Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

Học giả Việt Nam nói về Biển Đông trên truyền hình Trung Quốc - Một cuộc trao đổi thẳng thắn, tràn đầy tình thân ái.


Trả lời truyền hình Trung Quốc, tiến sĩ Vũ Cao Phan bình luận, phát biểu của lãnh đạo Việt Nam chỉ là những phản ứng tự vệ, không phải là lời lẽ đe dọa chiến tranh. Ông tin, cuộc tranh chấp sẽ được giải quyết một cách hòa bình.


Dưới đây là nội dung trả lời của ông với Đài truyền hình Phượng Hoàng của Hong Kong, Trung Quốc, tuần trước do tiến sĩ gửi cho VnExpress.
- Sự thể hiện cứng rắn gần đây của Việt Nam ở Nam Hải (Biển Đông) biểu thị thái độ gì?
- Nếu chỉ nhìn vào riêng biệt các sự kiện xảy ra gần đây để đánh giá phản ứng và thái độ của Việt Nam thì sẽ không chính xác. Phải nhìn rộng ra một chút, nhìn xa ra một chút. Vài năm gần đây ngày càng có nhiều tàu đánh cá của phía Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ, tịch thu hết lưới cụ rồi đòi tiền chuộc. Như năm ngoái chẳng hạn, hàng chục tàu thuyền, hàng trăm ngư dân khu vực miền Trung bị bắt giữ. Đây vốn là vùng đánh cá truyền thống lâu đời và yên lành của ngư dân Việt Nam, bây giờ bỗng nhiên liên tục xảy ra những sự việc như vậy.
Có lần truyền hình Việt Nam chiếu cảnh hàng trăm thân nhân của những người đánh cá đứng, ngồi lam lũ trên bờ biển khóc lóc ngóng lo chồng con trở về đã gây ra rất nhiều bức xúc trong dư luận xã hội (điều này chắc các bạn Trung Quốc không biết).
Tàu thăm dò Vikinh II do Việt Nam điều hành, bị tàu Trung Quốc quấy rối trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ngày 9/6. Ảnh: PetroTimes.
Tàu thăm dò Viking II do Việt Nam điều hành, bị tàu Trung Quốc quấy rối trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ngày 9/6. Ảnh: PetroTimes.
Nhà đương cục Việt Nam đã nhiều lần tiếp xúc với phía Trung Quốc về vấn đề đó nhưng hầu như không được đáp ứng. Lần này Trung Quốc hành động mạnh hơn thì phản ứng của Việt Nam cũng buộc phải mạnh hơn, không có gì quá bất thường. Trong tinh thần ấy, tôi nghĩ, phát biểu của lãnh đạo Việt Nam cũng chỉ là những phản ứng tự vệ, đâu có phải là lời lẽ đe dọa chiến tranh như các bạn vừa suy luận. Nếu người dân Trung Quốc thấy bất thường thì có lẽ là vì các bạn không biết đến các sự kiện trước đó như tôi vừa nói. Còn nếu gọi đây là một sự leo thang thì phải thấy là Việt Nam leo theo các bạn Trung Quốc. Đúng thế đấy, phía Trung Quốc luôn luôn leo lên trước.
- Theo ông, tranh chấp trên Nam Hải (Biển Đông) sẽ được giải quyết bằng vũ lực hay đàm phán?
- Ở Việt Nam loại câu hỏi như thế này hầu như không được đặt ra. Tôi nói hầu như nghĩa là không phải không có. Mặc dù Việt Nam đã phải đương đầu với nhiều cuộc chiến tranh suốt hơn nửa thế kỷ qua nhưng không nhiều người nghĩ đến khả năng có một cuộc chiến tranh Trung - Việt vào lúc này vì những hòn đảo ở Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải). Về phía cá nhân, tôi tin cuộc tranh chấp sẽ được giải quyết một cách hòa bình.
Thứ nhất là vì Chính phủ hai nước luôn luôn cam kết sẽ giải quyết những tranh chấp này không phải bằng vũ lực mà thông qua con đường ngoại giao, đàm phán thương lượng.
Thứ hai, cả hai nước đều đang ra sức phát triển kinh tế sau nhiều năm bị tàn phá bởi Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc và chiến tranh ở Việt Nam; và công cuộc xây dựng phát triển kinh tế này đang đạt được những kết quả khả quan, chắc là không bên nào muốn để chiến tranh một lần nữa kéo lùi sự phát triển của đất nước mình.
Thứ ba, bối cảnh của một thế giới hiện đại - tôi muốn nói đến một dư luận quốc tế đã trưởng thành - sẽ mạnh mẽ góp sức ngăn ngừa một khả năng như vậy.
Thứ tư, và điều này cũng rất quan trọng, là nếu chính phủ hai nước có nóng đầu một chút thì lý trí và tình cảm của nhân dân cả hai bên sẽ giúp cho họ tỉnh táo hơn, tôi tin như vậy. Tôi xin hỏi lại anh, chắc anh cũng không muốn có một cuộc chiến tranh chứ?
Tuy nhiên, vẫn có thể xảy ra những va chạm, xung đột nhỏ.
- Bản chất của sự tranh chấp Trung - Việt, theo ông, là vấn đề kinh tế hay chủ quyền? Việt Nam nhìn nhận nguyên tắc "gác tranh chấp, cùng khai thác” như thế nào?
- Đây là một câu hỏi thú vị. Các sự kiện ở Biển Đông cho thấy có cả màu sắc tranh chấp về kinh tế lẫn tranh chấp chủ quyền. Quan sát khách quan thì thấy Trung Quốc có vẻ nghiêng về lý do kinh tế, còn Việt Nam nghiêng về lý do chủ quyền nhiều hơn. Cách nhìn vấn đề như vậy sẽ giải thích được tại sao Việt Nam không mặn mà lắm với việc “gác tranh chấp, cùng khai thác”.
Ta thử phân tích xem tại sao nhé. Và đây là ý kiến của cá nhân tôi thôi. Lý do thứ nhất là tài nguyên thì có hạn, một khi khai thác hết rồi điều gì sẽ xảy ra? Liên quan đến nó là lý do thứ hai: “gác tranh chấp, cùng khai thác” mà các bạn vừa nêu mới chỉ là một nửa lời căn dặn của ông Đặng Tiểu Bình mà nguyên văn là: “Chủ quyền của ta, gác tranh chấp, cùng khai thác”, có đúng không? Như thế có nghĩa là khi đã cạn kiệt tài nguyên khai thác rồi, Việt Nam chẳng còn gì và Trung Quốc thì vẫn còn cái cơ bản là “chủ quyền”! Mà những hòn đảo và vùng biển ấy đâu chỉ có giá trị về tài nguyên?
Tôi ủng hộ việc hai nước cùng hợp tác khai thác tài nguyên ở Biển Đông nhưng ít nhất trước đó cũng phải làm sáng tỏ đến một mức độ nhất định nào đó (nếu chưa hoàn toàn) vấn đề chủ quyền.
Về câu hỏi của các bạn là bản chất của cuộc tranh chấp Việt - Trung là gì, kinh tế hay chủ quyền thì tôi đã phát biểu như vậy. Nhưng nếu cho tôi được phát triển theo ý mình thì tôi nói rằng, bản chất của cuộc tranh chấp này là chính trị. Quan hệ Việt - Trung không yên tĩnh đã từ mấy chục năm nay rồi và nó là một dòng gần như liên tục, trước khi xuất hiện vấn đề biển đảo những năm gần đây, có phải vậy không? Để giải quyết nó, các nhà lãnh đạo cần phải ngồi lại với nhau, ở cấp cao nhất ấy, một cách bình đẳng, bình tĩnh, thẳng thắn và chân thành. Vấn đề hóc búa đấy. Đương đầu với sự thật không dễ dàng, nhưng sẽ dễ dàng nếu xuất phát từ thiện chí mong muốn một sự bền vững thực chất cho tình hữu nghị Việt - Trung.
- Theo ông, tương lai phát triển của quan hệ Trung - Việt sẽ như thế nào? Làm cách nào để có thể duy trì quan hệ hữu hảo giữa hai nước?
- Tôi là một người có nhiều năm công tác ở Hội Hữu nghị Việt - Trung, có nhiều mối quan hệ gắn bó với Trung Quốc và nói một cách rất chân thành là tôi yêu Trung Quốc, khâm phục Trung Quốc và thậm chí có thể gọi là “thân Trung Quốc” cũng được. Vì thế, điều mong muốn thường trực của tôi là làm sao xây dựng được một mối quan hệ tốt đẹp, thật sự tốt đẹp giữa nhân dân hai nước. Chắc các bạn cũng muốn vậy. Nhưng có không ít việc phải làm. Có việc phải bắt đầu lại. Trước hết, như tôi đã nói là phải ngồi lại với nhau. Có vị bảo với tôi là ngồi mãi rồi còn gì. Không, ngồi như vậy chưa được, ngồi như vậy không được. Ngồi thế không phải là ngồi thẳng.
Về phần mình với mong muốn như vậy, tôi xin được gửi gắm đôi điều giống như là những lời tâm sự đến các bạn:
Thứ nhất là, vấn đề đàm phán song phương giữa hai nước. Tôi nghĩ đàm phán song phương cũng tốt, cũng cần thiết. Những nơi có tranh chấp đa phương như quần đảo Trường Sa (Nam Sa) thì cần phải đàm phán nhiều bên còn như quần đảo Hoàng Sa (Tây Sa) là vấn đề của riêng hai nước Việt Nam và Trung Quốc lại khác.
Nhưng Chính phủ các bạn lại tuyên bố Hoàng Sa dứt khoát là của Trung Quốc, không phải là vấn đề có thể đưa ra đàm phán. Vậy thì còn cái gì nữa để mà “song phương” ở đây? Chính tuyên bố ấy của Trung Quốc đã đóng sập cánh cửa “con đường song phương”. Tình trạng tranh chấp Hoàng Sa rất giống với tình trạng tranh chấp của đảo Điếu Ngư, giữa Trung Quốc và Nhật Bản mà ở đấy, địa vị của Trung Quốc hoàn toàn giống như địa vị của Việt Nam ở Hoàng Sa lúc này. Chẳng lẽ Trung Quốc lại có một tiêu chuẩn kép cho những cuộc tranh chấp giống nhau về bản chất sao?
Thứ hai là, chúng ta thường nói đến sự tương đồng văn hóa giữa hai nước như là một lợi thế cho việc chung sống hữu nghị bên nhau giữa hai dân tộc. Điều đó đúng một phần, nhưng mặt khác, văn hóa Việt Nam, nhất là văn hóa ứng xử có sự khác biệt lớn với Trung Quốc. Nếu văn hóa ứng xử của người Trung Quốc là mạnh mẽ, dứt khoát, quyết đoán (và do đó thường áp đặt?), nặng về lý trí, thì văn hóa ứng xử của người Việt Nam là nhẹ nhàng, khoan dung, nặng về tình, ơn thì nhớ lâu, oán thì không giữ. Hình như các bạn Trung Quốc chưa hiểu được điều này ở người Việt Nam. Cần phải hiểu được như vậy thì quan hệ giữa hai bên mới dễ dàng.
Tôi có thể lấy một ví dụ. Những sự kiện ở Nam Kinh, ở Lư Cầu Kiều xảy ra đã hơn bảy chục năm rồi. Nhưng mỗi khi có vấn đề với Nhật Bản, người Trung Quốc lại xuống đường biểu tình, đầy căm thù nhắc lại những sự kiện ấy. Người Việt Nam thì không như vậy. Phát xít Nhật đã góp phần gây ra nạn đói giết chết hàng triệu người Việt Nam năm 1945, và trong cuộc chiến tranh Việt Nam 1965 – 1975, người Mỹ, người Hàn Quốc đã gây rất nhiều tội ác đối với nhân dân Việt Nam. Nhưng sau chiến tranh, chính những người lính các nước này khi trở lại Việt Nam đã rất ngạc nhiên bắt gặp những nụ cười niềm nở thân thiện của người dân. Có lẽ nhờ thái độ, cách ứng xử đó của người Việt Nam chăng mà Mỹ, Nhật, Hàn cuối cùng đã trở thành những đối tác kinh tế và thương mại lớn, và là những nước viện trợ hàng đầu cho Việt Nam sau chiến tranh?
Nói như thế vì tôi thấy rằng, cách ứng xử nặng nề của phía Trung Quốc đối với Việt Nam đã và đang đẩy những người Việt Nam vốn rất yêu quý Trung Quốc ra xa các bạn, chứ không phải là Việt Nam cố đi tìm liên minh để chống Trung Quốc.
Lấy thêm một ví dụ nữa nhé! Bây giờ chúng ta đã có thể hiểu bản chất sự kiện (cũng có thể gọi là cuộc chiến tranh) tháng 2/1979 rồi. Người Việt Nam đã muốn quên đi, và khi tiếp xúc với các bạn Trung Quốc vẫn luôn giữ một sự niềm nở chân tình. Trái lại người Trung Quốc rất hay nói đến sự kiện đó. Các bạn biết không, năm 2009, tôi chẳng để ý đó là năm gì, giở báo, mạng của các bạn mới biết là đã 30 năm kể từ 1979. Không phải chỉ vào tháng 2 đâu mà suốt cả năm 2009 người ta nói về sự kiện này. Hàng mấy trăm bài viết, nhiều bài trên mạng mà nhìn vào chỉ muốn khóc. Lời lẽ thật tàn tệ. Thôi, cho chuyện này qua đi …
Thứ ba là, quan hệ giữa hai nước chúng ta thậm chí phải trở nên đặc biệt vì chúng ta có sự tương đồng văn hóa, lịch sử, là láng giềng không thể cắt rời, từng hoạn nạn có nhau (bản thân tôi là một người lính trong chiến tranh Việt Nam, tôi không thể nào quên sự giúp đỡ chí tình của nhân dân Trung Quốc về cả vũ khí, lương thực mà mình trực tiếp được sử dụng). Hai nước chúng ta lại đang cùng cải cách mở cửa, phát triển kinh tế. Chừng ấy lý do là quá đủ để quan hệ này trở nên hiếm có, trở nên đặc biệt. Tôi nói như vậy là muốn phát biểu thêm rằng, hai nước còn một lý do tương đồng nữa là cùng thể chế chính trị, cùng ý thức hệ, điều hay được người ta nhắc đến. Nhưng theo ý kiến cá nhân tôi - của riêng tôi thôi nhé - thì không cần nhấn mạnh điểm tương đồng này. Nó tồn tại như một điều kiện, một lý do thế thôi, không cần nhấn mạnh như cách hai nước vẫn làm. Giữa các nước có cùng ý thức hệ kiểu này vẫn xảy ra xung đột, chiến tranh vì quyền lợi quốc gia như chúng ta đã biết đấy thôi. Thực tế là quyền lợi quốc gia cao hơn ý thức hệ. Chúng ta nên thẳng thắn nhìn nhận vậy để khỏi dối lòng nhau. Hơn nữa, giả dụ một ngày nào đó một trong hai nước chúng ta có một thể chế chính trị khác thì sao, chúng ta lúc ấy còn cần duy trì quan hệ láng giềng tốt nữa không? Vẫn cần chứ, rất cần. Vậy thì …
Tôi rất sẵn lòng cùng các bạn làm tất cả những gì để hai dân tộc Việt Nam và Trung Hoa đã hiểu biết càng hiểu biết nhau hơn nữa, đã gần gũi càng gần gũi nhau hơn nữa. Cám ơn Đài Truyền hình Phượng Hoàng đã dành cho tôi cuộc phỏng vấn này.

Thư tịch Trung Hoa thừa nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Việt Nam


Theo chính sử Trung Hoa, trong suốt 22 thế kỷ, từ các đời Tần, Hán đến sau Thế chiến thứ II, không thấy tài liệu nào, hay nói rõ hơn, không có câu chữ nào ghi rằng Biển Đông (Trung Quốc gọi là Biển Nam Trung Hoa) với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa) thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Trong khi đó, không ít thư tịch cổ Trung Hoa, do chính người Trung Hoa ghi lại trong lịch sử đã thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.


Một tài liệu đáng tin cậy về chính sử Trung Hoa là cuốn "Lịch sử Trung Quốc thời trung cổ” do Hàn Lâm Viện Trung Quốc xuất bản tại Đài Bắc năm 1978, học giả Hsieh Chiao-Min trong bài "Nghiên cứu về lịch sử và địa lý” nhận định về cuộc thám hiểm của Trung Hoa tại đại dương như sau: "Suốt chiều dài lịch sử, về sự phát triển văn hóa và khoa học, dân tộc Trung Hoa không tha thiết với đại dương”. Theo các tài liệu lịch sử chính thống "thảng hoặc triều đình Trung Hoa cũng gửi những đoàn thám hiểm đến Nhật Bản trong các thế kỷ thứ III và thứ II (TCN) và tại Đông Nam Á, Ấn Độ, Ba Tư và Phi Châu trong thế kỷ XV. Điểm rõ nét nhất là tại Thái Bình Dương có rất ít, nếu không nói là không có, những vụ xâm nhập quy mô của Trung Hoa” suốt chiều dài lịch sử (từ đời nhà Tần thế kỷ thứ III TCN đến nhà Thanh từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX).
Dưới đời nhà Minh, Minh Thành Tổ cử Đô đốc Thái Giám Trịnh Hòa chỉ huy những đoàn thám hiểm đến Ấn Độ Dương và Biển Ả Rập nhằm thiết lập bang giao với trên 30 quốc gia duyên hải, triển khai Con đường Tơ Lụa tại Ấn Độ, Phi Châu và Trung Đông. Những chuyến hải hành của phái bộ Trịnh Hòa không phải để chinh phục Biển Đông nơi có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trên thực tế đoàn thuyền chỉ đi ngang qua Biển Đông nhằm khai phá Ấn Độ Dương. Trạm trú chân duy nhất của đoàn trong khu vực này là Đồ Bàn (Chaban) thủ phủ Chiêm Thành bấy giờ. Sau khi Minh Thành Tổ mất, triều đình nhà Minh đã phê phán những cuộc hải trình nặng phần trình diễn của Trịnh Hòa đã góp phần làm suy yếu nền kinh tế quốc gia.
Sử gia Triệu Nhữ Quát đời nhà Tống trong cuốn Chư Phiên Chí đã xác nhận nhiều sự kiện lịch sử quan trọng từ thời nhà Hán. Theo đó, năm 111 TCN, sau khi thôn tính Nam Việt "Hán Vũ Đế sai quân vượt biển sang chiếm đất của địch quân (Nam Việt) và đặt ra 2 quận Châu Nhai và Đạm Nhĩ (đảo Hải Nam). Trong thế kỷ thứ I TCN, Hán Nguyên Đế đã rút quân khỏi đảo Hải Nam. Mãi tới đời nhà Lương và nhà Tùy (cuối thế kỷ thứ VI đầu thế kỷ thứ VII) mới đặt lại quyền cai trị”. Triệu Nhữ Quát cũng cho biết vùng quần đảo Hoàng Sa (Vạn Lý Trường Sa) là nơi nguy hiểm, tàu thuyền Trung Hoa không nên đến gần vì chỉ đi sai một tí là có thể chìm đắm. Nhan đề sách là Chư Phiên Chí, có nghĩa là chép chuyện các phiên quốc, nước ngoài. Vạn Lý Trường Sa nằm ở phiên quốc, có nghĩa là không thuộc về Trung Hoa mà thuộc về phiên quốc Nam Việt. Như vậy, biên giới trên Biển Đông của Trung Hoa vào đời nhà Hán chỉ tới đảo Hải Nam.
Một trang trong cuốn Hải Ngoại Kỷ Sự (1695) của Thích Đại Sán,một nhà sư Trung Quốc đời Khang Hy, thuật lại chuyến du hànhtới xứ Đàng Trong, thừa nhận chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Đại Việt.
Đời nhà Đường có sách Đường Thư Nghệ Văn Chí đề cập tới cuốn Giao Châu Dị Vật Chí của Dương Phu chép những chuyện kỳ dị và những nơi kỳ dị tại Giao Châu (Việt Nam). Sách này chép, tại Thất Châu Dương (nhóm An Vĩnh, quần đảo Hoàng Sa) là nơi có nhiều đá nam châm khiến các thuyền ngoại dương có đóng chốt sắt đi qua không được. Điều này đã khẳng định quần đảo Hoàng Sa thuộc về Giao Châu xưa (nay là Việt Nam). Trong đời Nam Tống, cuốn Lĩnh Ngoại Đại Đáp của Châu Khứ Phi cũng xác nhận: "Vạn Lý Trường Sa (Hoàng Sa) tọa lạc tại Giao Chỉ Dương”. Chư Phiên Đồ đời Tống cũng xác định giới hạn lãnh thổ của Trung Quốc với các nước khác ở Giao Dương (tức Giao Chỉ Dương). Giao Chỉ Dương hay Biển Giao Chỉ là Vịnh Bắc Bộ ngày nay, trong khi Hoàng Sa và Trường Sa lại cách xa Vịnh Bắc Bộ hàng trăm dặm về phía nam. Như vậy, các thư tịch cổ Trung Hoa từ đời nhà Tống đã cho thấy Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc về Trung Quốc mà thuộc về nước khác mà Trung Quốc gọi là phiên quốc hay Giao Châu, Giao Chỉ.
Vào đời nhà Nguyên, quân và dân Đại Việt đã 3 lần đánh tan quân Nguyên – Mông xâm lược và góp phần phá tan kế hoạch Đông Tiến (đánh Nhật Bản) của đoàn quân Mông Cổ nổi danh là bách chiến bách thắng từ đời Thành Cát Tư Hãn. Sau 3 phen thất bại, nhà Nguyên không còn dòm ngó Đại Việt cả trên lục địa đến các hải đảo. Trong suốt các thế kỷ XIII và XIV, theo chính sử Trung Hoa, quân Mông Cổ không hề có ý định xâm chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong Dư Địa Đồ đời Nguyên của Chu Tư Bản được vẽ thu nhỏ lại trong sách Quảng Dư Đồ của La Hồng Tiên thực hiện năm 1561 phần cực nam lãnh thổ Trung Hoa là đảo Hải Nam.
Đời nhà Minh, Thiên Hạ Thống Nhất Chi Đồ trong Đại Minh Nhất Thống Chí (1461), Hoàng Minh Đại Thống Nhất Tổng Đồ trong Hoàng Minh Chức Phương Địa Đồ (1635) đã vẽ phần cực nam Trung Hoa là đảo Hải Nam. Trong khi cuốn Vũ Bị Chí của Mao Nguyên Nghi gọi Biển Đông là Giao Chỉ Dương. Trên các bản đồ Trịnh Hoà Hạ Tây Dương, Trịnh Hòa Hàng Hải Đồ cũng không thấy ghi chép các danh xưng Hoàng Sa, Trường Sa (hay theo cách gọi của Trung Hoa là Tây Sa, Nam Sa, Tuyên Đức, Vĩnh Lạc) trong các lộ trình và hải đạo của Trịnh Hòa sau 7 lần đi qua Biển Đông để khai phá Ấn Độ Dương (Tây Dương). Nhiều tài liệu chính sử nhà Minh cho biết, từ thế kỷ XV, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nguyên là địa bàn ngư nghiệp của Chiêm Thành đã trở thành lãnh thổ của Đại Việt. Lưu ý rằng từ năm 1427 Lê Lợi đã đánh thắng quân Minh để giành lại chủ quyền cho Đại Việt bị Minh Thành Tổ chiếm đoạt từ 20 năm trước (1407).
Đại Thanh Nhất Thống Toàn Đồ, đảo nhỏ ở phía dưới là Hải Nam, gần đó bên trái là Giao Chỉ, đảo lớn hơn bên phải là Đài Loan.
Đời nhà Thanh, từ thế kỷ thứ XVII đến XX, theo bản đồ Hoàng Thanh Nhất Thống Dư Địa Bản Đồ do triều đình nhà Thanh ấn hành năm 1894 thì đến cuối thế kỷ XIX "lãnh thổ của Trung Quốc chỉ chạy đến đảo Hải Nam là hết”. Qua thế kỷ XX, sự kiện này còn được xác nhận trong cuốn Trung Quốc Địa Lý Học Giáo Khoa Thư xuất bản năm 1906 với đoạn như sau: "Điểm cực nam của Trung Quốc là bờ biển Châu Nhai thuộc quận Quỳnh Châu (Hải Nam) tại vĩ tuyến 18”. Các quận Châu Nhai và Đạm Nhĩ thuộc đảo Hải Nam kéo dài từ vĩ tuyến 20 (ngang Thanh Hoá) đến vĩ tuyến 18 (ngang Nghệ An – Hà Tĩnh). Trong khi quần đảo Hoàng Sa tọa lạc về phía nam, từ vĩ tuyến 17 đến vĩ tuyến 15 (Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi) và quần đảo Trường Sa tọa lạc tại các vĩ tuyến 12 đến vĩ tuyến 8 (Cam Ranh – Cà Mau). Bản đồ Đại Thanh Đế Quốc do triều đình nhà Thanh ấn hành cũng không thấy vẽ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (cũng không thấy ghi theo cách gọi của Trung Quốc là Tây Sa, Nam Sa, Vịnh Lạc, Tuyên Đức...). Hơn nữa, trong bộ Hải Quốc Đồ Ký, cuốn Hải Lục của Vương Bỉnh Nam (1820-1842) chép: "Vạn Lý Trường Sa (Hoàng Sa) là dải cát dài ngoài biển được dùng làm phên dậu che chắn mặt ngoài bờ cõi nước An Nam”. Như vậy, tư liệu này của Trung Quốc đã thừa nhận quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ trên biển của Việt Nam. Trong bộ sách địa lý Đại Thanh Nhất Thống Chí do Quốc Sử Quán nhà Thanh biên soạn năm 1842 với lời tựa của hoàng đế Thanh Tuyên Tông, không có chỗ nào ghi Thiên Lý Trường Sa hay Vạn Lý Trường Sa (quần đảo Hoàng Sa). Trong cuốn Hải Quốc Văn Kiến Lục của Trần Luân Quýnh (1744), vùng biển của Việt Nam tại Biển Đông được ghi bằng các danh xưng Việt Hải và Việt Dương. Trong vụ ngư dân đảo Hải Nam cướp tàu chở đồng bị đắm tại quần đảo Hoàng Sa những năm 1895-1896, để trả lời văn thư phản kháng của Chính phủ Anh, Tổng đốc Lưỡng Quảng Trung Hoa đã phủ nhận trách nhiệm với lý do: "Hoàng Sa không liên hệ gì tới Trung Quốc”. Ngoài ra cuốn Hải Ngoại Kỷ Sự (1695) của Thích Đại Sán một nhà sư thời Khang Hy đã đến đất Thuận Hóa của chúa Nguyễn ngày 29 tháng giêng năm Ất Hợi (13-3-1695) thuật lại chuyến hải hành này và ghi nhận chủ quyền của Đại Việt trong việc chiếm hữu, kiểm soát và khai thác vùng Biển Đông nơi tọa lạc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ít nhất là từ thế kỷ thứ XVII.
Các tài liệu cổ của Trung Hoa rõ ràng cho thấy hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa) đã được người Việt Nam phát hiện, sử dụng trong nhiều thế kỷ một cách hoà bình và liên tục không có sự phản đối của bất cứ quốc gia nào kể cả của Trung Quốc. Điều đó được minh chứng từ tư liệu chính sử của nhiều triều đại Trung Quốc trong đó đã mặc nhiên thừa nhận chủ quyền của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong suốt hơn 22 thế kỷ từ thời Tần, Hán cho đến đầu thế kỷ XX.
< Theo Baodatviet>

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

Công ty Séc sẽ sản xuất vũ khí tại Việt Nam?



Công ty Séc sẽ sản xuất vũ khí tại Việt Nam?
Sản phẩm của ČZ. Nguồn ảnh: Česká zbrojovka
Hãng sản xuất vũ khí tại Uherský Brod Česká zbrojovka (ČZ), hiện đang nằm dưới quyền điều hành của Rudolf Ovčaří, từng đồng sở hữu công ty luyện kim tại Třinec, đang tìm đối tác nước ngoài nơi có thể xây dựng thêm nhà máy mới.
Một số nước như Việt Nam, Ấn Độ, Mexico hay Guatemala đang nằm trong khả năng cân nhắc. ČZ xuất khẩu tới 95% sản phẩm của mình và hiện đang làm ăn rất phát đạt, vì thế cho nên tính đến chuyện mở rộng sản xuất là lẽ dĩ nhiên. “Chúng tôi đắn đo giữa một số nước châu Á và Mỹ Latin,“ tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị ČZ Lubomír Kovařík cho biết.
Theo Kovařík, thì tại châu Á có Việt Nam hay Thái Lan, và sau đó là các nước Trung Mỹ như Mexico hay Guatemala. “Chắc chắn là chúng tôi tìm những đối tác, nơi không những chỉ sản xuất mà còn phục vụ trong khu vực trên phương diện dịch vụ, bảo dưỡng, tập huấn, v.v…Nghĩa là đối tác mạnh một chút, chứ không phải chỉ là nơi sản xuất,“ Kovařík bổ xung và cho biết thêm, rằng tạm thời mức đầu tư vẫn chưa được hoạch định cụ thể. Hiện nay ČZ đang khảo sát tại các khu vực đã được để ý tới về các điều kiện thủ tục pháp lí.
Có một điều chắc chắn, là nhà máy sản xuất chủ yếu là súng cá nhân cầm tay này, sẽ không đặt tại Trung Quốc. Bởi theo Kovařík, thì một phần sản phẩm sẽ được chuyển trở lại Cộng hoà Séc, trong khi đó thủ tục hành chính pháp lí liên quan tới giấy phép và những vấn đề tương tự với Trung Quốc là phiền phức nhất. Thêm nữa, Trung Quốc nằm trong số các quốc gia bị USA cấm vận vũ khí, và CH Séc là đồng minh nên việc tôn trọng cũng dễ hiểu.
Năm ngoái, ČZ ký với bộ Quốc phòng CH Séc hai hợp đồng cung cấp tiểu liên tấn công CZ 805 BREN A1 và karabine CZ 805 BREN A2, súng phóng lựu CZ 805 G1, súng ngắn CZ 75 SP-01 PHANTOM và tiểu liên CZ SCORPION EVO 3 A1. Trị giá hợp đồng lên tới 1,23 tỉ korun.
Sau thành công vang dội năm 2010 với doanh thu 1,7 tỉ korun (gần 1 tỉ USD), lợi nhuận sau thuế đạt 138 triệu korun, năm nay ČZ chờ đợi thắng lợi tương tự. Theo Kovařík, thì doanh thu năm 2011 có thể vượt qua con số 2 tỉ korun.
Hàng năm ČZ sản xuất khoảng 150 nghìn đơn vị vũ khí. Một phần tư sản phẩm được xuất sang USA, một phần tư sang châu Âu, một phần tư sang châu Á và số còn lại đến các nơi khác trên toàn thế giới.

Ấn Độ muốn hiện diện bền vững trên biển Đông

SGTT.VN - Ấn Độ đã có những bước thăm dò đầu tiên nhằm thiết lập một sự hiện diện thương mại hàng hải bền vững trên Biển Đông, qua việc hợp tác hải quân với Việt Nam.
Tàu khu trục tên lửa INS Mumbai và INS Ranveer của Ấn Độ.
Tàu khu trục tên lửa INS Mumbai và INS Ranveer của Ấn � …
Sự hợp tác này đang ngày càng được củng cố, khi Việt Nam cho phép tàu hải quân Ấn Độ viếng thăm cảng Nha Trang lần đầu tiên. Thông tin trên đã được chính phủ hai nước xác nhận.

“Động thái này sẽ mang đến cho Ấn Độ sự hiện diện bền vững tại Biển Đông, đồng thời cho phép Ấn Độ đóng vai trò lớn hơn tại khu vực Đông Nam Á với những tuyến đường hàng hải quan trọng về thương mại và chiến lược”, nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ cho biết.

Ấn Độ cũng sẽ hỗ trợ huấn luyện và xây dựng cơ sở cho hải quân Việt Nam. Phó đô đốc, Tư lệnh quân chủng hải quân Việt Nam, Nguyễn Văn Hiến dự kiến sẽ đến thăm New DelhiMumbai và Visakhapatnam bắt đầu từ thứ hai 27.6 để tận mắt chứng kiến tiềm lực của hải quân Ấn Độ.

"Ấn Độ cũng có thể cung cấp kinh nghiệm của mình trong việc đóng tàu cho Việt Nam vốn đang có một lực lượng hải quân nhỏ", nguồn tin chính phủ cho biết thêm.

Trung Quốc được cho là đang theo dõi sát sự hợp tác hải quân giữa Ấn Độ và Việt Nam.
Cả Ấn Độ và Việt Nam đang quan tâm trước việc gia tăng phát triển quân đội của Trung Quốc. Trong quá khứ, cả hai nước Việt Nam và Ấn Độ từng có xung đột với người láng giềng to lớn này.
(theo Deccan Chronicle)
>>CẦN LÀM GÌ CHO TỔ QUỐC?
>>Việt Nam có chính nghĩa trên biển Đông
>>Thách thức Biển Đông và 'chiếc nỏ thần' Việt Nam-Một bài viết tuyệt hay

Báo Nga: Việt Nam đầu tư mạnh cho phòng không


Việt Nam sẽ đầu tư mạnh cho mua sắm và hiện đại hóa hệ thống phòng không tầm trung và tầm xa giai đoạn 2011-2014.

 Nga chuyển giao cho Việt Nam 4 phi cơ Su-30MK2
CẦN LÀM GÌ CHO TỔ QUỐC?


Hãng tin Armstrade (Nga) cho biết: Kế hoạch hiện đại hóa lực lượng phòng không Việt Nam đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng thông qua, cùng với hải quân, không quân sẽ là những lực lượng được ưu tiên hàng đầu cho kế hoạch tiến thẳng lên hiện đại hóa. (>> chi tiết)
Theo đó, Việt Nam sẽ đầu tư mạnh cho việc mua sắm các hệ thống tên lửa phòng không tầm trung, các hệ thống phòng không tầm xa nâng cấp của hệ thống S-300, cùng với một vài hệ thống tên lửa phòng không thế hệ  mới của Nga, đồng thời, nâng cấp các hệ thống tên lửa phòng không được chuyển giao từ thời Liên Xô.


Trung tâm phân tích mua bán vũ khí toàn cầu TSAMTO của Nga nhận định rằng, việc ký kết các hợp đồng mua sắm hệ thống tên lửa phòng không mới sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2011-2014.


TSAMTO cũng đưa ra bản nhận định về thị trường vũ khí của Nga giai đoạn 2011-2014. Trong đó tập trung nhấn mạnh đến thị trường tên lửa phòng không của Nga. Theo đó, giai đoạn 2011-2014, Nga sẽ bán ra toàn cầu khoảng 254 đơn vị tên lửa phòng không các loại, với giá trị khoảng 5,1 tỷ USD dù các đơn hàng cung cấp 16 hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn Tor-M1 cho Libya và các hợp đồng xuất khẩu tên lửa cho Syria, Yemen bị gián đoạn bởi những bất ổn chính trị và lệnh cấm của Liên Hợp Quốc áp đặt lên các quốc gia này. Trong thời gian tới các hợp đồng này nhiều khả năng sẽ không thực hiện được. Bù lại Nga đã có thêm các thị trường mới như Brazil, Arab Saudi.


Cùng với đó là kế hoạch hiện đại hóa lực lượng phòng không của Venezuela, Algeria, Ấn Độ, Georgia. Đặc biệt là kế hoạch hiện đại hóa lực lương phòng không của Việt Nam.


Trong danh sách các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa xuất khẩu, S-300/S-400 của Nga cùng với Patriot PAC-3 và THAAD của Mỹ sẽ là hai đối thủ cạnh tranh chính trên thị trường vũ khí phòng không thế giới.


TSAMTO cũng đánh khá cao những nỗ lực tham gia thị trường xuất khẩu của hệ thống tên lửa FT-2000 biến thể xuất khẩu của hệ thống HQ-9 do Trung Quốc sao chép từ S-300 của Nga. Giá cả chính là điểm mạnh của hệ thống tên lửa do Trung Quốc sản xuất. (>> chi tiết)


Cùng với nỗ lực giới thiệu hệ thống tên lửa phòng không Aster-30 của châu Âu, hiện tại FT-2000 của Trung Quốc cùng với S-300 của Nga, Patriot PAC-3 của Mỹ, Aster-30 của châu Âu đang tham gia đấu thầu cho chương trình cung cấp hệ thống tên lửa phòng không tầm xa cho Thổ Nhĩ Kỳ.


Dù có sự sụt giảm về giá trị, song giai đoạn 2011-2014, Nga tiếp tục dẫn đầu thế giới trong việc xuất khẩu các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa. Vị trí thứ 2 thuộc về Mỹ, trong giai đoạn 2011-2014, Mỹ sẽ xuất khẩu khoảng 103 hệ thống tên lửa phòng không với giá trị 6,5 tỷ USD. Như vậy, Nga sẽ dẫn đầu thế giới về số lượng xuất khẩu trong khi đó Mỹ sẽ dẫn đầu về giá trị xuất khẩu.

Mỹ phê phán hành động của Trung Quốc ở Biển Đông


Thượng viện Mỹ hôm qua nhất trí thông qua nghị quyết có nội dung phê phán hành động sử dụng vũ lực của các tàu Trung Quốc tại Biển Đông.
Tàu hải giám Trung Quốc tham gia vụ cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02 hôm 26/5. Ảnh: PetroTimes
Không chỉ phê phán Trung Quốc, nghị quyết này còn đồng thời kêu gọi một tiến trình đa phương và hòa bình để giải quyết các tranh chấp. Trung Quốc vốn luôn từ chối việc đàm phán đa phương về các tranh chấp trên Biển Đông và chỉ muốn thương lượng trực tiếp với từng nước liên quan.
Đặc biệt, nghị quyết của Thượng viện Mỹ ủng hộ việc quân đội Mỹ tiếp tục có các hoạt động hỗ trợ cho quyền tự do hàng hải tại các vùng biển và không phận quốc tế ở Biển Đông, AFP cho hay.
Các nghị sĩ Mỹ tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ cho giải pháp hòa bình đối với các tranh chấp lãnh hải tại vùng biển này, đồng thời yêu cầu các bên kiềm chế cũng như không đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực để giải quyết các vấn đề liên quan tới tranh chấp.
Thượng nghị sĩ Jim Webb, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, khẳng định các nước Đông Nam Á đang quan ngại sâu sắc trước những hành động "hăm dọa" của Trung Quốc. Ông nói rằng việc Thượng viện Mỹ đưa ra nghị quyết này là một bước tiến quan trọng trong việc hình thành một cơ chế đa phương nhằm giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.
Trước đó, trong cuộc tiếp xúc giữa hai nước tại Hawaii hôm 25/6, Mỹ kêu gọi Trung Quốc giảm tình trạng căng thẳng ở Biển Đông thông qua đối thoại.
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á Thái Bình dương Kurt Campbell, sau cuộc đối thoại với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải, cho hay ông đã thể hiện với phía Trung Quốc rằng Mỹ đánh giá cao vai trò của Bắc Kinh trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
"Chúng tôi muốn giảm tình trạng căng thẳng và luôn đặc biệt quan tâm tới việc duy trì hòa bình và ổn định. Chúng tôi đang tìm kiếm sự đối thoại giữa các bên liên quan", ông Campbell nói.
Thượng viện Mỹ thông qua nghị quyết nói trên trong bối cảnh các vụ va chạm trên biển gần đây giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines khiến tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng. Việt Nam cũng như Philippines đều bất bình trước các hành động vi phạm chủ quyền từ phía Trung Quốc. Giới quan sát cho rằng động thái của Trung Quốc là một bước trong toan tính biến đường yêu sách 9 đoạn vô lý tại Biển Đông thành hiện thực.
Theo: VnExpress

Trung Quốc tự làm khó mình


Tokyo có vẻ như đã sẵn sàng chi hàng tỷ USD là cho việc phát triển máy bay tàng hình ATD-X của riêng mình. Điều đó khiến Trung Quốc rơi vào thế khó.

Phô trương quá mức
Mọi việc có lẽ được bắt đầu từ năm 2005, khi trên internet Trung Quốc xuất hiện úp mở về một tiêm kích sơn màu đen với rất nhiều những lời đồn đoán đầy bí ẩn. Cuối cùng mọi lời đồn đoán đã được sáng tỏ. 


Không chỉ dừng lại ở những bức ảnh, tháng 1/2011, một tiêm kích thế hệ 5, mang tên J-20  xuất hiện và có chuyến bay thử nghiệm đầu tiên. Điều đó đã làm cả thế giới chú ý.


Trong khi báo giới tốn không ít giấy mực để bình phẩm, phân tích về chiếc tiêm kích này, Bắc Kinh vẫn hoàn toàn im lặng với mục đích, khả năng của sự phát triển tiêm kích J-20.


Không dừng lại ở đó, những năm qua Trung Quốc liên tục cho ra đời hàng loạt vũ khí mới, đặc biệt là các vũ khí cho tác chiến hải quân.


Liên tục hạ thủy các tàu chiến mới, các tàu khu trục mới như Type-052C, 052D đã dần đạt được một số khả năng tương tự như các tàu khu trục Aegis của Hải quân Mỹ. Danh sách các tên lửa chống hạm mới được Bắc Kinh ngày một kéo dài thêm. 


Đặc biệt hơn cả là tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-21D cải tiến, được giới thiệu là có khả năng tiêu diệt tàu sân bay ở cự ly đến 3.000km. Tàu sân bay đầu tiên mang tên Thi Lang được hoán cải từ tàu sân bay Varyag của Ukraine sắp được hoàn thành.


Cùng với đó là sự xuất hiện úp mở của hàng loạt các tiêm kích mới như, J-14,  J-15, J-18, J-19… cùng với nhiều lời đồn đoán từ các trang mạng quốc phòng Trung Quốc. 


Về phía mình Bắc Kinh không phủ nhận cũng không thừa nhận về các chương trình phát triển vũ khí xuất hiện úp mở trên internet.
Việc Trung Quốc liên tục "khoe" vũ khí mới khiến các nước trong khu vực phải nhanh chóng hiện đại hóa quân đội của mình.
Có  thể nói rằng, những năm qua Bắc Kinh là trung tâm của các hệ thống vũ khí mới, ngay cả Mỹ nền quân sự hùng mạnh nhất thế giới cũng không có nhiều chương trình phát triển vũ khí đến vậy. Điều đó càng làm cho các nước trong khu vực không khỏi lo lắng.


Bên cạnh đó Trung Quốc liên tục tham gia các chống cướp biển tại vịnh Aden, điều động các tàu khu trục hạng nặng tới các vùng biển gần khu vực tranh chấp với Nhật Bản, Liên tục tổ chức các cuộc tập trận hải quân quy mô lớn nhằm mở rộng khả năng tác chiến xa bờ. 


Bắc Kinh đã phát triển được một đội ngũ tàu chiến mặc nước và tàu ngầm hùng hậu. Thách thức sự hiển diện của Mỹ tại châu Á, cảnh báo Washington tránh xa các tranh chấp trên biển Đông, thậm chí, đòi chia đôi Thái Bình Dương với Mỹ.


Tự đặt mình vào cuộc chạy đua vũ trangCó vẻ nhận thấy mình đã quá lố,  qua chuyến thăm đến Mỹ vào tháng 5/2011 của Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc tướng Trần Bỉnh Đức, Bắc Kinh đã dịu giọng hơn. Tướng Trần Bỉnh Đức cho biết: “Chúng tôi không muốn sử dụng tiền của chúng tôi để mua thiết bị hoặc vũ khí tiên tiến để thách thức Mỹ. Có một khoảng cách rất lớn về công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ”.


Tuy nhiên, bài phát biểu của tướng Đức đã quá muộn để ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang sẽ đem đến nhiều bất lợi cho Bắc Kinh. 


Sự xuất hiện của J-20 cùng với hàng loạt các hệ thống vũ khí khác khiến Washington và các đồng minh thân cận tại châu Á thúc đẩy một cách nhanh chóng quá trình hiện đại hóa kho vũ khí của mình.


Dù đang đối mặt với thâm hụt ngân sách trầm trọng, Washington vẫn sẳn sàng chi hàng tỷ đô la vào nỗ lực cải thiện khả năng của phi đội F-15E, F-22 Raptor, tái khẳng định cam kết cho chương trình tiêm kích tiến công kết hợp JSF F-35. Tổng chi phí cho chương trình dự kiến ở mức 1.000 tỷ USD.
ATD-X sẽ là một tiêm kích đẳng cấp ngang ngửa với F-22 Raptor của Mỹ.
Phản ứng của Tokyo trước sự xuất hiện của J-20 thậm chí còn ấn tượng hơn. Trong một động thái hết sức bất ngờ, quốc gia vốn luôn tránh các đối đầu quân sự đã quyết định hồi sinh sự phát triển của tiêm kích tàng hình ATD-X của riêng mình.


Lúc đầu, sự phát triển của ATD-X chỉ dừng lại ở mức độ thao diễn công nghệ, chứng minh khả năng của Nhật Bản trong việc phát triển tiêm kích thế hệ 5.


Cần nhớ lại, Tokyo từng cố gắng đàm phán với Mỹ để sở hữu tiêm kích thế hệ 5 F-22 Raptor nhằm thay thế cho phi đội F-4 già cỗi. Nhưng khi bị từ chối, Không quân Nhật Bản JASDF đã phối hợp với Mitsubishi Heavy Industries để tạo ra mẫu thử nghiệm của ATD-X Shinshin từ khoảng 6 năm trước. 


Việc phát triển ATD-X chủ yếu để gây áp lực với Washington, cho thấy khả năng của Nhật Bản trong việc tạo ra một tiêm kích tàng hình có thể cạnh tranh với tiêm kích F-22, qua đó, đánh động Washington hoặc hợp tác hoặc để Tokyo gặt hái những lợi ích riêng của mình từ ATD-X. 


Ít nhất đã có 3 mẫu thử nghiệm của ATD-X được phát triển, một mẫu thử nghiệm khả năng tàng hình trước radar được đưa đến Pháp, mẫu thử nghiệm phát triển động cơ XF5-1, cùng với mẫu hỗ trợ cho các công nghệ khác. 


Tuy nhiên, dù cây bút Bradley Perrett của Aviation Week đã gọi ATD-X là mối đe dọa tiềm ẩn những mẫu thử nghiệm không thể khiến Washington lo ngại, Tokyo vẫn không thể sở hữu F-22 cho chương trình hiện đại hóa không quân của mình.


Những tưởng ATD-X đã rơi vào quên lãng khi Tokyo quay sang lựa chọn EF-2000 Typhoon của châu Âu cùng với F/A-18 E/F Super Hornet  và F-35 của Mỹ làm giải pháp thay thế. Song trước sự xuất hiện của J-20, Tokyo đã quyết định hồi sinh ATD-X, trong tất cả các nước châu Á, Nhật Bản đủ khả năng để tạo ra một tiêm kích đẳng cấp như F-22. 


Đất nước mặt trời mọc có sẵn nền tảng công nghệ cao vững chắc, đặc biệt là công nghệ điện tử, việc áp dụng các công nghệ này vào lĩnh vực quân sự chỉ là vấn đề thời gian. Trung tướng Hideyuki Yoshioka của JASDF cho biết: “ Chúng tôi nhận ra rằng, vai trò ATD-X là quan trọng đối với đất nước chúng tôi”.


Đại tá Yoshikazu Takizawa một quan chức cao cấp của quân đội Nhật Bản trao đổi với AP vào tháng 3/2011 rằng: “ATD-X  được phát triển trở lại, dự kiến sẽ có chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào khoảng năm 2014, chính phủ sẽ quyết định có sản xuất loạt hay không vào năm 2016”. Cũng theo đó,  JASDF dự định sẽ dùng ATD-X làm nòng cốt để thay thế cho phi đội khoảng 200 chiếc F-15 hiện nay.


Việc Tokyo quyết định tái khởi động chương trình ATD-X khiến cuộc đua tiêm kích thế hệ 5 trên bầu trời châu Á trở nên sôi động hơn. 


Hàn Quốc cũng đã lên kế hoạch hiện đại hóa lực lượng quân đội của mình, Seoul đã hạ thủy chiếc tàu khu trục Aegis thứ 3 của mình. Cùng với đó là chương trình hiện đại hóa không quân, ngoài F-15K Slam Eagle, F-35 đang là đích ngắm tiếp theo của Seoul.


Ấn Độ đã ký một thỏa thuận lớn với Nga cùng nhau phát triển tiêm kích thế hệ 5 FGFA, cùng với PAK F/A của Nga sẽ là 2 loại tiêm kích chủ lực cho không quân 2 nước và xuất khẩu rộng rãi ra thị trường thế giới. Tất cả những sự phát triển các hệ thống vũ khí  mới này có vẽ như đều cùng nhắm một mục tiêu. 


Cuộc chạy đua vũ trang không chỉ dừng lại ở các nước lớn mà còn lan rộng đến các nước nhỏ. Đặc biệt là các nước chịu ảnh hưởng trực tiếp từ kế hoạch hiện đại hóa quân đội của Bắc Kinh.


Các chuyên gia quân sự nhận định, với sự xuất hiện của ATD-X cùng với F-22, F-35 của Mỹ , FGFA của Ấn Độ, một số T-50 có thể xuất khẩu của Nga tại châu Á, liệu có cơ hội nào cho J-20 hay không?


Việc phô trương sức mạnh  quân sự của Bắc Kinh chưa đem lại kết quả mong muốn về đòi hỏi các yêu sách trên biển Đông và các vùng biển lân cận. Nhưng rõ ràng đã đánh động một cuộc chạy đua vũ trang không kém phần khốc liệt. 


Các quốc gia châu Á gần như đã xích lại gần nhau hơn cho một mục đích duy nhất, “đối trọng lại với sự trỗi dậy đáng lo ngại của Bắc Kinh”. Vươn ra biển lớn một cách thiếu khôn ngoan, Trung Quốc đã tự đặt mình vào thế khó.

Tại sao không nên lo lắng về Trung Quốc?


Những diễn biến gần đây ở Biển Đông giữa Trung Quốc và hai nước Đông Nam Á khiến nhiều nhà quan sát lên tiếng cảnh báo. 
Nhà nghiên cứu James Manicom.
Tuy nhiên, một cuộc tranh chấp tương tự giữa Bắc Kinh và Tokyo cho thấy rằng, xung đột không phải là không thể tránh khỏi.

Dưới đây là bài phân tích về vấn đề căng thẳng trên biển Đông của tác giả James Manicom, nhà nghiên cứu tại Quỹ Nghiên cứu chính sách Đại dương ở Tokyo.
Năm 2010 là năm khó khăn với các quốc gia duyên hải ở biển Đông và có nhiều dấu hiệu chứng tỏ rằng, cả thập niên ẩn mình của Trung Quốc đã chấm dứt. 

Trong năm 2010, tin đồn về việc Bắc Kinh coi biển Đông là "lợi ích cốt lõi", việc Trung Quốc cắm cờ ở đáy biển, phản ứng "quá khích" của Ngoại trưởng Dương Khiết Trì khi người đồng cấp Mỹ Hilary Clinton ra tuyên bố về chính sách của Mỹ với tranh chấp Biển Đông... dường như quá mức cần thiết.

Nửa đầu năm 2011, mọi sự việc lại xảy ra tương tự. Các tàu Trung Quốc, cả của dân và chính phủ, đã can thiệp vào những hoạt động thăm dò của Philippines và Việt Nam ở vùng tranh chấp, thậm chí tàu Trung Quốc còn bắn vào ngư dân nước khác. Cách hành xử này dường như đã xác nhận những nghi ngờ bấy lâu nay về quan điểm của Trung Quốc với Biển Đông; rằng ngay khi Trung Quốc phát triển khả năng quân sự để thống trị Biển Đông, họ sẽ làm như vậy. Giờ đây, với những diễn biến mới nhất xảy ra, xung đột tại Biển Đông có vẻ sắp xảy ra.

Tuy nhiên, chúng ta đã chứng kiến kiểu hành xử này của Trung Quốc trước đó, tại biển Hoa Đông, khi Trung Quốc và Nhật Bản tranh cãi về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và những vùng biển lân cận. 

Quan trọng là, sự leo thang căng thẳng trong tranh chấp đã dẫn tới hợp tác, không xung đột. Tranh chấp về tài nguyên năng lượng bắt đầu tăng cao trong năm 2004 sau khi Nhật Bản phát hiện ra một giàn khoan của Trung Quốc ở khu khai thác Xuân Hiểu (người Nhật gọi là Shirabaka) trong phạm vi 200 hải lý từ bờ biển Nhật Bản nhưng lại ở ngay phía ngoài đường trung tuyến đánh dấu giới hạn chủ quyền Vùng đặc quyền Kinh tế của Nhật quy định trong luật pháp nội địa của họ.

Khi tài nguyên thương mại được xác định rõ ràng tồn tại ở Xuân Hiểu, Tokyo tuyên bố, Bắc Kinh cần ngừng các hoạt động và cùng tham gia phát triển khu khai thác với Nhật Bản. Để xác định quy mô tài nguyên dưới biển, Tokyo đã uỷ quyền để tàu Ramform Victory mang cờ Na Uy tiến hành cuộc khảo sát toàn diện ở khu vực đường trung tuyến gần khu khai thác Xuân Hiểu. 

Trong cuộc khảo sát này, Ramform Victory đã vài lần đụng chạm với tàu hải quân Trung Quốc và ít nhất một lần đối mặt với tàu quân sự che dậy dưới vỏ bọc tàu nghiên cứu.

Hơn thế nữa, vào tháng 9/2005, tàu khu trục hiện đại Sovremenny đã trở thành "mục tiêu" của máy bay tuần tra  P3-C Orion khi tàu đi qua khu khai thác Xuân Hiểu. Kết quả của những sự kiện này là việc Nhật Bản tăng tốc các nỗ lực để tiếp cận nguồn tài nguyên ở biển Hoa Đông. 

Tuần tra trên không trong khu vực cũng gia tăng. Cùng với ít nhiều nhượng bộ, Tokyo đồng thời thiết lập các quy định cần thiết để bảo vệ những công ty dầu khí Nhật Bản hoạt động ở biển Hoa Đông.

Nhiều người dự đoán kết quả sẽ là những "trò diễn" từ Bắc Kinh. Tuy nhiên, có những điều bất ngờ rằng, khi Nhật Bản chuẩn bị khoan khí đốt ở vùng tranh chấp, thì các cuộc đàm phán giữa hai bên bắt đầu có kết quả. Sau khi nghị viện Nhật thông qua Luật xây dựng vùng an toàn cho công trình hàng hải vào tháng 4/2007 - cho phép Nhật phác thảo những vùng an toàn xung quanh nơi lắp đặt giàn khoan và lực lượng phòng vệ bờ biển được phép đuổi các tàu vi phạm những khu vực này - thì các cuộc đàm phán trở nên thường xuyên hơn, đem lại kết quả hữu hình hơn. Cuối cùng, tháng 6/2008, hai bên đã tuyên bố một thoả thuận phát triển chung cùng chia sẻ tài nguyên ở Xuân Hiểu và định ra một khu vực phát triển chung ở phía bắc ở giữa đường trung tuyến.
Không nên quá lo lắng về Trung Quốc?
Dĩ nhiên, thoả thuận không phải là hoàn hảo. Nó chưa được thực thi do những phản đối chính trị trong nước ở Trung Quốc, và sự miễn cưỡng của Nhật Bản trong việc từ bỏ tuyên bố chủ quyền với khu khai thác Xuân Hiểu. Căng thẳng hàng hải vẫn tồn tại. Tàu nghiên cứu thuộc lực lượng phòng vệ bờ biển của Nhật, Shoyo, đã hai lần đối đầu với các tàu Trung Quốc năm 2010, sau đó là vụ viêc va chạm giữa m ột tàu cá Trung Quốc với tàu tuần tra Nhật. 

Tuy nhiên, không nên bỏ qua những bài học có thể. Nước nào đó có thể đem chuyện tranh chấp không gian hàng hải ra mặc cả khi họ có bất kỳ vấn đề nào khác trong hoạt động chính trị quốc tế; Họ sẽ chứng tỏ, sẽ đe doạ hay tiến hành phô diễn sức mạnh quân sự ở mức độ thấp để củng cố các tuyên bố chủ quyền và nỗ lực cải thiện vị trí của mình. Trong khi khá mạo hiểm thì cách hành xử này không đồng nghĩa với việc xung đột là không thể tránh khỏi.

Trong khi có một số lập luận cho rằng, tài nguyên dẫn tới những tranh chấp hàng hải, thì lại có rất ít bằng chứng ủng hộ quan điểm dầu và khí đốt ở  Biển Đông sẽ khơi nguồn cho một cuộc chiến tài nguyên. Hơn thế nữa, các nước tuyên bố chủ quyền công nhận rằng, việc đơn phương phát triển tài nguyên của một đối phương nào đó sẽ có hại với tuyên bố chủ quyền của họ ở khu vực tranh chấp, không phải vì chuyện "đánh cắp" tài nguyên mà là vì những hành động "phớt lờ" như vậy sẽ khiến họ bị lên án, thậm chí phải từ bỏ tuyên bố chủ quyền với khu vực.

Trong thực tế, có thể lập luận rằng, chính việc khám phá ra tài nguyên thương mại tồn tại ở biển Hoa Đông đã dẫn tới sự đồng thuận vào tháng 6/2008 giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở giai đoạn đầu tiên. Vì vậy, điều này cũng sẽ có thể xảy ra ở Biển Đông, khi sự thương lượng và các quan điểm hoàn tất. Nếu Trung Quốc cần nguồn tài nguyên khổng lồ như nhiều người dự đoán, Bắc Kinh có thể thực sự thúc đẩy hợp tác phát triển tài nguyên ngoài khơi hơn là cố gắng ngăn chặn hoàn toàn hoạt động sản xuất. Đó là chưa kể việc khai thác ở Biển Đông có thể bị trì hoãn bởi những quan ngại về chủ quyền, quyền tài phán.

Tuy nhiên, trong khi so sánh, có thể đặt ra những câu hỏi thú vị về quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng. Tại sao các tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Philippines và Việt Nam trong khi các tàu thăm dò Nhật Bản lại không hề hấn gì? Đó là bởi những cuộc khảo sát gần đây của Nhật được các tàu chính phủ tiến hành chứ không phải tàu dân sự? Đó là bởi Nhật Bản là đồng minh quân sự của Mỹ? Trong cả hai trường hợp, sự khác biệt này có thể hỗ trợ cho việc kêu gọi Việt Nam và Philippines tăng cường hơn nữa các khả năng thăm dò khảo sát, khả năng hải quân và tìm kiếm mối quan hệ quân sự gần gụi hơn với Mỹ. Tuy vậy, điều này cũng có thể xem là công cụ mặc cả bởi khi Nhật Bản củng cố vị thế của mình thì Trung Quốc tiến tới hợp tác, cho dù ở hình thức hạn chế. Và, điều tương tự có thể sớm xảy ra ở Biển Đông.
Theo Tuần Việt Nam
Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang