Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

Việt Nam trước cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung tại châu Á

Trong cục diện mới, Việt Nam cũng như các nước nhỏ cần biết phát huy lợi thế, biến thách thức thành cơ hội chiến lược.

Sự xung đột nước lớn hay câu kết nước lớn đều tạo ra nhiều loại hệ lụy cho quan hệ quốc tế, trước hết là cho các nước nhỏ nằm trong vòng vận động của bàn cờ địa-chính trị nước lớn. Theo lý thuyết cấu trúc quyền lực chính trị quốc tế, quan hệ giữa các nước lớn thường quyết định cuộc cờ lớn. Nhưng vì họ không thể quan hệ với nhau trong “chân không quyền lực”, nên họ cần xây dựng các khu vực ảnh hưởng, cần chơi các con bài họ có, vì vậy mà diễn ra cạnh tranh quyền lực. Các nước lớn cần đến các nước nhỏ như cá cần nước. Các nước nhỏ không nhất thiết lúc nào cũng là “quân tốt” trên bàn cờ nước lớn để khi cần thì bị “thí”.

Mối quan hệ nước lớn nước nhỏ ấy thường vận động biện chứng, tương tác, thuận nghịch. Nếu khéo vận dụng thì có thể biến nguy thành an. Lịch sử quan hệ quốc tế ở châu Á trong chiến tranh lạnh và từ sau chiến tranh lạnh đến nay đã cho thấy các nước lớn không ít lần phạm sai lầm chiến lược do các tính toán nhầm lẫn. Châu Á-Thái Bình Dương hiện nay đang bước vào một giai đoạn đặc biệt của quan hệ quốc tế, trước hết là giữa Trung Quốc và Mỹ, và giữa các nước này với các nước nhỏ trong khu vực. Giai đoạn cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung này mới chỉ bắt đầu, nhưng đã tạo ra phân hóa khu vực khá sâu sắc.

Từ khi Mỹ “trở lại châu Á” - có thể lấy cái mốc Mỹ chính thức ký tham gia Hiệp ước Thân thiện và hợp tác Đông Nam Á, tháng 7/2009, đã có không ít lời phân tích, bình luận liên quan Việt Nam. Nào là Việt Nam thực hiện ngoại giao “đi trên dây”, nào là thực hiện chính sách “cân bằng” giữa Trung Quốc và Mỹ, v.v..

Tờ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) ngày 11/7 đăng xã luận nhan đề “Hà Nội sẽ thấy đau đớn vì giúp Mỹ quay lại”, viết rằng “Việt Nam vừa đi theo Trung Quốc về chính trị, nhưng cũng muốn nhờ Mỹ chống Trung Quốc”; cảnh báo Việt Nam “chớ thân Mỹ” và rằng “con đường thực tế duy nhất cho Việt Nam là hợp tác với Trung Quốc để hạn chế sự chuyển trọng tâm của Mỹ sang Châu Á. Tranh chấp lãnh thổ không nên biến thành thù nghịch. Thay vì là mắt xích trong dây chuyền của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc, Việt Nam có thể là cột trụ chống sự dính líu sâu sắc của Mỹ tại Châu Á”. Ý của tờ báo này là “thân Trung, xa Mỹ”.

Một quốc gia không thể vì vài lời ngọt nhạt mà thay đổi một chính sách đối ngoại. Chính sách ấy do vị trí địa-chiến lược quyết định. Môi trường quốc tế cũng tác động lớn. Nội bộ và tình cảm dân tộc cũng tác động không nhỏ…

Nhớ lại một cuộc trả lời phỏng vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với một nhà báo Mỹ những năm 1940, vào thời điểm thành lập Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và khi Chiến khu kháng chiến Việt Bắc đã thông thương với Trung Quốc và Liên Xô. Nhà báo hỏi rằng, năm 1945 Chủ tịch có cảm tình với Mỹ, nay xuất hiện Liên Xô và Trung Quốc Đỏ, “Chủ tịch thân Mỹ hay chống Mỹ?” Đáp: “Tôi thân Việt”.

Ba chữ đó toát lên một trong những nội dung cốt lõi của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, cũng như của ngoại giao Việt Nam thời kỳ hiện đại. Mà có lẽ, ngoại giao của bất kỳ một dân tộc nào có đầu óc độc lập tự chủ cũng vậy thôi. Có điều nói hay được như Hồ Chí Minh thì không phải ai cũng có thể.

Quan hệ Việt-Mỹ đang ngày càng phát triển cả về số lượng chất lượng, trên tất cả các lĩnh vực mà hai bên cùng có lợi, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Nhưng cũng chưa phải đã đạt đến tầm mức mà mỗi bên muốn đạt đến. Trong chuyến thăm chớp nhoáng Hà Nội vừa rồi, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã khẳng định, nước Mỹ mong muốn một nước Việt Nam mạnh và thịnh vượng. Người Việt Nam đánh giá cao cách tiếp cận này.

Nhưng nói đến sự “thân”, thì những gì đang diễn ra trong quan hệ Việt-Mỹ hiện nay còn lâu mới đạt đến mức độ thân cận như từng diễn ra mấy lần trong quan hệ Trung-Mỹ 40 năm qua: Có thể nhắc tới sự câu kết sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nixon năm 1972 hay trong thời kỳ diễn ra xung đột Campuchia từ năm 1979-1991. Đặng Tiểu Bình từng nhận Trung Quốc là “NATO phương Đông”. Và cũng không nhà quan sát chính trị nào của Trung Quốc không nhận thấy quan hệ Trung-Mỹ hiện tại đang đạt đến tầm đối tác chiến lược toàn diện và quan trọng đến mức không thể không có nhau, dù có những măt đối địch nhau. Còn việc Mỹ “trở lại châu Á” như thế nào, hẳn không ai nghĩ rằng một nước nhỏ như Việt Nam, hay một cái biển nhỏ như Đông Nam Á, lại có tác động đáng kể đến mức Mỹ có thể vì một lý do nào đó mà hy sinh lợi ích chiến lược trong quan hệ với Trung Quốc. Khi hai cường quốc như Mỹ và Trung Quốc hợp tác và kình địch như hiện nay, không nên tìm lỗi ở nước nhỏ.

Không nơi nào ở châu Á-Thái Bình Dương ngày nay không diễn ra cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ. Bà Hillary Clinton bay dọc ngang châu Á tuần này, thăm toàn những nước nhỏ như Mông Cổ, Việt Nam, Lào, Campuchia, không phải thăm những nơi “chân không quyền lực”, mà vì ở mỗi nơi đó đang hiện hữu các ảnh hưởng quan trọng, to lớn của Trung Quốc. Về phía Trung Quốc, chỉ trong 3 tháng trước đây ít lâu, 3 nhân vật trọng yếu của Bắc Kinh đã liên tiếp thăm Campuchia - Chủ tịch nước, một Ủy viên thường vụ Bộ chính trị và Bộ trưởng Quốc phòng, vì Campuchia đang là Chủ tịch ASEAN và Mỹ đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng.

Quan hệ Mỹ-Trung ở châu Á-Thái Bình Dương hiện tại diễn ra đa chiều, tương tác với các nước lớn khác - Nga, Ấn Độ, Nhật Bản. Có thể xem đây là sự khởi đầu của thời kỳ “ngũ cường tranh bá”, tạo ra cục diện đa dạng hóa độc nhất vô nhị trong thế giới đương đại. Môi trường quốc tế ở khu vực đang phát sinh nhiều thách thức nhưng cũng có không ít thời cơ. Thời buổi này, không quốc gia châu Á nào để mình bị động chiến lược và thiệt hại chiến lược. Việt Nam cũng không là ngoại lệ.

Là một nước nhỏ đang bị Trung Quốc gây sức ép đủ bề, Việt Nam phải biết tận dụng mọi con bài chiến lược của mình, tạo ra các quan hệ đối tác chiến lược, để ngỏ những lựa chọn chiến lược. Trong quá trình ấy, Việt Nam luôn giữ vững nguyên tắc độc lập tự chủ, hòa bình, hòa hiếu, vận dụng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh “làm bạn với mọi nước dân chủ, không gây thù oán với một ai”. Thiết nghĩ, các mưu sĩ chiến lược Trung Quốc nên tự đặt mình vào vị trí người, mà xác định làm cách nào để Trung Quốc phát huy tốt quyền lực mềm đang bị hoài phí do lệch lạc trong cách tiếp cận và cách vận dụng các lá bài chiến lược.

Trung Quốc có khoảng một trăm viện Khổng Tử trên thế giới, hẳn không thể không biết tới một đạo lý mà nhà hiền triết vĩ đại của mọi thời đại này từng chỉ ra: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều mà mình không muốn thì đừng làm với người khác).

Bây giờ, hay lúc nào nữa, nếu có hỏi Việt Nam thân ai, thì cũng không ngoài ba chữ “Tôi thân Việt” của một nhà ngoại giao bậc thầy!

___

* TS Nguyễn Ngọc Trường, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mexico, Thụy Điển, Phần Lan.
Nguồn Blog Hotrungnghia

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang