Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

Những cố gắng mới để giải quyết vấn đề biển đảo


Trung Quốc và Việt Nam đang thể hiện những nỗ lực mới để thoả thuận cùng nhau về quy tắc ứng xử trên biển Nam Trung Hoa-Biển Đông. Ngày 11 tháng Mười sẽ  bắt đầu chuyến thăm chính thức năm ngày của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đến CHND Trung Hoa. Từ cuộc gặp cấp cao tại Bắc Kinh, người ta trông đợi những giải pháp mới tháo gỡ cuộc tranh chấp về chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa (Nam Sa theo TQ) và quần đảo Hoàng Sa (Tây Sa theo TQ).
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh sự bất bình mạnh của Hà Nội sau khi tàu nghiên cứu địa chất của Trung Quốc tiến hành khảo sát trong khu vực tranh chấp. Cuộc tranh cãi về lãnh thổ nghiêm trọng đến mức gần như biến thành đối đầu quân sự công nhiên. Đồng thời với việc ráo riết triển khai hoạt động trên biển, phía Trung Quốc đã gia tăng điều động các đơn vị quân đội và thiết bị quân sự, bao gồm cả xe tăng, tập trung trên vùng biên giới giáp Việt Nam. Bắc Kinh tuyên bố rằng đó chỉ là hoạt động thao diễn thường kỳ, nhưng Hà Nội không chấp nhận kiểu lý giải như vậy. Không loại trừ rằng trong quá trình hội đàm thượng đỉnh, Việt Nam sẽ đòi hỏi từ phía Trung Quốc lời bảo đảm vững chắc rằng những hành động khiêu khích tương tự sẽ không tái diễn. Về phần mình, Trung Quốc có thể  phô trương thái độ không hài lòng đối với những  cuộc biểu tình quần chúng tại Việt Nam, trong tương quan xảy ra những vụ việc thực tế khi tàu chiến Trung Quốc phá hoại tàu đánh cá và tàu khoa học của Việt Nam. Những cuộc biểu tình nêu khẩu hiệu chống Trung Quốc đã diễn ra hồi mùa hè này tại Hà Nội cũng như các  thành phố khác, và tiếp nối suốt hơn một tháng. Như vậy là trước hội nghị thượng đỉnh tại Bắc Kinh dồn đọng một bầu không khí nặng nề, -  chuyên viên Dmitry Mosyakov từ Viện Phương Đông học (Viện Hàn lâm khoa học Nga) nhận xét.
 “Theo tuyến quốc gia, tình hình vẫn rất căng thẳng. Thêm vào đó, giao lưu thương mại với Trung Quốc tại Việt Nam có thâm hụt đáng kể, và trên vùng biên giới vẫn là tình trạng mập mờ không rõ ràng. Trong khi đó, ở một mức độ lớn, có hy vọng là mối liên hệ giữa các đảng Cộng sản sẽ giúp giải quyết vướng mắc và tìm thấy sự nhân nhượng. Yếu tố gần gũi về ý thức hệ có ý nghĩa hoàn toàn thực tế. Chuyến thăm của vị lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đến Trung Quốc cần có tác dụng đảo chiều xoa dịu cuộc xung đột gay gắt. Tuy nhiên, khó mong đợi những chuyển biến lớn lao nghiêm túc từ sau chuyến thăm này. Các bên  hẳn vẫn không từ bỏ tham vọng của mình cũng như  quyền lợi với các đảo trong vùng biển Nam Trung Hoa-Biển Đông”.
Trên bình diện này, cùng với cuộc hội đàm thượng đỉnh Trung-Việt tại Bắc Kinh, dư luận cũng đặc biệt chú ý theo dõi diễn biến ở Philippines, Malaysia, Brunei cũng như ở  Đài Loan. Tại đó cũng nêu quan điểm riêng về quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Không thể không tính đến một đấu thủ nữa trong tổ hợp chính trị phức tạp này là Hoa Kỳ, - chuyên viên Evgeni Kobelev đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông (Viện Hàn lâm khoa học Nga) nhận định.
 “Sau khi bùng phát vấn đề biển Nam Trung Hoa-biển Đông, hơn bao giờ hết Việt Nam thể hiện sự quan tâm để làm sao tranh thủ được càng nhiều đối tác ủng hộ mình trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc. Trong số những đối tác như vậy, có cả một đồng minh mạnh là Hoa Kỳ, ngày càng tỏ rõ thái độ đứng về phía Việt Nam. Dễ thấy là khu vực biển-đảo tranh chấp cũng bao hàm lợi ích chiến lược đối với Hoa Kỳ. Washington muốn để không một quốc gia nào, kể cả Trung Quốc, chiếm giữ biển Nam Trung Hoa-Biển Đông như là vùng chủ quyền riêng. Thế mà một năm trước đây, Trung Quốc đã tự ý phân định rằng gần 2/3 diện tích vùng biển này là lãnh thổ quốc gia của họ. Đối với người Mỹ, điều đó là không thể chấp nhận”.
Theo kết quả hội nghị thượng đỉnh, chắc là hai bên Trung Quốc và Việt Nam sẽ xác nhận ý định giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở biển Nam Trung Hoa-Biển Đông một cách hòa bình. Và có lẽ Bắc Kinh và Hà Nội cũng sẽ từ chối vai trò trung gian hòa giải của những nước không trực tiếp dự phần vào cuộc xung đột này.
Trong khi đó, nếu vẫn chỉ là tái khẳng định lập trường đã nêu, thì rõ ràng không đủ để tránh khỏi vòng căng thẳng mới trong việc phân chia chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa (Theo Trung Quốc là Nam Sa) và quần đảo Hoàng Sa (TQ là Tây Sa). Nhu cầu bức thiết ngày càng tăng của nền kinh tế châu Á đang phát triển chắc sẽ thúc đẩy làm bùng lên hơn nữa cuộc tranh chấp lãnh thổ vốn gay gắt từ lâu.
Đài Tiếng Nói Nước Nga

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang