Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

Nước ngọt Trường Sa: Chuyến tàu không thể nào quên

Những ngày đầu chuyên chở vật liệu xây dựng ra Trường Sa, tàu vận tải của ta đều là tàu bé, tải trọng nhỏ và vấn đề nước ngọt dự trữ trên hải trình dài là rất nan giải. 
Thực hiện chỉ thị của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc Phòng, cuối tháng 4/1976, tàu Đại Khánh chở 75 tấn sắt thép xi măng, gần 30 khối nước ngọt ra Trường Sa xây đảo. Trên con tàu ấy, còn có 70 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 83 công binh Hải quân, thực hiện một chuyến hải trình không thể nào quên.

Ký ức về chuyến tàu chở nước ngọt ra Trường Sa năm đó như vẫn vẹn nguyên trong  trung tá Nguyễn Tiến Cường, hiện là trợ lý kế hoạch Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân.
 
“Đó là những ngày tháng đẹp nhất, đáng nhớ nhất của lính công binh Hải quân. Trong gian khổ mới thấy đức hi sinh, giữa bão tố mới thấy tình người nhân ái”, trung tá Cường nhớ lại.

Sau khi giải phóng Trường Sa, trước yêu cầu khách quan về hệ thống nhà ở và sinh hoạt của bộ đội, Bộ Tư lệnh Hải quân đã giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 83 đem theo lương thực thực phẩm, nước ngọt khẩn trương ra Trường Sa xây đảo. 

Con tàu đầu tiên mang tên Đại Khánh, do Đại úy Lê Nhật Cát, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 83) chỉ huy, đã nhận lệnh lên đường. Rời cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), tàu tăng tốc thẳng hướng Trường Sa. 

Ngày nay, những con tàu ra Trường Sa của Hải quân Nhân dân Việt nam đều là tàu có trọng tải vài nghìn tấn, có hầm chứa nước ngọt lớn. 
Nước ngọt trên tàu ưu tiên cho xây nhà ở đảo, nên mỗi cán bộ, chiến sĩ ngày chỉ được dùng 1 cà-mèn (khoảng 1 lít) cho cả đánh răng, rửa mặt. Mỗi sáng, các chiến sĩ lấy cà-mèn múc nước rồi nhúng khăn vào đó rửa mặt, lau người. Có khi 2 người dùng chung một chiếc khăn để tiết kiệm nước. Nhiều chiến sĩ không gội đầu, tóc bết cứng như rễ tre. 

Trung tá Nguyễn Viết Chức, nguyên là chiến sĩ tàu Đại Khánh năm xưa, chia sẻ: “Lúc đó ai cũng nghĩ đến việc xây đảo, bảo vệ chủ quyền, chứ không nề hà chuyện khó khăn, thiếu thốn”.

Sau 4 ngày vượt sóng gió, tàu Đại Khánh neo phía tây Trường Sa Lớn. Gần 30 khối nước nhanh chóng ruôn vào can nhựa. Ngày ấy chưa có xuồng máy như bây giờ, nên từng can nước được buộc vào dây thả xuống biển để bộ đội kéo vào đảo. 

Ngày tàu Đại Khánh trở về đất liền cũng là lúc nước ngọt cạn kiệt. Tất cả cán bộ, chiến sĩ trên tàu đều thực hiện “3 không”. “Không tắm, không giặt, không lau”. Hầm nước ngọt dự trữ còn hơn gang tay, nhưng đục ngầu gỉ sét. 

Thử thách mới đặt ra với cán bộ, chiến sĩ tàu Đại Khánh. Để có nước nấu cơm, bộ đội ta phải “gạn đục, khơi trong”, múc nước dằn (nước gỉ sét dưới đáy tàu), lấy áo lót để lọc. Trung tá Cường chia sẻ: “Sau này, những tàu khác chở vật liệu ra Trường Sa vẫn phải gạn nước dằn để ăn, uống. Cuộc hải trình của tàu Đại Khánh ngày ấy được coi là chiến công đầu tiên”. 

Nguồn BAODATVIET

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang