truyền thống sử dụng vũ khí Nga cũng hợp tác với Israel phát triển pháo phản lực LAROM, nâng cấp từ APRA-40 (cũng là biến thể của BM-21 Grad). Tương tự RM-70, LAROM đi theo thiết kế moduele, đạn rocket đặt trong container nằm riêng biệt với xe phóng.

Sự phát triển của hệ thống và đạn pháo phản lực của phương Tây đã cuốn hút Nga đi theo hướng thiết kế này. Mới đây, Nga đã giới thiệu pháo phản lực 9A52-4 Tornado, dùng chung đạn 300mm của BM-30 Smrech nhưng đặt trong container. Nhờ đó, thời gian tái nạp đạn giảm xuống còn 8 phút.

Ảnh hưởng tới từ Trung Đông Nếu như thiết kế kiểu module ảnh hưởng rất mạnh tới thiết kế pháo phản lực của các nước NATO cũ và mới (các nước Đông Âu mới gia nhập NATO) thì một đồng minh khác của Mỹ là Israel cũng tìm cách chi phối thị trường này bằng tiềm lực công nghệ quốc phòng mạnh mẽ của mình.

Điển hình là trong quan hệ của Israel với Romania. Ngoài việc sử dụng đạn tiêu chuẩn 122mm của Grad (20 viên), hệ thống LAROM kể trên còn có thể bắn đạn rocket cỡ 160mm (13 viên) do Israel sản xuất, nhờ đó tầm bắn của LAROM được lên tới 45km.


Dàn xe pháo phản lực với 3 kiểu đạn: đạn 122mm, đạn 160mm và đạn 300mm EXTRA (từ trái qua).
Israel còn hợp tác với Azerbaijan triển pháo phản lực Lynx, cũng có thiết kế module kiểu Mỹ, lắp được 2 container chứa nhiều loại đạn khác nhau như 122mm Grad, 160mm LAR hoặc 300mm EXTRA, với tầm bắn lần lượt là 21km, 45km và 150km. 

Như vậy, chỉ với xe phóng mang 2 container chứa loại đạn cùng cỡ hoặc kết hợp 2 kiểu đạn, hệ thống Lynx có thể đảm đương nhiệm vụ hỗ trợ hỏa lực ở mọi tầm.

Đáng lưu ý, đạn rocket EXTRA là loại đạn tự dẫn chính xác cao, gần như có thể xem là “tên lửa đạn đạo chiến thuật” như MGM-140 của Mỹ. Đạn EXTRA đặt trong container  kín nên việc bảo trì đơn giản. 

Với đầu đạn thuốc nổ 125kg, sử dụng hệ thống định vị vệ tinh GPS dẫn đường, đạn EXTRA có độ chính xác rất cao, tầm bắn lên tới 150km nhưng độ sai lệch nhỏ hơn 10m. Trong khi đó, MGM-140 của Mỹ có tầm bắn 150km nhưng sai lệch lên tới 50m. Gần đây, có một số nguồn tin quốc tế khẳng định, Việt Nam có thể đã nhập khẩu EXTRA trang bị cho lực lượng pháo binh.




Container đạn nằm ngoài bệ phóng hệ thống M270.
M270 phóng tên lửa chiến thuật MGM-140.
Pháo phản lực RM-70 Module với container đạn 240mm.
Pháo phản lực LAROM của Romania phóng đạn rocket 122mm.
Xe chở đạn lắp container đạn 122mm lên bệ phóng, container nằm ở xe chở đạn là loại 160mm.

Kỳ 3: Đại bác trên bánh xích


“Trăm hoa đua nở”
Đã có lúc, giới quân sự đánh giá pháo phản lực (pháo đa nòng) hoàn toàn thay thế pháo binh truyền thống. Tuy nhiên, thực tế chiến trường chưa bao giờ loại bỏ được loại vũ khí này bởi ưu điểm về hỏa lực mạnh, độ chính xác cao, việc sử dụng và bảo quản đơn giản, thích hợp với nhiều yêu cầu chiến thuật… Do đó, từ những năm 1960, vị trí của những cỗ pháo 1 nòng được phục hồi và chú trọng phát triển, đặc biệt là pháo tự hành, được coi là những khẩu đại bác được đặt trên bánh xích.

Trong xu thế này, Liên Xô, vốn có nhiều viện thiết kế thiết kế tăng – thiết giáp trong tổ hợp công nghiệp quốc phòng, đã cho ra đời nhiều mẫu pháo tự hành. Gần như, loại khung gầm xe tăng, thiết giáp nào của Liên Xô cũng được các nhà thiết kế tìm cách đặt lên đó những khẩu pháo với kích cỡ phù hợp. Vậy nên, có thể nói, Liên Xô và Nga ngày nay có nhiều mẫu pháo tự hành nhất thế giới, trong đó có loại đặc chủng như ASU-85 có thể thả từ máy bay, dành cho các nhiệm vụ đổ bộ đường không hay pháo tự hành Koalitsiya-SV với thiết kế 2 nòng rất ấn tượng.


Kondensator 2P trên Quảng trường Đỏ.

Thường được đặt tên theo các loài hoa nhưng pháo tự hành của Liên Xô thực sự là những cỗ pháo đầy uy lực. Điển hình là mẫu Kondensator 2P, được phát triển vào cuối những năm 1950, là sự kết hợp giữa khung gầm của xe tăng T-10 với nòng pháo cỡ 408mm, ngang ngửa với pháo hạm thời thế chiến. Kondensator 2P là câu trả lời của Liên Xô với pháo bắn đạn hạt nhân cỡ nòng 280mm của Mỹ. 

Điểm nhấn trong các cuộc duyệt binh
Tuy nhiên, cỡ nòng lớn không phải là hướng phát triển chính của pháo tự hành. Với loại vũ khí này, các nhà sản xuất chú trọng tới khả năng cơ động, tính linh hoạt khi tác xạ… Những ưu điểm này có thể nhận thấy ở 2S19 Msta-S, loại pháo tự hành thường xuất hiện và gây ấn tượng mạnh bởi kích thước đồ sộ trong các buổi duyệt binh trên quảng trường Đỏ.

2S19 Msta-S trên Quảng trường Đỏ.

Msta-S sử dụng khung gầm xe tăng T-80 và động cơ của xe T-72, có thể hoạt động bằng 6 loại nhiên liệu, trong đó có cả xăng, xăng máy bay và nhiên liệu dẫn xuất từ cồn… Pháo trang bị cho Msta-S là loại có cỡ nòng 152mm, có thể được nạp đạn ở chế độ tự động hoặc thủ công, ở mọi góc nâng. Tùy vào nhiệm vụ, pháo này có thể bắn nhiều loại đạn với tốc độ bắn tối đa 8 phát/phút, tầm bắn tối đa đạt 50 km (tùy thuộc vào đạn). Msta-S được trang bị hệ thống ngắm bắn đồng bộ gồm các thiết bị hiển thị biểu tượng số hoá, bộ thiết bị thu tín hiệu định vị, dẫn đường vệ tinh... cho phép phản pháo với các tham số tự động hiệu chỉnh.

Nhiệm vụ của Msta-S rất phong phú, từ chế áp tiêu diệt các mục tiêu đối phương tới tiêu diệt các phương tiện hạt nhân chiến thuật, các đại đội pháo, cối, cũng như phương tiện phòng không... Không những thế, các tổ hợp này còn sử dụng hỏa lực để củng cố trận địa hay chốt phòng ngự, hoặc bắn kiềm chế hướng vận động của bộ binh cơ giới và tăng thiết giáp đối phương trên chiến trường.

Pháo tự hành 2 nòng
Dựa vào thiết kế của Msta-S, các nhà sản xuất cố gắng lắp thêm 1 nòng nữa vào tháp pháo, để cho ra pháo tự hành Koalitsiya-SV. Mục đích của thiết kế này nhằm bắn 2 mục tiêu ở khoảng cách khác nhau cùng một lúc (dựa trên thay đổi liều phóng của đạn). Ngoài ra, với 2 nòng pháo có hệ thống nạp đạn tự động hoạt động độc lập, nếu một nòng pháo gặp trục trặc thì nòng còn lại vẫn có khả năng hoạt động bình thường. 

Do thời gian sử dụng mỗi nòng pháo được chia đôi, độ bền của chúng cũng tăng gấp đôi và ít yêu cầu bảo dưỡng, thay thế khi thực chiến. Điều này giúp giảm kíp vận hành của Koalitsiya-SV xuống chỉ có 2 người.

Pháo tự hành Koalitsiya-SV trong xưởng chế tạo.

Hệ thống nạp đạn tự động thông minh của khẩu pháo này cho phép chọn loại đạn (đạn trái phá, đạn cháy hay đạn khói) trong thời gian cực ngắn. Ngoài ra, hệ thống này có thể nạp đạn ở bất kỳ góc bắn nào và giúp khẩu pháo có tốc độ bắn duy trì lên đến 16 phát/ phút, nhanh hơn rất nhiều so với pháo tiêu chuẩn như MSTA-S (6-8 phát/phút), M-109A6 của Mỹ (4 phát/phút); AS-90 của Anh (6 phát/phút) hay Pzh-2000 của Đức (10 - 13 phát/ phút). Thậm chí, nếu sử dụng loại đạn dẫn đường Krasnopol, khẩu pháo này có thể tiêu diệt hai mục tiêu cùng lúc ở hai phía khác nhau.

Thời vang bóng
Tuy hiện đại nhưng Msta-S chưa trải qua thực chiến nhiều. Nếu nói đến chiến tích của pháo tự hành Nga, phải kể tới những loại pháo tự hành đời trước như 2S1 Gvodzika (“Hoa cẩm chướng”), 2S3 Akatsiya (“Hoa keo”) hay 2S4 Tyulpan (“Hoa uất kim hương”, hay "Hoa Tuy líp"). Các mẫu pháo này đều được giới quân sự Liên Xô đánh giá cao trên chiến trường Afghanistan những năm 1980, nhờ khả năng bắn phá hiệu quả các mục tiêu ẩn nấp trên cao hoặc trú ẩn trong hang động, một chiến thuật điển hình của du kích Mujahideen.

2S4 Tyulpan ở tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Lịch sử cuộc chiến Afghanistan ghi nhận, vào tháng 6/1985,  ở thung lũng Pandshir, dưới sự chỉ huy của thượng úy A. Beletskyi, một chiếc 2S4 đã nã liền 12 phát đạn, diệt gọn 1 đồn trú ẩn của lực lượng Mujahideen dưới quyền Ahmed Shah Masood, người sau này là lãnh đạo lĩnh liên minh phương Bắc trong cuộc nội chiến với Taliban. Còn 2S1 Gvodzika, với khả năng định sẵn 2 tầm bắn rất linh hoạt, có thể nhanh chóng bắn đuổi các mục tiêu ở khoảng cách xa nhau, thích hợp trong các cuộc truy quét phiến quân. 

Pháo tự hành 2S1 Gvodzika trong biên chế Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Từ cuối những năm 1970, trong xu thế cơ giới hóa bộ binh, Quân đội Nhân dân Việt Nam có biên chế các pháo tự hành 2S1 Gvodzika và 2S3 Akatsiya nhập khẩu từ Liên Xô. Với thiết kế kết hợp giữa pháo 122mm với khung gầm xe chiến đấu đa nhiệm MT-LB, đặc biệt với bánh xích rộng, Gvodzika có thể di chuyển hiệu quả trên khu vực lầy lội, rất thích hợp với địa hình ở Việt Nam, nhất là đồng bằng Nam bộ.


Kỳ 4: Cuộc đua "tam mã"


Biến cũ thành mới Nếu pháo phản lực Mỹ có chỗ đứng vững chắc trong quân đội của các đồng minh Tây Âu thì pháo tự hành của nước không những chẳng tạo dấu ấn nào mà còn có nguy cơ bị loại bỏ dần. Ngày nay, trong biên chế pháo binh Lục quân Mỹ chỉ duy trì một loại pháo tự hành là M109A6 Paladin, được thiết kết dựa vào mẫu M109 ra đời từ những năm 1960.

Mỹ đã cố gắng trang bị cho loại pháo này nhiều thiết bị điện tử, cơ khí tiên tiến nhằm đáp ứng với tiêu chuẩn chiến tranh hiện đại. Điểm cải tiến chính gồm: gia cố giáp bảo vệ, thiết kế lại việc bố trí trong khoang chứa đạn, khoang động cơ, khoang lái nhằm bảo vệ tối đa sự sống còn của pháo thủ. Ngoài ra, M109A6 còn được lắp hệ thống điều khiển hỏa lực mới, tự động hóa cao cùng máy tính đường đạn có sự hỗ trợ hệ thống dẫn đường định vị vệ tinh. 

Về hỏa lực, M109A6 sử dụng pháo M284 cỡ 155mm, kết hợp máy nạp đạn bán tự động giúp tốc độ bắn. Nhờ những cố gắng kể trên, M109A6 mới được coi “bằng bạn bằng bè” dù nhiều thông số không bằng pháo tự hành của nước khác.
Pháo tự hành M109A6 hành tiến.

M109 đời đầu có lượng đạn dự trữ khoảng 30 viên, M109A6 cải thiện hơn với 36-39 viên, nhưng con số này thấp hơn rất nhiều so với pháo tự hành Msta-S của Nga hay PzH 2000 của Đức. Pháo 155mm kết hợp thiết bị nạp đạn bán tự động chỉ cho phép tốc độ bắn 4 phát/phút, chậm hơn tốc độ trung bình của pháo tự hành ngày nay là 6-8 phát/phút. 

Tầm bắn của pháo M284 dùng đạn tiêu chuẩn chỉ đạt 24,7km trong khi pháo Nga hoặc Đức đã đạt tới 30km và hơn nữa. M109A6 phải dùng đạn tăng tầm hoặc đạn tự dẫn chính xác cao Excalibur mới đạt được cự ly bắn 30-40km. Vì những lý do trên, các nước đồng minh thân cận Tây Âu không hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực pháo tự hành và có những thiết kế bỏ xa M109A6.

“Tiền bối” của M109A6 là pháo tự hành M109A1 từng tham gia vào chiến tranh Việt Nam cùng với pháo tự hành hạng nhẹ M108 105mm và M107 175mm. Sau Hiệp định Paris, toàn bộ lính Mỹ buộc phải rút khỏi miền Nam Việt Nam cùng với hầu hết khí tài quan trọng, trong đó có pháo M109. Riêng pháo tự hành M107, được để lại cho quân đội Sài Gòn sử dụng với biệt danh “Vua chiến trường”.

“Con cưng” của người Đức Sử dụng pháo phản lực Mỹ M270 trong biên chế nhưng người Đức đã loại bỏ hoàn toàn M109 và thay thế bằng “con cưng” Panzerhaubitze 2000 (PzH 2000), được phát triển từ chương trình hợp tác nghiên cứu pháo tự hành SP70 dở dang cùng với Anh và Italy. 

Được chính thức nhận vào biên chế từ cuối những năm 1990, PzH 2000 có thiết kế dựa trên khung gầm xe tăng Leopard 2A và bị pháo L52 cỡ 155mm, kết hợp thiết bị nạp đạn bán tự động kiểu ổ quay chứa 60 viên đạn cùng 228 liều phóng rời.

Tốc độ bắn tối đa của PzH 2000 khá ấn tượng 9 phát/phút. Thậm chí trong một cuộc thử nghiệm năm 1997 thì tốc độ bắn của pháo lên tới 12 phát trong 59,74 giây. PzH2000 đạt tầm bắn 30km (với đạn thường) và 40km (với đạn tăng tầm).

Pháo 155mm của PzH 2000 khai hỏa thực hiện pháo kích quân Taliban ở Afghanistan.

PzH 2000 được tự động hóa cao độ với hệ thống điều khiển hỏa lực nhận dạng và kiểm soát mục tiêu. Đặc biệt, nó cho phép thay đổi quỹ đạo bắn ở loạt tiếp theo nhằm tăng độ chụm của đạn. Nhờ vậy, PzH2000 có thể bắn liên tiếp 5 viên đạn vào cùng một mục tiêu. Việc tính toán, hiệu chỉnh bắn đều được máy tính đường đạn xử lý. 

Ngoài ra, tổ lái được bảo vệ khá tốt với hệ thống phòng chống NBC, hệ thống báo cháy, dập lửa tự động. Giáp xe chống chịu được mảnh đạn pháo, đạn súng máy đối phương.

Năm 2006, Quân đội Hà Lan đồn trú tại Afghanistan sử dụng PzH2000 để pháo kích quân Taliban rất hiệu quả. Từ đó nó thường xuyên xuất hiện trong một loạt chiến dịch lực lượng an ninh quốc tế ISAF và được mệnh danh “cánh tay dài” của lực lượng này. Với kinh nghiệm chiến trường và một số tính năng hỏa lực vượt pháo tự hành MSTA-S của Nga, có thể nói PzH 2000 hội đủ điều kiện để được xét là “chuẩn mực pháo binh hiện đại”.

Dù là đồng minh rất thân cận của Mỹ ở Tây Âu, nhưng Anh cũng mạnh dạn cho nghỉ hưu toàn bộ M109 và thay thế bằng pháo tự hành AS-90, có cùng nguồn gốc với PzH 2000 từ chương trình hợp tác SP-70. Tuy nhiên, AS-90 không có được sức mạnh như “người anh em” ở nước Đức. Pháo sử dụng nòng L39 cỡ 15mm cùng thiết bị nạp đạn bán tự động cho phép đạt tốc độ bắn 6 phát/phút. Tầm bắn tối đa 24,7km (đạn thường) hoặc 30km dùng đạn tăng tầm, không hơn so với M109A6 Paladin.

Pháo tự hành bánh lốp Châu Âu còn có một nước khác sở hữu pháo tự hành có uy lực không thua kém. Đó là pháo thế hệ mới Archer FH77 BW L52 do Thụy Điển phát triển. 

Điểm nhấn trong thiết kế của Archer là pháo được đặt trên khung gầm xe vận tải bánh hơi. Đây cũng là xu hướng đang phát triển mạnh trên thế giới gần đây, cuốn hút  một số quốc gia như Pháp, Israel, Trung Quốc tham gia.

Pháo tự hành bánh lốp Archer của Thụy Điển.

Việc dùng xe bánh lốp có tính kinh tế, tiết kiệm, dễ bảo dưỡng, sửa chữa. Đặc biệt, nó đem lại khả năng cơ động cao. Hệ thống Archer dùng xe vận tải bánh hơi Volvo 6x6 cho phép vượt địa hình tuyết dày 100cm, tốc độ tối đa 70km/h trên đường bằng phẳng, nhanh hơn tốc độ của pháo tự hành bánh xích (60-65km/h).

Archer lắp pháo 155mm FH 77B đạt tầm bắn tối đa 30km với đạn tiêu chuẩn và 60km với đạn tăng tầm tự dẫn.

Archer cũng được trang bị hệ thống kiểm soát hỏa lực tự động cùng máy tính đường đạn xử lý, tính toán, kết hợp thiết bị nạp tự động nên tốc độ bắn nhanh 8-9 phát/phút, ngang ngửa tốc độ bắn trung bình của PzH 2000. Việc điều khiển bắn được thực hiện từ trong cabin xe.

Ảnh phụ chú: 
Pháo tự hành M109 khai hỏa trong đêm, quầng lửa khi đạn bắn tỏa ra sáng rực.
Pháo tự hành AS-90 của Quân đội Anh tại Iraq.
Chuyện kể rằng, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975, khi thu được M107, bộ đội ta đã dùng ngay pháo này. Địch nghe thấy tiếng pháo M107 tự bảo nhau là “vua đi vi hành” nên càng hoang mang và nhanh chóng tan rã. Ngày nay, ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đang trưng bày một chiếc M107, trên nòng pháo vẫn còn sơn dòng chữ “Sấm sét, vua chiến trường”.


Kỳ 5: Pháo binh của tương lai

Xa và mạnh Pháo binh ngày nay được ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao tầm bắn và uy lực của quả đạn. Để vươn dài tấm bắn, các nhà kỹ thuật quân sự thường tìm cách kéo dài nòng pháo để lợi dụng hiệu suất của thuốc phóng cao nhất. Nhưng đổi lại, pháo cồng kềnh, cơ động kém. 

Trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ dùng pháo tự hành M107 lắp pháo nòng dài 175mm có trọng lượng gần 30 tấn, tuy bắn xa 34km nhưng độ chính xác thấp, tốc độ bắn nhanh nhất... 1 phát/phút.
 
Vì thế, dùng đạn tăng tầm (có động cơ rocket phụ trợ) đang là giải pháp tối ưu để “vươn dài cánh tay” pháo binh. Đạn loại này có cấu tạo đạn pháo gắn động cơ rocket phụ. Khi đạn rời nòng, động cơ được kích hoạt nhờ thiết bị đánh lửa trong vỏ đạn.
"Đạn con" M77 của đạn rocket M26 dùng cho pháo phản lực M270.
Thiết kế này mang lại hiệu quả rõ rệt, như pháo kéo M119A1 105mm của Mỹ nếu dùng đạn tăng tầm M913 sẽ nâng tầm bắn từ 13-14km tới 19,5km, hay pháo M46 130mm của Nga, từ 27km lên tới 38km. Ngoài ra, Mỹ còn phát triển đạn “Base – Bleed” (trích khí đáy), tăng tầm bắn nhờ bộ phận sinh khí nhỏ gắn sau đuôi đạn pháo, xóa bỏ khoảng chân không được tạo ra phía đuôi khi đạn bay, từ đó giảm sức cản đạn. 

Việc tăng sức công phá của đạn cũng được chú trọng. Ngoài các loại đạn truyền thống (đạn nổ mạnh, đạn nổ lõm, đạn tạo mảnh), ngày nay còn có đạn “đặc biệt” có sức sát thương khủng khiếp. Đầu tiên phải kể tới đạn DPICM (đạn pháo thông thường lưỡng dụng cải tiến), chứa bên trong nhiều “đạn con”, khi bắn tới mục tiêu đạn mẹ được kích nổ ở độ cao định sẵn, bung đạn con phủ lên khu vực rộng, chuyên sử dụng để tiến công sát thương các mục tiêu phân bố trên diện tích lớn.

Đạn “có mắt” Việc nâng tầm bắn cho đạn cũng đặt ra yêu cầu về tính chính xác của mỗi phát bắn. Do đó, các nhà thiết kế đã ứng dụng công nghệ laser để dẫn bắn nhằm đạt hiệu suất trúng đích. 

Theo đó, đạn pháo ngày nay thường được thiết kế thêm cánh lái ở đuôi và đầu tự dẫn laser bán chủ động. Khi tác xạ, các phương tiện trinh sát như UAV hay thiết bị chỉ thị mặt đất sẽ chiếu laser vào mục tiêu, đầu tự dẫn của đạn sẽ thu phần năng lượng bức xạ thứ cấp dội lại, xử lý thành tín hiệu điều khiển cánh đuôi điều chỉnh hướng bay của đạn tới vào mục tiêu. 

Đi đầu trong lĩnh vực này, Nga - Mỹ với 2 kiểu đạn 155mm Krasnopol và M172 Copperhead, trang bị cho pháo xe kéo và pháo tự hành. Đặc biệt, đạn dẫn bằng laser M172 đã chứng minh sức mạnh trên chiến trường Iraq 1991 và 2003. Tuy nhiên, phương pháp dẫn bằng laser không hiệu quả trong điều kiện mục tiêu bị che phủ (mây, sương mù, khói).
Pháo kéo M198 bắn đạn tự dẫn laser M172.
Do đó, sự phát triển của hệ thống định vị GPS tiếp tục hoàn thiện khả năng chính xác của đạn pháo tự dẫn. Theo đó, tọa độ mục tiêu được xác định trước khi bắn, hệ dẫn đường của đạn sẽ cập nhật thông tin từ vệ tinh về mục tiêu trên đường bay. Mỹ là một trong những quốc gia đầu tiên đưa vào sử dụng đạn GPS M982 Excalibur cỡ 155mm với độ sai lệch 10m ở tầm bắn 30km. 

Ngoài 2 loại kiểu tự dẫn trên, còn có loại đạn “bắn và quên” – đạn sensor SADARM, thường chứa 2-3 liều nổ lõm gắn sensor radar sóng mm hoặc hồng ngoại. Khi bắn, đạn bay theo quán tính đến cự ly định sẵn, 2 liều nổ lõm tách ra bung dù hãm tốc. Ở trên không, sensor của đạn tự quét và phát hiện mục tiêu, sau đó, kích nổ tạo luồng xuyên đánh từ trên không xuống xuyên thủng giáp tăng. 
Pháo năng lượng cao Cùng với những cải tiến về đạn, các nhà chế tạo vũ khí còn tính đến việc ứng dụng năng lượng mật độ cao trong phát triển pháo mới, có uy lực khủng khiếp. Trong đó, Mỹ đang theo đuổi dự án về pháo điện từ, hoạt động theo định luật Lorentz, vẫn được biết đến trong kiến thức vật lý phổ thông là “quy tắc bàn tay phải”. 

Theo đó, nòng pháo bao gồm 2 bộ phận chính: phần cảm là các thanh dây dẫn tạo từ trường và phần ứng mang đầu đạn. Khi hoạt động, máy phát tạo ra dòng điện trong nòng pháo. Dòng điện đi từ thanh dẫn dương qua phần ứng và thanh dẫn âm tạo ra từ trường tương tác với dòng điện chạy qua phần ứng tạo thành lực Lorentz đẩy viên đạn ra ngoài nòng pháo với sơ tốc đầu đạn lên tới Mach 7 (nhanh gấp 7 lần so với tốc độ âm thanh). Với sơ tốc này, đạn có thể bắn xa tới 160km và hủy diệt mọi mục tiêu gặp phải.

Theo tính toán sơ bộ, dự án này của Mỹ đã ngốn hết 211 triệu USD và sẽ triển khai trong biên chế Hải quân Mỹ vào năm 2025. Nếu loại pháo này đưa vào hoạt động rộng rãi, có thể quốc tế sẽ phải xem xét lại công ước về biển, bởi khoảng cách 12 hải lý cho vùng lãnh hải không còn an toàn với các quốc gia ven biển.

Bên cạnh pháo điện từ, Mỹ còn “phiêu lưu” với dự án về vũ khí laser với tên gọi FEL (Free Electron Laser - chùm tia laser điện tử tự do) với cơ chế hủy diệt là sự kết hợp giữa cường độ ánh sáng với khả năng bắn phá của electron. 

Hiện tại, công suất của chùm tia laser điện tử mới chỉ đạt mức 14kW nhưng các nhà nghiên cứu đang tích cực làm việc để tăng lên tới 100kW. Khi đó FEL sẽ trở thành một vũ khí phòng thủ tầm gần hiệu quả. Trong một số thử nghiệm, loại vũ khí này đã bắn cháy một chiếc xuồng trên biển. Tuy nhiên, dù là pháo điện từ hay laser đều đòi hỏi một nguồn năng lượng khổng lồ và đây là bài toán hóc búa đối với nhà sản xuất vũ khí khi muốn đưa chúng ra chiến trường.


Kỳ 6: Bước tiến vượt bậc

Trong buổi trao đổi với Đất Việt về xu hướng pháo binh thế giới và tiềm lực của pháo binh Việt Nam, Đại tá Bùi Xuân Mai, người từng gắn bó với binh chủng pháo binh 25 năm, cho biết: Thời gian qua, pháo binh Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, luôn luôn là hỏa lực chính của lục quân Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

- Xin ông cho biết xu hướng phát triển của pháo binh thế giới hiện nay và trong tương lai?Xu hướng chung của thế giới hiện nay vẫn khẳng định pháo binh là hỏa lực chính của lục quân. Do đó, các nước đều thực hiện các bước hiện đại hóa lực lượng này để đáp ứng nhu cầu tác chiến hiện đại.

Trong đó, mục tiêu hàng đầu là nâng cao tầm bắn. Trên thế giới, pháo của một số nước như Mỹ, Nga, Israel, Hà Lan, Triều Tiên đã bắn rất xa, có những loại bắn tới 60km. Để đạt mục tiêu này, hiện có xu hướng thay thế liều phóng hình hạt đui rời sang hình đũa, thỏi đui liền và tiến tới sử dụng nhiên liệu lỏng. Bên cạnh đó, bán kính sát thương của đạn pháo cũng được mở rộng hơn với sức công phá mạnh.

Tác chiến hiện đại còn yêu cầu rút ngắn thời gian từ vị trí xuất phát tới vị trí triển khai đội hình chiến đấu tiến công hoặc phòng ngự. Do đó, pháo tự hành được ưu tiên sử dụng. Nhưng ngay cả pháo pháo mang vác, pháo xe kéo cũng được nghiên cứu chế tạo bằng vật liệu nano đảm bảo gọn nhẹ, cơ động cao. Ngày xưa một khẩu cối 120mm nặng tới gần 100kg thì nay trọng lượng chỉ còn khoảng 50kg, nhưng vẫn đảm bảo tầm bắn và hỏa lực như các khẩu cối cùng cỡ.

Một tiêu chí không kém phần quan trọng khác trong sử dụng pháo binh là nâng cao tính chính xác của phần tử bắn. Các nước tiên tiến có xu hướng dựa vào hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu GPS, ứng dụng CNTT trong việc đo đạc, tính toán phần tử bắn, truyền số liệu giữa đài và trận địa, sử dụng laser để dẫn đường, sửa bắn. Tiêu biểu, các nước như Anh, Mỹ, Hà Lan có giải pháp quét toàn bộ khu vực chiến trường, sau đó, số hóa bản đồ để tính toán phần tử. Cũng nhờ tin học hóa, tự động hóa cùng với vật liệu mới nên về mặt tổ chức, cho phép giảm biên chế trong đội hình khẩu đội pháo mà vẫn đảm bảo nhiệm vụ.

- Sự phát triển của pháo binh Việt Nam ngày nay có bắt kịp xu hướng của thế giới?Trong những năm qua, pháo binh Việt Nam luôn thực hiện phương châm “giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm” nhằm bảo đảm hệ số kỹ thuật và sẵn sàng chiến đấu cao. Ngoài ra, còn cải tiến, chế tạo và mua sắm pháo, đạn, trang bị khí tài hiện đại cho lực lượng pháo binh, kết hợp với việc đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến hiện đại trong tương lai.
Huấn luyện kỹ thuật sử dụng pháo ở đoàn N75. Nguồn: Báo QĐND
Chúng ta cũng mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào huấn luyện, nâng cao hiệu quả bắn. Có thể nói, Việt Nam không thua kém các nước trong việc ứng dụng CNTT để tính toán và đo đạc cho pháo binh. Nếu như trước đây, chúng ta dùng bảng logarit, thì tới giờ đã sử dụng máy tính gọn nhẹ có thể cho ra phần tử bắn, tầm hướng, lượng sửa một cách nhanh chóng, chính xác. Khi bắn cũng dùng khí tài laser để quan sát sửa bắn, đưa ra kết quả kịp thời.

Tuy việc áp dụng khoa học công nghệ vào việc tính toán phần tử bắn phải đẩy mạnh hơn nữa nhưng vẫn cần phải huấn luyện các phương pháp tính toán phần tử và trinh sát truyền thống. Bởi trong tác chiến, đối phương có thể dùng thủ đoạn chế áp điện tử hoặc bom rơi đạn nổ gây hỏng hóc máy móc, đứt mạng ảnh hưởng tới hoạt động tính toán và trinh sát của ta. Vậy nên, chủ trương của chúng ta là kết hợp truyền thống với hiện đại.

- Ông có thể nói rõ hơn về sự kết hợp truyền thống với hiện đại?Ngày nay sử dụng pháo tự hành đang là một xu hướng lớn. Tuy nhiên, pháo xe kéo hoàn toàn không mất đi vị trí trong lực lượng pháo binh bởi phụ thuộc cách đánh, địa hình. Trong các điều kiện rừng núi khó khăn như của Việt Nam, pháo binh tự hành không phải hoàn toàn chiếm ưu thế. Bài học từ chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta đã sử dụng chiến thuật “đưa pháo vào gần, kéo pháo lên cao” để bắn hiệu quả. Trong kháng chiến, bộ đội của ta còn tháo cối đặt lên phao vừa bơi vừa đẩy cối qua sông di chuyển dễ dàng trong địa hình nhiều kênh rạch, sông nước. Pháo tự hành không thể làm như vậy. 

Vì vậy, việc phát triển pháo tự hành và pháo xe kéo đều nằm trong sự phát triển chung, đảm bảo tác chiến ở mọi địa hình, địa vật. Pháo tự hành thường sử dụng trong các đội hình trung – sư đoàn bộ binh cơ giới, còn pháo xe kéo hay pháo mang vác thường hay dùng cho trung – sư đoàn bộ binh, ngoài ra, còn phải kết hợp với các lực lượng pháo binh khác trong khu vực phòng thủ. Ngoài pháo binh của trên, còn có pháo binh địa phương, thậm chí, có pháo binh cấp phường, xã tạo ra lưới lửa dày đặc, nhất quán với phương châm “hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung”.

- Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, nhất là chiến tranh công nghệ cao, pháo binh Việt Nam có đảm đương được nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc?Lực lượng pháo binh thế giới ngày nay phát triển, nhiều nước tiến hành chế tạo, mua sắm phương tiện vũ khí hiện đại. Bản thân Việt Nam, sau hơn 20 năm đổi mới, có nền kinh tế phát triển, tạo điều kiện để chúng ta mua sắm cho pháo binh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc XHCN. Tuy nhiên, với chúng ta, vũ khí dù hiện đại đến đâu vẫn có điểm yếu, và đây chính là chỗ pháo binh Việt Nam phát huy sức sáng tạo để giành chiến thắng. Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống lịch sử 65 năm phát triển và trưởng thành, pháo binh Việt Nam sẽ hoàn thành được nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó, xứng đáng là hỏa lực chính của lục quân.
Lữ đoàn pháo binh 434 (Binh đoàn Cửu Long) thực hành bắn đạn thật trong diễn tập hiệp đồng. Nguồn: Báo QĐND
Ngày nay, nếu phải đối mặt với đối tượng tác chiến có khả năng cơ động cao, uy lực mạnh, tác chiến công nghệ cao thì chúng ta phân tán lực lượng, phòng tránh đánh trả, làm thất bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh, làm địch mệt mỏi, kiệt sức và thất bại bằng thế trận chiến tranh nhân dân. Điều quan trọng nhất, pháo binh Việt Nam có nghệ thuật sử dụng pháo binh ít nước khác có được.

- Ông có thể nói rõ hơn về sự sáng tạo trong sử dụng pháo binh của Việt Nam?Từ pháo đài Láng (1946), thu đông Việt Bắc (1947) đến chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), rồi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, pháo binh luôn là hỏa lực chính của lục quân. Quãng thời gian trên cũng là quá trình pháo binh Việt Nam trưởng thành, có nhiều cải tiến sáng tạo và phát triển vượt bậc. Trong trận sông Lô, khi chưa có khí tài trinh sát, chúng ta đã ngắm bắn tàu chiến Pháp qua nòng pháo. Trong trận đánh sân bay Biên Hòa, ta đã tháo nòng pháo phản lực H12, BM13, BM21 đưa sát hàng rào, bất ngờ khai hỏa làm địch không kịp trở tay. Trên thế giới chỉ có Việt Nam có nhiều loại hình bắn cối ứng dụng, bắn cối trên ghe, bắn cối không cần bàn đế. Trong việc tính toán phần tử bắn, ta đã tạo ra thước bắn biển, thước sửa bắn của riêng mình.

Tất cả những sáng tạo đó góp phần vào truyền thống vẻ vang của binh chủng, được Bác Hồ tặng cho 8 chữ vàng “Chân đồng vai sắt đánh giỏi bắn trúng”, nhiều cá nhân đơn vị được tặng thưởng được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ảnh phụ chú:
Khẩu đội 1, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Pháo binh 45 thực hành chiếm lĩnh trận địa. Nguồn: Báo QĐND
Pháo phản lực của Đoàn M68 khai hỏa. Nguồn: Báo QĐND
Bộ đội pháo binh luyện tập chuẩn bị cho Đại lễ Thăng Long. Nguồn: Báo QĐND


Nguồn BAODATVIET

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang