Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2011

Đằng sau chính sách hai không của Trung Quốc ở Biển Đông



Trung Quốc luôn khăng khăng rằng tranh chấp Biển Đông phải được giải quyết thông qua đàm phán song phương, và đã phát triển chính sách "hai không" liên quan đến giải quyết tranh chấp ở Biển Đông: Không đàm phán đa phương, và không "quốc tế hóa".
Các bên yêu sách Biển Đông ở ĐNA, và cả Mỹ, đang đề cập ngày càng nhiều hơn đến các giải pháp đa phương. Đáp lại, Trung Quốc duy trì quan điểm tranh chấp phải được giải quyết bằng con đường đàm phán song phương, chống lại việc nước này xem là "quốc tế hóa" vấn đề, và lên án Mỹ.

Tranh chấp đảo: Đàm phán song phương hay đa phương?

Các nước Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Trung Quốc (quan điểm của nước này trùng với Đài Loan) đều tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ hoặc một phần của Quần đảo Trường Sa, cho nên tranh chấp thực chất đã là đa phương. Vì vậy, tranh chấp quần đảo Trường Sa đòi hỏi một giải pháp đa phương có sự tham gia của tất cả các bên yêu sách chủ quyền.

Đàm phán song phương không phải là cơ chế phù hợp để giải quyết tranh chấp đa phương: giả sử như Philippines và Việt Nam đàm phán và giải quyết vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa bằng con đường song phương, liệu Trung Quốc có chấp nhận một giải pháp như vậy?

Do đó, tại sao Trung Quốc lại khăng khăng đòi đàm phán song phương là cơ chế duy nhất giải quyết tranh chấp ở Trường Sa, bất chấp thực tế rằng cơ chế này không có hy vọng sẽ mang lại giải pháp? Đằng sau sự khăng khăng này là chiến lược hai hướng.

Một là, nếu mỗi nước nhỏ giải quyết riêng rẽ với Trung Quốc, kiểu một chọi một, họ sẽ không thể kháng cự sức mạnh vượt trội của Trung Quốc, khác hẳn việc các nước nhỏ có chiến lược chung, một quan điểm thống nhất và sự ủng hộ lẫn nhau.

Hai là, việc khăng khăng đòi cách tiếp cận không phù hợp là cách để Trung Quốc làm cho không thể giải quyết được tranh chấp. Trong hoàn cảnh không giải quyết được tranh chấp, Trung Quốc, vốn là nước mạnh nhất, sẽ  hưởng lợi nhiều nhất, vì họ có nhiều cơ hội nhất để củng cố vị thế của mình và làm suy yếu vị thế của các nước khác.

Tranh chấp biển: Quốc tế hóa hay phi quốc tế hóa?

Trong khi vấn đề chủ quyền với các quần đảo là trung tâm pháp lý của tranh chấp Biển Đông, trên thực tế, tranh chấp biển là nguồn quan trọng hơn tạo ra những xung đột. Sự kiện tàu hải quân Trung Quốc đe dọa tàu thăm dò của Philippines ở Reed Bank, lệnh cấm đánh cá đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông là những ví dụ.

Tranh chấp biển cần được giải quyết theo luật quốc tế, bao gồm cả Công ước Luật biển Quốc tế của Liên Hợp Quốc UNCLOS.

Theo UNCLOS, một quốc gia ven biển có chủ quyền chỉ với vùng lãnh hải không quá 12 hải lý tính từ đường cơ sở.

Đối với vùng biển nằm ngoài ranh giới 12 hải lý, quốc gia ven biển không có chủ quyền, nhưng có các quyền cụ thể theo quy chế vùng đặc quyền kinh tế EEZ và thềm lục địa. Thêm vào đó, theo luật quốc tế, các đảo nhỏ như những đảo ở Biển Đông có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa không đáng kể so với các vùng lãnh thổ lân cận có bờ biển dài hơn.

Nếu một quốc gia yêu sách vùng biển quá lớn hoặc đòi hỏi quá nhiều quyền, hoặc cả hai, đối với vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa, điều đó sẽ ảnh hưởng đến quyền của các quốc gia khác trên thế giới.

Yêu sách biển của Trung Quốc ở Biển Đông liên quan đến đường chữ U bí ẩn vượt xa ra ngoài 12 hải lý của các đảo tranh chấp và bao lấy hầu hết Biển Đông. Yêu sách này ảnh hưởng xấu đến quyền của các quốc gia khác.

Đường chữ U: một yêu sách quá mức

Trước hết, hãy xem xét liệu đường chữ U có thể phù hợp với quy định về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Đường chữ U nằm ra ngoài đường trung tuyến giữa các đảo bị tranh chấp và các vùng lãnh thổ bao quanh Biển Đông. Theo luật quốc tế, các đảo nhỏ như vậy thường chỉ được hưởng vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa không xa hơn mức 12 hải lý từ các đảo này một cách đáng kể, tức là còn xa mới vươn ra đến đường trung tuyến.

Dựa trên các quy tắc này, đường chữ U yêu sách quá đáng và độc đoán về ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hệ quả là, vùng biển bao quanh Reed Bank theo đúng luật thuộc về Philippines, khu vực bao quanh James Shoal thuộc về Malaysia, khu vực Natuna thuộc về Indonesia, vùng biển quanh Nam Côn Sơn và Vanguard Bank thuộc về Việt Nam. Sự phân định này là không thể tranh cãi ngay cả khi quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và Scarborough Shoals đang bị tranh chấp.

Hơn nữa, đường chữ U phủ lên khu vực ở giữa Biển Đông, nơi cộng đồng quốc tế có quyền khai thác kinh tế như đánh bắt cá.

Như vậy, đường này bao quanh một khu vực quá lớn, ảnh hưởng xấu đến quyền của các quốc gia khác trong việc được hưởng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở Biển Đông, cũng như ảnh hưởng đến cộng đồng quốc tế.

Để biện minh cho yêu sách quá mức của mình, Bắc Kinh phải viện dẫn chủ quyền lịch sử và những quyền khác đối với biển.

Tuy nhiên, UNCLOS chỉ thừa nhận chủ quyền lịch sử và quyền đối với biển trong vùng 12 hải lý tính từ đường cơ sở, không phải với toàn bộ khu vực đường chữ U. Là một bên ký kết UNCLOS, Trung Quốc phải tôn trọng quy tắc này và không thể viện dẫn chủ quyền lịch sử và quyền đối với biển để biện minh cho đường chữ U. Thêm vào đó, hoàn toàn không tồn tại bằng chứng rằng Trung Quốc có chủ quyền lịch sử đối với không gian biển được mô tả trong đường này.

Đường chữ U: một yêu sách mù mờ một cách cố ý

Hãy xem xét đường chữ U ở khía cạnh các quyền mà Trung Quốc định yêu sách cho đường này.

Trung Quốc không rõ ràng về yêu sách này. Trung Quốc chưa bao giờ tuyên bố chính xác nước này yêu sách các quyền gì trong đường chữ U, ngay cả khi nước này đính kèm bản đồ thể hiện đường chữ U trong công hàm gửi lên LHQ năm 2009 để phản đối đăng báo cáo về ranh giới ngoài thềm lục địa của Việt Nam và Malaysia và báo cáo của Việt Nam.

Dù Trung Quốc yêu sách vùng biển bên trong đường chữ U là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, hay là xem nó giống như "vùng nước lịch sử" thì yêu sách đó cũng là mối đe dọa với Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia và Việt Nam. Hơn nữa, nó tác động đáng kể đến quyền của cộng đồng quốc tế, bởi vì UNCLOS đảm bảo quyền của tất cả các quốc gia trên thế giới ở vùng biển này.

Đường chữ U: một vấn đề quốc tế

Đường chữ U giống như con dao găm chĩa vào trái tim của Biển Đông mà người cầm con dao ấy không đưa ra một lời giải thích hoặc nói gì về ý định sử dụng nó. Được hỗ trợ bởi lực lượng hải quân ngày càng lớn mạnh, đường này trở thành mối đe dọa đối với tất cả các quốc gia trên thế giới.

Trong khi cộng đồng quốc tế giữ vị trí trung lập trong cuộc tranh chấp chủ quyền các đảo, cộng đồng quốc tế không nên đứng trung lập đối với đường chữ U.

Lịch sử biển và UNCLOS chỉ ra rằng Biển Đông là một biển quốc tế, giống như Địa Trung Hải. Cộng đồng quốc tế có lợi ích và có quyền để lên tiếng đối với các yêu sách biển ở đây. Việc Trung Quốc phản đối "quốc tế hóa" vấn đề Biển Đông thật ra là một nỗ lực phi quốc tế hóa một vùng biển vốn là quốc tế. Một khi Biển Đông đã bị phi quốc tế hóa, Bắc Kinh sẽ có thể dùng sức mạnh đe dọa các quốc gia Đông Nam Á và áp đặt luật riêng của họ ở vùng biển này.

Bản tiếng Anh của bài viết đã được đăng tải trên Manila Times.
(Theo Tuần Việt Nam)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang