Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2011

Tổng lực nghiên cứu chủ quyền Biển Đông


 Tranh chấp về biển Đông sẽ kéo dài, vì thế rất cần phải nghiên cứu nhiều và sâu sắc về nó để đảm bảo cho chúng ta biết được vị trí của mình trong tranh chấp.
Chúng ta đang có trong tay rất nhiều bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên biển Đông. Tuy nhiên, những chứng cứ này vẫn chưa được tập hợp, diễn giải thành những công trình nghiên cứu khoa học mang tính học thuật đã qua bình duyệt. Chính vì thế, cộng đồng khoa học quốc tế vẫn chưa biết tới nhiều những chứng cớ về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa như là những bằng chứng từ góc độ khoa học",  Thạc sỹ Luật học Hoàng Việt, thành viên Quỹ Nghiên cứu biển Đông trả lời phỏng vấn Đất Việt online.

Xin ông cho biết thực trạng nghiên cứu về biển Đông của các cơ quan, tổ chức hiện nay?
Có thể nói, hiện nay, những người nghiên cứu sâu về biển Đông và tranh chấp biển Đông ở Việt Nam không nhiều lắm. Một số ít trong số đó được đào tạo tại một số nước phát triển (trong lĩnh vực luật pháp quốc tế và quan hệ quốc tế), còn có nhiều nhà nghiên cứu mang tính chất “nghiệp dư”, “tay ngang”. Thậm chí có lúc những bài viết liên quan tới “vấn đề nhạy cảm” này ít khi được các tạp chí chuyên ngành trong nước đăng tải.

Hệ quả của việc thiếu những công trình tầm cỡ về Biển Đông là gì, thưa ông?

Những nghiên cứu khoa học nói chung đều cần thiết cả, nhưng với việc bảo vệ lãnh thổ, theo tôi, những nghiên cứu khoa học về lãnh thổ đất nước phải được đặt lên hàng đầu. Thế nhưng, cho đến nay, tại những Viện nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam như Viện sử học, Viện nhà nước và pháp luật, hay các trường đại học lớn ở Việt Nam gần như không có công trình nào nghiên cứu sâu về biển Đông. Từ đó, phong trào học thuật về biển Đông của nước ta không có độ sâu. Cho nên việc đưa các thông tin lên các diễn đàn khoa học quốc tế gần như bị bỏ trống. Vì thế, giới khoa học quốc tế ít biết đến các bằng chứng của ta là điều dễ hiểu.

Trong các danh mục đề tài cấp Bộ của Bộ Giáo dục đào tạo chẳng hạn, không có mục nào liên quan đến tranh chấp lãnh thổ nói chung chứ đừng nói đến biển Đông. Điều đó khiến chúng ta chưa biết tận dụng nhiều nguồn lực để phục vụ cho nghiên cứu biển Đông.
Ths Hoàng Việt: “Những nghiên cứu khoa học về lãnh thổ đất nước phải được đặt lên hàng đầu”.
 
Được biết, nhiều nghiên cứu về biển Đông do các tổ chức phi chính phủ thực hiện. Theo ông, việc nghiên cứu “tự phát” này có gặp trở ngại hoặc ảnh hưởng đến chất lượng các nghiên cứu?
Hiện nay, có nhiều nghiên cứu về biển Đông do các cá nhân, tổ chức phi chính phủ tiến hành. Trong các nghiên cứu “nghiệp dư” đó, cũng có một số tác giả có những nghiên cứu rất chất lượng, nhưng số này chiếm không nhiều. Đối với các nhà nghiên cứu “tự phát” thì họ vì làm việc giống như là “thiện nguyện” cho nên việc đầu tư sức lực, thời gian, sưu tầm tài liệu không nhiều, vì thế cũng ảnh hưởng đến chất lượng nghiên cứu. 

Ví dụ, để nghiên cứu về lịch sử Trung Quốc viết về biển Đông như thế nào, anh bạn tôi là Phạm Hoàng Quân phải bỏ ra vài nghìn USD để mua các bộ sử Trung Quốc, các tạp chí lịch sử - địa lý Trung Quốc được in tại Trung Quốc mới có thể nghiên cứu được. Hay để nghiên cứu về luật pháp quốc tế liên quan đến tranh chấp biển Đông, tôi cũng phải mua sách từ nước ngoài, những sách đó rất đắt, đa phần tôi phải nhờ bạn bè giúp đỡ. Đối với một cá nhân, số tiền đó là rất lớn. Chưa kể đến việc phải tập trung thời gian để đọc, suy nghĩ, đối chiếu với các nghiên cứu khác để tìm và đưa ra những cách nhìn mới. Nhưng người nghiên cứu “tự phát” phải còn lo cuộc sống thường nhật (nghiên cứu đích thực vốn dĩ chẳng bao giờ giàu có về tiền bạc) cho nên cũng khó mà có nhiều nghiên cứu tốt và sâu sắc được, nếu cứ để “tự phát” như vậy.

Vậy tình hình nghiên cứu và các công trình khoa học đã công bố của nước ngoài (đặc biệt là Trung Quốc) về biển Đông thì như thế nào, thưa ông?
Tôi xin cung cấp cho anh số liệu thống kê về số lượng nghiên cứu của Trung Quốc liên quan đến biển Đông để anh nắm được, điều đó sẽ thay câu trả lời của tôi.

Còn trên thế giới, có một chuyên ngành nghiên cứu hẹp là “biển Đông học”, trong đó có rất nhiều nhà nghiên cứu tên tuổi thuộc nhiều quốc tịch tham gia nghiên cứu. Đáng buồn là rất ít nhà nghiên cứu Việt Nam được coi là tên tuổi trong lĩnh vực này.
Số liệu các công trình nghiên cứu về biển Đông đã được công bố của Trung Quốc(số liệu do Ths Hoàng Việt cung cấp).

Theo ông, hướng và phương pháp nghiên cứu về biển Đông trong thời gian sắp tới là gì? 
Đó là công việc của những nhà làm chính sách. Tôi chỉ là một người nghiên cứu nên không rõ được vấn đề định hướng. Còn nghiên cứu về biển Đông theo tôi cần rất nhiều nghiên cứu ở những lĩnh vực khác nhau, từ địa lý, lịch sử, quan hệ quốc tế, chính trị quốc tế, luật pháp quốc tế…Chắc chúng ta cần ưu tiên trước một số lĩnh vực, đặc biệt là lịch sử và công pháp quốc tế liên quan đến tranh chấp biển Đông.

Được biết, đang có ý kiến để xuất của giới khoa học: Nên có đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Ý kiến của ông về việc này? 
Đương nhiên điều này là rất cần. Nhiều lãnh đạo đã đề xuất việc đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào chương trình giáo dục của chúng ta. Điều này là rất cần. Nhưng chúng ta phải có chương trình nghiên cứu về biển Đông một cách dài hơi và nghiêm túc. Tranh chấp biển Đông có lẽ phải kéo dài cả trăm năm nữa, cho nên nghiên cứu nhiều và sâu sắc về nó sẽ đảm bảo cho chúng ta biết được vị trí của chúng ta trong tranh chấp như thế nào. Nhưng vấn đề khó là phải có người giỏi và tâm huyết. Tâm huyết là rất cần thiết, vì không đam mê với nó, khó có thể theo đuổi được sự nghiệp nghiên cứu về nó. Bên cạnh đó, phải là người thực sự có khả năng, trong đó phải giỏi nhiều ngoại ngữ mới có thể tiếp cận và công bố nghiên cứu của mình tới thế giới được.

Việt Nam cần phải có chiến lược phát triển con người về lĩnh vực này. Một vấn đề hiện nay là tại sao chưa có các nhà nghiên cứu về tranh chấp biển Đông tại các Viện nghiên cứu, Trường đại học lớn? Nếu không có những người nghiên cứu ‘đầu đàn” thì khó có thể xây dựng được những đội ngũ kế tiếp.

Nếu đề xuất trên được thông qua và tiến hành thực hiện, ông có sẵn sàng tham gia không?
Cho dù là chưa có đề tài khoa học nào tôi được mời tham dự, tôi cũng như một số bạn bè, những người đam mê với đề tài biển Đông vẫn âm thầm làm những nghiên cứu nho nhỏ của mình. Còn nếu được tham gia vào những đề tài nghiên cứu thực sự dù ở cấp nào đi nữa thì đó luôn là những ước mơ lớn của tất cả những người nghiên cứu về biển Đông, trong đó có tôi.

Xin cảm ơn ông!
Bá Mạnh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang