Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

Việt - Ấn: Cần đảm bảo an ninh Biển Đông


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn, an ninh và tự do hàng hải tại Biển Đông.


Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước Việt Nam tới Ấn Độ, ngày 12/10, sau lễ đón chính thức đã được tổ chức long trọng tại Phủ Tổng thống, thủ đô New Delhi, Chủ tịch nước và đoàn đã đến đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm lãnh tụ Mahatma Gandhi, hội kiến Thủ tướng Manmohan Singh.

Các nhà lãnh đạo hai nước đã trao đổi về tình hình kinh tế - xã hội mỗi nước, quan hệ song phương cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Hai bên bày tỏ hài lòng về mối quan hệ hữu nghị truyền thống hợp tác nhiều mặt và đối tác chiến lược tốt đẹp giữa Việt Nam và Ấn Độ đã được cố Thủ tướng Jawaharlal Neru và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng và các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước gìn giữ, vun đắp và ngày càng phát triển. 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Manmohan Singh nhấn mạnh việc phát triển quan hệ hai nước là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mỗi nước, là nhân tố quan trọng để đảm bảo hòa bình và ổn định khu vực. 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Manmohan Singh. Ảnh: VOV

Hai bên nhất trí thúc đẩy hơn nữa các chuyến thăm cấp cao và các cấp; tăng cường và mở rộng nội hàm của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện dựa trên các trụ cột chính là hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa và đào tạo nguồn nhân lực; nhất trí tăng cường hơn nữa phát triển hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng và an ninh.

Lãnh đạo hai nước đánh giá cao quan hệ nhiều mặt giữa Việt Nam và Ấn Độ, nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính, khoa học và công nghệ, văn hóa và mở rộng các lĩnh vực hợp tác có tiềm năng khác. Hai nước nhất trí phấn đấu nâng tổng kim ngạch thương mại song phương lên 7 tỷ USD vào năm 2015.

Về các vấn đề khu vực và quốc tế, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Manmohan Singh đánh giá cao sự hợp tác tốt đẹp giữa hai nước tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như diễn đàn ASEAN-Ấn Độ, sông Hằng-sông Mekong, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF)…, nhất trí tăng cường hơn nữa sự hợp tác và phối hợp này trong thời gian tới.

Các nhà lãnh đạo hai nước cũng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn, an ninh và tự do hàng hải tại Biển Đông. Hai bên nhất trí rằng các tranh chấp ở Biển Đông cần được các bên giải quyết thông qua đàm phán hòa bình trên cơ sở của luật pháp quốc tế trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982).

Kết thúc hội đàm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Manmohan Singh đã chứng kiến lễ ký kết 6 hiệp định và thỏa thuận hợp tác.

Trước cuộc hội đàm, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S.M. Krishna đã đến chào Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại khách sạn Taj Palace. Tại cuộc tiếp, Chủ tịch nước cảm ơn Chính phủ và nhân dân Ấn Độ đã tổ chức đón tiếp trọng thể và chu đáo cho chuyến thăm, đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Ngoại giao Ấn Độ và cá nhân Ngài Bộ trưởng đối với chuyến thăm của Đoàn nói riêng và quan hệ hai nước nói chung.

Chủ tịch nước bày tỏ hài lòng về những kết quả đạt được tại các cuộc họp Tham khảo Chính trị lần thứ 5, Đối thoại Chiến lược lần thứ 2 và Ủy ban Hỗn hợp lần thứ 14 do Bộ Ngoại giao hai nước tiến hành tại Hà Nội vừa qua.

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ bày tỏ Chính phủ và nhân dân Ấn Độ rất vinh dự được đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sang thăm lần này, bày tỏ tin tưởng chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước sẽ thành công tốt đẹp, tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước và đưa mối quan hệ đối tác chiến lược lên một tầm cao mới.

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S.M. Krishna khẳng định hai Bộ Ngoại giao sẽ tăng cường hơn nữa trong trao đổi tình hình và kinh nghiệm giải quyết các vấn đề quan trọng liên quan đến tình hình khu vực và quốc tế thông qua các chuyến thăm, cơ chế hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao và hoạt động ngoại giao cụ thể, kể cả hoạt động của Đại sứ quán hai nước, vì một nền hòa bình ổn định tại khu vực cũng như trên thế giới.
2012: Năm hữu nghị Việt - Ấn
Lãnh đạo hai nước cũng đã ký kết Tuyên bố chung Việt Nam - Ấn Độ, trong đó nêu rõ hai bên đã trao đổi quan điểm trong không khí thân mật, gần gũi và tin cậy về tất cả các lĩnh vực hợp tác song phương cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. 
Hai bên nhất trí lấy năm 2012 là năm Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ để kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ (7/1/1972 - 7/1/2012) và 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (6/7/2007 - 6/7/2012). Phía Ấn Độ cũng sẽ tổ chức “Năm Ấn Độ ở Việt Nam” trong năm 2012 với nhiều sự kiện văn hóa như biểu diễn nghệ thuật, liên hoan phim, ẩm thực và tranh ảnh ở nhiều thành phố của Việt Nam.
Hai bên đánh giá cao và nhất trí tăng cường hơn nữa các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao giữa hai nước trong thời gian tới. Hai bên lưu ý rằng tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn lớn và nhất trí tăng cường mạnh mẽ các nội hàm của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước dựa trên các trụ cột then chốt là hợp tác về chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa và đào tạo nguồn nhân lực. Hai bên cũng đánh giá cao kết quả của kỳ họp lần thứ 14 của Uỷ ban Hỗn hợp về Hợp tác Thương mại, Kinh tế và Khoa học - Kỹ thuật cấp Bộ trưởng Ngoại giao, Tham khảo chính trị lần thứ 5 và Đối thoại chiến lược lần thứ 2 cấp Thứ trưởng Ngoại giao.
Các vị lãnh đạo nhất trí làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược, tăng thêm các chương trình, dự án cụ thể và mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới, có tính đến tình hình kinh tế và chính trị đang thay đổi cả ở khu vực và quốc tế. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - thương mại - đầu tư, tài chính, khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, văn hóa, nông - ngư nghiệp - thuỷ sản…; đồng thời phấn đấu mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực giàu tiềm năng khác như khoa học - công nghệ cao, tư pháp, y tế, thông tin - truyền thông, du lịch, thể thao, báo chí và các lĩnh vực khác mà hai nước cùng quan tâm. Hai bên hài lòng với việc thành lập Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Ấn, Trung tâm Đào tạo nguồn nhân lực cao cấp về công nghệ thông tin và truyền thông (ARC-ICT) và Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây - Nam Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Việt Nam hoan nghênh việc Ấn Độ tuyên bố thành lập Trung tâm Văn hóa ở Hà Nội.
Ủng hộ mạnh mẽ chính sách hướng Đông của Ấn Độ
Hai bên hài lòng nhận thấy kim ngạch thương mại hai chiều thời gian gần đây tăng trưởng tốt và thâm hụt thương mại của Việt Nam bước đầu giảm xuống. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam. Hai bên nhất trí tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, khuyến khích hợp tác ở khu vực tư nhân. Hai bên đặt mục tiêu đạt 7 tỷ USD thương mại song phương vào năm 2015. Hai bên hoan nghênh việc Hiệp định Hàng hóa FTA ASEAN - Ấn Độ có hiệu lực và nhất trí hợp tác để sớm kết thúc Hiệp định FTA ASEAN - Ấn Độ về dịch vụ và đầu tư.
Hai bên hoan nghênh sự tăng cường hơn nữa hợp tác về quốc phòng - an ninh. Hai bên bày tỏ sự hài lòng với kết quả của cuộc họp Đối thoại an ninh Việt Nam - Ấn Độ lần thứ 6 cấp Thứ trưởng Quốc phòng, việc thiết lập cơ chế đối thoại 2 năm một lần về các vấn đề an ninh giữa Bộ Nội vụ Ấn Độ và Bộ Công an Việt Nam và nhất trí hợp tác để sớm hoàn thành Trung tâm In-đi-ra Găng-đi khôi phục dữ liệu, chứng cứ tội phạm tại Thành phố Hồ Chí Minh. Phía Việt Nam hoan nghênh đề nghị huấn luyện và nâng cao năng lực cho lực lượng công an Việt Nam.
Hai bên đánh giá cao việc ký kết Hiệp định dẫn độ tội phạm, Bản ghi nhớ về “Năm Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ 2012”, Bản ghi nhớ hợp tác giữa Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ (ONGC), Chương trình hành động 2011-2013 về nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam - Ấn Độ 2011-2014, Nghị định thư về văn hóa năm 2012 và nhất trí thúc đẩy việc đàm phán để sớm ký kết các văn bản hợp tác trên các lĩnh vực khác như đã thỏa thuận trong kỳ họp lần thứ 14 của Ủy ban hỗn hợp về hợp tác thương mại, kinh tế và khoa học - kỹ thuật. 
Phía việt Nam hoan nghênh công bố của Thủ tướng Ấn Độ tăng số học bổng ITEC từ 75 lên 150 từ năm 2012.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao sự giúp đỡ và hỗ trợ của Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Ấn Độ trong thời gian qua, coi đây là biểu hiện sinh động của mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước. Chính phủ Ấn Độ đồng ý sẽ cung cấp cho Việt Nam các khoản tín dụng mới với điều kiện thuận lợi hơn đối với các dự án về cơ sở hạ tầng, dầu khí, điện và truyền tải điện và các lĩnh vực Việt Nam có yêu cầu; trước hết xem xét dành riêng cho Việt Nam một khoản tín dụng.
Các vị lãnh đạo khẳng định lại mong muốn và quyết tâm hợp tác vì hòa bình và ổn định của khu vực và thế giới và nhất trí tăng cường hơn nữa sự hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là trong hợp tác ASEAN - Ấn Độ và sông Mekong - sông Hằng cũng như tại EAS, ASEM, ARF, WTO, Liên hợp quốc và Không liên kết. Phía Việt Nam khẳng định lại sự ủng hộ mạnh mẽ của mình đối với Chính sách hướng Đông của Ấn Độ và việc Ấn Độ tăng cường quan hệ với ASEAN. Phía Ấn Độ chúc mừng Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò chủ tịch ASEAN năm 2010, cảm ơn sự ủng hộ của Việt Nam đối với việc Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bản an Liên hợp quốc mở rộng và Dự thảo Nghị quyết ngắn của G-4 về cải tổ Liên hợp quốc.
Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và việc đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở biển cả. Hai bên nhất trí cho rằng tranh chấp trên Biển Đông cần được các bên liên quan giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002.
Hai bên nhất trí gia tăng hợp tác trong lĩnh vực tăng cường năng lực, giúp đỡ kỹ thuật và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan liên quan của hai nước nhằm đảm bảo an ninh hàng hải, trong đó có việc chống cướp biển, ngăn chặn ô nhiễm và tìm kiếm cứu hộ v.v... trên biển.
H.Anh
Theo VIETNAMNET

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang