Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2011

MiG-35 và tương lai mờ mịt

Hậu duệ của tiêm kích lừng danh MiG-29 đang phải đối mặt với một tương lai vô cùng ảm đạm.

Những năm chiến tranh lạnh, MiG-29 có thể nói là “ông hoàng” của bầu trời, vượt trội so với các tiêm kích cùng thời như F-16, F-15, F-18. Khi đó, MiG-29 được xem là biểu tượng sức mạnh của Không quân Liên Xô. 

Tuy nhiên, sau khi Liên Xô sụp đổ, số phận MiG-29 bị “tuột dốc không phanh”, nhanh chóng rớt hạng và tỏ ra lạc hậu so với các biến thể nâng cấp như F-16C/D, F-15E, F/A-18E/F Super Hornet của Mỹ.  Ngay trong nước, MiG-29 cũng trở nên yếu thế so với Su-30 và gần đây nhất là Su-35. 

Bên cạnh đó, nhà sản xuất Mikoyan không còn nhận được sự ưu ái của quân đội như trước, thua kém Sukhoi cả trong nước và xuất khẩu. Không quân nhiều nước trên thế giới tỏ ra “ngán ngẩm” với phi đội MiG-29 trong biên chế. Sự lạc hậu về công nghệ, ngốn nhiều nhiên liệu, chi phí bảo dưỡng cao, phụ tùng thay thế đắt đỏ và hiếm hoi... là những lý do MiG-29 bị “bán tháo”.


Hoài bão đặt lên vai MiG-35
Nhằm khẳng định tên tuổi hãng chế tạo máy bay có bề dày truyền thống hàng đầu Liên Xô, Mikoyan cho ra đời biến thể MiG-35 với nhiều hoài bão và hy vọng, 

MiG-35 được trang bị những công nghệ hiện đại nhất mà Nga đang có, một nỗ lực lớn nhằm hồi sinh hình ảnh của dòng máy bay MiG.
Dù được đánh giá rất hiện đại, nhưng tương lai của MiG-35 vẫn giống với nguyên mẫu MiG-29.
Bộ khung MiG-35 được phát triển dựa trê thiết kế của MiG-29M, nhằm tiết kiệm chi phí, được trang bị công nghệ điện tử hàng không (avionics) mới nhất mà Nga làm chủ.

Cánh chính MiG-35 thiết kế kiểu “cánh vịt” làm nổi bật đường nét khí động học của máy bay. Cấu trúc khung và cánh máy bay được chế tạo bằng sợi cacbon và gia cố thêm bằng vật liệu composite. Diện tích phản hồi radar vì thế cũng giảm đi rất nhiều. Cùng với đó là độ bộc lộ hồng ngoại thấp, do đó, MiG-35 có khả năng thực hiện các nhiệm vụ bí mật.

Buồng lái MiG-35 thuộc kiểu “nhà kính” hiện đại, được trang bị 3 màn hình LCD kích thước 152.4x203.2 mm, thanh điều khiển HOSTA, bản đồ kỹ thuật số, mũ bảo hiểm tích hợp, hệ thống fly-by-wire hiện đại.

MiG-35 được trang bị radar quét mạng pha điện tử Zhuk-AE, cung cấp khả năng giám sát không đối không và không đối đất cùng lúc. Radar hoạt động ở băng tần X, có khả năng phát hiện máy bay ở cự ly 160km, lên đến 300km với các vật thể có kích cỡ tương đương tàu khu trục. 

Radar Zhuk-AE được hỗ trợ bởi trạm định vị quang điện tử OLS, hoạt động như đôi mắt của con người (thu nhận hình ảnh và đưa ra phân tích), có khả năng phát hiện máy bay tàng hình nhờ vào cảm biến hồng ngoại và hình ảnh mạnh mẽ.

Theo nhà sản xuất, OLS có khả năng phát hiện ra một chiếc xe tăng ở cự ly 20km và 40km đối với mục tiêu cỡ tàu thuyền. Hệ thống này tương thích với hệ thống chỉ thị mục tiêu tích hợp trên mũ bay, cho phép phi công lái MiG-35 tung ra những đòn tấn công bất ngờ khiến đối phương không kịp trở tay. Các hệ thống điện tử hiện đại trên cho phép MiG-35 tham chiến với 20 mục tiêu cùng lúc.

MiG-35 được trang bị hai động cơ RD-33MK kiểm soát lực đẩy vector với khả năng phụt chỉnh hướng, có khả năng di chuyển lên xuống 15 độ theo chiều dọc và 8 độ theo chiều ngang. Nhờ vậy, MiG-35 có khả năng cơ động cao, đặc biệt trước các tình huống rẽ đột ngột trong không chiến tầm gần. 

Động cơ RD-33MK cung cấp lực đẩy thô 88,26kN/chiếc, gần như không tỏa khói, có hệ thống che chắn hồng ngoại và quang học hiện đại, cung cấp cho MiG-35 khả năng đạt tốc độ tối đa 2.750km/giờ, tầm hoạt động trên 2.000km, 3.000km với thùng nhiên liệu phụ.
Mong ước được tiếp tục tung cánh trên bầu trời của MiG xem ra vẫn hết sức khó khăn.
Nỗ lực trong vô vọng
Dù được đánh giá là rất hiện đại, ngang ngửa thậm chí là vượt trội so với các máy bay hiện đại nhất của phương Tây như E/F-2000 Typhoon của châu Âu, Rafale của Pháp, F-15E của Mỹ ngoại trừ tiêm kích thế hệ 5. Tuy nhiên, MiG-35 vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm chỗ đứng cho riêng mình trong Không quân Nga và thị trường xuất khẩu.  Đặc biệt sau khi thất bại trong chương trình đấu thầu MMRCA của Ấn Độ, tương lai của MiG-35 còn trở nên mờ mịt hơn.

Sự thất bại của MiG-35 tại Ấn Độ được nhận định không phải là do chất lượng của máy bay không đạt yêu cầu. Điều quan trọng là Ấn Độ muốn tìm kiếm một "luồng gió mới" trong công nghệ hàng không, ngoài Nga.

Hiện tại, Bộ Quốc phòng Nga chưa công bố một cách rõ ràng về ý định của mình đối với MiG-35. Mặc dù, Bộ này từng tuyên bố không từ bỏ chương trình MiG-35 nhưng đầu tư tập trung cho chương trình PAK F/A T-50 và ưu tiên sản xuất cho Su-35.

MiG-35 nghiễm nhiên bị gạt ra khỏi bầu trời. Nếu không được Bộ Quốc phòng Nga chấp nhận sử dụng, MiG-35 gần như không có hội để tìm kiếm thị trường xuất khẩu và có thể phải đóng cửa chương trình. 

Hiện tại, Mikoyan đang sản xuất cầm chừng đơn hàng tiêm kích trên hạm MiG-29K cho Ấn Độ và Hải quân Nga. Công việc sản xuất dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2015, sau thời hạn này, nếu không nhận được đơn hàng mới, số phận của nhà chế tạo máy bay lừng danh này không biết sẽ đi đâu về đâu.
Nguồn BAODATVIET

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang