Thứ Tư, 22 tháng 6, 2011

'Trung Quốc phiêu lưu và ngạo mạn'


Về những động thái gây hấn gần đây của Trung Quốc ở biển Đông, trong một bài viết trên tờ New York Post, tác giả Arthur Herman cho rằng những vấn đề nội bộ của Trung Quốc khiến nước này hành xử một cách “phiêu lưu và ngạo mạn” với thế giới bên ngoài.
Theo tác giả Arthur Herman - người từng có tác phẩm “Gandhi & Churchill” lọt vào vòng chung khảo của Pulitzer Prize năm 2009, Trung Quốc đang phô trương sức mạnh quân sự và những tham vọng địa chính trị trước các nước láng giềng. 

Cùng với các cuộc tấn công tin tặc, Trung Quốc xem ra “không giống một cường quốc đang trỗi dậy” mà giống nhiều hơn “một kẻ bắt nạt bất trị”.
Cuộc tranh chấp gần đây nhất của Trung Quốc là với Việt Nam về khai thác dầu ở biển Đông, nơi Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền độc nhất và là nơi Hải quân Việt Nam tiến hành huấn luyện. Trung Quốc đáp trả với các cuộc tập trận kéo dài ba ngày đêm, dù vẫn tuyên bố “không sử dụng vũ lực” trong việc giải quyết tranh chấp. 

Tác giả Arthur Herman cho rằng thái độ của Việt Nam tạo cho Mỹ một cơ hội để khép lại cuộc chiến gây nhiều chia rẽ nhất và tìm cách tiếp cận mới, thực tế hơn đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Trong nhiều tuần qua, một làn sóng bất ổn khuấy động nhiều thành phố ở Trung Quốc, với bạo lực bùng phát và thậm chí có cả các vụ nổ bom chống chính quyền. Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy một cuộc nổi dậy mùa Xuân theo kiểu Arab nhưng số lượng các vụ lộn xộn mà giới chức Trung Quốc gọi là “sự cố hàng loạt “ liên tục gia tăng. Riêng trong năm 2008 có tới 127.000 vụ và tình hình đang trở nên tồi tệ hơn.
Hiện tượng kinh tế Trung Quốc đang bị lu mờ. Giá dầu leo cao và lạm phát ngày càng gia tăng đang xóa đi nhiều thành quả kinh tế mà Trung Quốc đạt được. 

Nếu kinh tế Mỹ - một địa chỉ xuất khẩu quan trọng của hàng hóa Trung Quốc - không phục hồi nhanh chóng, điều này sẽ đe dọa thành quả tăng trưởng của Trung Quốc và dẫn đến một giai đoạn có nhiều lộn xộn hơn ở nước này.
Sự tăng trưởng của Trung Quốc là có thực và bình quân thu nhập quốc dân trên đầu người của nước này trong giai đoạn 1978- 2003 tăng khoảng 6,1% - dù sự tăng trưởng này không mấy ấn tượng cho lắm nếu so với Nhật Bản (8,2%), Hàn Quốc (7,6%) và Đài Loan (7,1%) trong các giai đoạn thăng tiến tương tự.
Nhưng sự tăng trưởng này cũng tạo ra những vấn đề khổng lồ cho Chính phủ trung ương đang tìm cách kiểm soát dân chúng từng được hưởng tự do kinh tế nhiều hơn và đang muốn tự quyết định vận mệnh của mình, như những cuộc nối dậy gần đây cho thấy rõ. 

Những lo ngại mất quyền kiểm soát ở trong nước góp phần nuôi dưỡng chủ nghĩa phiêu lưu và thói ngạo mạn của Trung Quốc ở nước ngoài.
Tác giả Arthur Herman cho rằng: “Suy cho cùng, việc (Mỹ) đương đầu với Trung Quốc có thể là điều tốt nhất cho chính người Trung Quốc. Một nước Mỹ mạnh và tự tin có thể buộc Bắc Kinh thôi thói bắt nạt và tập trung vào cải cách ở trong nước trước khi kinh tế sụt giảm và bất ổn lan rộng. Đó là điều người Trung Quốc không muốn và chúng ta (phần còn lại của thế giới) cũng không cáng đáng nổi”.
Theo TN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang