Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012

Trung Quốc không thể đơn phương bắt nạt nước khác

Giới nghiên cứu nhận định, việc Trung Quốc tổ chức bầu cử hội HĐND cho chính quyền ngụy xưng Tam Sa trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam  là hành động leo thang mới.
>> Toàn văn Luật biển Việt Nam 2012
Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương - thuộc Quỹ Nghiên cứu Biển Đông - nói rằng “Việt Nam cần cho Trung Quốc hiểu họ không thể đơn phương bắt nạt nước khác”.

- Trước thông tin Trung Quốc bầu cái gọi là “HĐND thành phố Tam Sa”, Việt Nam cần phải làm gì?- Theo chúng tôi, cần phải có phản bác chính thức về phía ngoại giao như thường lệ đối với hành xử vô lý của Trung Quốc. Kế đến, cần thông tin kịp thời để người Việt và đặc biệt ngư dân biết sự leo thang của Trung Quốc và nâng cao cảnh giác đối với những sự việc đều đặn và có hệ thống. Bởi sự đều đặn này là ngang nhiên, lì lợm và có tính ru ngủ nhưng sẽ ẩn chứa nguy hiểm lớn nếu chúng ta coi nó là bình thường, một khi có đột biến.

Mượn lời GS Vũ Cao Phan khi trả lời phỏng vấn chương trình Nhất Hổ Nhất Tịch Đàm của đài Phượng Hoàng (Hongkon) về việc “Tam Sa” ra đời, chúng tôi thấy cuộc bầu cử này không mang lại khác biệt nào trong chính sách xâm lấn của Trung Quốc và chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa (TS – HS) là không thể thay đổi.

Luật Biển Việt Nam sẽ có hiệu lực vào đầu năm tới, vậy trong thời điểm này Việt Nam sẽ căn cứ vào đâu để tố cáo hành vi xâm lược của Trung Quốc đối với 2 quần đảo TS - HS?- Chủ quyền Việt Nam trên TS - HS đã được xác lập từ lâu đời theo các chứng cứ lịch sử, pháp lý quốc tế; chủ quyền Việt Nam trên biển Đông (theo Hiến chương Liên Hợp Quốc về Luật Biển - UNCLOS) đã nghiễm nhiên được công pháp quốc tế quy định. Công bố và thi hành Luật Biển là công tác lập pháp bình thường nhằm tăng cường cơ sở pháp lý trong nước trong việc xác định và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo TS - HS và biển Đông.

Trong khi chờ Luật Biển Việt Nam có hiệu lực, Việt Nam cần dựa vào công pháp quốc tế và pháp luật trong nước đang có hiệu lực để thực thi chủ quyền của Việt Nam. Tố cáo hành vi xâm lược của Trung Quốc diễn ra khi Trung Quốc có hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam được công pháp quốc tế quy định. Việc phản bác Trung Quốc trước hay sau khi Luật Biển Việt Nam ra đời không khác nhau mà chỉ bổ sung cho nhau.


Trung Quốc chưa bao giờ chấp nhận trọng tài quốc tế trong phân xử tranh chấp biển Đông, họ cũng cố tình chần chừ đàm phán đi đến ký kết Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC), vậy Việt Nam phải làm gì để tạo áp lực đối với nước này khi họ xâm phạm chủ quyền Việt Nam?- Ôn hòa và kiên trì sử dụng UNCLOS và Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC) cũng như những chứng cứ chủ quyền về TS - HS từ trước đây là cách thức chủ đạo. Ngoài ra, các biện pháp chế tài hành chính như bắt giữ và lập biên bản tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam là điều cần làm.

Kế đó, thông tin liên tục về tình hình bị xâm lấn ra cho toàn thế giới biết cũng không kém quan trọng. Ghi hình ảnh những hành vi xâm lấn để đề phòng Trung Quốc tạo cớ leo thang và chuẩn bị đầy đủ sức mạnh võ trang để đáp trả khi bị tấn công và thông báo cho dư luận quốc tế.  

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần cho Trung Quốc hiểu rõ là trong thời buổi hiện đại, Trung Quốc không thể đơn phương bắt nạt nước khác. Việt Nam cần hợp tác và kết hợp mạnh mẽ với các nước trên thế giới trong việc phản đối Trung Quốc.

Mức độ xâm phạm chủ quyền Việt Nam từ phía Trung Quốc đang gia tăng theo hướng quân sự hóa, là những người nghiên cứu về biển Đông, ông nói gì về những phản ứng của Chính phủ Việt Nam bấy lâu nay, những phản ứng này đã tương xứng với những vi phạm của Trung Quốc chưa?- Theo chúng tôi, cách ứng xử theo pháp luật và ôn hòa tuy vẫn chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là cách phù hợp với thế và lực của Việt Nam hiện nay. Để cho đối phương tự vẽ mặt bạo lực cho toàn thế giới và đối phương đánh giá Việt Nam thấp cũng là một phần của nghệ thuật biết thắng khi cần thiết. Sức mạnh mềm Trung Quốc bị bào mòn, lời lẽ ngoại giao hữu nghị của Trung Quốc trở nên mỉa mai cũng là một điểm không hẳn là tiêu cực cho sức mạnh toàn dân Việt Nam.

- Báo Lao Động đã có bài viết kêu gọi cần có sự góp mặt của các nước lớn trong việc áp lực Trung Quốc ký vào COC, các ông nhìn nhận quan điểm này thế nào và Việt Nam phải có những việc làm gì để tranh thủ sự ủng hộ của các nước lớn?- Một đồng sự của chúng tôi - tiến sĩ luật Lê Minh Phiếu - đã có kêu gọi đưa COC ra bàn Hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Sáng kiến này cần có nỗ lực của một số quốc gia ASEAN có tranh chấp. Hiện nay khả năng này là thuận lợi hơn bao giờ hết.

Ngoài ra, trong phạm vi nghiên cứu về địa chính trị, chúng tôi nhận thấy các liên minh sẽ có cơ hội hình thành và phát triển cao nhất khi lợi ích của các bên có sự đồng nhất. Đối tượng càng tỏ ra hung hãn thì càng thúc đẩy quá trình tự nhiên này.

Ý thức của các bên liên quan về không gian sinh tồn, bản năng sinh tồn của dân tộc mình sẽ quyết định mức độ, thời gian và phương cách hợp tác. Dĩ nhiên những liên minh và ràng buộc mang tính điều lệ cũng có cái giá của nó (như EU và ASEAN vừa qua) và giới làm chính sách sẽ phải có quyết định để phục vụ đất nước mình tốt nhất.
Theo Báo Lao Động

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang