Thứ Hai, 8 tháng 8, 2011

Trở lại Nam Yết


ị ảnh hưởng của bão số 3 nên biển Đông những ngày cuối tháng 7 sóng mạnh đến cấp 5 cấp 6. Mưa to, gió lớn nên trên boong các tàu đi thay quân đợt này vắng vẻ hẳn.
Tàu thay quân 100% là bộ đội, không nghe tiếng rúc rích nói cười của các cô gái trẻ như trên các chuyến tàu ra thăm đảo hồi tháng 3, tháng 4. Chỉ nghe tiếng sóng gầm ngày đêm không ngưng nghỉ.

Ấy vậy mà khi mưa gió ngừng thét gào và tàu neo đậu thì lại có một người lính già ra boong buông cần câu cá. “Câu cá là thú vui của bộ đội bọn tôi mà. Có 2 loại câu là câu nổi, khi tàu neo ở mực nước dưới 70m. Cá câu được thường là thu ngừ, mấy chú bị tóm thường nặng khoảng 5-7kg/con. Ăn sống với mù tạt hay hấp đều ngon cả. Loại thứ hai là câu đáy, khi tàu neo ở mực nước 100m. Ở độ sâu này thì tôi hay bắt được cá lượn, cá thằn lằn...”, Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Chương cười sảng khoái. 

Ông kể chuyện câu cá cũng say sưa như kể về chuyện Trường Sa. Phụ trách bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa các vũ khí trang bị kĩ thuật, ông đã có 11 năm gắn bó với Trường Sa. Năm sau là tròn 30 năm ông phục vụ trong lực lượng hải quân. Niềm hạnh phúc lớn nhất của ông chính là: “Sửa thành công một chi tiết khó, tưởng chừng bó tay phải cầu cứu đồ thay thế từ đất liền là tôi vui lắm. Cảm giác cứ lâng lâng như uống rượu mà không say”. Những người xung quanh cười rộ, tán đồng. 

Trên chuyến tàu HQ 996 ra Trường Sa lần này, đồng hành cùng ông là khá nhiều quân nhân của xưởng kĩ thuật vùng 4 Hải quân. Những người lính rắn rỏi, đôi bàn tay chai sạn nhưng khéo léo. Qua bàn tay họ, phương tiện, vũ khí, khí tài của Hải quân Việt Nam luôn được đảm bảo trong tình trạng tốt nhất giữa điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt của Trường Sa. 

“Trước hết là ý chí của con người, dù có khó khăn đến đâu nhưng có tâm huyết với công việc thì sẽ thành công. Thứ hai là sự hỗ trợ, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau”, ông Chương nói. Không kể việc sửa chữa vũ khí, năm 2009, khi đang công tác trên đảo Nam Yết, ông và các anh em trong đội cũng kiêm luôn thợ máy sữa chữa tàu thuyền ngư dân. 

Trưa ngày 29.7, tàu đến đảo Nam Yết. Từ xa xa đã thấy màu xanh thẳng tắp của những hàng dừa vươn mình trong gió biển. Ở đây, dừa là loại cây được trồng nhiều nhất trên đảo và nó cũng là loại cây vươn lên cao nhất nên Nam Yết còn có tên gọi khác là đảo dừa. Trở lại đảo dừa công tác, nằm sâu trong hành lý là lọ nước mắm cốt Ba Làng, sản vật nổi tiếng của quê hương ông- Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Bao năm xa quê, cái ông nhớ nhất chính là thứ hương vị mặn nồng của biển này đây. 

“Vừa rồi có người cháu họ ở quê ra, biết tôi sắp đi công tác ở đảo xa nên mang biếu đấy. Tối nay tôi sẽ mời anh em một bữa cá hấp chấm nước mắm Ba Làng ra trò”, ông nói, đôi mắt lấp lánh niềm vui. Bữa cơm ngày trở lại, dự báo sẽ thật ấm cúng, tràn đầy phong vị quê hương, mặc cho ngoài kia mưa bão vẫn cứ vần vũ, vần vũ. 
Theo BAODATVIET

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang