Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

Căng thẳng sau cuộc diễn tập?



Nước nào cũng muốn tranh tài nguyên trong khu vực
Việc Hải quân Việt Nam diễn tập đạn thật ngoài khơi Quảng Nam không tránh khỏi có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng với nước láng giềng Trung Quốc.
Việt Nam nói sẽ cương quyết bảo vệ chủ quyền và các khu vực hải thương quanh Trường Sa.
Trung Quốc tố cáo Việt Nam thăm dò trái phép dầu khí tại những khu vực mà họ gọi là đặc quyền kinh tế. Trong những tuần qua đã xảy ra những sự cố liên quan đến tàu bè của hai nước.
Biển Đông là nơi lâu nay xảy ra tranh chấp tài nguyên thiên nhiên giữa Trung Quốc với nhiều nước trong khu vực, và cũng đang có nguy cơ làm cho quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington lại căng thẳng.
Tranh giành các đặc khu kinh tế trên vùng biển này đã kéo dài từ lâu và thỉnh thoảng lại xảy ra những vụ va chạm giữa tàu bè của các nước.
Nhưng căng thẳng mới đây giữa Hà Nội và Bắc Kinh, giữa Bắc Kinh và Manila, cho thấy sự cấp bách của nhu cầu phân định lãnh hải thế nào để các bên đều có thể chấp nhận.
Tại thời điểm này phóng viên quốc phòng của BBC Jonathan Marcus nói không loại trừ khả năng xảy ra xung đột quân sự.
Cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều bị đưa vào thế nan giải khi quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng giữa lúc tinh thần dân tộc nổi lên trong nước đòi hỏi hai chính phủ phải có hành động mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi.

Tinh thần dân tộc này tự phát đến đâu vẫn là dấu hỏi nhưng sự bùng lên tái diễn chỉ như đổ dầu thêm vào lửa.
Nhiều quan sát viên cho rằng trong 18 tháng qua Trung Quốc có vẻ mạnh bạo hơn trong việc bảo vệ quyền lợi của họ trong khu vực.
Sự hiện diện của bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc tại diễn đàn an ninh khu vực - Đối thoại Shangri-La - được cho là một nỗ lực nhằm trấn an những lo sợ cho một Trung Quốc hung hăng. Nhưng không vì thế mà căng thẳng trên biển giảm đi tí nào.
Dấu hiệu từ Washington cho thấy người Mỹ quay lại với khu vực này có thể đã làm cho Hà Nội an tâm hơn. Nhưng Bắc Kinh quả quyết tranh chấp song phương phải được giải quyết không có sự can thiệp của bên ngoài.
Việt Nam, một nước nhỏ hơn, lại muốn thấy có sự tham gia đa phương để tiếng nói của họ không bị lấn lướt.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang