Chuyến thăm Ấn Độ từ 11 đến 13/10 của Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang đã thu hút sự chú ý của giới quan sát, một phần vì tầm quan trọng của quan hệ chiến lược Việt - Ấn trong bối cảnh khu vực có nhiều thách thức trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.
An ninh-quốc phòng được cho là một trong các lĩnh vực chính cho sự hợp tác song phương hiện nay và trong tương lai.
BBCVietnamese.com đã nói chuyện với hai chuyên gia về an ninh để tìm hiểu nhận định của họ về quan hệ Việt-Ấn trong chuyến đi của ông Trương Tấn Sang.
Giáo sư Bharat Karnad, Trung tâm Nghiên cứu Chính sách tại New Delhi: Việt Nam có thể được xem như tiền tuyến của Ấn Độ và do vậy, mang tầm quan trọng đặc biệt.
Việc Việt Nam cho phép hải quân Ấn Độ sử dụng cảng Nha Trang tại Biển Đông có ý nghĩa vô cùng to lớn về cả chính trị và quốc phòng. Cảng Nha Trang nằm cùng kinh độ với cảng Tam Á, căn cứ của Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc; và chắc là chính phủ Việt Nam cũng đã phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định cho hải quân Ấn Độ được tiếp cận sử dụng.
́Ít nhất, quyết định này đã đưa ra thông điệp là không phải chỉ có một nước lớn là Trung Quốc có quyền lợi tại Biển Đông, không dễ gì mà qua mặt họ, và vùng biển này chắc chắn không phải "ao nhà" của Trung Quốc.
Sự kiện xảy ra hồi tháng Bảy với tàu hải quân Ấn Độ INS Airavat (tàu này khi trên đường từ Nha Trang ra Hải Phòng đã bị Trung Quốc cảnh báo là vào vùng biển của nước họ - BBC) đã chứng tỏ hai điều. Một là Ấn Độ sẵn sàng chấp nhận rủi ro chính trị-quốc phòng để giúp Việt Nam tái khẳng định chủ quyền trong vùng biển của mình. Hai là Ấn Độ cũng sẵn sàng giúp củng cố nguyên tắc về tự do lưu thông hàng hải trong khu vực.
Hiện Delhi đang cân nhắc một cách tích cực yêu cầu cung cấp tên lửa hành trình Brahmos cho Hà Nội, và đây cũng là tín hiệu khiến Bắc Kinh sẽ phải cân nhắc lại một lần nữa chính sách biển hung hăng của mình.
Dân tộc này thông thường khẳng định uy thế về mặt tinh thần đối với dân tộc khác bằng chiến thắng trong quân sự.
Việt Nam đã từng khẳng định uy thế của mình thông qua nhiều cuộc chiến với các đối thủ không hề cân sức.
Trong vụ căng thẳng tại Biển Đông hồi mùa hè sau khi tàu Trung Quốc cắt cáp của PetroVietnam, Việt Nam đã đáp trả bằng nhiều biện pháp mạnh, trong đó có cuộc tập trận bắn đạn thật. Kết quả là Trung Quốc phải xuống thang chịu ngồi vào bàn thương thảo.
Tuy vậy, Việt Nam cũng hiểu rõ thế yếu của mình trước Trung Quốc tại Biển Đông. Ngay kể từ thời kỳ những năm 1970, Việt Nam đã phải đối diện với đe dọa của Trung Quốc ở trên biển và đã tìm cách duy trì hiện diện của nhiều hải quân các nước anh em tại đây để đối trọng với hải quân hùng hậu của Trung Quốc, từ Liên Xô tới Mỹ.
Nước Nga ngày nay không thể đóng vai trò như trông đợi, Hoa Kỳ thì không đáng tin cậy. Bởi vậy nên hy vọng của Hà Nội dường như đang đặt lên hải quân Ấn Độ.
Cần phải nói rằng không phải lãnh đạo Ấn Độ nào cũng đồng ý với quan điểm cần thúc đẩy quan hệ chiến lược với Việt Nam và tăng cường hiện diện của hải quân Ấn ở Biển Đông. Pradeep Kumar, cựu bộ trưởng quốc phòng, là một ví dụ. Ông này cho rằng nên tránh có các động thái có thể bị cho là "khiêu khích Trung Quốc".
Tuy nhiên, nếu như hiểu rằng Việt Nam là tiền tuyến của Ấn Độ trước sức mạnh của Trung Quốc, thì Delhi chắc sẽ thống nhất nay là thời điểm cần hành động.
Iskander Rehman, chuyên gia an ninh tại Quỹ Nghiên cứu Observer tại Delhi: Tôi cho rằng quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ có gốc rễ sâu xa trong lịch sử.
Có thể nói không ngoa rằng Ấn Độ, cùng với nước Nga, là các đồng minh bền bỉ và trung thành nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, quan hệ Việt-Ấn dường như chỉ dừng lại ở hai phương diện chính trị và ngoại giao. Thương mại song phương còn ít ỏi, và yếu tố an ninh trong hợp tác hai bên cũng còn hạn chế ở mức trao đổi thông tin.
Chỉ cho tới khi Ấn Độ bắt đầu chính sách "Hướng về phương Đông" thập kỷ 1990 thì quan hệ Việt-Ấn mới bắt đầu chuyển sang hợp tác chiến lược một cách thực chất.
Năm 1998, với vụ thử hạt nhân Pokhran II, chính phủ BJP của Atal Behari Vajpayee đã ra chỉ dấu cho thế giới, nhất là Trung Quốc, thấy rằng Ấn Độ đã trở thành một nước lớn với sức mạnh không thể làm ngơ.
Lúc đó Việt Nam cũng đang dần thoát khỏi cái bóng của người anh Nga Xô. Lãnh đạo Việt Nam và Ấn Độ cùng nhận thức rằng, cho dù có tiến bộ đáng kể trong quan hệ của cả hai nước với Bắc Kinh, họ vẫn cùng tương đồng về sự cần thiết phải kiềm chế Trung Quốc.
Quan hệ Việt-Ấn phát triển nhanh chóng trong nhiều mặt, như Delhi ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO và ghế ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ năm 2007, Việt Nam cũng ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an.
Thương mại hai chiều đã đạt mức hơn 2 tỷ đôla năm 2008 từ mức có 72 triệu đôla năm 1995. Các tập đoàn khổng lồ của Ấn Độ như Tata Steel và ONGC Videsh Limited bắt đầu đầu tư vào Việt Nam trong hy vọng có đối tác làm ăn mới đáng tin cậy ở Đông Nam Á.
Thế nhưng tôi cho rằng lĩnh vực gặt hái được nhiều thành công nhất trong quan hệ giữa hai nước vẫn là quân sự.
Với vị trí chiến lược ở Đông Nam Á, Việt Nam được nhiều nhà chiến lược của Ấn Độ coi là rào cản chính yếu trên con đường bành trướng về phía Nam của Trung Quốc. Nhữngngười này cũng cho rằng trong tương lai, nếu Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ Pakistan về hạt nhân và quân sự, quan hệ Việt-Ấn có thể dùng làm đối trọng cho quan hệ Trung Quốc-Pakistan.
Năm 2000, Bộ trưởng Quốc phòng George Fernandes của chính phủ BJP đã ký Biên bản Hợp tác Quốc phòng 15 điểm với Việt Nam, trong đó Ấn Độ hứa hỗ trợ Hà Nội hiện đại hóa quân đội và tăng cường hợp tác.
Ba năm sau đó, hai bên tiến thêm một bước qua sự ký kết Tuyên bố chung về Hợp tác Toàn diện. Năm 2007, một Hiệp định Hợp tác Chiến lược ra đời.
Hợp tác quốc phòng Việt -Ấn và Biển Đông
Chuyên gia an ninh Iskander Rehman: Ấn Độ đã và đang hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực hải quân nhằm phá bỏ thế độc tôn của Trung Quốc tại Biển Đông.
Một điều thú vị là không quân và hải quân Việt Nam và Ấn Độ sử dụng nhiều trang thiết bị của Nga nên dễ dàng trao đổi cho nhau. Delhi đã giúp sửa chữa và nâng cấp 125 chiến đấu cơ Mig 21. Bên cạnh việc huấn luyện thủy thủ và phi công cho Việt Nam, năm 2005 hải quân Ấn Độ đã cung cấp cho Việt Nam 150 tấn phụ tùng cho các tàu chiến hạng Petya và OSA-11.
Ấn độ cũng sẽ giúp huấn luyện thủy thủ đoàn cho các tàu ngầm mà Việt Nam đang mua từ Nga.
Năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K Anthony tuyên bố rằng hợp tác hải quân là trọng tâm trong hợp tác quốc phòng Việt-Ấn.
Hải quân Ấn Độ đã hoạt động xa bờ từ lâu, có tính chuyên nghiệp cao, và được tập trung hiện đại hóa mạnh mẽ trong hai thập niên nay.
Thêm vào đó, chính sách hàng hải của Ấn Độ đã chỉ rõ vị trí chiến lược của Biển Đông cho nên dù hiện tại hợp tác hải quân hai bên mới chỉ hạn chế trong các hoạt động tập trận chung, bảo trì và sửa chữa tàu chiến, vẫn còn nhiều tiềm năng đang chờ được khai phá.
Trong thời gian từ 5 tới 10 năm tới, các quan ngại an ninh và hải quân chính của Việt Nam và Ấn Độ sẽ còn xoay quanh hải đội tàu ngầm hùng hậu của Trung Quốc, vốn hoạt động mạnh trong các vùng biển nông gần bờ biển Trung Quốc nhưng đang muốn vươn ra xa hơn và sâu hơn.
Việt Nam và Ấn Độ cần hợp tác chặt chẽ hơn để đương đầu với thách thức này, thí dụ trong việc nghiên cứu đáy biển ở khu vực phía Nam Biển Đông.
Các hoạt động tập trận hải quân giữa hai bên cũng cần chú trọng đối phó tàu ngầm. Hai nước có thể cùng thiết lập hệ thống báo động dọc bờ biển Việt Nam và Ấn độ có thể điều chiến đấu cơ tuần tra biển tới Việt Nam nhằm không chỉ theo dõi các tuyến hàng hải quan trọng ở Biển Đông và Eo biển Malacca, mà còn để phát hiện các hoạt động tàng hình ở phía dưới.
Theo BBC
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)