Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

Hải giám, ngư chính dưới 'ô' dân sự

Ẩn dưới cái tên thoạt nghe rất dân sự, đa số các tàu hải giám, ngư chính của Trung Quốc trên thực tế được cải tiến từ tàu chiến của hải quân. 
Thực hư hải giám, ngư chính (kỳ 1) 
Trang bị hiện đại, có cả vũ khí, lực lượng hải giám và ngư chính được coi là công cụ đắc lực để Trung Quốc mở rộng ngư trường thông qua việc tăng cường ảnh hưởng ra biển cả.

Là hai trong những tổ chức bán quân sự của Trung Quốc, lực lượng hải giám và ngư chính nước này xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều hơn tại các khu vực biển tranh chấp, chỉ chịu trách nhiệm như một tàu dân sự đối với hành động của mình. 

Thực tế đó khiến dư luận tỏ ra quan ngại, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng lên mức 106,4 tỷ USD năm 2012. Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 5 Hội nghị Chính hiệp lần thứ 11 Trung Quốc hôm 5/3, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho rằng Trung Quốc cần phải tăng cường khả năng chiến thắng “trong các cuộc chiến cục bộ”. Cũng tại kỳ họp này, Trung tướng La Nguyên, Giám đốc điều hành Hội Khoa học Quân sự Trung Quốc kêu gọi chính phủ nước này thành lập lực lượng Cảnh sát biển Quốc gia. 

Trước đó, Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng cường tàu hải giám tới các vùng biển tranh chấp với Nhật Bản. Những động thái liên tiếp này cho thấy: Trung Quốc đang ngày càng quyết liệt với vấn đề tranh chấp trên biển mà lực lượng hải giám và ngư chính được coi là một trong những mũi nhọn. 

Hoạt động của tàu Ngư chính 311 chủ yếu ở biển Đông. 
 Nhận diện công cụ vươn ra biển 

Việc sử dùng tàu ngư chính và hải giám được trang bị như tàu quân sự có thể giúp thực hiện những hành động ở các vùng biển tranh chấp, nhưng chỉ chịu trách nhiệm như một tàu dân sự. Và như thế, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) có thể đứng ngoài cuộc và không hề liên can đến những vụ việc va chạm trên biển xảy ra thời gian qua. Vì vậy, nước này đang tập trung phát triển để đưa hải giám và ngư chính trở thành những lực lượng chủ chốt triển khai các hoạt động, nhất là tại vùng biển tranh chấp.

Lực lượng hải giám Trung Quốc (CMS) được thành lập tháng 10/1998 trực thuộc Cục Quản lý hải dương Quốc gia Trung Quốc. Lực lượng này có nhiệm vụ giám sát các vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và bờ biển của Trung Quốc. Ngoài ra, đây cũng là lực lượng bảo vệ môi trường biển, các nguồn tài nguyên, các thiết bị dẫn đường và công trình biển, khảo sát biển và trong trường hợp khẩn cấp tham gia việc tìm kiếm và cứu nạn. 

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia hàng hải thế giới, những đội tàu hải giám thực chất là lực lượng bán quân sự hoặc cảnh sát được trang bị hiện đại, có cả máy bay trực thăng. Lực lượng này còn giám sát cả các khu vực mà Trung Quốc đơn phương cho là thuộc chủ quyền của họ và hoạt động khai thác tài nguyên trên biển của các nước khác. Cuối tháng 2 vừa qua, hãng tin Tân hoa xã đưa tin: Trung Quốc đã triển khai thêm 200 nữ binh sỹ vào lực lượng hải giám để tham gia hoạt động tuần tra ở Biển Đông.

Trung Quốc có hai lực lượng tàu ngư chính. Lực lượng thứ nhất trực thuộc sự quản lý của Cục Ngư nghiệp (Bộ Nông nghiệp); còn lại thuộc Cơ quan Thực thi Luật Ngư nghiệp (Cục Quản lý Ngư nghiệp). Đều có nhiệm vụ bảo vệ nguồn cá, giám sát hoạt động đánh bắt, và đều mang tên ngư chính (Yuzheng), nên đôi khi có sự nhầm lẫn giữa hai lực lượng này. 

Tàu ngư chính thuộc Cục Ngư nghiệp là loại tàu có trọng tải nhỏ, nặng nhất là 1.000 tấn. Ngoài nhiệm vụ thông thường, nó còn tham gia ngăn chặn hoạt động của hệ thống cảm biến giám sát biển (SURTASS) của Mỹ đặt ở biển Đông, hoặc để chống lại lực lượng bảo vệ bờ biển của Nhật Bản ở quần đảo Điếu Ngư. Trong khi đó, tàu của Cục Quản lý Ngư nghiệp lại có nhiệm vụ bảo vệ các thuyền đánh cá Trung Quốc và ngăn chặn các hành động đánh bắt trái luật của các thuyền nước ngoài trong khu vực đặc quyền kinh tế của nước này.
Tàu Hải giám 50 của Trung Quốc ở khu vực biển Hoa Đông.  
Đằng sau cái gọi là “chấp pháp”
Trong những năm vừa qua, nhiều tàu hải giám và ngư chính của Trung Quốc đã gia tăng tần suất hoạt động, cái mà nước này gọi là “chấp pháp”, trên biển, đặc biệt là ở khu vực tranh chấp chủ quyền g với Nhật Bản, Philippines, Malaysia, Indonesia và Việt Nam. Ngày 25/2/2010, xảy ra cuộc đụng độ giữa tàu Jianghu 5 với tàu F/V Maricris 12 của ngư dân Philippines tại khu vực đảp san hô Jackson. Tàu Philippines phải cắt mỏ neo bỏ chạy sau khi trúng 3 phát đạn từ tàu của Trung Quốc. 

Ngày 29/4/2010, Malaysia đã phải dùng đến tàu có trang bị tên lửa và máy bay tuần tiễu để “tiễn” tàu Ngư chính 311 ra khỏi vùng đảo san hô Danwan. Tháng 6/2010, khi một tàu tuần tra của Indonesia bắt giữ một tàu đánh cá của Trung Quốc đánh bắt trái phép tại khu vực đảo Natuna, tàu Ngư chính 311 đã ép tàu Indonesia phải ngay lập tức thả tàu đánh cá này ra, thậm chí đe doạ dùng đến cả vũ lực. Như vậy, tàu Ngư chính 311 đã “va” với hầu hết các nước trong khu vực Biển Đông. 

Hàng loạt các vụ va chạm cũng đã xảy ra ở khu vực quần đảo Điều Ngư hiện Trung Quốc và Nhật Bản đang tranh chấp. Tổng đội tàu hải giám Đông Hải của Trung Quốc đã lập riêng một đội hoạt động định kì trên biển Hoa Đông. Gần đây nhất, hôm 19 và 28/2/2012, tàu Hải giám 66 đã áp sát hai tàu khảo sát Akihiro và Takuhiro của Nhật Bản, yêu cầu các tàu này ngừng hoạt động khảo sát “trên lãnh thổ Trung Quốc”. Nội các Nhật Bản vừa thông qua một dự luật cho phép lực lượng bảo vệ bờ biển được bắt giữ những kẻ xâm nhập trái phép các hòn đảo xa của Nhật Bản, sau một loạt vụ đụng độ với tàu Trung Quốc. 

Ngày 29/2 vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã lên tiếng phản đối việc Trung Quốc bắt giữ, đánh đập và tịch thu ngư cụ của ngư dân Việt Nam. Theo giới phân tích, các tàu hải giám và ngư chính của Trung Quốc thường có chung biện pháp, đó là đe dọa hoặc có hành động gây sức ép, buộc ngư dân các nước phải từ bỏ hoạt động đánh bắt do lo sợ bị nguy hiểm đến tính mạng.



Kỳ 2: Hải giám, ngư chính ráo riết hiện đại hóa
Trong bối cảnh các vấn đề tranh chấp lãnh hải có xu hướng leo thang, lực lượng Hải giám (CMS) đang được Trung Quốc đầu tư với quy mô lớn gấp đôi, gấp ba. 
Việc đầu tư nhằm mở rộng phạm vi hoạt động và tăng cường tuần tra biển.

Bên cạnh lực lượng hải quân chính quy, hiện Trung Quốc có tới 8 loại hình tàu chuyên dụng khác cùng phối hợp hoạt động trên biển. Trong số đó, Hải giám là lực lượng được xem là đông đảo và hiện đại nhất với các tàu lớn không thua kém tàu chiến.

Hướng tới “giám sát đa kênh”
Theo thông tin từ Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc, tính đến cuối năm 2011, lực lượng Hải giám có khoảng gần 10.000 thành viên, với hơn 300 tàu (được đóng từ năm 1950 - 2011), trong đó có 30 tàu tải trọng trên 1.000 tấn, 10 máy bay với 4 trực thăng. 

Một số tàu Hải giám lớn của Trung Quốc hiện nay là Hải giám 50 (dài 98 m, tải trọng 3.336 tấn), Hải giám 83 (98 m, 3.276 tấn), Hải giám 52 (95 m, 2.421 tấn),  Hải giám 51 (88 m, 1.937 tấn), Hải giám 15 và 84 (88 m, 1.870 tấn), Hải giám 23, 26, 66 và 75 (75 m, 1.149 tấn), Hải giám 27 (76 m, 1.124 tấn), Hải giám 17, 46 và 71 (74 m, 1.100 tấn). 

Lực lượng này còn có 2 tàu tuần duyên lớp Hải Nam của Hải quân Trung Quốc chuyển sang, máy bay giám sát bờ biển Y-12, trực thăng giám sát biển B-7112 (hãng trực thăng bờ biển ở Quảng Châu sản xuất), hoặc trực thăng Z-9. 
Tàu hải giám 66 của Trung Quốc. 
 Theo thông tin mới nhất, hiện Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng lực lượng này lên tới 15.000 nhân viên vào năm 2020. Đến năm 2015, lực lượng này sẽ có 16 máy bay, còn số tàu biên chế sẽ là 350 chiếc vào năm 2015 và 520 chiếc năm 2020. Một trang mạng quân sự Trung Quốc dẫn lời quan chức của CMS cho biết, trong những năm tới, các tàu có lượng giãn nước lớn từ 1.000 - 3.000 tấn sẽ là thành phần chủ chốt của lực lượng này.

Bên cạnh đó, hệ thống chỉ huy ra quyết định phức hợp ba chiều không - bộ  - biển của CMS đang được xây dựng sẽ hướng tới thu thập thông tin thực thi luật pháp giám sát biển đa kênh, quản lý điều tra hiện trường thực tại, thông tin thời gian thực cũng như chỉ huy ra quyết định nhanh chóng. Nhiều chuyên gia quân sự Mỹ còn cho rằng, Hải quân Trung Quốc nỗ lực tăng cường ảnh hưởng thông qua những tàu dân sự thường xuyên tuần tra trên các vùng biển tranh chấp.

Vượt qua mức ứng dụng cho nhiệm vụ dân sự
Trung Quốc đang ráo riết áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất trong hệ thống những tàu chuyên dụng trên biển, gồm cả hải giám. Nhiều ứng dụng thậm chí còn vượt quá mức độ sử dụng cho các nhiệm vụ dân sự thông thường.

Theo chuyên gia James C. Bussert, Trung tâm Tác chiến mặt nước Hải quân Mỹ có trụ sở tại bang Virginia, một trong những tàu hải giám mới nhất của Trung Quốc có tải trọng 600 tấn rất hiện đại với các khoang rộng dài 66,5 mét, rộng 8,8 mét, vạch mớm nước 4,5 mét. Tàu này có thể chở thủy thủ đoàn 45 người, di chuyển với tốc độ khoảng 23 hải lý/h. Cũng theo ông Bussert, loại tàu mới này có thể được trang bị súng máy 14,5 mm. Ngoài ra, tàu còn có hệ thống định vị và thông tin liên lạc vệ tinh với hệ thống tiếp nhận INMARSAT-F.

Về khả năng định vị, các tàu hải giám mới đóng thường được trang bị hệ thống GPS do tập đoàn CHINAGPS Incorporated and CHINALBS Incorporated (Trung Quốc) sản xuất. Các radar định vị sử dụng trên các tàu mới đóng thường là mẫu Japan Radio Corporation JMA 5300 với các ăng-ten 10 kilowatt và 25 kilowatt hoạt động ở tần số 9.410 MHz. Các tàu này cũng thường được trang bị 2 động cơ do Đức hoặc Pháp thiết kế, sản xuất tại Trung Quốc. 

Tuy nhiên, cũng có tàu lắp 2 động cơ diesel 1.200 tấn/trục, hoặc một động cơ diesel 1.100 tấn/trục. Trong số các tàu hiện nay, duy nhất tàu Hải giám 83 với lượng giãn nước 3.000 tấn là trang bị động cơ đẩy điện với chân vịt bầu xoay ABB của Đan Mạch.

Trong biên chế của CMS, Hải giám 50 được xem là tàu lớn nhất, được trang bị kỹ thuật tiên tiến nhất, với chiều dài là 98 mét, chiều  rộng là 15,2 mét, vạch mớm nước 7,8 mét, lượng giãn nước là 3.336 tấn.
Trực thăng Z-9 trên boong tàu Hải giám 50. 
Hải giám 50 chịu trách nhiệm tuần tra, giám sát trên biển Hoa Đông từ tháng 11/2011. Trên tàu được trang bị hệ thống ổn định, chịu được rung lắc bão cấp 12 với hệ thống định vị vệ tinh, hệ thống dẫn đường. Tàu này cũng được trang bị máy bay trực thăng đa nhiệm hiện đại nhất do Trung Quốc sản xuất Z-9A theo giấy phép của Tập đoàn Eurocopter.

Trước đó, tháng 5/2011, Trung Quốc đã đưa tàu Hải giám 84 vào biên chế Tổng đội Nam Hải, giám sát biển Đông. Đây là 1 trong 7 con tàu hải giám thuộc giai đoạn 2 của chương trình đóng tàu hải giám và máy bay của Cục Quản lý Hải dương Quốc gia Trung Quốc. Do Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Trung Quốc thiết kế và Công ty Công nghiệp tàu Võ Xương đóng, Hải giám 84 dài 88 mét, rộng 12 mét, trọng tải 1.740 tấn. Hành trình dài nhất trong 1 lần nạp nhiên liệu của tàu này là 5.000 hải lý. 

Hải giám 84 được trang bị hệ thống bộ đàm hướng dẫn lái tiên tiến nhất thế giới hiện nay, mũi tàu vát, có trang bị giảm lắc. Ngoài ra, nó còn được trang bị máy dò độ sâu tới 5.000 mét, thiết bị cảm ứng đo vận tốc dòng nước (ACDP) hay máy tời thủy lực. Trên tàu Hải giám 84 có máy bay trực thăng B-7112, do Trung Quốc tự chế tạo.
Có 3 tổng đội trong biên chế của CMS. Tổng đội Bắc Hải có trụ sở ở Thanh Đảo, gồm các đội tàu Hải giám số 1, 2 và 3, đội hàng không, trạm liên lạc và thực thi pháp luật. Tổng đội Đông Hải có trụ sở ở Thượng Hải biên chế 3 đội hải giám, hàng không và thông tin liên lạc. Tổng đội Nam Hải (trụ sở ở Quảng Châu) có 3 đội tàu hải giám, hàng không và thông tin liên lạc. Ngoài ra, CMS còn có 11 chi đội hải giám cấp tỉnh, 50 chi đội cấp thành phố, thị xã và 170 chi đội cấp huyện nằm dọc theo bờ biển Trung Quốc.


Kỳ 3: Ngư chính Trung Quốc: Nối dài 'cần câu'
Hiện các đội tàu đánh bắt cá lớn của Trung Quốc không chỉ tập trung tại tây Thái Bình Dương, mà đã tăng cường hoạt động ở hầu khắp các vùng biển trên thế giới. 
Năm 2011, tổng sản lượng đánh bắt của Trung Quốc là 56 triệu tấn, đứng đầu thế giới. Theo Phó cục trưởng Cục Ngư nghiệp (Bộ Nông nghiệp Trung Quốc) Thôi Lợi Phong, năm 2012, nước này tiếp tục tăng sản lượng đánh bắt từ những vùng biển xa. Một phần trách nhiệm này được đặt lên vai lực lượng Ngư chính.

Đa nhiệm
Ngư chính là cơ quan quản lý giám đốc nghề cá thuộc các bộ phận chủ quản hành chính nghề cá của chính quyền các cấp. Cơ quan giám đốc nghề cá của Trung Quốc là Cục Ngư nghiệp. 

Những năm đầu thế kỷ 21, ngành đánh bắt cá Trung Quốc gần như tới bờ vực sụp đổ do hầu hết ngư trường gần bờ đã được khai thác, rất nhiều trong số đó đã kiệt quệ. Và chính sách mở rộng ngư trường, đánh bắt xa bờ được ráo riết triển khai.
 
Mặc dù mới thành lập vào những năm 1980, nhưng tới năm 2006, đội tàu đánh bắt xa bờ của Trung Quốc đã lên tới gần 2.000 chiếc, hoạt động tại nhiều vùng biển khác nhau. Đến nay, Trung Quốc có khoảng 297.937 tàu cá được cơ giới hóa, số ngư dân đại lục ước tính lên mức xấp xỉ 8 triệu người.

Đi cùng với sự lớn mạnh của đội tàu cá, các va chạm với nước ngoài liên quan tới nghề cá không ngừng gia tăng, thậm chí đưa đến nguy cơ đụng chạm về quân sự. Để giải quyết vấn đề này, Trung Quốc đẩy mạnh ưu tiên phát triển Cục Ngư nghiệp với hàng loạt biện pháp hiện đại đã được thực thi trong đó tăng cường lực lượng và quyền hạn tàu ngư chính. 

Mỗi lần có sự cố xảy ra trên các vùng biển tranh chấp, Trung Quốc lại điều động tàu ngư chính đến giải quyết. Trên trang mạng của Cục Ngư nghiệp Trung Quốc cũng ghi rõ, tàu ngư chính thực hiện các công việc gồm tuần tra giám sát, kiểm tra tàu đánh cá Trung Quốc, chỉ huy sản xuất ngư nghiệp, thông báo thời tiết và tình hình cứu hộ, bảo vệ môi trường biển, ngăn chặn khai thác cá bừa bãi, bảo vệ trật tự môi trường đánh bắt. Ngoài ra, tàu ngư chính còn làm nhiệm vụ xử lý tranh chấp, kiểm tra và giám sát tàu đánh cá quốc tế.

Trên thực tế, đội tàu ngư chính Trung Quốc có nhiều tàu lớn hoạt động trên nhiều vùng biển khác nhau, vừa làm nhiệm vụ giám sát và bảo vệ tàu đánh cá của nước này thúc đẩy mở rộng ngư trường, vừa làm nghiệp vụ quấy nhiễu và sử dụng tàu đánh cá trá hình với trang thiết bị phá hoại dùng để quấy rối các tàu nước ngoài.
 
Tháng 3/2009 xảy ra cái gọi là Tai nạn Impeccable. Mỹ khẳng định, một số tàu cá Trung Quốc đã tiếp cận và “quấy rối” tàu do thám của Mỹ mang tên Impeccable ở phía nam đảo Hải Nam. 

Tháng 6/2011, tàu Ngư chính 311 và tàu đánh cá Trung Quốc tham gia phá rối và cắt cáp tàu Viking II của Việt Nam ở tọa độ cách Vũng Tàu chưa đầy 200 hải lý. Hành động này đã khiến tình hình Biển Đông ngày thêm căng thẳng.

Tăng cường đóng mới
Theo báo cáo của Cục Ngư nghiệp Trung Quốc, trong kế hoạch năm năm lần thứ 12 (2011 - 2015) và sau đó, Trung Quốc dự kiến sẽ đóng nhiều tàu ngư chính hơn nữa. Trong đó có một tàu ngư chính chở máy bay trực thăng có trọng tải 2.500 tấn hoạt động tại khu vực Biển Đông. Vốn đầu tư dự kiến trên 250 triệu Nhân dân tệ (715 tỉ đồng). 

Ngoài ra, Trung Quốc còn lên kế hoạch đóng 3 - 5 tàu ngư chính siêu lớn với trọng tải tối đa trên 5.000 tấn. Hiện nay, Trung Quốc đang sở hữu hàng trăm tàu ngư chính lớn nhỏ. Tàu ngư chính được chia thành ba loại. Tàu lớn có trọng tải từ 1.000 tấn trở lên. Loại vừa thường vài trăm tấn. Hai loại này hoạt động trên biển, còn loại nhỏ từ vài tấn tới vài chục tấn hoạt động trên sông hồ.

Đáng chú ý là hai tàu Ngư chính 311 và Ngư chính 303 được biên chế vào Biên đội chấp pháp ngư chính, được chính thức phái ra tuần tra vùng biển phụ cận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, từ ngày 26/11/2009.  
Tàu ngư chính 303 của Trung Quốc. 
Ngư chính 311 vốn dĩ là tàu Nam Cứu 503 thuộc biên chế hạm đội Nam Hải, năm 2006 được điều chuyển sang Cục Ngư chính Nam Hải. Tàu có tổng trọng lượng 4.500 tấn, dài 113,5m, rộng 15,5m và có thể duy trì hải trình liên tục trong 50 ngày đêm với hệ thống thông tin GMDSS. Đây là con tàu có trọng lượng lớn nhất và hệ thống thiết bị tiên tiến nhất của lực lượng tàu ngư chính Trung Quốc. 

Cùng với Ngư chính 311, tàu Ngư chính 303 được biên chế vào lực lượng Ngư chính Nam Hải chuyên tuần tra trên khu vực biển Đông. Ngư chính 303 được đóng tại nhà máy đóng tàu Vũ Xương, hoàn thành và bàn giao cho Cục Ngư nghiệp năm 2000. Con tàu có trọng lượng 1.000 tấn, dài 70,01 m, công suất động cơ 2.640 kW. 

Ngư chính 311 và 303 là thế hệ tàu hiện đại nhất của Trung Quốc hiện nay, nhưng có tốc độ nhanh nhất lại thuộc về tàu ngư chính 310 với tốc độ 22 hải lý/h. Ngư chính 310 có trọng tải 2.850 tấn, có thể liên tục chạy trong 6.000 hải lý trong 60 ngày đêm, đủ khả năng chống bão cấp 12. Tàu có 56 thuyền viên, chở theo 2 máy bay trực thăng Z-9A, có hệ thống thông tin băng rộng trên biển, hệ thống theo dõi quang điện. Tàu 310 cũng là tàu đầu tiên chở máy bay trực thăng nhằm phối hợp hoạt động trên không và trên biển.

Ngoài ra, Trung Quốc còn có sáu tàu ngư chính nổi bật thuộc tàu cấp 1.000 tấn, bao gồm: Ngư chính 204, là tàu cấp 1.000 tấn đầu tiên chế tạo trong nước trong những năm 1970 và các tàu Ngư chính 201, 301, 202, 303, 118. Mới nhất được đưa ra hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa là tàu Ngư chính 306. 

Theo Tân Hoa xã, hôm 2/9/2011, con tàu dài 56m, rộng 7,8m và cao 3,85m, có tốc độ tối đa 18 hải lý/h, trọng lượng nước rẽ tối đa 400 tấn này đã rời cảng ở Quảng Châu ra tuần tra vùng nước xung quanh quần đảo Hoàng Sa. 
Nguồn BAODATVIET

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang