Một tàu cá của ngư dân tỉnh Bình Định vừa bị tàu nước ngoài đâm chìm gần Trường Sa, một người sống sót, ba người mất tích.
Ông Nguyễn Văn Tiến, chủ tịch xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, nói với BBC rằng ngư dân sống sót, ông Hồ Dễ (31 tuổi) vừa về tới nhà hôm thứ Hai sau khi được tàu của Đài Loan vớt lên.
Xem thêm:
Chiếc tàu cá mang số hiệu BĐ 96352 TS mà ông Dễ làm thuyền viên đã bị tàu nước ngoài đâm chìm cách đây ba tuần khi đang hoạt động tại vùng biển gần quần đảo Trường Sa.
Tàu nước ngoài sau khi đâm tàu cá Việt Nam đã bỏ chạy.
Theo ông Tiến, ông Hồ Dễ đã trôi dạt trên biển gần ba ngày mới được tàu Đài Loan đi ngang qua phát hiện và vớt lên. Sức khỏe của ông không được tốt, "lúc mê lúc tỉnh".
Ông Nguyễn Văn Tiến cũng cho biết chiếc tàu BĐ 96352 TS do ông Phan Văn Điệm (45 tuổi) làm chủ, lúc bị đâm chìm đang hành nghề câu cá ngừ đại dương.
Trên tàu ngoài ông Điệm và ông Dễ còn có Phan Văn Tuấn (con trai ông Điệm) và ông Võ Văn Thanh. Cả hai cha con ông Điệm và ông Thanh hiện đều mất tích, nghi là đã chết.
Tàu cá ra khơi gặp tai nạn vì thời tiết là chuyện thường hay xảy ra, nhưng theo ông Tiến, vào thời điểm tàu cá gặp nạn thời tiết nói chung thuận lợi, không có gió bão.
Tàu hải giám
Trong thời gian gần đây, báo chí trong nước cho hay nhiều sự cố tàu cá của ngư dân bị “tàu lạ” đâm gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Những người chỉ trích cho rằng truyền thông và nhà nước Việt Nam thường dùng từ "tàu lạ" để tránh không nói đến tàu Trung Quốc.
Nghề cá Việt Nam thời gian gần đây gặp nhiều khó khăn, đặc biệt phải đối diện nhiều trở ngại và mất mát khi căng thẳng leo thang trong tranh chấp chủ quyền lãnh hải thuộc khu vực Biển Đông.
Trong khi đó Tân Hoa Xã đưa tin bốn tàu hải giám của Trung Quốc đã tới đảo Châu Viên (Trung Quốc gọi là Hoa Dương), thuộc quần đảo Trường Sa.
Các tàu này rời Hải Nam hôm 26/6 và vượt qua 2.000 hải lý để tới vùng biển tranh chấp, nơi radar báo hiệu sự hiện diện của tàu Việt Nam.
Hãng tin Trung Quốc nói ngay khi tới nơi, các tàu hải giám đã phát đi thông báo bằng các thứ tiếng Trung, Anh và Việt để tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại đây.
Chưa thấy Việt Nam có phản ứng gì về thông tin này.
Theo Tân Hoa Xã, thủy thủ đoàn của các tàu hải giám đã tiến hành một cuộc thao diễn đội hình tại đảo Đá Chữ Thập (Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử) vào thứ Hai 2/7.
Trung Quốc đã vội vàng điều tàu xuống Trường Sa sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển hôm 21/6.
Nguồn BBC
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)