(GDVN) – Vừa trở về Hà Nội sau chuyến công tác dài ngày, người bắt giữ và áp giải Tổng thống Việt Nam cộng hòa Dương Văn Minh ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng, ngày 30/4/1975, Anh hùng LLVT, Trung tướng Phạm Xuân Thệ - Nguyên tư lệnh quân khu I dành cho Báo Giáo dục Việt Nam cuộc trao đổi đầy ý nghĩa về việc Trung Quốc xâm phạm đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên biển Đông.
Trung tướng Phạm Xuân Thệ nói: “Tôi đã từng làm Tư lệnh quân khu I – khu vực có biên giới với Trung Quốc: núi liền núi, sông liền sông. Giờ thì biên giới hai nước đã rõ ràng rồi. Tôi nghĩ quan hệ hữu nghị không có biên giới nhưng lãnh thổ thì có biên giới và là bất khả xâm phạm. Trong bất kì hoàn cảnh nào thì các quốc gia cũng phải tôn trọng chủ quyền của nhau.
Tôi cực lực phản đối một quốc gia nào đó xâm phạm đến chủ quyền quốc gia Việt Nam. Tôi cũng giống như mỗi người Việt Nam không phân biệt giới tính, dân tộc đều sẵn sàng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc mình bằng mọi cách.
Chúng ta không đi xâm lược, thôn tính ai nhưng nếu ai có ý đồ xâm lược cả trên bộ, trên biển và trên không, chúng ta đều kiên quyết chiến đấu bảo vệ tổ quốc.
Chúng ta có nhiều biện pháp đấu tranh: kiên quyết bám biển bảo vệ từng tấc biển như người dân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ bám đất bám làng. Về ngoại giao chúng ta đấu tranh bằng cách vạch rõ hành động xâm phạm của họ để cho họ thấy vấn đề. Hiện nay đâu còn có chuyện “cá lớn nuốt cá bé” nữa.
PV: Vừa qua, đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc Lê Lương Minh đã tố cáo các hành vi xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc đối với Việt Nam đồng thời bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn (đường lưỡi bò). Trung tướng Lê Hữu Đức cho rằng lẽ ra chúng ta phải làm sớm hơn. Ông nghĩ sao?
Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Tôi không cho rằng đó là muộn vì phải có thời cơ và điều kiện thì mới lên tiếng. Giống như quan hệ láng giềng giữa hai người hàng xóm, khi có chuyện thì hai người phải thỏa thuận, trao đổi với nhau trước. Khi một bên cố tình không hiểu thì bên kia mới đưa vụ việc ra cơ quan pháp luật.
Ở đây tôi nói chuyện này mang tính lâu dài nên chúng ta phải lên tiếng ngay để các nhân dân hiểu, quốc tế hiểu. Chúng ta phải đấu tranh công khai từng bước một. Các hành động trong thời gian vừa qua của Trung Quốc không phải là lần đầu tiên và tôi chắc cũng không phải là lần cuối cùng. Vấn đề này còn lâu dài và họ không bao giờ từ bỏ mộng bá quyền.
Cần đầu tư mạnh hơn nữa cho hải quân
PV: Theo ông, cách giải quyết của Philippin liệu rằng có mang tính tham khảo không, khi họ dùng tàu hải quân, máy bay xua đuổi tàu TQ và đệ trình lên Liên hiệp quốc các vụ tàu TQ xâm phạm lãnh hải?
Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Theo tôi, mỗi một quốc gia có quan điểm đấu tranh vì quyền lợi của mình khác nhau và có thể đấu tranh bằng nhiều con đường, nhiều cách. Nhưng dù có đấu tranh thế nào thì đích đến là chân lý được chứng minh, lẽ phải được tôn trọng. Philippin làm như vậy là quyền và phương pháp của họ. Nếu ta làm giống họ thì chưa chắc đạt được hiệu quả.
Dù các nước có cách đấu tranh khác nhau nhưng tất cả cùng lên tiếng thì Trung Quốc cũng phải chùn tay. Đối với nước mình, dù có đấu tranh theo phương pháp nào thì cũng kiên quyết và phải kiên quyết ngay từ đầu.
PV: Ông có nhìn nhận gì về động thái mới đây của Trung Quốc khi chính giới của họ có những tuyên bố mạnh mẽ, xuyên tạc sự thật sau khi Việt Nam và một số nước ASEAN cùng lên tiếng phản đối hành vi xâm phạm chủ quyền?
Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Theo công ước Luật biển 1982, quốc tế công nhận chủ quyền của Việt Nam rồi. Kẻ nào dám xâm phạm đến chủ quyền, tấc đất cha ông ta để lại thì không chỉ có lực lượng vũ trang mà toàn thể dân tộc Việt Nam sẽ đứng lên, quyết giành và giữ cho được chủ quyền đó. Đấy là quyền lợi và nghĩa vụ của toàn thể dân tộc Việt Nam.
PV: Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã có cùng nhận định, việc Trung Quốc dân sự hóa tàu quân sự để sử dụng trong vấn đề tranh chấp Biển Đông hiện nay đã tạo ra những thách thức an ninh phi truyền thống mới. Ông đánh giá gì về nhận định này?
Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Cái đó là âm mưu và mưu đồ của họ từ lâu rồi. Vì nếu đấu tranh về mặt quân sự thì thế giới sẽ lên án và hành động đó rất là trơ trẽn. Cho nên họ phải dân sự hóa đi thôi. Tôi cũng nói luôn, đó là một chiêu bài của họ không chỉ trên biển Đông mà cả trên đất liền. Họ luôn luôn sử dụng những động thái mang tính dân sự hóa và đổ lỗi cho cấp dưới hoặc đổ lỗi cho địa phương.
PV: Trong những buổi trao đổi với PV báo Giáo dục Việt Nam, nhiều chuyên gia có cùng nhận định Việt Nam cần sớm công khai hơn nữa ra quốc tế những thông tin và khẳng định chủ quyền của ta. Theo ông, nếu công khai thì công khai ở đâu, công khai như thế nào?
Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Công khai về chủ quyền của Việt Nam thì không phải đến giờ ta mới công khai mà ta đã công khai từ khi có Công ước quốc tế về luật biển rồi. Thực tế mà nói về công khai chủ quyền thì không phải bây giờ quốc tế mới công nhận mà quốc tế cũng đã công nhận từ lâu rồi.
Ngay từ đời ông cha ta ngày xưa cũng đã khẳng định chủ quyền của mình về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhân dân ta từ xưa cũng đã sống ở hai quần đảo này rồi.
Ta đã công khai thông tin trên mọi phương tiện thông tin đại chúng và mọi người dân của Việt Nam đều hiểu đó là chủ quyền của Việt Nam rồi, đâu còn mập mờ gì nữa. Trên các diễn đàn quốc tế, các tổ chức quốc tế đã công nhận chủ quyền của ta rồi. Nhưng còn một số người có ý đồ xấu, ý đồ xâm lược thì người ta lại cố tình phủ định cái đó và cho rằng chủ quyền thuộc về họ.
PV: Năng lực quân sự của chúng ta hiện đã đủ đáp ứng nhu cầu giữ vững chủ quyền biển Đông chưa, thưa ông?
Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Nếu so sánh về vũ khí thì từ trước đến nay mình chưa bao giờ vượt trội thậm chí dòng vũ khí của ta còn sau cường quốc vũ khí hiện đại nhất đến 3 thế hệ, có cái đến chục thế hệ. Nhưng không phải vì không có vũ khí hay vũ khí không hiện đại mà không giữ vững được chủ quyền của Tổ quốc.
Ở trên bộ thì một cây gậy hay một khẩu súng cũ cũng trở thành vũ khí khi cần thiết. Nhưng hải quân thì khác: không thể đem thuyền thúng ra đấu với thuyền sắt được. Đã đến lúc Việt Nam cần trang bị vũ khí hiện đại hơn cho hải quân. Mình không trang bị vũ khí nhiều như người ta nhưng người ta được 10 thì mình cũng phải được 7-8.
Để làm được điều đó thì kinh tế phải phát triển mạnh lên. Trong những năm gần đây xu hướng một nước có kinh tế mạnh thì cũng có một nền quân sự mạnh trở nên phổ biến. Nếu một quốc gia mà chỉ chú trọng kinh tế, không phát triển quân sự thì sự phát triển đó là chưa có chiều sâu.
Về mặt kinh tế: một dự án lớn dù có đổ bể nhưng chúng ta vẫn có thể khắc phục được. Nhưng về mặt quân sự mà đổ bể thì không thể khắc phục được, lúc đó chỉ có mất lãnh thổ, mất xương máu và danh dự. Vì vậy chúng ta phải đầu tư thích đáng chứ vũ khí trang bị hiện nay vẫn còn khiêm tốn lắm.
PV: Theo ông, lúc này lòng yêu nước được thể hiện như thế nào là thiết thực nhất?
Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam được thể hiện ở mọi lĩnh vực. Lòng yêu nước của nhân dân ta còn được thể hiện ở việc nhân dân vùng biển kiên quyết bám biển. Về lợi ích kinh tế là một phần còn phần lớn là vì trách nhiệm của công dân đối với chủ quyền của đất nước, cố bám bám biển để giữ chủ quyền.
Chiến sỹ ở các đảo vẫn giữ vững chủ quyền, không mất cảnh giác để sẵn sàng đáp trả những hành động xấu đối với đất nước mình.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các diễn đàn cho thấy người dân đang rất phẫn nộ nhưng cũng rất bình tĩnh để đấu tranh theo đường lối của Đảng và nhà nước chứ không manh động.
Cám ơn Trung tướng!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)