Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2011

Châu Á và làn sóng nâng cấp vũ khí tối tân


Sau cuộc chạy đua vũ trang Mỹ - Nga thời Chiến tranh Lạnh, giới phân tích quân sự cho rằng, thế giới đang chứng kiến làn sóng nâng cấp vũ khí tối tân với tốc độ nhanh và quy mô lớn ở châu Á - Thái Bình Dương.
Những con số…
Tháng 12/2010, Nhật Bản hiệu chỉnh Đại cương Phòng vệ mới, lên kế hoạch mua 5 tàu ngầm, 3 tàu khu trục, 12 máy bay chiến đấu, 10 máy bay tuần tra và 39 máy bay trực thăng. 

Nhật Bản mới đây đã công bố kế hoạch triển khai thêm 3 giàn tên lửa đánh chặn Patriot và xúc tiến sản xuất các tàu chiến trang bị tên lửa thế hệ Aegis, tuyên bố chương trình này nhằm đối phó với Triều Tiên, đặc biệt sau khi xảy ra vụ đắm tàu Cheonan và Triều Tiên tiết lộ chương trình làm giàu urani. 

Đồng thời, theo “Kế hoạch quốc phòng trung hạn” mới được Chính phủ Nhật Bản thông qua ngày 17/12/2010 cho thấy trong vòng 5 năm tới Nhật Bản sẽ đầu tư 276 tỷ USD nhằm xây dựng lực lượng Phòng vệ, trong đó sẽ chú trọng cải cách biên chế quân đội và phát triển các loại kỹ thuật tiên tiến và vũ khí có độ chính xác cao.

Tháng 3/2009, Chính phủ của Thủ tướng Manmohan Singh công bố Dự án 15B, theo đó Ấn Độ sẽ xây dựng các tàu chiến thế hệ tiếp theo trong các giai đoạn khác nhau. Ngoài ra, Ấn Độ xây dựng ít nhất 3 tàu khu trục lớp Kolkata theo Dự án 15A và hai tàu sân bay: INS Vikramaditya và INS Vikrant. 

Để đạt được sự cân bằng tương đối, Hải quân Ấn Độ đang xây dựng hạm đội tàu khu trục hộ tống tàng hình và bắt đầu thực hiện một số dự án mới. Tàu Shivalik sẽ là chiếc khu trục tàng hình đầu tiên của Ấn Độ. Các tàu khu trục lớp Sahyadri và Satpura đang được xây dựng. Sau khi tất cả các kế hoạch của chính phủ được hoàn tất, Ấn Độ sẽ có hơn 140 tàu chiến. 

Trong 10 năm qua, Trung Quốc đã mua số vũ khí trị giá 150 tỷ USD. Động thái đáng chú ý hiện nay là các hoạt động trên biển gần đây của Hải quân Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh có ý định tăng cường kiểm soát các tuyến đường hàng hải trên Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. 

Hàng không mẫu hạm Varyag, thuộc lớp Kuznetsov, đang được xây dựng. Trung Quốc sẽ đưa vào sử dụng tất cả 3 hàng không mẫu hạm năm 2017. Các tàu sân bay này sẽ giúp Hải quân Trung Quốc đạt được khả năng cạnh tranh trên biển với Hải quân Mỹ. 

Gần đây, Trung Quốc cũng không ngừng phô trương các loại vũ khí mới - một tiêu chí nhằm nâng cao sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Có chuyên gia nhận định nhiều khả năng sẽ nổ ra một cuộc chạy đua vũ trang tại khu vực Đông Á, sau khi các phương tiện thông tin đưa hình ảnh Trung Quốc công bố loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ J-20.  

Việc công bố công nghệ mới của Trung Quốc trùng hợp với thời điểm tại Seoul, Nhật Bản và Hàn Quốc nhất trí tìm kiếm một thỏa thuận quân sự song phương đầu tiên sau khi Mỹ hối thúc Hàn - Nhật tăng cường hợp tác để đối phó với Triều Tiên. 

Trong khi tìm cách tăng cường quan hệ quân sự với Nhật Bản, quân đội Hàn Quốc cũng thông báo kế hoạch triển khai hệ thống tên lửa dẫn đường diệt xe tăng do Israel chế tạo trên đảo YeonPyeong, hòn đảo vừa bị Triều Tiên pháo kích hồi cuối tháng 11/2010. 

Hàn Quốc cũng đầu tư đáng kể cho sức mạnh quân sự. Ngoài việc tổ chức các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn với Mỹ, quân đội Hàn Quốc còn gia tăng tổ chức các cuộc diễn tập quân sự giả định quy mô lớn. 

Trong khi đó, nhập khẩu quân sự của Malaysia cũng đang tăng lên, Singapore cũng đang có kế hoạch mua 2 tàu ngầm; Australia đang lập kế hoạch chi 179 tỷ USD trong vòng 20 năm tới để mua mới tàu ngầm, tàu khu trục và máy bay chiến đấu. 

Bên cạnh đó, Nga cũng có kế hoạch tổ chức cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn nhất trong lịch sử tại khu vực Viễn Đông vào năm 2011, tăng cường sự hiện diện sức mạnh quân sự của Nga tại khu vực này.  

Điểm đáng quan tâm là hiện nay, Mỹ đang tăng cường sức mạnh cho các lực lượng đồn trú tại khu vực Đông Bắc Á. Theo các phương tiện truyền thông của Anh, Mỹ có kế hoạch đầu tư 12,6 tỷ USD nhằm xây dựng và mở rộng căn cứ quân sự trên đảo Guam - khoản đầu tư lớn nhất để xây dựng căn cứ quân sự tại khu vực Tây Thái Bình Dương của Mỹ kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, với mục đích là biến đảo Guam thành căn cứ quân sự lớn nhất khu vực Tây Thái Bình Dương. 

Chưa hết, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ đang chạy đua mạnh mẽ phát triển các tên lửa chống hạm, điều có thể tạo ra một cuộc cách mạng trong chiến tranh trên biển và thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu. 

Ấn Độ và Nga đang bắt tay chế tạo tên lửa BrahMos thế hệ thứ hai, dự kiến có thể đạt tốc độ tới 7.300 km/h. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang phát triển tên lửa chống hạm siêu âm như vậy của riêng mình, mang tên Đông Phong 21D (DF-21D). Được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay”, loại tên lửa này có thể được dùng để chống các tàu sân bay của Mỹ, qua đó hủy diệt uy quyền tối thượng của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. 

Bản thân Mỹ cũng đang đẩy mạnh phát triển tên lửa siêu tốc của mình mang tên X-51A WaveRider, sử dụng công nghệ phản lực tĩnh siêu âm. 

… và “động cơ” kích động cuộc đua
Sau khi xuất hiện một số sự kiện như vấn đề hạt nhân, phóng thử tên lửa đạn đạo và cái gọi là thử vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, Triều Tiên đã trở thành một trong những nhân tố nổi bật tác động đến quyết định nâng cao sức mạnh quân sự của Hàn Quốc và Nhật Bản. 

Đặc biệt là sau sự kiện tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc bị đánh chìm và hai miền Triều Tiên pháo kích lẫn nhau, Hàn Quốc và Nhật Bản càng có các động thái tăng cường sức mạnh quân sự hơn nữa. Tương quan sức mạnh quân sự trong khu vực đang có những thay đổi. 

Nhưng một lý do được nhắc đến nhiều nhất trong cuộc đua sức mạnh quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương là các nước trong khu vực đang lo ngại sự  ngày càng trỗi dậy về kinh tế và sức mạnh quân sự của Trung Quốc, trong khi cho rằng Mỹ ít có khả năng can dự vào sự vụ khu vực. 

Trung Quốc đã chính thức vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trung Quốc đang xúc tiến chính sách ngoại giao kinh tế, và vũ khí mạnh nhất của Trung Quốc ngày nay chính là sức mạnh kinh tế, đặc biệt là dự trữ ngoại tệ. 

Về quân sự, trước kia, các nước khác cho rằng, Trung Quốc phát triển quân sự chỉ để trấn áp “giặc cỏ”. Hiện nay, các nước bất ngờ phát hiện ra rằng, quân đội Trung Quốc đã đột phá chuỗi đảo thứ nhất, tiến ra Thái Bình Dương. 

Trong khi đó, toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương có nguy cơ sẽ bước vào một thời kỳ “không xác định” chưa từng có: rối loạn trên bán đảoTriều Tiên, kinh tế phập phù khó đoán định và thời gian tại chức ngắn ngủi của nhiều vị Thủ tướng Nhật Bản, ngoài ra còn có vấn đề “chuyển giao quyền lực” ở nhiều nước như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… sắp diễn ra.

Đối với nhiều nhà quan sát, 2010 là một năm đầy thử thách đối với ngoại giao của Bắc Kinh do quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước láng giềng và những quan ngại trước việc Mỹ cam kết "quay trở lại" khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Báo cáo của các cố vấn quân sự Australia cho rằng Australia cần một hạm đội tàu ngầm hạt nhân tấn công cùng một loạt hệ thống vũ khí tiên tiến nhằm đáp lại những mối đe dọa về an ninh từ việc xây dựng quân đội quy mô lớn của Trung Quốc. Nguyên nhân chủ yếu khiến Ấn Độ đang ra sức mở rộng kho vũ khí cũng bắt nguồn từ Trung Quốc. 

Trung Quốc nói nước này không phải là một mối đe dọa, nhưng lập trường ngoại giao và quân sự của họ ngày càng cứng rắn, đặc biệt là tại các vùng biển. Các tàu hải quân của Trung Quốc hoạt động ngày càng thường xuyên tại các vùng biển xung quanh phía Nam Nhật Bản. Nhật Bản tuyên bố sẽ tăng cường giám sát các lực lượng của Trung Quốc và tăng cường hạm đội tàu ngầm. 

Còn các chuyên gia về Nga cho rằng chính sách quân sự và các cuộc tập trận mà Nga đã tiến hành trong những tháng gần đây dường như chứng tỏ rằng Moscow đã bắt đầu cảm thấy bị đe dọa bởi sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc. Ngân sách quốc phòng của Nga trong năm 2011 tăng khoảng 20% so với năm 2010. 

Nhìn nhận sự thay đổi trong quan hệ quân sự giữa các bên có lợi ích an ninh trong khu vực và sự thay đổi sức mạnh giữa các bên, không khó phát hiện cục diện quân sự khu vực đang có sự thay đổi từng bước, mà nguyên nhân cơ bản chính là sức ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc ở vị trí hàng đầu, tiếp đến là sức ảnh hưởng của Nhật Bản và Hàn Quốc.
(Tổng hợp từ nhiều nguồn)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang