Blog BBC Vietnamese homepage
Giáo sư Nguyễn Phú Trọng, người ở cương vị Tổng Bí Thư Đảng cầm quyền ở Việt Nam đã dẫn một phái đoàn đông kỷ lục gồm cả ba ủy viên Bộ Chính trị, bảy bộ trưởng của Việt Nam sang Trung Quốc.
Nền chính trị Trung Hoa luôn trọng các con số to nên đội hình Việt Nam chắc có mục tiêu đáp ứng nhu cầu đó.
Nhưng con số cũng đóng vai trò quan trọng ở góc độ các nước tham gia vào chủ đề Biển Đông ngày càng nhiều đã tạo đà cho Việt Nam nói chuyện lại với Trung Quốc.
Chuyến đi cho thấy xu hướng đa phương đã thắng cách nhìn song phương cho vùng biển quốc tế này.
Rộng hơn, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nêu kiến nghị cho quan hệ Trung - Việt "tăng cường trao đổi và điều phối trong các cơ chế đa phương", một điểm thừa nhận Trung Quốc dù vươn lên mạnh mẽ cũng không thể đứng riêng một cực.
Thời gian qua, các bước đi của Trung Quốc ở Bắc Phi cho thấy một cách tiếp cận thực tiễn hơn trước.
Đài Trung Quốc (CRI) cũng trích lời TBT Nguyễn Phú Trọng nói cách giải quyết vấn đề trên biển, "không để cho vấn đề ảnh hưởng đến tình cảm của nhân dân hai nước", chứng tỏ thái độ người dân bày tỏ trên mạng và trên đường phố được ghi nhận.
Năng lực cầm quyền
Nhưng nói về ngoại giao thì cũng phải nói về nội trị ở cả hai nước.
Ông Ngô Bang Quốc nói với ông Nguyễn Phú Trọng về chuyện "cùng nhau nâng cao năng lực và trình độ cầm quyền của Đảng Cộng sản".
Rõ ràng là ngay tại Trung Quốc hiện nay, một luồng dư luận công khai đang đòi hỏi nhà chức trách thay đổi cách điều hành đất nước.
Và họ công khai nói về chuyện đó.
Tờ China Daily bản tiếng Anh phát không ở châu Âu tuần này nhắc đến dự án công ty Trung Quốc xây đập Myitsone bị Miến Điện ngưng.
Trong bối cảnh đó, công trình Trung Quốc xây đường xe điện trên cao cho Hà Nội quả là món quà vui Giáo sư Trọng mang sang Bắc Kinh.
Nhưng khi nghe tin đó, một người bạn từ BBC Tiếng Trung đùa với tôi: "Nhắn phía Việt Nam cẩn thận kẻo bị sập".
Không phải các nhà báo BBC bi quan về hợp tác Trung - Việt mà chính ở Trung Quốc hiện nay đang có không ít người lo ngại về các dự án chạy theo thành tích, bỏ qua chất lượng và an toàn.
Dư luận Trung Quốc đang chuyển biến mạnh sau vụ tàu cao tốc đâm nhau ở Ôn Châu hồi tháng 7, làm chết 40 người.
Họ đang muốn đánh giá lại những gì thực sự đạt được trong 3, 5 hay 10 năm qua, hay chỉ "giả vờ đạt được", theo ông Edward Tse, tác giả cuốn 'The China Strategy', được trích đăng trên China Daily.
Trên tờ Caixin thì có dòng tít lớn "Cracking China's Image" (Hình ảnh Trung Quốc vỡ nát) trên trang bìa và bài bên trong nói về các dự án thua lỗ tỷ USD mà các đại tập đoàn Trung Quốc khi tung ra làm ăn ở Hoa Kỳ, Úc, Singapore, Hàn Quốc, Pháp, Bỉ và Ba Lan.
Điều này cho thấy cách điều hành nền kinh tế của Trung Quốc đúng là cần "nâng cao năng lực" như ông Ngô Bang Quốc nói.
Mặt khác, đây cũng là ví dụ rằng truyền thông Trung Quốc không chỉ mạnh mẽ khi nói về chủ quyền biển đảo mà còn thẳng cánh phê phán các vấn đề nội bộ của họ.
Phái đoàn Việt Nam gồm cả Trưởng ban Tuyên giáo Đinh Thế Huynh chắc sẽ ghi nhận tinh thần cởi mở này để nghĩ lại về không gian họ dành cho báo chí Việt Nam.
Bạn thử tưởng tượng một tờ báo Việt Nam nào dám chạy tựa "Con tàu đắm Việt Nam" về vụ Vinashin.
Việt Nam tạo biến chuyển trong ngoại giao nhờ bỏ thái độ 'sợ làm Trung Quốc giận' thì phải chăng báo chí cũng cần bỏ nếp nghĩ 'viết mạnh sợ lãnh đạo phật lòng'?
Xếp từng viên gạch
Tin không vui và làm tôi suy nghĩ nhiều là trong cuộc thi World Skills 2011 ở Anh tuần qua Việt Nam không đoạt được huy chương nào mà chỉ đem về 7 chứng chỉ ở các môn Công nghệ may thời trang, Nấu ăn, Lắp cáp mạng thông tin, Điện tử, Xây gạch, Công nghệ thông tin và Thiết kế trang web.
Con số quả là rất nhỏ trên tổng số 950 chứng chỉ cấp cho 50 quốc gia tham dự Hội thi tay nghề quốc tế ở khu Excell, phía Đông London.
Đã sang thập kỷ thứ nhì của Thế kỷ 21 mà thế hệ trẻ Việt Nam chỉ được khen là khá môn 'nấu cơm, xếp gạch' thì quả là chuyện báo động, đặt câu hỏi mục tiêu hiện đại hóa đến 2020 có còn chắc trong tay?
Ngoài ra, số huy chương cho các bạn trẻ từ Đài Loan, Hong Kong, Singapore, Macao nhiều hơn hẳn Trung Quốc lục địa, và một huy chương đồng cho Nguyễn rơi vào tay Paul Nguyen từ Pháp là bằng chứng rằng nguồn gốc không quan trọng bằng môi trường giáo dục khuyến khích sáng tạo.
Câu hỏi là làm gì để cải tổ nếu năng lực cầm quyền của Đảng và kỹ năng lao động của Dân ở Việt Nam đều cần nâng cao?
Để đất nước đi lên, bên cạnh hy vọng rằng Đảng sẽ mở rộng tầm nhìn, thông thoáng cơ chế hơn, trí thức và xã hội cũng cần chủ động tiến bước, từng bước nhỏ sẽ thành bước lớn.
Chính phủ Việt Nam đã và đang ký đối tác chiến lược với một loạt nước.
Nhưng điều rất cần là Đảng và Nhà nước ký một Đối tác Chiến lược với chính Nhân dân và Xã hội Việt Nam nêu rõ các quyền và trách nhiệm của hai bên nhân đợt cải tổ hiến pháp đang diễn ra.
Một cơ hội nữa là dự án Đức giúp Việt Nam cải tổ hệ thống pháp luật nêu ra trong chuyến đi của Thủ tướng Angela Merkel sang Hà Nội tuần này.
Một cơ hội nữa là dự án Đức giúp Việt Nam cải tổ hệ thống pháp luật nêu ra trong chuyến đi của Thủ tướng Angela Merkel sang Hà Nội tuần này.
Và cũng cần hy vọng, như các điểm sáng của đối ngoại đa phương vừa qua cho thấy, Việt Nam sẽ vượt lên chính mình nếu tích hợp được các cơ hội nhỏ thành dòng sức mạnh lớn.
Không làm ngay được việc lớn, quyết liệt như Trung Quốc thì Việt Nam nên thử làm những bước nhỏ, kể cả như xếp từng viên gạch phù hợp với sức mình để đi xa hơn.
Nguồn BBC
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)