Với chiến thuật phù hợp thì các lực lượng không có tàu to, súng lớn vẫn có thể chiến thắng những đối thủ với khí tài vượt trội.
Trên chiến trường, không phải lúc nào các lực lượng lớn với nhiều khí tài vượt trội cũng luôn giành ưu thế. Một nguyên tắc cơ bản là mỗi lực lượng quân sự luôn có những điểm mạnh yếu khác nhau, bên nào khai thác hiệu quả các điểm này thì sẽ có nhiều cơ hội chiến thắng. Với các trận hải chiến cũng vậy, nếu có chiến thuật phù hợp thì vẫn có thể giành chiến thắng dù vũ khí không bằng đối phương.
Hải chiến Thuận An 1643
Theo các sách Những vấn đề lịch sử triều Nguyễn (NXB Văn hóa Sài Gòn) và Đại Nam thực lục (NXB Giáo dục), hải quân của chúa Nguyễn ở Đàng Trong từng chiến thắng oanh liệt trước lực lượng tàu chiến hiện đại của Công ty Đông Ấn Hà Lan.
Bắt đầu từ năm 1641, tàu chiến của Hà Lan liên tục cướp phá, quấy rối và hăm he tấn công Đàng Trong. Tháng 5.1642, Công ty Đông Ấn Hà Lan cử nhiều tàu chiến “khủng” đi lùng bắt dân chúng, cướp bóc, đốt phá ở khu vực duyên hải miền Trung hiện nay. Tháng 7.1643, 3 tàu chiến Hà Lan tiến vào cửa Thuận An, thuộc Thừa Thiên – Huế ngày nay. Đây đều là những tàu lớn, có lực lượng binh lính được chọn lọc kỹ càng và trang bị đại bác có sức công phá mạnh. Để đối phó, Chúa Nguyễn Phúc Lan tập trung quần thần lấy ý kiến. Khi hỏi một người Hà Lan đang giúp việc, người này đã dương dương tự đắc rằng: “Tàu Hà Lan chỉ sợ mãnh lực và quân đội của trời thôi”. Câu trả lời này khiến Chúa Nguyễn Phúc Lan cảm thấy bị xúc phạm và ông quyết định tự mình thân chinh, cùng con trai là Thế tử Nguyễn Phúc Tần, tiến đánh 3 tàu chiến Hà Lan ở cửa Thuận An.
Lực lượng hải quân của Đàng Trong di chuyển trên các thuyền nhỏ nên tính cơ động cao, nhanh nhẹn, dễ dàng tiếp cận tàu địch. Các thuyền Đàng Trong đã bao vây, tấn công quyết liệt vào tàu chiến Hà Lan, mặc dù một số thuyền bị trúng đạn đại bác. Kết quả, cả 3 tàu chiến của Công ty Đông Ấn Hà Lan đều thua tan tác, chiếc thì nổ tung, chiếc thì bị chìm và chỉ có một chiếc chạy thoát. Từ đó về sau, Công ty Đông Ấn Hà Lan không còn dám cử tàu chiến bén mảng đến Đàng Trong. Đó là lần đầu tiên thủy quân Việt Nam đánh thắng một lực lượng thủy quân từ châu Âu.
Nhỏ vẫn hiệu quả
Với các nước mà lực lượng hải quân đóng vai trò phòng thủ, bảo vệ chủ quyền chứ không nhằm bành trướng, tấn công các nước khác, thì việc sở hữu tàu chiến lớn không quá cần thiết. Ngược lại, các tàu chiến nhỏ với khả năng tác chiến linh hoạt sẽ là những khí tài hữu hiệu, có nhiều ưu thế nhất định trước các tàu chiến lớn. Cho nên, các tàu khu trục nhỏ, tàu hộ tống cũng đủ sức bảo vệ chủ quyền.
Điển hình như tàu hộ tống lớp Gepard 3.9 với độ rẽ nước tiêu chuẩn 1.500 tấn có tốc độ di chuyển lên đến 28 hải lý/giờ (tương đương 50 km/giờ), theo website Russian-ships.info. Gepard 3.9 được trang bị tổng cộng 8 ống phóng tên lửa chống tàu, 1 ống phóng tên lửa đối không, 1 bệ 12 ống phóng tên lửa chống ngầm, 4 ống phóng ngư lôi, súng pháo, súng máy. Tàu hộ tống Gepard 3.9 còn có bãi đáp trực thăng chiến đấu. Với trang bị đó, tàu hộ tống Gepard 3.9 đủ sức tác chiến chống lại máy bay, tàu nổi, tàu ngầm không thua kém các tàu khu trục lớn.
Tất nhiên, các tàu khu trục lớn, tàu tuần dương có lợi thế với các hệ thống tên lửa tầm xa. Tuy nhiên, với các nước có bờ biển dài thì các hệ thống tên lửa trên bộ đủ tầm tác chiến chống lại các khu trục hạm lớn của đối phương xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của mình. Như vậy, các tàu chiến nhỏ phối hợp cùng hệ thống tác chiến trên bờ sẽ vẫn đủ sức đảm bảo nhiệm vụ phòng thủ mà không lo ngại các lực lượng hải quân hùng mạnh.
Ngô Minh Trí
Theo Thanhnien
Theo Thanhnien
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)