Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012

ĐỐI TƯỢNG TÁC CHIẾN ĐÁNG GỜM CỦA TRUNG QUỐC LÀ AI?


Một câu hỏi đặt ra mà câu trả lời lại mang tính bí mật, không thể công khai ở cấp Nhà nước vì có nhiều vấn đề tế nhị trong ngoại giao.
Tuy nhiên trong công tác quốc phòng, căn cứ vào mối hiểm nguy, thách thức an ninh để xác định đối tượng tác chiến cho quân đội cảnh giác, chuẩn bị sẵn sàng đối phó là điều mà bất cứ quốc gia nào bị nguy cơ xâm lược cũng phải làm. Nhưng Trung Quốc, có quốc gia nào dám tấn công xâm lược Trung Quốc? Không có. Cho nên đối tượng tác chiến của Trung Quốc chỉ là những quốc gia cản trở lại ý đồ chiến lược của họ mà thôi. Chẳng hạn như quốc gia nào cản trở “Chuỗi đảo thứ nhất, thứ hai…. Nếu như theo Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đã đăng tải không cần úp mở thì dư luận quá rõ đối tượng tác chiến của Trung Quốc là bao gồm những quốc gia nào rồi. Có điều ai là đáng gờm mới là quan trọng.  Vậy quốc gia nào là đối tượng tác chiến đáng gờm của Trung Quốc?
Biển Đông đối với Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc.
Nhiều nước ở khu vực Đông Á có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào con đường biển này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và cả Trung Quốc. Đây là mạch đường thiết yếu vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên thương mại từ Trung cận Đông và Đông Nam Á tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng Biển Đông.  Lượng dầu lửa và khí hoá lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama.
Khu vực Biển Đông có những eo biển quan trọng đối với nhiều nước, với 4 trong 16 con đường chiến lược của thế giới nằm trong khu vực Đông Nam Á (Malacca, Lombok, Sunda, Ombai - Wetar). Đặc biệt eo biển Malacca là eo biển nhộn nhịp thứ hai trên thế giới (sau eo biển Hormuz).
Do đó, vùng biển này hết sức quan trọng đối với tất cả các nước trong khu vực về địa - chiến lược, an ninh, giao thông hàng hải và kinh tế, nhất là đối với Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Biển Đông còn có liên hệ và ảnh hưởng đến khu vực khác, nhất là Trung Đông.
Với Trung Quốc, chỉ có duy nhất Biển Đông có thể được coi là cửa ngõ nối liền biển của Trung Quốc. Hướng đông là hai đồng minh Nhật-Hàn của Mỹ, Trung Quốc muốn khiêu chiến với hai quốc gia này vô cùng khó. Ấn Độ Dương thuộc về Ấn Độ nhưng giữa Trung Quốc và Ấn Độ Dương lại không hề có bất cứ một thông lộ trực tuyến nào, hiện tại có thể thông qua Myanmar để hướng tới Ấn Độ Dương, tuy nhiên quan hệ giữa Myanmar và Mỹ lại đang dần chuyển biến tốt đẹp. Biển Đông là cửa ngõ nối liền biển duy nhất, thông thoáng và nuốt dễ dàng của Trung Quốc. Bởi vì các nước có lợi ích, chủ quyền quanh khu vực đó nghèo và yếu hơn nhiều. Báo chí, các học giả Trung quốc cho rằng Biển Đông là “sinh mệnh của Trung Quốc”, rằng còn quan trọng hơn lợi ích cốt lõi, rằng “nếu không có Biển Đông Trung Quốc thành một nước bị phong tỏa”…Đó chẳng qua chỉ là một cách nói để kích động dân tộc, che đậy bản chất của sự việc mà thôi. Thử hỏi hơn 30 năm nay, Trung Quốc làm gì với Biển Đông và Biển Đông đã như thế nào với Trung Quốc mà Trung Quốc vẫn trỗi dậy thành cường quốc kinh tế, quân sự? Thực ra khi Trung Quốc đã như bây giờ thì Trung Quốc muốn cả thế giới mà trước tiên là Biển Đông.
Trung quốc rêu rao ở Biển Đông có nhiều tài nguyên, có trữ lượng dầu hàng trăm tỷ thùng để đánh lạc hướng dư luận và Mỹ về mục đích tranh chấp Biển Đông. Trung quốc cần Biển Đông không phải lý do kinh tế, năng lượng mà chủ yếu là về quân sự. Không có Biển Đông các hạm đội tàu ngầm tấn công mang đầu đạn hạt nhân chiến lược của Trung quốc như “cá nằm trên cạn”. Khi Trung Quốc chiếm trọn Biển Đông thì các tàu ngầm chiến lược mang đầu đạn hạt nhân của họ tha hồ vùng vẫy ở những độ sâu Mỹ khó phát hiện và theo dõi. Biển Đông là căn cứ, là nơi trú ẩn, xuất phát để tấn công hạt nhân hiệu quả nhất mà Trung Quốc muốn, là điều duy nhất có thể răn đe được Mỹ.
Trong khi đó, với Mỹ, lợi ích quốc gia, không những thế mà ngay cả an ninh quốc gia của Mỹ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đương nhiên là Mỹ không muốn điều này.
Chiến lược của Mỹ ở châu A-TBD là hành động kiềm chế, phòng ngừa sự thách thức vị trí bá chủ thế giới của Mỹ trước sự đang lên của Trung Quốc. Do không muốn đối đầu trực tiếp với Trung Quốc nên Mỹ có sách lược riêng của mình.
Khi cần thiết Mỹ sẽ không ngại ngần vũ trang cho các nước trong khu vực với một mũi tên trúng hai đích: Vừa được sự ủng hộ, mang ơn của những quốc gia mà bị Trung Quốc bắt nạt chèn ép trong vấn đề biển Đông, vừa tạo nên một tuyến phòng thủ chống Trung Quốc chiếm trọn biển Đông của Mỹ mà Mỹ không cần trực tiếp đối đầu với Trung Quốc về quân sự.
Còn Biển Đông đối với Nhật Bản thì sao? Nếu như Trung Quốc có 29/39 tuyến đường hàng hải và khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu được vận chuyển bằng đường biển qua Biển Đông thì hàng năm có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hoá xuất khẩu của Nhật Bản cũng được vận chuyển qua Biển Đông.
Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông là rõ ràng. Thông qua “đường lưỡi bò” thì 80% điện tích Biển Đông là thuộc họ. Ý muốn này được thực hiện thì Trung Quốc phải vượt qua Việt Nam, Philipin và Nhật rồi sau đó thanh toán tiếp Mỹ. Việt Nam, Philipin, Indonexia…, nói chung, tất cả các nước phản đối đường lưỡi bò, thì Trung Quốc coi như con muỗi nhưng còn Nhật Bản???
Việc tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, Nhật Bản đã nhận thức rõ cách hành xử của Trung Quốc sẽ như thế nào. Trung Quốc sẵn sàng làm mọi thứ để tấn công vào chỗ hiểm của Nhật như cắt nguồn cung đất hiếm… và nếu như Trung Quốc độc chiếm Biển Đông thì Trung Quốc cũng không ngại ngần gì phong tỏa yết hầu giao thông của Nhật Bản trên Biển Đông khi cần thiết để có lợi thế trong việc giải quyết tranh chấp với Nhật ở vùng biển phía đông. Đương nhiên Nhật Bản làm sao lại ngồi nhìn lợi ích quốc gia, an ninh quốc gia bị thách thức như vậy.
Trung Quốc mới đuổi kịp Nhật từ năm 2010 nhưng Nhật đã như thế hơn nửa thế kỷ nay rồi. Điều này có nghĩa nội lực của Nhật được “tu luyện” rất nhiều năm và rất mạnh. Việc trở lại châu Á-TBD của Mỹ nhằm khống chế ngăn chặn Trung Quốc là rất khó khăn nếu chỉ một mình trong khi ngân sách quốc phòng bị cắt giảm. Vì thế, tăng cường lực lượng bằng cách tạo điều kiện cho đồng minh, cho các nước trong khu vực hành động theo mối quan tâm chung là sách lược khôn ngoan và hợp lý nhất của Mỹ. Và Nhật là quốc gia đầu tiên mà Mỹ quan tâm, là quốc gia mà có thể giảm gánh nặng cho Mỹ, là quốc gia có đối trọng so với Trung Quốc. Vì vậy khi Mỹ nới lỏng thì việc tái vũ trang của Nhật Bản chỉ là vấn đề thời gian, tùy thuộc vào hành động của Trung Quốc.
Với nền công nghiệp hiện đại, Nhật Bản chắc chắn đã chuẩn bị sẵn sàng (những thứ mà Mỹ không thể biết) để khi cần thiết chuyển nền công nghiệp này sang phục vụ cho chiến tranh thì ngay cả Mỹ cũng không lường hết được sự hiện đại như thế nào.. Người Nhật có hàng chục nhà máy điện hạt nhân, còn bom , vũ khí hạt nhân…thì sao?
Cỡ như Việt Nam công nghệ lạc hậu mà sản xuất tàu pháo TT400TP bắn thử 1 lần là đạt yêu cầu ngay thì Nhật Bản không cần phải thử.Tất cả mọi thứ đã sẵn sàng, chỉ cần ráp vào là dùng ngay. Hiện tại Nhật Bản đã có trong tay gần như toàn bộ khí tài quân sự để thành lập một quân đội hiện đại và quy mô lớn. Nhật có số tàu chiến hơn gấp đôi Hải quân Hoàng gia Anh và tàu ngầm gấp đôi Hải quân Pháp. Nhật có một lực lượng Hải quân được trang bị khả năng chống tàu ngầm vô địch châu Á. Việc chọn mua máy bay F35A của Nhật không phải là không tính toán. Khi cần F35A sẽ biến thành F35B và ngay lập tức Nhật sẽ có ngay 3 tàu sân bay tấn công dạng Hyuga. Và đặc biệt, kinh nghiệm cho một cuộc chiến tranh lớn trên biển thì người Nhật có thừa.
Bất kỳ một dân tộc nào khi bị chèn ép, đe dọa thì họ sẽ làm tất cả mọi thứ. Đã qua rồi thời người Nhật chỉ biết được che chở để yên ổn làm ăn. Ngày nay Nhật phải biết tự bảo vệ mình. Người Mỹ đời nào chịu đối đầu trực tiếp với Trung Quốc cho người Nhật có thể dùng tiền đổi mạng. Đã đến lúc Nhật phải xông lên tuyến đầu nếu như không muốn Trung Quốc thực hiện xong chiến lược chuỗi đảo thứ hai. Tướng Nga từng tuyên bố: Nếu cần, sau 20 phút, Nhật Bản sẽ đi tong. Trung Quốc cũng có thể tuyên bố với Nhật Bản đại loại như vậy nếu chiến lược chuỗi đảo thứ 2 của họ thành công.
Ngài Alex Pherguson có nói một câu nổi tiếng: “Phong độ thì nhất thời nhưng đẳng cấp thì mãi mãi”. Về đẳng cấp, so với Nhật Bản, Trung Quốc chưa là gì. Trong thế chiến thứ 2 Trung Quốc là cái gi? Trong khi Châu Á là Nhật Bản. Trân Châu Cảng gắn liền với tên tuổi Nhật Bản. Nhật Bản là như thế đó.
Trên thực tế đang diễn ra sự khôi phục sức mạnh hải quân của Nhật bản và có thể không phải nghi ngờ là người Nhật chẳng quên cái gì và chẳng sợ bất kỳ ai. Chẳng qua là họ đã thấu hiểu chuyện đời, họ hiểu cái giá phải trả là gì khi xưng hùng xưng bá. Nhưng, cây muốn lặng nhưng gió chẳng dừng. Họ không thể giấu mình, gác kiếm được nữa.
Trong tương lai gần chắc chắn không có sự đối đầu quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ. Sách lược của Trung Quốc là luôn né tránh đối đầu với Mỹ. Vì thế Mỹ chưa phải là đối tượng tác chiến trực tiếp, nguy hiểm mà Trung Quốc xác định. Do đó những nước có tranh chấp trên biển với Trung Quốc như Nhật, Việt Nam, Philipin…được coi là đối tượng tác chiến. Nhưng Việt Nam, Philipin thì Trung Quốc coi như “con muỗi” thì Nhật Bản, Trung Quốc coi như cái gì? Trung quốc sẽ dùng chiến thuật “Giết gà dọa khỉ”, nhưng khi con khỉ đã thành “tinh” thì giết con gà là con Hổ thì nó vẫn không sợ huống chi đó chỉ là con cáo
Cựu cố vấn cấp cao Singapore Lý Quang Diệu từng nói: Chẳng lực lượng Hải quân châu Á nào có thể đọ nổi với Hải quân Nhật!. Đó là điều không sai và như vậy chắc chắn Nhật Bản là đối tượng tác chiến đáng gờm nhất mà Trung Quốc phải tính đến khi thực hiện “giấc mơ Trung Quốc” của mình.
Tác giả: Lê Ngọc Thống

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang