CAM RANH (NV) - Một tàu tiếp liệu đạn dược và đồ khô của Hạm Ðội 7 tại Thái Bình Dương đã rời cảng Cam Ranh ngày 23 tháng 8, 2011 sau một tuần lễ bảo trì định kỳ.
Theo bản tin của tổ chức thông tin ‘MarineLink.com’, lần đầu tiên, một tàu Hải Quân Mỹ đến cảng Cam Ranh kể từ khi chiến tranh chấm dứt năm 1975 đến nay.
Chuyến thăm viếng sửa chữa của tàu tiếp liệu đạn dược USNS Richard E. Byrd mang tính cách lịch sử phá bỏ những lời tuyên bố của các viên chức chính trị và quân sự CSVN nhiều năm trước là không cho chiến hạm nước ngoài sử dụng quân cảng Cam Ranh.
Năm ngoái, bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN ngày 11 tháng 10, 2010 tuyên bố: “Nhiều lần Việt Nam đã khẳng định chủ trương không hợp tác với nước ngoài để sử dụng Cam Ranh vào mục đích quân sự.”
Bà Nga đưa ra phản ứng sau khi thông tấn Nhật Kyodo đưa tin nước Nga đã tiến hành xong nghiên cứu và muốn quay trở lại sử dụng căn cứ Cam Ranh mà họ đã bỏ đi từ năm 2002.
Nhưng chỉ ít ngày sau, bên lề một cuộc họp Quốc Hội, ngày 1 tháng 11, 2010, Tướng Phùng Quang Thanh, bộ trưởng Quốc Phòng CSVN, nói chữa lại là Việt Nam có ý định xây dựng cảng Cam Ranh để thành khu dịch vụ hậu cần kỹ thuật.
Trên bản tin báo Tuổi Trẻ, ông Thanh nói: “Căn cứ này sửa chữa cả tàu ngầm, tàu mặt nước, tàu quân sự, tàu dân sự. Riêng tàu sân bay là trường hợp đặc biệt chúng ta chưa có khả năng sửa chữa. Tuy nhiên, không loại trừ việc cho phép vào để tiếp dầu.”
Dịp này, ông Thanh cho hay đã thuê chuyên viên Nga tư vấn và “chuẩn bị mua các thiết bị, công nghệ.”
Theo bản tin MarineLink.com, tàu tiếp vận đạn dược USNS Richard E. Byrd đến Cam Ranh để “chùi rửa vỏ tàu, đánh bóng chân vịt, sửa chữa các ống, và tu bổ hệ thống làm nguội máy bằng nước biển và chạy máy lạnh.”
Cảng Cam Ranh cách Sài Gòn khoảng 400 km về hướng Bắc. Khi Mỹ còn tham chiến ở Việt Nam, Cam Ranh là bộ chỉ huy quân sự của lực lượng Hoa Kỳ. Nơi đây, vừa là căn cứ hải quân, vừa có sân bay thực hiện các phi vụ oanh tạc.
Thông thường, cơ sở sửa chữa bảo trì ở Singapore đảm nhiệm các dịch vụ cho Hải Quân Mỹ hoạt động trong khu vực Ðông Nam Á. Hải Quân Mỹ cho rằng vừa tiện lợi hơn, vừa tiết kiệm được thêm tiền bạc nếu sử dụng nhiều cơ sở bảo trì sửa chữa khác nhau.
“Cơ sở Cam Ranh cung cấp thêm cho Hải Quân Mỹ một sự lựa chọn khi cần sửa chữa các tầu một cách hiệu quả và giảm chi phí.” Trung Tá Mike Little, sĩ quan của căn cứ Mỹ tại Singapore nói. Thêm nữa, sự thăm viếng của các tàu này thúc đẩy mối quan hệ tích cực giữa hai nước Hoa Kỳ và Việt Nam.
“Sự trở lại của tàu Hải Quân Mỹ ở cảng Cam Ranh chứng tỏ hai nước đã tiến một bước xa trong sự xây dựng mối quan hệ những năm gần đây.” Ðại Úy Lee Apsley, sĩ quan dân sự vụ của tàu Byrd phát biểu.
Thật ra, tàu USNS Richard E. Byrd sửa chữa đã hai lần ở Việt Nam. Năm ngoái, tàu này đã được bảo trì định kỳ ở cảng Vân Phong, cũng thuộc tỉnh Khánh Hòa như cảng Cam Ranh và chỉ cách chỗ này 140 km.
Tàu Byrd là một trong 7 tàu tiếp liệu đạn được và đồ khô của Hải Quân Hoa Kỳ. Tàu dài 689 feet, trọng tải 35,400 tấn, vận tốc 20 hải lý và có tầm hoạt động 14,000 hải lý. Ðây là tàu mới, bắt đầu hoạt động từ năm 2007.
Theo một bài viết trên tờ Straits Times ở Singapore ngày 1 tháng 8, 2011, tuy Việt Nam nhiều lần tuyên bố theo đuổi chính sách “ba không,” nhưng trước thái độ ngày càng lộ rõ tham vọng chiếm trọn biển Ðông của Trung Quốc, Việt Nam đã có một số cuộc đàm phán về việc mở lại cảng quân sự nước sâu cho hải quân nước ngoài.
Chính sách ba không là “không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, không liên minh quân sự chính thức với nước ngoài và không cho phép dùng lãnh thổ Việt Nam để tấn công nước khác.”
Trên tờ Straits Times, tác giả Robert Karniol viện dẫn một nguồn tin giấu tên cho hay: “Trước đây, Việt Nam đã cố gắng tư nhân hóa vịnh Cam Ranh, song từ 2-3 tháng trở lại đây đã ngừng mọi hoạt động có liên quan đến mục đích thương mại. Họ muốn tiếp tục có sự hiện diện của quân sự nước ngoài tại đây và cần sự trợ giúp của nước ngoài càng sớm càng tốt nhằm đối phó với Trung Quốc.”
Những năm gần đây, Hoa Thịnh Ðốn đã đánh tiếng đề nghị Hà Nội cho phép tàu Hải Quân Mỹ tới Vịnh Cam Ranh trong khuôn khổ chiến lược “đậu nhưng không lập căn cứ,” song Hà Nội vẫn tỏ ra kín tiếng.
Khái niệm “đậu nhưng không lập căn cứ” nhằm mục đích thay thế các cơ sở quân sự thường trực của nước ngoài bằng các hoạt động như sửa chữa, bổ sung và các hoạt động tương tự khác, qua đó hỗ trợ hành trình tiếp theo của các phương tiện tàu thuyền quân sự và nhân sự Mỹ. (TN)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)