Một loạt các sự kiện gần đây cho thấy, lối hành xử của Trung Quốc ngày càng “hung hăng, ngạo mạn”, dường như Bắc Kinh đã qua thời “giấu mình chờ thời”, tiến tới một mình dám chống lại cả thế giới.
Động thái này không phải là lần đầu tiên, nó đã từng xảy ra từ năm 2003 đối với vùng biển Hoa Đông đang có tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc khi Bắc Kinh đơn phương mời thầu quốc tế thăm dò, khai thác tại đây. Gần đây nhất, việc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN kết thúc mà không đưa ra được tuyên bố chung khiến nhiều người không khỏi nghi ngờ rằng, chính Bắc Kinh đã sử dụng lá bài viện trợ kinh tế để gây sức ép, buộc Campuchia phải đi ngược với lợi ích của nhóm để ngả về Trung Quốc.
Trung Quốc đang sử dụng tất cả các công cụ sức mạnh, từ kinh tế đến chính trị, quân sự để biến các tham vọng về chủ quyền lãnh thổ của mình thành hiện thực. Những động thái của Bắc Kinh khiến cộng đồng quốc tế hết sức quan ngại khi gần như đồng thời thách thức gần hết các nước có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh, từ nước lớn tới nước nhỏ với 3 mũi giáp công:
Mũi thứ nhất: hành chính
Trên phương diện hành chính, Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là Thành phố Tam Sa để quản lý hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Động thái “cậy lớn bắt nạt bé” này của Trung Quốc khiến dư luận quốc tế hết sức bất bình. Giới phân tích cho rằng, với tuyên bố hành chính này, Bắc Kinh sẽ có cớ để “động binh” nếu Việt Nam khiến Bắc Kinh “phật lòng”.
Chưa dừng lại ở đó, giới hoạch định chính sách Bắc Kinh còn đang tính tới việc xây dựng các cơ sở quân sự tại khu vực này. Nhiều chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng, việc đóng quân hiện nay ở Tam Sa cần “tinh” chứ không cần “nhiều”, nhưng cấp bậc cơ quan đóng quân tại đây cần phải cao, giống như ở Hồng Công. Trung Quốc nên theo tư duy tác chiến “nhất thể hóa trên không trên biển” của Mỹ, do đó quân đóng ở Tam Sa nên gồm lực lượng tinh nhuệ của cả Hải, Lục và Không quân, thậm chí là cả lực lượng pháo binh II (tên lửa chiến lược). Số lượng không cần nhiều, chỉ cần 1-2 tiểu đoàn hải quân đánh bộ tinh nhuệ, bởi quân đông sẽ không đủ nước dùng, đảm bảo hậu cần khó khăn. Ngày 28/6/2012, đài BBC của Anh và RFI của Pháp chỉ rõ, việc quân đội Trung Quốc thiết lập chế độ tuần tra định kỳ ở vùng biển tranh chấp, nghiên cứu đặt cơ sở quân sự tại nơi gọi là “thành phố Tam Sa” cho thấy Bắc Kinh đang tăng cường rõ rệt chính sách quân sự đối với biển Đông.
Mũi thứ hai: kinh tế
Trên phương diện kinh tế, Trung Quốc lợi dụng cục diện “tranh tối tranh sáng” để đưa dàn khoan khổng lồ 981 ra biển Đông thậm chí xâm phạm hẳn vùng biển chủ quyền nằm trong thềm lục địa Việt Nam để khai thác tài nguyên thiên nhiên. Chưa dừng lại ở đó, ngày 23/06/2012, Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc CNOOC đã công bố mời thầu tại 9 lô nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Động thái này của Bắc Kinh đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ, kiên quyết của Việt Nam và cộng đồng quốc tế, đặc biệt là giới học giả. Theo Strafor, CNOOC đóng vai trò chính trong tham vọng ở biển Đông của Trung Quốc khi được sử dụng như một công cụ để “nắn gân” các nước trong khu vực. Một số chuyên gia nghiên cứu thuộc Học viện Chatham House của Anh cho rằng, quyết định mời thầu là bằng chứng cho thấy quyết tâm ngày càng lớn của Trung Quốc trong áp đặt các đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông, bất chấp các cam kết trước đó của Bắc Kinh là sẽ giải quyết tranh chấp bằng đàm phán hòa bình.
Đội tàu cá Trung Quốc đương đầu với lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản |
Chưa dừng lại ở đó, Trung Quốc cũng sử dụng “đoàn tàu đánh cá” (con bài kinh tế) để xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Bất chấp sự phản đối của Việt Nam, đội tàu gồm 30 tàu cá của Trung Quốc ngang nhiên bắt đầu hoạt động đánh bắt cá tại khu vực gần Bãi đá Chữ thập của Việt Nam từ đêm 16/7. Đến chập tối ngày 17/7, đoàn tàu này đã chuyển đến tác nghiệp tại bãi Chử Bích (Bãi đá Su Bi) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Mũi thứ ba: quân sự
Trên phương diện quân sự, gần đây, Trung Quốc đã có một loạt các động thái quân sự, thách thức tất cả các nước có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh. Quan hệ Trung Quốc - Philippines đang rất căng thẳng liên quan tới chủ quyền Bãi đá cạn Scarboroug/Hoàng Nham. Ngày 26/6/2012, Trung Quốc đã điều biên đội 4 tàu Hải giám 83, 84, 66 và 71 thực hiện cái gọi là “tuần tra định kỳ” trên phạm vi toàn bộ đường lưỡi bò vô lý mà Bắc Kinh vẽ ra trên Biển Đông.
Tờ “United Daily News” của Đài Loan số ra ngày 2/7/2012 cho biết, Trung Quốc mới thành lập Lữ đoàn tên lửa đạn đạo 827 ở tỉnh Quảng Đông, trong đó phải kể tới các tên lửa Đông Phong 21D và Đông Phong 16. Theo các chuyên gia quân sự, tên lửa Đông Phong 21D có đủ khả năng phá vỡ thế thượng phong của các tàu sân bay Mỹ, đặc biệt trong trường hợp nổ ra xung đột trên Biển Đông hoặc Eo biển Đài Loan.
Mục tiêu của Trung Quốc khi thành lập Lữ đoàn này rõ ràng là để hù họa các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực. Song song với việc thành lập Lữ đoàn 827, Trung Quốc cũng điều 4 tàu hải giám tới khu bãi đá trung tâm ở Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam để tiến hành các hoạt động quan sát gần trong môt nhiệm vụ mà Bắc Kinh loan báo là “tuần tra định kỳ trên Biển Đông”. Trong chuyến “tuần tra” này, các tàu hải giám Trung Quốc ngang nhiên phát đi các thông điệp vô lý bằng cả tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Việt khẳng định Trung Quốc có chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa, bất chấp thực tế đây là hai vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam theo quy định của luật pháp quốc tế.
Liên quan đến vấn đề nhân sự, mới đây, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã điều động tướng có quan điểm “diều hâu” Vương Đăng Bình từ Hạm đội Bắc Hải về làm Phó Chính ủy Đại Quân khu Quảng Châu, kiêm Chính ủy Hạm đội Nam Hải. Theo nhận định của giới chuyên gia phân tích quân sự tại Thượng Hải, việc thuyên chuyển phó đô đốc Vương Đăng Bình từ Hạm đội Bắc Hải về Hạm đội Nam Hải là để củng cố các biện pháp nhằm chấm dứt việc các quốc gia khác trong khu vực tuyên bố chủ quyền tại các khu vực tranh chấp tại Biển Đông.
Không chỉ có các động thái “dằn mặt” các nước nhỏ láng giềng, mà Trung Quốc còn thách thức cả Nhật Bản, tuyên bố Tokyo không nên “đùa với lửa” khi Thủ tướng Nhật Bản Noda có ý định quốc hữu hóa một số đảo thuộc quần đảo Senkaku tranh chấp với Trung Quốc. Tình hình càng trở nên căng thẳng hơn khi xuất hiện thông tin cho biết, vấn đề Senkaku đã được đưa vào hiệp ước quốc phòng Mỹ - Nhật, theo đó Washington sẽ có trách nhiệm bảo vệ trong trường hợp Nhật Bản bị tiến công, trong đó có cả quần đảo Senkaku. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Đảo Điếu Ngư và những hòn đảo nhỏ xung quanh là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc từ thời xa xưa. Không ai được phép mua bán lãnh thổ thiêng liêng của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục áp dụng những biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ đến cùng chủ quyền lãnh thổ”.
Không chỉ phản ứng bằng lời nói, Trung Quốc còn điều một loạt tàu tuần tra đến chuỗi đảo đang nằm trong tranh chấp giữa hai nước. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cho biết, ngày 11/7/2012, 3 tàu của Trung Quốc đã đi vào khu vực lãnh hải nước này xung quanh chuỗi đảo Senkaku. Các tàu Trung Quốc đã thể hiện thái độ thách thức Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản.
Sáng 12/7/2012, 3 tàu tuần tra Trung Quốc đã có cuộc đối đầu gay gắt với tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản ở khu vực gần đảo tranh chấp Senkaku. Vụ va chạm bắt đầu khi một tàu tuần tra của Trung Quốc tiến vào khu vực cách đảo Senkaku khoảng 22km, xâm nhập phần lãnh hải mà Tokyo coi là thuộc chủ quyền của mình. Sau đó, hai tàu khác của Trung Quốc cũng xuất hiện trong khu vực và một trong hai tàu này tiếp tục xâm phạm lãnh hải Nhật Bản. Vụ việc này khiến nhiều người quan ngại về khả năng tái diễn cuộc đối đầu căng thẳng năm 2010, vốn gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động thương mại, đầu tư và du lịch song phương trong nhiều tháng. Thậm chí, nhiều người còn nghĩ đến viễn cảnh tồi tệ hơn là xảy ra một cuộc xung đột quy mô lớn giữa hai cường quốc này.
Tàu bảo vệ bờ biển Nga Dzerzhinsky |
Cũng trong diễn biến có liên quan, lực lượng Cảnh vệ bờ biển Đông Bắc thuộc Bộ An ninh liên bang Nga vừa xác nhận, ngày 16/7 lực lượng chức năng của Nga đã nổ súng vào một tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Nga trên khu vực biển Nhật Bản. Phía Nga đã cảnh báo và yêu cầu tàu cá Trung Quốc phải rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế Liên bang Nga ngay lập tức, tuy nhiên tàu cá Trung Quốc phớt lờ mọi cảnh báo của tàu Nga suốt 3 tiếng đồng hồ bất chấp phía Nga đã bắn chỉ thiên cảnh cáo./.
Đại Lâm
Nguồn Toquoc
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)