Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012

Xây dựng và phát triển Hải quân nhân dân Việt Nam hiện đại


Việt Nam là một quốc gia biển. Để bảo vệ lãnh thổ ven bờ và vùng đặc quyền kinh tế của mình, chúng ta phải có tiềm lực hải quân đủ mạnh. Phát triển lực lượng, vũ khí trang bị kỹ thuật Hải quân là một nội dung rất quan trọng để nâng cao sức mạnh chiến đấu và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Hải quân.
Xem thêm:
>>Báo nước ngoài điểm danh sức mạnh quốc phòng Việt Nam
Từ những năm 90 trở về trước, Việt Nam chỉ có “hạm đội muỗi” với toàn tàu nhỏ. Trong gần hai thập kỷ qua, Quân chủng Hải quân đã từng bước trở nên chính quy, hiện đại một phần quan trọng là do được đầu tư ngân sách, phát triển lực lượng, mua sắm vũ khí trang bị kỹ thuật, hướng đến thành lập một hạm đội hùng mạnh với các tàu mặt nước (tàu chiến lớp corvette hạng nặng/frigate hạng nhẹ) và tàu ngầm.
Việt Nam xây dựng hạm đội không phải để tham gia cuộc chạy đua vũ khí hải quân thực sự với các nước trong khu vực mà chỉ nhằm mục đích tự vệ ngăn chặn đối phương thi hành chính sách fait accompli (việc đã rồi). Ngoài ra, hạm đội Việt Nam còn phải đối phó với các mối đe dọa phi truyền thống trên biển (buôn lậu, hải tặc, buôn bán ma túy…), cũng như sẵn sàng ứng phó với những xung đột tuy ít có khả năng xảy ra song không thể loại trừ. Sau đây là tư liệu và hình ảnh về một số loại vũ khí trang bị kỹ thuật mới của Hải quân nhân dân Việt Nam.
 1. Hai tàu chiến uy lực nhất của Hải quân Việt Nam hiện nay là HQ-011 Đinh Tiên Hoàng và HQ-012 Lý Thái Tổ, có lượng giãn nước 2.100 tấn và tốc độ tối đa đến 27 hải lý/h. Vũ khí chính của tàu là hệ thống tên lửa chống hạm Uran-E với cơ số đạn gồm 8 quả tên lửa chống hạm Kh-35E. Năm 2011, Nga đã chuyển giao cho Việt Nam 2 tàu hộ vệ lớp Projekt 11661E Gepard 3.9 đóng tại Nhà máy Zelenodolsk mang tên A.M. Gorky theo thiết kế của Viện Thiết kế Zelenodolsk (ZPKB) và được đổi tên thành HQ-011 và HQ-012. Hợp đồng này trị giá 350 triệu USD được ký vào năm 2006. Sau khi nhận được 2 tàu Gepard đầu tiên, Việt Nam đã chuyển điều khoản phụ của hợp đồng thành hợp đồng cứng, đóng thêm 2 tàu loại này. Dự kiến, sau khi Nga tiếp tục hoàn thành đóng xong hai chiến hạm lớp Gepard 3.9 thứ ba và thứ tư cho Việt Nam, có khả năng dây chuyền sản xuất tàu lớp này sẽ được chuyển giao để Việt Nam có thể tự chủ chế tạo tàu chiến hiện đại trong tương lai.

 2. Bệ phóng tên lửa chống hạm Kh-35E / Uran-E trên tàu hộ vệ tên lửa HQ-012 Lý Thái Tổ. Năm 2004-2011, Tập đoàn Vũ khí tên lửa chiến thuật (KTRV) của Nga đã cung cấp cho Việt Nam hơn 200 quả tên lửa chống hạm Kh-35E trong hợp đồng đặt hàng 400 tên lửa loại này từ năm 2004. Tháng 10-2010, Nga và Việt Nam đã ký Hiệp định liên chính phủ về việc hợp tác phát triển và sản xuất hệ thống tên lửa Uran-EV trang bị tên lửa chống hạm Kh-35EV phục vụ riêng cho nhu cầu của hạm đội Việt Nam. Tên lửa Uran được thiết kế với 4 cánh định hướng tam giác đặt giữa thân, 4 cánh điều khiển ở đuôi, dài 4,2m, đường kính thân 0,42m, trọng lượng khi phóng 630kg, trang bị hai động cơ: động cơ đẩy nhiên liệu rắn và động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy, có hệ thống định vị quán tính dẫn đường ở pha giữa và radar chủ động điều khiển ở pha cuối, có tầm bắn 130km, lắp đầu đạn thuốc nổ mạnh xuyên giáp nặng 145kg.

 3. Tàu tên lửa cao tốc BPS-500 đóng tại Việt Nam với kỹ thuật của Nga, có có kích thước 62 x 11 x 2.5 m, độ giãn nước 517 tấn, được trang bị 2 động cơ diesel MTU, 2 động cơ phản lực waterjets với 19.600bhp nên tàu có thể đạt tốc độ 35 hải lý/h và tầm hoạt động lên đến 1650 dặm ở tốc độ 14 hải lý, có 8 tên lửa hành trình chống tàu Kh-35 Uran, 1 khẩu 76,2 mm/59cal DP, 1 khẩu pháo 30 mm… Giữa tháng 10-2003, Việt Nam đã đặt mua 10 tàu tấn công cao tốc của Nga do Công ty Vympel vẽ kiểu. Theo thỏa thuận, các tàu chiến này sẽ được sản xuất ngay tại Sài Gòn (Saigon Shipbuilding Company) với bản vẽ có số hiệu là chiến hạm loại BPS-500. Đến nay đã có 1 chiếc được hoàn thành với số hiệu là HQ-381.

 4. Đây là một trong hai tàu tên lửa cao tốc đầu tiên thuộc Project 1241.8 nằm trong hợp đồng mua 12 chiếc Molnya Project 12418 (NATO gọi là Tarantul V, Trung Quốc gọi là “ong độc”) mà Việt Nam đã ký với Nga, được chuyển giao cho Hải quân Việt Nam vào năm 2007-2008 mang số hiệu HQ-375 và HQ-376. 10 chiếc còn lại sẽ do Việt Nam tự đóng theo giấy phép và dưới sự giám sát kỹ thuật của các kỹ sư Nga. Dự kiến 8 tàu Việt Nam tự đóng sẽ được hoàn thành đến năm 2016. So với những tàu tên lửa Molnya cơ sở thuộc Project 1241.1 mà Việt Nam nhận của Nga trước đó, tàu Molnya thuộc Project 1241.8 có một số thay đổi đặc biệt là ở hệ thống vũ khí. Thay cho 4 tên lửa chống hạm P-20, Projekt 1241.8 được lắp 16 tên lửa chống hạm Kh-35, mỗi tên lửa có khối lượng 600kg mang đầu đạn 145kg, được phóng từ container phóng/vận chuyển và có thể tiêu diệt các tàu chiến mặt nước có lượng giãn nước đến 5.000 tấn và các tàu hỗ trợ có lượng giãn nước đến 10.000 tấn của đối phương ở cự ly đến 130km.. Các tàu tên lửa Molnya được sử dụng để tác chiến tại các vùng cửa biển và ven bờ. Với lượng giãn nước chỉ hơn 500 tấn, kích thước 56,1×10,2×2,65m, lắp động cơ tuốc bin khí cho phép đạt vận tốc 38 hải lý/h, nên tính cơ động cao, khả năng tấn công và sơ tán nhanh, Molnya có khả năng độc lập tác chiến và chiến đấu hiệp đồng trong đội hình biên đội, tạo nên thế trận cực kỳ linh hoạt.

 5. Việt Nam đang hoàn tất dự án đóng 6 tàu tuần tra Projekt 10412 Svetlyak do Viện Thiết kế Hải quân Trung ương Almaz của Nga thiết kế. Các tàu nhỏ này có lượng giãn nước gần 400 tấn, hoạt động với hệ thống thủy lực gồm ba động cơ diesel tự động, tốc độ tối đa 35 hải lý/giờ, không có thiết bị chống tàu ngầm, nhưng được trang bị các ụ pháo АК-176M, 8 tên lửa chống hạm và 16 tên lửa phòng không, dùng để thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ bờ biển. Hai tàu đầu tiên (HQ-261/263) đã đóng xong năm 2002, 2 chiếc tiếp theo (HQ-264/265) hoàn thành vào năm 2011. Cặp tàu thứ ba đang được hoàn thiện tại Vladivostok, Nga và sẽ được chuyển giao cho Việt Nam trong năm 2012. Chi phí đóng 6 tàu này là gần 110 triệu USD.

 6. Tháng 1-2012, Hải quân Việt Nam được chuyển giao tàu pháo đầu tiên lớp TT400TP là HQ-272. Tàu này có chiều dài 54,16 m, chiều rộng 9,16 m, mớn nước 2,7 m, tốc độ đến 32 hải lý/h, lượng giãn nước 400 tấn, thời gian hoạt động liên tục trên biển đến 30 ngày đêm, có khả năng tác chiến trong điều kiện gió cấp 9-10 và sóng cấp 8, tầm hoạt động 2.500 hải lý, được trang bị 1 ụ pháo tự động vạn năng 76 mm АК-176 và 1 ụ pháo tự động vạn năng 6 nòng 30 mm АК-630, hệ thống nhận biết địch-ta, hệ thống quang-điện tử,… Tàu còn được trang bị các súng máy và các bệ phóng tên lửa phòng không mang vác Igla. Tàu này do Nhà máy đóng tàu Z-173 thuộc Công ty đóng tàu Hồng Hà (Hải Phòng) tự thiết kế dựa theo mẫu của BPS-500 và Projekt 10412 của Nga.


7. Dự án lớn nhất mà Việt Nam đang thực hiện trong lĩnh vực xây dựng hải quân là việc mua sắm từ Nga 6 tàu ngầm thông thường Projekt 636 Kilo. Hợp đồng này được ký năm 2009, trị giá 1,8 – 2,1 tỷ USD, dự kiến sẽ được bàn giao từ năm 2014 – 2017, tàu ngầm đầu tiên đã được khởi đóng tại Admiralteiskye Verfi ở St. Petersburg vào tháng 8-2010. Nga cũng sẽ hỗ trợ xây dựng căn cứ tàu ngầm và hạ tầng đi kèm tại Việt Nam. Chi phí xây dựng căn cứ ước 1,5 – 2,1 tỷ USD. 6 tàu ngầm kilo này sẽ được trang bị 40 quả tên lửa hành trình Novator Club-S (SS-N-27) bắn tên lửa 3M54E1 (tầm bắn xa 220km, đầu đạn 450kg), là một trong những chủng loại vũ khí trang bị hải quân tối ưu nhất xét từ giác độ hệ số chi phí/hiệu quả.
Theo (ĐĐK)
Nguồn Phungquangthanh.net

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang