Thứ Tư, 4 tháng 7, 2012

Quân bài dầu mỏ tại biển Đông

Trong tuần qua, Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã thông báo 9 lô dầu khí mới trên biển Đông hiện được mở cho các công ty dầu khí nước ngoài đến thăm dò và khai thác. Động thái này cho thấy các nỗ lực mạnh mẽ của Trung Quốc nhằm khẳng định các quyền của mình tại các vùng biển đang tranh chấp này, và đặt ra một thách thức trực tiếp đối với yêu sách của Việt Nam.

Xem thêm:
>> Phân tích tử huyệt của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông

Tuần Việt Nam giới thiệu phân tích về việc này của ông Taylor Fravel, một giáo sư về khoa học chính trị và thành viên Chương trình nghiên cứu An ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts.
Khác với các lô dầu khí mà CNOOC đã mời thầu năm 2010 và 2011, các lô mới này không nằm hoàn toàn trong các vùng biển đang tranh chấp tại biển Đông. Như bản đồ cho thấy, các lô mới này nằm ở ngoài khơi bờ biển miền Trung của Việt Nam, với tổng diện tích hơn 160.000 km2. Mép phía Tây của một số lô ở vị trí chưa tới 80 hải lý tính từ bờ biển của Việt Nam, tức là nằm hoàn toàn trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) dài 200 hải lý của Việt Nam. Tất cả các lô trên chồng lấn một phần hoặc tất cả với các lô mà Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam Petrovietnam đã và đang tiến hành các hoạt động dầu khí từ lâu nay, trong đó có một số lô đang được các công ty dầu nước ngoài hợp tác khai thác.
Các công ty nước ngoài có thể sẽ không hợp tác với CNOOC đầu tư vào các lô đang tranh chấp. Tuy nhiên, hành động của CNOOC có ý nghĩa vì một số lý do. Trước tiên, thông báo mời thầu quốc tế các lô này cho thấy một bước khác trong các nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường quyền tài phán của mình đối với các vùng biển này. Vừa tuần trước, Trung Quốc đã nâng quy chế hành chính đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa từ cấp huyện lên cấp quận trực thuộc tỉnh Hải Nam.
Việc mô tả mời thầu các lô dầu khí trên của một tập đoàn dầu mỏ nhà nước Trung Quốc không chỉ nhằm tăng quyền tài phán mà Trung Quốc đang đòi, mà còn nhằm củng cố nền tảng pháp lý của việc họ phản đối các hoạt động của Việt Nam tại các vùng biển này. Trước đây, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã thách thức tính pháp lý của các hoạt động thăm dò và khai thác của Việt Nam bằng việc khẳng định rằng đây là vùng biển của Trung Quốc. Giờ đây, nước này muốn khẳng định rằng các hành động như vậy vi phạm luật pháp của Trung Quốc liên quan đến khai thác tài nguyên.
Bên cạnh đó, thông báo mời thầu quốc tế của CNOOC đặt ra một số câu hỏi về sự phối hợp giữa Trung Quốc với các tác nhân liên quan trên biển. Khi các lô dầu khí trên được thông báo mời thầu, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Cheng Guoping đang có mặt tại Hà Nội tham dự các cuộc đàm phán với ASEAN về việc thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC) 2002. Không cần phải nói cũng thấy rằng tuyên bố của CNOOC đã phá hoại các nỗ lực theo đuổi một cách tiếp cận ôn hòa hơn từ mùa hè năm 2011 trong việc quản lý các yêu sách của nước này tại biển Đông. Bên cạnh đó, nó còn làm dấy lên những hoài nghi về các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm giảm nhẹ các tranh chấp trên biển và cải thiện quan hệ với Việt Nam cũng như thực hiện thỏa thuận tháng 10/2011 về các nguyên tắc cơ bản để giải quyết các vấn đề biển.
Việc định vị và mời thầu các lô dầu khí trên cũng cho thấy Trung Quốc (hoặc ít nhất là CNOOC) diễn giải đường chín đoạn (hay còn gọi là đường lưỡi bò) trên bản đồ Trung Quốc là "quyền lịch sử" của Trung Quốc tại biển Đông. Một yêu sách như vậy hoàn toàn mâu thuẫn với Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Điều này bất chấp việc Trung Quốc liên tục cam kết trong một loạt các thỏa thuận và tuyên bố khác nhau rằng họ tôn trọng UNCLOS khi giải quyết các tranh chấp này.
Thời điểm đưa ra thông báo mời thầu trên cũng đáng nói. Một mặt, Trung Quốc có thể phản ứng với cái mà họ xem là những thách thức mới từ các đối thủ chính của mình trong các tranh chấp tại biển Đông. Philippines kiên quyết không thừa nhận yêu sách của Trung Quốc đối với bãi cạn Scarborough từ tháng Tư, còn Việt Nam vừa thông qua Luật Biển mới trong đó pháp điển hóa các yêu sách của mình đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cũng như các quyền trên biển. Mặt khác, thông báo mời thầu của CNOOC được đưa ra đúng hai tuần trước hội nghị thường niên của Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ARF), làm tăng sự chú ý của khu vực vào các tranh chấp mà Trung Quốc thích giải quyết kiểu song phương hơn.
Trừ phi các công ty nước ngoài ký các hợp đồng cùng khai thác với CNOOC và bắt đầu các hoạt động khai thác trong các lô này, nếu không tuyên bố của CNOOC sẽ chỉ mang tính biểu tượng. Tuy nhiên, nhiều khả năng căng thẳng sẽ leo thang và làm phức tạp thêm các nỗ lực của tất cả các nước trong việc giải quyết các yêu sách trong khu vực này.
Châu Giang theo The Diplomat
Nguồn Vietnamnet

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang