Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

'Tuyên bố chủ quyền của TQ ở Biển Đông là không có cơ sở' - Đối phó với chiến thuật '2 không' của Trung Quốc ở biển Đông - Thái độ của Trung Quốc quyết định tình hình biển Đông.


Nhân dịp đưa sinh viên tới Việt Nam, ông Thomas Jandl đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.
Ông Thomas Jandl là học giả người Mỹ có nhiều năm nghiên cứu về Việt Nam và châu Á.
- Ông nghe thông tin về việc Tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò địa chấn trên vùng thềm lục địa của Việt Nam ngày 26/5 thế nào?

-  Tôi biết sự việc này qua báo chí khi đang ở Việt Nam và không chỉ riêng tôi, bất cứ ai đang ở trên đất nước Việt Nam đều quan tâm tới sự kiện này.

- Theo ông, vì sao lại xảy ra vụ việc ngày 26/5?

-  Tôi cho rằng, điều Trung Quốc thực sự quan tâm là các nguồn tài nguyên trong vùng biển này, đặc biệt là dầu mỏ. 

Trung Quốc rất hăng hái trong việc mở rộng vùng tài nguyên và cũng lo ngại tới việc phương Tây kiểm soát nguồn năng lượng của mình, do đó họ cũng tiến hành những hoạt động mạnh mẽ ở Trung Đông và cả ở châu Phi để chủ động về năng lượng. 

Trung Quốc đã thấy tiềm năng của các vùng tài nguyên này với sự phát triển kinh tế của họ. Biển Đông có trữ lượng dầu mỏ lớn, Trung Quốc là một nước lớn và họ muốn kiểm soát nguồn dầu mỏ ở đây.

- Ông bình luận thế nào về việc Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông với “đường lưỡi bò”?

- Qua “đường lưỡi bò”, Trung Quốc muốn biến khu vực này từ vùng không có tranh chấp thành vùng tranh chấp, và khi có tranh chấp, Trung Quốc sẽ coi đó là lý do để  bảo vệ "lợi ích cốt lõi" của mình. 

Lời tuyên bố chủ quyền ở khu vực này của Trung Quốc là không có cơ sở vì nó rất xa Trung Quốc và không có các bằng chứng lịch sử.

- Xin cảm ơn ông!
Tiến sĩ Thomas Jandl là giảng viên kinh tế chính trị, văn hóa và phát triển cũng như giao tiếp đa văn hóa Đông Á tại Trường Dịch vụ Quốc tế thuộc ĐH American University, Washington DC. Kể từ khi đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1997, ông đã nhiều lần trở lại đất nước ta.
Theo Báo Quân Đội Nhân Dân
Đối phó với chiến thuật '2 không' của Trung Quốc ở biển Đông

Việc quấy rối tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam là sự leo thang rất đáng lo ngại trong các chiến thuật “bắt nạt” đặc trưng của Chính phủ Trung Quốc trên biển Đông.
Ông David Brown.
Phóng viên Đất Việt Online (ĐVO) đã liên hệ phỏng vấn với ông David Brown, một nhà ngoại giao Mỹ đã nghỉ hưu. Ông Brown thường xuyên nghiên cứu và có nhiều bài viết về tình hình biển Đông và sông Mekong được đăng tải trên tờ Asia Times

Sau đây là nội dung phỏng vấn:

ĐVO - Xin ông cho biết quan điểm của mình về việc tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu thăm dò dầu khí Bình Minh 02 và Viking-II thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam khi hai tàu này đang hoạt động trên vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam?


Ông David Brown - Sự quấy rối và phá hoại đối với tàu thăm dò dầu khí Binh Minh và Viking II của tàu Trung Quốc là một sự leo thang rất đáng lo ngại. Đây là một phần trong các chiến thuật bắt nạt đặc trưng của Bắc Kinh trên biển Đông.

Những sự kiện này để tại chút nghi ngờ rằng, mục tiêu của Trung Quốc là để đảm bảo kiểm soát lượng dầu mỏ và khí đốt tại biển Đông. Trung Quốc đã không quan tâm đến sự đàm phán với các quốc gia trong khu vực hay những vấn đề khác. Chiến thuật của Trung Quốc là 2 không:

- Không đàm phán đa phương và không có bên thứ 3 để đứng ra hòa giải.
- Không bao giờ phải chờ được phép mới tiến tới một giải pháp về lãnh thổ và lãnh hải.
Hoạt động của lực lượng Hải giám Trung Quốc đang gây quan ngại sâu sắc trong công đồng quốc tế.
- Theo ông, Chính phủ Việt Nam cũng như các nước ASEAN nên làm gì để giảm bớt sự căng thẳng hiện tại cũng như tránh các tình huống tương tự về sau?
- Việt Nam đã đặt hy vọng của mình trong sự tham vấn đa phương phối hợp với ASEAN, thể hiện sự sẵn sàng giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh hải theo công ước về Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982.

Bất chấp những nỗ lực rất tốt của chủ tịch ASEAN hiện tại là Indonesia, đang có những nghi ngờ 10 quốc gia ASEAN có sẵn lòng để đứng lên đối trọng với Trung Quốc hay không? Theo quan điểm của tôi, nên dành thời gian xem xét và đàm phán một cách chân thành nhất giữa 5 nước có tranh chấp chủ quyền trực tiếp với Trung Quốc là Việt Nam, Phillippines, Brunei, Malaysia và Indonesia.

Nếu nhóm 5 này có thể sắp xếp và ra một tuyên bố chung về một quy tắc ứng xử, đó có thể coi là một xuất phát điểm hợp lý cho một cuộc đàm phán chung với Trung Quốc. Hội đàm với Trung Quốc nên nhấn mạnh đến quyền lợi chính đáng và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc và sự tham gia vào sự phát triển của khu vực biển Đông. 

- Xin ông cho biết quan điểm của mình về vai trò của Mỹ tại ASEAN?

Mỹ không có vai trò trong ASEAN, Mỹ không phải là một thành viên của tổ chức này, và điều đó là không nên. Nếu ASEAN hoặc một nhóm thành viên của ASEAN cần Mỹ hỗ trợ về kỹ thuật hay các quy phạm pháp luật, Mỹ có thể cung cấp. 

Có thể Trung Quốc mong muốn hợp tác quân sự tốt hơn với Mỹ trên toàn cầu, điều đó có thể tránh được nhiều hành động khiêu khích trên biển Đông. Tuy nhiên tôi không lạc quan về khả năng này.

- Xin chân thành cảm ơn ông đã dành thời gian trả lời các câu hỏi phỏng vấn của chúng tôi. 


Thái độ của Trung Quốc quyết định tình hình biển Đông


Căng thẳng trên biển Đông sẽ diễn biến như thế nào, điều đó phụ thuộc rất lớn vào thái độ và cách giải quyết vấn đề này của Trung Quốc.
Ông Minxin Pei.
Đó là nhận định của ông Minxin Pei, người Mỹ gốc Hoa, sinh ra tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ông Minxin Pei là giáo sư làm việc ở Trường Cao đẳng Claremont McKenna, cố vấn cấp cao của Carnegie Endowment for International Peace, một tổ chức phi lợi nhuận tư nhân của Mỹ, chuyên thực hiện việc thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia và thúc đẩy các hoạt động quốc tế của Mỹ. 

Dưới đây là bài phân tích của ông Minxin Pei về tình hình biển Đông, đăng trên trang Diplomat:

Trước khi có bài phát biểu nêu rõ “lợi ích quốc gia” của Mỹ tại biển Đông của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Trung Quốc được xem như là đang nắm thế thượng phong trên biển Đông sau nhiều năm chịu khó đeo đuổi chính sách “ngoại giao quyến rũ” trong khu vực.

Tuy nhiên, việc nghĩ mình đã nắm thế thượng phong đã khiến Bắc Kinh phạm phải những sai lầm ngoại giao “ngớ ngẩn”. 

Sự kiện đụng chạm với tàu Hải quân Mỹ, phản đối và “thách thức” sự hiện diện của Mỹ tại châu Á, các hoạt động phá rối đối với các dự án khai thác dầu mỏ trên biển Đông, khiến Washington phải xem xét lại chiến lược của mình tại châu Á nói chung và ASEAN nói riêng.

Các nước có tranh chấp trực tiếp với Bắc Kinh về chủ quyền biển đảo cũng buộc phải xem xét lại các chính sách của mình đối với sự “leo thang” các hành động của Bắc Kinh.

Bài phát biểu của bà Hillary Clinton tại diễn đàn ARF tại Hà Nội vào tháng 7/2010 được xem là một cú “sốc” đối với Bắc Kinh. Điều đó đã góp phần làm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực. 

Phát biểu của Washington đã khiến các quốc gia ASEAN tự tin hơn với những tuyên bố của mình. Còn Bắc Kinh đã tự đặt mình vào thế bị cô lập trong các tranh chấp trên biển Đông.
Tự tin với sự trỗi dậy của tiềm lực quân sự, Trung Quốc đã quên chính sách "dấu mình chờ thời" mà cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình của nước này căn dặn?
Ngoài ra, cần phải kể đến phản ứng “vụng về” trong việc che đậy những mối đe dọa về sự phát triển của quân đội đối với các nước trong khu vực khiến các họ không thể không lo lắng.

Năm 2010, được xem là đỉnh điểm của những sai lầm ngoại giao của Bắc Kinh, một năm tồi tệ đối với chính sách đối ngoại của Bắc Kinh từ năm 1989 đến nay.

Để sửa chữa những sai lầm này, năm 2011, Bắc Kinh đã thúc đẩy một loạt các hoạt động ngoại giao. Thay đổi cách nhìn nhận về sự hiển diện của Mỹ tại châu Á, cải thiện quan hệ với Nhật Bản.  Thế nhưng, sự căng thẳng trên biển Đông diễn ra gần đây được xem là một “nút thắt” đối với hình ảnh của Bắc Kinh trên trường quốc tế. 

Trong các tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, tranh chấp Việt-Trung diễn ra căng thẳng nhất. Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang ở thế yếu đối với luật pháp quốc tế. Căn cứ theo công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, Bắc Kinh sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc chứng minh các đảo và bãi đá ngầm tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa có liên quan đến thềm lục địa Trung Quốc. 

Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn khăng khăng tuyên bố chủ quyền của mình tại đây, Trung Quốc đã chiếm quần đảo Hoàng Sa từ năm 1974, và lấy đó làm cơ sở để đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Sự đòi hỏi này chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982. Từ đó, gây ra những sự quấy rối và phá hoại các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam cũng như các đối tác nước ngoài hợp tác với Việt Nam, cũng như các quốc gia khác trong ASEAN.

Rõ ràng, thái độ của Bắc Kinh có ý nghĩa quyết định tình hình tại đây, Bắc Kinh cần thể hiện bản lĩnh của một nước lớn, sự tôn trọng luật pháp quốc tế. Cộng đồng quốc tế đang thể hiện xu hướng ủng hộ các bên yếu hơn trong các tranh chấp biển đảo. 

Trước mắt, Bắc Kinh nên tạm dừng các hoạt động tuần tra của mình trên vùng biển tranh chấp để tránh các xung đột có thể phát sinh. Cung cấp các đề xuất cụ thể với các nước trong khu vực để tránh các xung đột tương lai. 

Những biện pháp nói trên cần phải được thực hiện một cách đa phương hóa để tiếp thu những sáng kiến ngoại giao từ cộng đồng quốc tế. Đó cũng là cách để khẳng định những đòi hỏi của Bắc Kinh là có cơ sở pháp lý.

Một số ý kiến tại Trung Quốc cho rằng, việc ký kết các quy tắc ứng xử là không cần thiết, đó không phải là một sự lựa chọn mang tính ràng buộc đối với Bắc Kinh. Tuy nhiên, với một quốc gia đã có ý định phát triển quân đội một cách mạnh mẽ, đã gây ra những lo lắng cho cộng đồng quốc tế, những hành động cụ thể hóa cho tuyên bố “trỗi dậy hòa bình” là điều không thể không làm để chứng minh tuyên bố của Bắc Kinh là có cơ sở và đáng tin cậy.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang