Thứ Tư, 4 tháng 7, 2012

Lật tẩy âm mưu uy hiếp biển Đông của Trung Quốc


Trung Quốc đã thành lập một lữ đoàn tên lửa đạn đạo mới ở phía Nam tỉnh Quảng Đông như một phần của chiến lược răn đe các nước khác cùng có tranh chấp ở biển Đông.

Xem thêm:
Focus Taiwan dẫn nguồn tin báo United Daily News cho biết, lữ đoàn tên lửa đạn đạo mới (mang số 827) đặt căn cứ ở thành phố Thiều Quan (tỉnh Quảng Đông). 

“Tới cuối tháng 3/2012, khi Bộ chỉ huy lữ đoàn này còn đang xây dựng, thì các bệ phóng cơ động đã có mặt ở Thiều Quan,” nguồn tin cho biết.

Theo một số hình ảnh vệ tinh, căn cứ quân sự mới nằm trên khu vực rộng lớn, có một số bệ phóng đỗ bên ngoài nhà chứa (hangar) ở phía Đông Bắc căn cứ.

Một vài xe có chiều dài 16m với một ống phóng hình trụ, trong khi số khác có chiều dài khoảng 12m với ống phóng hình vuông – nhiều khả năng kiểu tên lửa đạn đạo mới được Trung Quốc tiết lộ đầu năm 2012.

Theo các chuyên gia quân sự, căn cứ tên lửa Thiều Quan được trang bị tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D có tầm bắn 2.000-3.000km và có khả năng tấn công các mục tiêu di động với độ chính xác cao

Thành phố Thiều Quan (dấu đỏ) là nơi đặt căn cứ lữ đoàn tên lửa 827.

Một số nhà phân tích cho rằng, DF-21D đủ sức đe dọa hạm đội tàu sân bay hùng mạnh của Mỹ ở Thái Bình Dương, nếu xảy ra xung đột ở eo biển Đài Loan hoặc biển Đông.

Loại tên lửa còn lại có thể là tên lửa đạn đạo tầm trung DF-16, tầm bắn tối đa khoảng 1.200km, có sức tàn phá lớn. Nguồn tin còn cho biết, Thủ đô Hà Nội chỉ cách Thiều Quan hơn 1.000km. 

Thông tin về lữ đoàn 827 được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng biển Đông đang dâng cao. 

Mới đây, Công ty dầu khí hải dương Trung mời thầu trái phép 9 lô thăm dò dầu khí tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. 

Tàu hải giám Trung Quốc còn tiến hành các cuộc diễn tập phi pháp gần quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam. 

Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc, đồng thời yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ việc làm trên. 

Rất nhiều học giả, chuyên gia quốc tế cũng nhận định 9 lô dầu khí mà Trung Quốc mời thầu đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Nguồn Baodatviet

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang