Thứ Tư, 22 tháng 6, 2011

CẦN LÀM GÌ CHO TỔ QUỐC?


GDVN) - Trong ba tuần đặc biệt vừa qua, bất kì nơi đâu, trong hoàn cảnh nào mỗi trái tim người Việt Nam đều thổn thức chung nhịp đập yêu nước, trăn trở cho tương lai dân tộc, giống nòi. Điều này chứng minh một lần nữa, mỗi khi đất nước gặp khó khăn, lòng yêu nước của nhân dân ta lại "kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn" như lời Hồ Chủ tịch từng đúc kết.


Nghe hát: "Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta"


Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: “Yêu nước cũng phải yêu quyết liệt”

Khi Trung tướng Nguyễn Quốc Thước còn làm Đại biểu QH nhiều khóa, ông đã được dân “bầu” vào danh sách bộ tứ thẳng thắn và quyết liệt nhất trên nghị trường: “Nhất Thước, nhì Lân, tam Trân, tứ Quốc” (Nguyễn Quốc Thước, Nguyễn Lân Dũng, Nguyễn Ngọc Trân, Dương Trung Quốc - PV).
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.
 


Tướng Thước tâm sự: “Thế hệ chúng tôi, yêu nước cũng phải yêu quyết liệt, không lờ nhờ, do dự. Cái sự thẳng thắn mọi lúc mọi nơi, thẳng thắn, quyết liệt ngay cả với đồng chí, đồng đội mình, cũng là kiểu yêu nước một cách quyết liệt”.

Vị cựu Tư lệnh Quân khu 4 , Tham mưu trưởng Chiến dịch Tây Nguyên lịch sử năm 1975 này có đến gần 30 năm biền biệt rong ruổi trên các chiến trường khốc liệt nhất, nên ông hiểu rõ nhất giá trị của máu xương bao thế hệ đã đổ, hiểu rõ ý nghĩa của hòa bình, độc lập. Chính vì thế buổi giao lưu trực tuyến: “Cần làm gì cho tổ quốc?” do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức, nhận được sự nhất trí rất cao của vị tướng 85 tuổi nhưng vẫn làm việc không ngưng nghỉ này.
 
Nhà thơ – nhà báo Nguyễn Việt Chiến (phóng viên Báo Thanh Niên)


Trong những ngày này, khi mà tinh thần yêu nước, đoàn kết và tự hào dân tộc của người Việt đang dâng lên rất cao và cần được kích cầu hơn nữa, thì bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của Nguyễn Việt Chiến đã gây nên một tiếng vang lớn trong dư luận. Thể hiện một cách mãnh liệt và da diết nhất tình yêu tổ quốc; quyết tâm không chuyển dời đối với chủ quyền lãnh thổ, dưới bút pháp của một tâm hồn tài hoa, bài thơ đã nói hộ tiếng lòng của triệu triệu con dân Việt.
Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.
Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.
 

Nguyễn Việt Chiến, còn được biết đến với rất nhiều giải thưởng danh giá về thơ: Từ năm 1990-2004, anh đã được trao 5 giải thưởng về thơ: Giải nhì Cuộc thi thơ báo Văn Nghệ, Hội Nhà Văn Việt Nam (1989-1990); Giải nhì cuộc thi Thơ hay về biển của Vũng Tàu (1992); Giải nhì cuộc thi Thơ Tạp chí Văn nghệ 1998-1999; Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội (2004) và Hội Nhà văn Việt Nam năm 2004 cho tập thơ Những con ngựa đêm. Ngoài ra, Hội Nhà Văn Hà Nội tổ chức hội thảo tập sách phê bình "Thơ Việt Nam tìm tòi và cách tân" nhân Ngày Thơ Nguyên Tiêu (2008).

Nhận lời mời tham gia giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Cần làm gì cho tổ quốc?”, Nguyễn Việt Chiến chia sẻ: “Tổ quốc còn cần được nhìn từ nhiều phía nữa với tình yêu vô bờ và sức mạnh ý chí của hơn 80 triệu người Việt”.

"Tổ quốc nhìn từ biển" - Thơ của Nguyễn Việt ChiếnNếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa
Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc
Các con nằm thao thức phía Trường Sơn
Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả
Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn
Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển
Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong hồn người có ngọn sóng nào không?
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo
Lạc Long cha nay chưa thấy trở về
Lời cha dặn phải giữ từng thước đất
Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi
Đêm trằn trọc nỗi mưa nguồn chớp bể
Thương Lý Sơn đảo khuất giữa mây mù
Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ
Thương Hòn Mê bão tố phía âm u
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao thương tích
Những đau thương trận mạc đã qua rồi
Bao dáng núi còn mang hình góa phụ
Vọng phu buồn vẫn dỗ trẻ, ru nôi
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa
Đã mười lần giặc đến tự biển Đông
Những ngọn sóng hóa Bạch Đằng cảm tử
Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng
Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo
Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn
Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy
Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân
Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả
Những chàng trai ra đảo đã quên mình
Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước (*)
Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát
Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi
Nguyễn Việt Chiến

(*) Mới đây người dân huyện đảo Lý Sơn đã tìm thấy một sắc chỉ của vua triều Nguyễn năm 1835 cử dân binh ra canh giữ đảo Hoàng Sa

Trung Tướng Phạm Hồng Cư: “Phải có chí lớn để xây dựng đất nước”

Ngay từ Điện Biên Phủ, Tướng Cư đã là Phó Chính ủy Trung đoàn 36 của Đại đoàn Quân tiên phong 308. Cả đời binh lửa, trận mạc, nhưng tướng Cư lại trăn trở rất nhiều đến thế và lực, đến lòng yêu nước và chí khí của thế hệ hôm nay.
Trung tướng Nguyễn Hồng Cư
 
Trung tướng Phạm Hồng Cư.

Nhiều lần nói chuyện với thế hệ trẻ, Trung tướng Phạm Hồng Cư, Nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị, đều nhấn mạnh: “Thế hệ chúng tôi quyết không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ cho nên “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, còn thế hệ của các bạn là thế hệ không chịu nghèo nàn, không chịu lạc hậu, là thế hệ sẽ canh tân đất nước, đưa đất nước phát triển. Nếu chúng tôi quyết tâm rèn luyện để đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ Tổ Quốc thì các bạn rèn luyện đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước. Muốn làm được như vậy cần phải có chí lớn, trước kia có chí lớn để giải phóng Tổ quốc, bây giờ có chí lớn để xây dựng đất nước sánh vai các cường quốc Năm châu như Bác Hồ mong muốn”.

Khi biết Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức giao lưu trực tuyến: “Cần làm gì cho Tổ quốc?”, dù bệnh tim của ông đã chuyển sang giai đoạn rất phức tạp, ông vẫn quyết tâm: “Tôi sẽ hành quân cùng Báo”.

Đại biểu Quốc hội, GS Nguyễn Minh Thuyết: “Không có dân tộc nào trên thế giới trở thành một dân tộc lớn mạnh nếu họ không yêu quý, tôn thờ đất nước mình”.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết hiện là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Nhiều người hay gọi ông là “Gương mặt của năm” sau những lần ông phát biểu sắc sảo, thẳng thắn, chứa đựng nhiều tâm huyết tại nghị trường Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết.
 


Nhận lời mời tham gia giao lưu trực tuyến “Cần làm gì cho Tổ quốc”, GS Thuyết tâm sự: “Làm thế nào để giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, đoàn kết dân tộc trong diễn biến xã hội hôm nay? Để tình yêu nước biến thành sức mạnh phi thường, làm nên những kỳ tích, cần phải có sự nhất trí đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân. Không có dân tộc nào trên thế giới trở thành một dân tộc lớn mạnh nếu họ không yêu quý, tôn thờ đất nước mình”.

Đại tá Dương Đề Dũng, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng

Lực lượng biên phòng luôn được ví như “đôi cánh tay thép” của lực lượng hải quân, giữ bình yên cho cả vùng biển đảo quê hương. Biết bao người lính biên phòng vẫn từng ngày, từng giờ âm thầm canh giữ biên cương Tổ quốc.

Ở nơi đầu sóng ngọn gió, nhận lời mời tham gia Giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Cần làm gì cho Tổ quốc”, Đại tá Dương Đề Dũng tâm sự: “Nếu gọi Tổ quốc bằng hai từ đất nước thì biển đảo là một nửa máu thịt không thể tách rời. Hàng vạn bà con ta vẫn ngày ngày cùng mình có mặt ngày đêm trên các vùng biển đảo của Tổ quốc, canh giữ biển trời quê hương. Sẽ muôn đời là như thế”.

Nghe hát: "Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta"


Báo Điện tử Giáo Dục Việt Nam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang