Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

Phải chăng cuộc chiến ở châu Á sẽ bắt đầu trên biển khơi?


Biển phía Nam Trung Hoa-Biển Đông VN có tiềm năng trở thành một "điểm nóng" mới. Hà Nội đã một lần nữa đòi Bắc Kinh chấm dứt ngay lập tức mọi hành động đe dọa chủ quyền của CHXHCN Việt Nam trên quần đảo Trường Sa (Nansha) và quần đảo Hoàng Sa (Tây Sa).
Nguyên cớ khiến Hà Nội hết sức bất bình là hành động gọi là khảo sát địa chất biển do các tàu nghiên cứu của Trung Quốc tiến hành trong vùng các đảo, mà cả Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng tuyên bố tham vọng sở hữu. Đồng thời với việc phái những con tàu hoạt động trên biển, Trung Quốc còn tăng cường điều động các đơn vị quân đội và thiết bị chiến đấu, kể cả xe tăng,  bất ngờ tập trung tại vùng giáp biên với Việt Nam. Bắc Kinh lý giải rằng đây chỉ là tiến hành các bài huấn luyện quân sự thường kỳ. Trong khi đó, trên nền bùng phát đáng kể của quan hệ Trung-Việt những tháng gần đây, việc tập trung và đẩy mạnh hoạt động của các đơn vị binh sĩ Trung Quốc ở quân khu Quảng Châu khiến Hà Nội coi đây là chiêu thách thức mới từ phía Bắc Kinh. Và hiển nhiên chỉ làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã đủ căng thẳng.
 Trong tương quan với cuộc tranh chấp lãnh thổ, tại Việt Nam đã là tuần lễ thứ ba ở các thành phố lớn của đất nước có những cuộc mit-tinh quần chúng nêu khẩu hiệu phản đối Trung Quốc. Các cuộc biểu tình không chỉ xuất phát từ hành động phá hoại công nhiên của tàu chiến Trung Quốc  với tàu đánh cá  của ngư dân và tàu thăm dò dầu khí của  chuyên gia khoa học Việt Nam trong vùng biển tranh chấp, - ông Dmitry Mosyakov chuyên viên Viện Nghiên cứu phương Đông (Viện Hàn lâm khoa học Nga) nhận xét.
“Cách đây chưa lâu Trung Quốc đã gửi tới Liên Hợp Quốc một kiểu bản đồ xác định cương vực quốc gia trên biển Nam Trung Hoa-Biển Đông, rõ ràng với dụng ý là bằng cách đó  sẽ hợp pháp hóa chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng biển đảo này. Cứ như theo như tấm bản đồ này thì tất cả những gì Việt Nam tuyên bố là của mình hóa ra lại nằm gọn  trong phạm vi độc quyền của Trung Quốc. Bản đồ Trung Quốc thực sự ấn định ranh giới biển của Việt Nam chỉ trong khu vực 12 hải lý dọc theo bờ biển. Đương nhiên, điều đó khơi lên ở Việt Nam những phản ứng tiêu cực nhất và phản ứng gay gắt đột ngột, bởi vì nếu xét đoán theo dẫn giải của Trung Quốc, thì sau đó từ bất kỳ hải cảng nào của Việt Nam bạn đi ra biển và chỉ sau một khoảng thời gian là đã chạm đường ranh giới biển do Trung Quốc vạch ra”.
Hiện tại tất cả các nước liên quan đến cuộc tranh chấp đều tích cực phát triển cơ sở hạ tầng quân sự ở vùng biển phía Nam Trung Hoa-Biển Đông.  Mà như thế có nghĩa là, bất cứ lúc nào tại đó cũng có thể  nổ ra xung đột nghiêm trọng. Hành vi vũ lực ngày càng công nhiên hơn của Trung Quốc trong khu vực này đã khiến nhiều nước láng giềng tìm kiếm sự bảo hộ của Washington. Chưa ai quên rằng năm ngoái Hoa Kỳ đã tuyên bố khu vực này thuộc phạm vi lợi ích quốc gia của nước Mỹ. Hoa Kỳ là đồng minh quân sự của Philippines, các hạm đội của họ vẫn tổ chức tập trận chung. Trong vòng năm rưỡi lại đây, Hoa Kỳ tích cực đẩy mạnh rõ rệt quan hệ hợp tác quân sự với Việt Nam. Đang mở rộng cả những liên hệ hải quân giữa Ấn Độ và Việt Nam, từ đó mà trong khu vực này có thể xuất hiện thêm một lực lượng mới – và Ấn Độ đã tuyên bố dự định thiết lập hiện diện thường xuyên cho lực lượng hải quân của mình trên biển phía Nam Trung Hoa-Biển Đông.
Xét theo mọi điều, chính triển vọng hình thành trong khu vực này một liên minh đối kháng với Trung Quốc  có sự tham gia của Hoa Kỳ đã buộc Trung Quốc phải mềm dẻo hơn. Kết quả là, trong cuộc gặp ASEAN-Trung Quốc cấp Bộ trưởng gần đây trên đảo Bali, các bên đã thông qua “bản đồ lộ trình" về các quy tắc ứng xử trong vùng biển phía Nam Trung Hoa-Biển Đông, kể cả yêu cầu thông báo cho nhau về hoạt động diễn tập quân sự và khảo sát địa chất. Tại ASEAN người ta cho rằng văn kiện đã bị om lại suốt 9 năm chính bởi lập trường của CHND Trung Hoa. Trong khi đó, xét theo sự bùng phát căng thẳng trong quan hệ của Việt Nam và Philippines đối với Trung Quốc ở khu vực này, hẳn là chưa phải ngay tới đây văn kiện đó sẽ phát huy tác dụng.
Cũng chẳng khó đoán rằng hội chứng biển phía Nam Trung Hoa-Biển Đông, đến lượt nó, cũng sẽ không đem lại tác dụng xoa dịu cuộc tranh cãi xung quanh các đảo trong vùng biển Đông-Trung Hoa. Mới đây, Tổng Thư ký văn phòng nội các Nhật Bản Yukio Edano vừa tuyên bố rằng Tokyo sẵn sàng huy động lực lượng quân sự của mình để bảo vệ hòn đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư đảo) ở biển Đông-Trung Hoa trong trường hợp có sự can thiệp quân sự của nước ngoài. Hiển nhiên đây là ám chỉ rõ ràng đến  hành động có thể của Trung Quốc, vốn vẫn coi nơi đây là lãnh thổ của nước mình và bây giờ đang cố tiến hành thăm dò tài nguyên khoáng sản. Ngoài ra Nhật Bản cũng có tranh chấp với Hàn Quốc về quyền sở hữu  hòn đảo Tokto, mà trong tiếng Nhật gọi là đảo Takeshima. Chính vào ngày thứ Sáu tại vùng đảo này dự kiến có chuyến đi của  nhóm nghị sĩ Hàn Quốc, đến kiểm tra việc thiết lập khu đồn trú quân sự cỡ nhỏ. Thậm chí trong giới chuyên viên còn nêu giả thiết rằng có thể với người Hàn Quốc mốc 12 tháng Tám rồi sẽ thành "Ngày Tokto" như người Nhật vẫn xem 22 tháng Hai là "Ngày Takeshima".

Theo đài tiếng nói nước Nga

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang