Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

Mỹ đẩy mạnh hoạt động ngoại giao tại châu Á


Sau phát biểu của Ngoại trưởng Hillary khẳng định Mỹ chuyển trọng tâm hoạt động sang châu Á, các quan chức cấp cao Mỹ đã thăm khu vực, thúc đẩy các quan hệ cụ thể.
Gần đây Mỹ tiến hành nhiều động thái ngoại giao tại châu Á, cho thấy Mỹ đang muốn tăng cường vai trò và sự hiện diện tại châu Á, đồng thời chuẩn bị cho Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN và việc Tổng thống Mỹ lần đầu tiên dự hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS).  Ba nhân vật quan trọng trong chính phủ Mỹ sang thăm châu Á: Đầu tiên là Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta thăm Indonesia, gặp gỡ những người đồng cấp ASEAN, nêu vấn đề Biển Đông, tiếp đó thăm Tokyo và Seoul. Cố vấn an ninh quốc gia Tom Donilon thăm Bắc Kinh và New Delhi, trong khi trợ lý Ngoại trưởng William Burns thăm Nhật Bản và Trung Quốc.
Mỹ tăng cường quan hệ Indonesia và can dự tại châu Á-Thái Bình Dương
Chặng ghé Bali (Indonesia) của ông Leon Panetta rất được quan tâm trong bối cảnh nhiều nước Đông Nam Á đang chờ đợi Hoa Kỳ khẳng định lập trường đối với châu Á-Thái Bình Dương và Biển Đông.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ mở đầu thăm châu Á: Chặng dừng chân Bali gặp gỡ những người đồng cấp ASEAN.
Trong quan hệ song phương Mỹ-Indonesia, sau 12 năm bị gián đoạn đã có bước đột phá vào tháng 7/2010, khi Bộ trưởng Robert Gates thông báo nối lại hợp tác với lực lượng Kopassus một cách hạn chế và dần dần từng bước. Chuyến ghé thăm Bali lần này của tân Bộ trưởng Panetta là nhằm đẩy mạnh thêm tiến trình hợp tác với quân đội của một nước được xem là thiết yếu cho chính sách châu Á của Hoa Kỳ.
Nếu hợp tác quân sự Mỹ-Indonesia trước đây chủ yếu được thực hiện ở cấp cao, thì giờ đây, công việc này có thể mở rộng xuống thành phần trực tiếp tác chiến. Hai bên sẽ tăng cường trao đổi nhân sự, chuyên gia, cũng như tổ chức thêm các cuộc tập trận hỗn hợp. Ngoài ra, Hoa Kỳ không loại trừ khả năng bán thêm một số vũ khí cho Indonesia trong cuộc hội kiến với Tổng thống Indonesia.
Ghé thăm Indonesia, ông Panetta không chỉ nhắm mục tiêu thúc đẩy quan hệ quân sự song phương với chính quyền Jakarta, mà còn muốn xác định trở lại quyết tâm của Washington là dấn thân sâu hơn nữa vào toàn thể vùng Đông Nam Á. Tại Bali, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ tiếp xúc với đồng nhiệm 10 nước ASEAN đang họp tại đây trong khuôn khổ hội nghị thường niên ADMM của họ. Trong tình hình nhiều quốc gia Đông Nam Á đang quan ngại trước mối đe dọa đến từ các đòi hỏi chủ quyền rộng khắp và mơ hồ của Trung Quốc và cần đến sự hiện diện của Hoa Kỳ trong vùng, ông Leon Panetta xác định: “Tôi có một thông điệp rõ ràng để chuyển đến họ: Hoa Kỳ vẫn sẽ là một cường quốc quan trọng ở Thái Bình Dương trong thế kỷ XXI, chúng tôi sẽ duy trì một sự hiện diện mạnh mẽ và sẽ là một lực lượng hùng hậu để bảo đảm hoà bình và thịnh vượng trong vùng”.
Guam được đầu tư 12,5 tỷ USD thành căn cứ tiền tiêu hiện đại nhất của Mỹ tại Tây Thái Bình Dương. Từ Guam các phương tiện chiến tranh Mỹ có thể tiếp cận các khu vực Đông Á trong thời gian 2-3 giờ, rút được nửa thời gian so với Hawaii.
Phát biểu trong cuộc gặp gỡ bán chính thức với các Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN, Bộ trưởng Leon Panetta đã bày tỏ hoan nghênh các quốc gia Đông Nam Á trong nỗ lực tìm một giải pháp hòa bình cho vấn đề tranh chấp tại Biển Đông. Ông tuyên bố Mỹ hoan nghênh thỏa thuận giữa ASEAN và Trung Quốc trong cuộc họp cấp ngoại trưởng hồi tháng 7 năm nay về “bản hướng dẫn thực hiện bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông” mà ASEAN và Trung Quốc ký kết từ năm 2002. Mỹ ủng hộ ASEAN trong nỗ lực tiếp tục đi tới một đạo luật ứng xử phù hợp với Luật biển của Liên Hiệp Quốc. Theo lời Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Tổng thống Barack Obama rất “muốn lắng nghe quan điểm của ASEAN” tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á sắp tới.
Nhân dịp này, ông Panetta cũng ghi nhận phản ứng kiềm chế của Trung Quốc sau vụ Mỹ bán vũ khí trị giá 5.85 tỉ USD cho Đài Loan.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ nhắc lại lập trường của Mỹ về tình hình Biển Đông là “không bênh vực bên nào” nhưng dứt khoát mong muốn các bên tranh chấp phải giải quyết xung đột bằng thái độ ôn hòa, phải “làm minh bạch các đòi hỏi chủ quyền” theo công pháp quốc tế và Luật biển của Liên hợp quốc, tái khẳng định lập trường của Mỹ về an ninh hàng hải rằng: tự do hàng hải, hàng không, tự do phát triển kinh tế và thương mại là quyền lợi quốc gia của Mỹ. Đề cập thái độ của Bắc Kinh về tranh chấp Biển Đông, ông nói: “Rõ ràng có lo ngại. Nhưng nơi tốt nhất để biểu lộ lo ngại là việc có thể có thảo luận tự do và cởi mở với Trung Quốc”.
Theo hãng tin Kyodo từ Nusa Dua (Bali), một nhà ngoại giao ASEAN có tham dự cuộc gặp gỡ Mỹ-ASEAN cho biết là nhóm làm việc của ASEAN sẽ thảo luận dự luật ứng xử vào ngày 12/11/2011 tới, hai ngày trước khi thượng đỉnh Đông Á khai mạc. ASEAN sẽ thống nhất quan điểm của mình và sẽ thông báo rõ với Trung Quốc sau đó.
Giới chức quốc phòng Mỹ nói một khi quân Mỹ đã rút khỏi Iraq năm nay và khỏi Afghanistan trước cuối năm 2014, Mỹ sẽ có thể gia tăng ảnh hưởng quân sự ở châu Á.
Củng cố quan hệ đồng minh với Nhật Bản và Hàn Quốc
Ngày 24/10, Bộ trưởng quốc phòng Panetta đã đến Tokyo để khẳng định “liên minh chiến lược Mỹ-Nhật”. Trả lời phỏng vấn báo chí, ông nói mục tiêu của chuyến đi châu Á lần này là để trấn an các đồng minh và “tái xác định là Mỹ vẫn là siêu cường tại Châu Á-Thái Bình Dương và tiếp tục hiện diện mạnh mẽ tại địa bàn này của trái đất”. Tại Tokyo, khi gặp Thủ tướng Yoshihiko Noda, ông Panetta sẽ thúc giục về kế hoạch chuyển căn cứ không quân Futenma từ Okinawa sang một địa điểm gần biển.
Sau Nhật Bản, ông Panetta sẽ đến thăm Hàn Quốc, trong đó sẽ tập trung vào vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Ông Leon cho biết, “tình hình bán đảo Triều Tiên đang trong cục diện ôn hòa nhưng luôn phải đảm bảo vấn đề an ninh, Mỹ và Hàn  Quốc sẽ cùng hợp tác để đối phó với đe dọa của Triều Tiên. Mỹ tiếp tục nỗ lực để bảo vệ an ninh cho Hàn Quốc”.
Trước đó, tại Hội nghị đồng minh Hàn-Mỹ (21/10), Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kim Sung Hwan khẳng định, “đồng minh Hàn-Mỹ là nhân tố rất quan trọng nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và đề nghị Triều Tiên phải thực hiện các biện pháp phi hạt nhân hóa để khởi động lại vòng đàm phán 6 bên. Việc Mỹ ủng hộ Hội nghị cấp cao về an ninh hạt nhân được tổ chức tại Seoul vào tháng 3/2012 đã chứng minh quan hệ đồng minh chiến lược giữa hai nước ngày càng sâu sắc”. Ông Kim nhấn mạnh, “quan hệ chiến lược giữa hai nước Hàn-Mỹ là nền tảng để thống nhất bán đảo Triều Tiên”. Ngoài ra, ông Kim nhấn mạnh, “quan hệ Hàn-Trung cũng đóng vai trò quan trọng trong hòa bình và thịnh vượng tại khu vực Đông Bắc Á và góp phần thực hiện thống nhất bán đảo Triều Tiên”
Lưu Việt - Toquoc.gov.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang