Quan hệ Mỹ-Việt đang có nhiều cơ hội, cần lượng định đúng và thúc đẩy hợp tác lên tầm mức mới, phù hợp với không gian chiến lược mới.
Đáng lẽ cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung này là một “thách thức”. Nhưng trong thách thức xuất hiện nhiều cơ hội. Hãy xem Nhật Bản, Hàn Quốc - hai đồng minh an ninh quân sự gần gũi nhất của Mỹ - tận dụng cơ hội giỏi như thế nào qua những hiệp định và thỏa thuận đầu tư, thương mại và tiền tệ đạt được với những ưu ái từ phía Trung Quốc trong hơn một tháng qua. Hãy xem Singapore, Indonesia - các đối tác an ninh quân sự quan trọng của Mỹ - được Trung Quốc trọng vọng, tranh thủ như thế nào. Indonesia nhận được 22 tỷ USD tín dụng ưu đãi trong 2 năm; Singapore là đối tác đầu tư thương mại được Trung Quốc ưu tiên, là đối tượng Bắc Kinh tranh thủ về chính trị, ngoại giao.
Trong bài phát biểu đề dẫn tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 11 vừa rồi, Tổng thống Indonesia Susilo Ydhoyono nói rằng “Cần phải có văn hóa chiến lược mới, vượt khỏi gánh nặng của quá khứ lịch sử để khai thác thời cơ mới” hiện nay. Thời cơ mà vị tổng thống Indonesia đề cập chính là sự trỗi dậy của Trung Quốc và việc Mỹ tích cực thực hiện chủ trương “trở lại châu Á”.
Mỹ thực ra chưa từng rời châu Á kể từ khi nước này thực hiện cuộc chiến tranh với Tây Ban Nha năm 1898 mà Philippines trở thành “chiến lợi phẩm”. V.I. Lenin đã gọi việc Mỹ chiếm Philippines “là một bước tiến tới châu Á, tiến tới Trung Quốc”. Nhưng sau cuộc Chiến tranh Việt Nam thì Mỹ đã giảm sự dính líu và hiện diện tại Đông Nam Á tới mức tối thiểu, trong khi vẫn duy trì khoảng 300 căn cứ quân sự tại Đông Bắc Á (Nhật Bản và Hàn Quốc). Nói Mỹ “trở lại châu Á” thực chất là nói Mỹ trở lại Đông Nam Á. Cuộc xung đột Biển Đông đã đem lại một cơ hội để Mỹ thực hiện các cam kết mới, hiện diện mới với hình ảnh mới. Nhìn toàn cảnh cục diện châu Á-Thái Bình Dương hiện nay, điều tổng thống Indonesia đề cập tại Shangri-La, “cơ hội” chính là những gì xuất hiện từ cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, mà Biển Đông là một phép thử.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta |
Cuộc chơi sòng phẳng, đánh bài ngửa, xen lẫn hợp tác, đấu tranh. Mâu thuẫn chủ quyền lãnh thổ biển đảo gay gắt ở các biển Hoàng Hải và Hoa Đông không cản trở Trung-Nhật-Hàn thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, tiền tệ. Hàn Quốc có Hiệp định tự do thương mại (FTA) với Mỹ, đang đàm phán FTA với Trung Quốc. Nhật Bản đàm phán hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương với Mỹ (TPP) cũng đàm phán FTA tay ba Trung-Nhật-Hàn. Không ai “bỏ trứng vào một giỏ”.
Trung Quốc, hay bất kỳ nước lớn nào cũng vậy, chỉ trọng những kẻ mạnh, có thế lực, có chí khí. Chính các học giả Trung Quốc đã khái quát đặc điểm chủ yếu của quan hệ quốc tế tại khu vực này: Các nước đi với Mỹ về an ninh quốc phòng, đi với Trung Quốc về kinh tế; dùng quan hệ với Mỹ làm đòn bẩy quan hệ với Trung Quốc, dùng quan hệ với Trung Quốc làm đòn bẩy quan hệ với Mỹ, dùng thế để tạo lực. Nước nào chập chững trong đối sách, không khai thác được các thời cơ mà cuộc cạnh tranh chiến lược này mang lại, nước đó bị thiệt hại chiến lược.
Bằng cuộc đối đầu với Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham 2 tháng qua, Philippines đã triển khai xong chính sách “kéo” Mỹ trở lại Philippines. Tận dụng cơ hội chiến lược Mỹ chuyển trọng tâm sang châu Á, Manila đã đạt được điều họ muốn, đó là đưa Philippines trở lại trung tâm chính sách Mỹ tại Đông Nam Á/Biển Đông. Trong hai phát biểu gần đây nhất của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta, Philippines được đặt cạnh Nhật Bản và Hàn Quốc như đồng minh an ninh quân sự gần gũi nhất của Mỹ. Philippines rồi sẽ ra khỏi cuộc đối đầu Biển Đông với Trung Quốc, bình thường hóa trở lại các mối quan hệ láng giềng giữa hai nước ở đôi bờ Biển Đông, nhưng từ một tư thế mới.
Chính sách đối ngoại của một quốc gia xuất phát từ vị trí địa-chiến lược của quốc gia đó. Điều ấy Napoléon Bonaparte đã nói từ thế kỷ 18: “Chính sách của một quốc gia là do địa lý của nó quyết định”. Việt Nam có một đường bờ biển dài hơn 4000 km ở phía tây Biển Đông, nơi có các con đường biển quan trọng cho thương mại và quân sự, nhất là tàu ngầm hạt nhân. Đồng thời Việt Nam nằm ở sườn phía nam của Trung Quốc, “núi liền núi, sông liền sông”. Vị trí địa lý độc đáo ắt phải có chính sách đối ngoại độc đáo.
Quan hệ Việt-Trung là quan hệ láng giềng chung biên giới. Trải hàng ngàn năm bang giao hảo thoại, chính sách Trung Quốc của Việt Nam có sợi chỉ đỏ xuyên suốt, đó là “hòa hiếu”, “tôn trọng nước lớn”, nhưng giữ vững độc lập tự chủ, bảo vệ từng tấc đất biên cương. Mối quan hệ này được đổi mới qua các thời đại. Đến thế kỷ 15 được Nguyễn Trãi khái quát“Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau/Song hào kiệt đời nào cũng có”. Ngày nay, mối tương quan đó một lần nữa biến đổi to lớn, đầy thách thức, đầy cơ hội. Điều mà người Việt Nam đương thời không khỏi không hài lòng, đó là quan hệ kinh tế thương mại của Việt Nam với Trung Quốc chưa phát huy được cái vị trí gần gũi địa lý để hình thành phân công lao động; nông sản Việt Nam vẫn bị thương nhân Trung Quốc chèn ép giá, bỏ thối ở cửa khẩu; các sạp hàng Việt Nam tràn ngập hàng giá rẻ hoặc thứ phẩm của Trung Quốc. Việt Nam trở thành một trong quốc gia nhập siêu lớn nhất của Trung Quốc, xét theo tỷ lệ thương mại. Các nhà chức trách kinh tế thương mại hay các doanh nhân Việt Nam nên nhìn lại mình, xác định xem mình đã làm gì, đã thấu hiểu văn hóa kinh doanh của Trung Quốc chưa, ý chí tự cường dân tộc thế nào, trước khi trách người. Nhưng trong quan hệ nhà nước, các nhà thương lượng phải có cái trí, cái dũng của người xưa để bảo vệ được lợi ích kinh tế quốc gia, phát huy “16 chữ vàng” và “4 tốt” mà không để mình bị bối rối chập chững và cũng không làm chúng mai một.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta thăm cảng Cam Ranh, ngày 3/6/2012 |
Mỹ là nước bạn từ xa đến, đang sẵn sàng thúc đẩy các mối quan hệ mới lên bất kỳ tầm mức nào mà Việt Nam muốn. Tất nhiên, mỗi quốc gia đều theo đuổi lợi ích của mình. Rồi đây Việt-Mỹ có thể trở thành đối tác trong TPP. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đang thăm Việt Nam, thực hiện cuộc dừng chân có ý nghĩa tượng trưng cao tại cảng Cam Ranh, một trong các cảng nước sâu quan trọng nhất châu Á. Hợp tác an ninh hàng hải rồi đây sẽ là một nội dung quan trọng trong thế kỷ biển xanh trở thành biên giới mới của hợp tác quốc tế. Từ năm 2003, 20 tàu của hải quân Mỹ đã cập cảng của Việt Nam. Ngành dịch vụ cảng Việt Nam đã thực hiện các sửa chữa nhỏ đối với các tàu phi tác chiến của hải quân Mỹ. Cần đưa các hợp tác kỹ thuật lên quy mô lớn hơn, linh hoạt hơn nữa, sinh lợi hơn nữa.
Tất nhiên ta phải lượng định được, trong toàn bộ chiến lược rộng lớn của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương, vấn đề Biển Đông hay quan hệ Mỹ-Việt, chỉ là một thành tố nhỏ. Quan hệ Mỹ-Trung mới là quan trọng nhất. Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang ra sức thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với nhau, bao gồm tất cả các lĩnh vực kinh tế, an ninh quân sự, lên tầng nấc cao nhất.
Việt Nam không liên minh với nước này chống nước khác, không đi với Mỹ chống Trung Quốc. Đó là nguyên tắc đối ngoại quốc gia cuả Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cần nên tận dụng các cơ hội mới để mở rộng quan hệ hợp tác với Mỹ, tăng cường khả năng phòng thủ đất nước và sức mạnh kinh tế quốc gia; bên cạnh mở rộng đối tác chiến lược với “Ngũ cường” (Trung Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản) và quan hệ với các quốc gia khác. Vận dụng điều Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nêu lên năm 1947, “làm bạn với mọi nước dân chủ, không gây thù oán với một ai”./.
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường
Nguồn Baotoquoc
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)