Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Vai trò mới của Nhật Bản ở Biển Đông


Một thỏa thuận hợp tác quân sự giữa Nhật Bản và Philippines cho thấy hai nước này muốn đi xa hơn các quan hệ kinh tế truyền thống của mình và nâng tầm quan hệ hợp tác lên các vấn đề liên quan đến an ninh. Động thái này diễn ra khi vai trò của Nhật Bản trong an ninh khu vực dường như đang mở rộng và Tokyo, vốn đang tìm cách tạo dựng ảnh hưởng ở Đông Nam Á, có thể tính đến việc can dự lớn hơn vào các tranh chấp lãnh thổ tại biển Đông.
Trong chuyến thăm của Tổng thống Philippines Benigno Aquino III tới Nhật Bản từ ngày 25-27/9, hai nước đã ký kết một thỏa thuận hợp tác quân sự, theo đó mở rộng các cuộc tập trận hải quân chung và các cuộc đàm phán thường kỳ giữa các quan chức bảo vệ biển hai bên. Thỏa thuận này đã đưa quan hệ giữa hai nước vượt qua lĩnh vực kinh tế truyền thống và bước vào địa hạt an ninh. Ông Aquino cũng tuyên bố công khai rằng ưu tiên của chuyến thăm này là tìm kiếm sự ủng hộ của Chính phủ Nhật Bản trong tranh chấp lãnh thổ tại biển Đông.
Dù Nhật Bản tránh can dự trực tiếp vào các tranh chấp biển Đông, lợi ích của Tokyo tại vùng biển nhạy cảm này là có thực và từ lâu đời, liên quan đến những lo ngại địa lý trước mắt: khả năng tiếp cận an toàn với các hải trình qua biển Đông và với các nguồn tài nguyên mà quốc đảo này đang thiếu. Đầu năm nay, căng thẳng tại biển Đông đã tăng cao giữa Trung Quốc, Philippines và Việt Nam khi Bắc Kinh ngày càng tỏ ra xác quyết đối với các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ. Vì Nhật Bản coi việc Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng là một thách thức đối với vị trí lịch sử hùng mạnh của Tokyo ở Đông Nam Á, nên họ cũng thấy sự bá chủ của Trung Quốc ở biển Đông sẽ là một mối đe dọa đối với hải trình quan trọng cũng như vị trí chiến lược của mình. Trong bối cảnh các nước khác cũng có đòi hỏi chủ quyền tại biển Đông đang tìm kiếm các đối tác để củng cố quan điểm của mình, và khi Mỹ đã nhắc lại cam kết trong khu vực, Tokyo cũng muốn sử dụng các tranh chấp tại biển Đông để khẳng định mình ở Đông Nam Á.
Lợi ích của Nhật Bản tại Đông Nam Á
Nhật Bản đã hoạt động tích cực tại biển Đông từ khi quá trình công nghiệp hóa đòi hỏi nước này phải có các tuyến đường thương mại an toàn và tìm kiếm nguồn tài nguyên. Điều này diễn ra cùng lúc với quá trình quân sự hóa và mở rộng tầm ảnh hưởng ở ngoại biên của Nhật Bản. Nhật Bản bắt đầu khai thác ở quần đảo Trường Sa từ đầu năm 1918, sau đó chiếm quần đảo này và Hoàng Sa trong Chiến tranh Thế giới II và huy động quân đội tại châu Á -  Bình Dương.
Sau chiến tranh, chính sách của Nhật là trở thành một lãnh đạo kinh tế ở Đông Nam Á, thông qua viện trợ và đầu tư, và tạo dựng niềm tin đối với các nước trong khu vực với học thuyết quân sự hạn chế. Từ năm 1977 - 1992, viện trợ phát triển của Nhật cho các nước Đông Nam Á đã tăng từ 1,42 tỷ USD lên 50 tỷ USD. Trong thời kỳ này, Nhật Bản vẫn giữ tầm ảnh hưởng đáng kể đối với Đông Nam Á và can dự nhiều vào các vấn đề trong khu vực.
Tuy nhiên, từ những năm 1990, sự ảnh hưởng của Nhật Bản trong khu vực đã giảm mạnh vì các vấn đề kinh tế và chính trị trong nước, và những thách thức ngày càng lớn của các đối thủ trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc. Điều này không có nghĩa là biển Đông không còn quan trọng nữa đối với Nhật Bản. Nhập khẩu dầu thô và nguyên liệu đầu vào có vai trò sống còn đối với quốc gia nghèo tài nguyên và năng lượng này (sự phụ thuộc hiện nay của Nhật Bản vào nguồn dầu mỏ nước ngoài đã lên tới gần 100%, trong đó khoảng 88% nguồn cung phải đi qua biển Đông). Hơn nữa, eo biển Malacca là cửa ngõ quan trọng  để hàng hóa của Nhật Bản đến với các thị trường bên ngoài. Nhưng những hạn chế của Nhật Bản, cộng với việc Mỹ giảm quan tâm tới khu vực khu vực này, đã cho phép Trung Quốc sử dụng tầm ảnh hưởng ngày càng lớn về kinh tế và chính trị của mình để thể hiện là một sức mạnh nổi lên ở Đông Nam Á.
Những lo ngại khu vực về láng giềng
Ảnh min h họa: THX
Trong 5 năm qua, chiến lược biển xanh và sự gia tăng quân sự của Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại ở các nước Đông Nam Á về nguy cơ Trung Quốc tăng cường quân sự trên biển Đông và làm tái bùng phát căng thẳng tại khu vực biển này. Các diễn biến này đã thu hút sự chú ý của Nhật Bản, nước cho rằng thái độ xác quyết ngày càng tăng của Trung Quốc đối với các vùng biển này có thể là một mối đe dọa đối với các đường cung cấp đầu vào cho Nhật Bản. Bản thân Nhật cũng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, liên quan đến quần đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) tại biển Hoa Đông, và thường xuyên tranh cãi với Bắc Kinh về các dự án khai thác chung. Đối với Nhật Bản, việc Trung Quốc tăng cường quân sự và đòi chủ quyền ở biển Đông không chỉ cho thấy nguy cơ Trung Quốc cũng sẽ chọn cách tiếp cận tương tự với các tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản, mà còn cho thấy Trung Quốc muốn đóng một vai trò chế ngự lớn hơn nữa trong các vấn đề Đông Nam Á.
Trước đây, Nhật Bản không muốn thách thức trực tiếp Trung Quốc trên biển Đông, nhưng gần đây Tokyo đã có nhiều tiếng nói hơn trong các vấn đề khu vực, đặc biệt liên quan đến biển Đông. Từ khi căng thẳng trên biển lên cao hồi đầu năm nay, Nhật Bản đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về sự bá quyền của Trung Quốc trên biển tại các cuộc họp của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và ủng hộ việc các nước có đòi hỏi chủ quyền kêu gọi sự chú ý nhiều hơn và các vấn đề an ninh khu vực.
Nhật Bản dường như cũng đã thúc đẩy các nỗ lực gia tăng các lợi ích an ninh của Washington ở biển Đông, bằng chứng là Tokyo định tạo ra một khuôn khổ hợp tác Mỹ - Nhật với các quốc gia ASEAN nhằm gây sức ép buộc Trung Quốc tuân thủ các quy định quốc tế. Nhật Bản cũng đưa ra một sáng kiến hợp tác với Mỹ và Hàn Quốc nhằm hóa giải căng thẳng trên biển Đông, và đề xuất tiến hành các cuộc đối thoại Mỹ - Ấn Độ - Nhật Bản về các vấn đề an ninh trong khu vực. Hơn nữa, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JMSDF) đã được huy động tới biển Đông hồi đầu năm tham gia một cuộc tập trận quân sự chung quy mô nhỏ với lực lượng hải quân Mỹ và Australia ở ngoài khơi bờ biển Brunei.
Vai trò có thể thay đổi của Nhật Bản
Một số thay đổi đã khiến Nhật Bản có thể sử dụng các căng thẳng trên biển Đông để có quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc. Trước tiên, nhờ Mỹ quan tâm trở lại các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản - đồng minh lớn nhất của Mỹ trong khu vực - đã được Mỹ cổ vũ đóng một vai trò lớn hơn trong các vấn đề khu vực nhằm tạo ra đối trọng với Trung Quốc. Nhật Bản trong thập kỷ qua đã dần thoát ra khỏi chiếc ô an ninh của Mỹ và bắt đầu chịu trách nhiệm nhiều hơn về phòng thủ. Điều này, cùng với việc Trung Quốc ngày càng gia tăng sức mạnh kinh tế và hiện đại hóa quân sự và bành chướng trong khu vực, đã khiến cả Washington và Tokyo nghĩ lại về quan hệ của mình với Bắc Kinh. Lợi ích của Nhật Bản khi bảo vệ các các hải trình của mình trước sự xâm lấn của Trung Quốc đã tạo cho Tokyo thêm động lực để đóng một vai trò lớn hơn trong an ninh khu vực.
Thứ hai, Nhật Bản có thể hy vọng tiếp tục mở rộng dần dần vai trò của JMSDF trong việc giảm tính dễ bị tổn thưởng của các tuyến đường cung cấp năng lượng, cũng như đối phó với mối đe dọa chung mà Trung Quốc đặt ra - cả hai vấn đề này đều ngày càng nghiêm trọng. JMSDF được cho là nằm trong số những lực lượng hải quân tinh vi và có năng lực nhất thế giới, nhưng những ký ức từ thời Chiến tranh Thế giới II và quan niệm của mọi người về lực lượng quân đội Nhật Bản đã ngăn cản sự mở rộng này. Tuy nhiên, các quan niệm này đang có dấu hiệu thay đổi, tạo điều kiện thuận lợi hơn để Tokyo biện hộ cho việc huy động lực lượng ra nước ngoài và phục vụ các sứ mệnh nhân đạo (như đối phó với thiên tai của JMSDF sau trận động đất và sóng thần ngày 11/3). Vì vậy, thái độ công kích của Trung Quốc ở biển Đông cũng có thể giải thích cho các chiến dịch của JMSDF. Như vậy, vai trò mở rộng của JMSDF chủ yếu tập trung vào các sứ mệnh đối phó với thiên tai hay gìn giữ hòa bình, nhưng các sứ mệnh chống hải tặc ở ngoài khơi Somali và một căn cứ hải quân ở Djibouti cho thấy ý định của Tokyo gia tăng sự hiện diện hòa bình của JMSDF trên biển. Đặc biệt, hoạt động huấn luyện song phương giữa JMSDF với các nước Đông Nam Á có thể là sự bắt đầu của hành động can thiệp quân sự lớn hơn tại biển Đông.
Cuối cùng, Nhật Bản cũng đã thúc đẩy các quan hệ an ninh song phương và đa phương với các nước khác trong khu vực, với sự tham gia của Mỹ. Tokyo đã thúc đẩy hợp tác phòng thủ với các nước như Philippines và Việt Nam - cả hai đều có yêu sách chủ quyền tại biển Đông - và Ấn Độ, nước có một lợi ích chiến lược trong việc ngăn cản Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng. Một số hội nghị cấp cao song phương về quốc phòng và các cuộc gặp đa phương có sự tham gia của Mỹ cũng đã được đề xuất. Các quốc gia Đông Nam Á với các yêu sách lãnh thổ ở biển Đông tin rằng phối hợp với Nhật Bản có thể gia tăng vị thế của mình trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc, thu hút sự chú ý quốc tế tới các tranh chấp lãnh thổ. Hơn nữa, phối hợp với Nhật Bản là một cơ hội lớn đối với Philippines.
Dù Nhật Bản có lợi ích rõ rệt tại biển Đông trong chiến lược nhằm giành lại ảnh hưởng ở Đông Nam Á trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng khiêu khích, nhưng Tokyo dường như vẫn thận trọng nhằm tránh leo thang căng thẳng với Bắc Kinh. Chưa rõ liệu Chính phủ mới ở Nhật Bản có muốn giữ quan điểm cứng rắn với Trung Quốc trong các vấn đề biển hay không. Đến nay, Nội các mới dường như vẫn chưa có kế hoạch về bất cứ động thái lớn nào trong lĩnh vực này. Trước khi tiến một bước lớn tới việc xác định lại vai trò của mình ở Đông Nam Á, Tokyo có lẽ phải tạo được thiện chí chính trị và phù hợp với chiến lược lớn hơn của Mỹ cho khu vực này./.
Châu Giang dịch từ Gtratfor Global Intelligence

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang