Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay đã 'trao công hàm phản đối' tới Đại sứ quán Trung Quốc tại nước này hôm thứ Sáu, sau khi Hà Nội cáo buộc tàu Hải giám của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam, xâm hại một tàu thăm dò của tập đoàn dầu khí quốc gia Petrovietnam ngày 26 tháng Năm.
Trang tin của Bộ Ngoại Giao Việt Nam hôm thứ Bảy trích nguồn 'một quan chức' của Bộ này nói Việt Nam "yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay, không tái diễn những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam."
Bản tin của Bộ Ngoại giao từ Hà Nội nêu rõ hôm thứ Sáu, tàu hải giám của Trung Quốc đã cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc Petrovietnam, khi tàu của hãng này đang khảo sát địa chấn trong thềm lục địa của Việt Nam, vào lúc gần 6 giờ sáng thứ Năm ở một địa điểm cách mũi Đại Lãnh (tỉnh Phú Yên) khoảng 120 hải lý.
Theo nội dung công hàm phản đối theo bản tin của Bộ Ngoại giao đăng trên trang mạng mofa.gov.vn, "hành động nói trên của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa của mình, vi phạm công ước luật biển năm 1982 của LHQ, trái với tinh thần và lời văn của tuyền bố năm 2002 giữa Asean và Trung Quốc về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước VN và TQ về không làm phức tạp thêm tình hình biển Đông."
Vai trò táo bạo, quyết đoán ngày một gia tăng của Trung Quốc tại Biển Nam Trung Hoa đã và đang làm dấy lên các căng thẳng với các quốc gia khác trong khu vực
Hãng tin AFP
Bản tin của Bộ này không nêu rõ việc trao và nhận công hàm được thực hiện bởi các quan chức nào là đại diện của Bộ và Đại sứ quán TQ tại Hà Nội, mà chỉ nêu "đại diện của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối."
Trang web chính thức của Sứ quán Việt Nam tại Mỹ, Bấmở phần tiếng Anh, cũng đăng lại bản tin về vụ việc, cho thấy dấu hiệu Hà Nội muốn Washington để ý sự cố ngoại giao này.
Hãng tin Pháp, AFP hôm 28 tháng Năm bình luận về vụ va chạm mới nhất này giữa tàu của hai quốc gia vốn cùng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông hay Biển Nam Trung Hoa, khi cho biết:
"Bắc Kinh và Hà Nội từ lâu đã có một cuộc tranh chấp ở Biển Đông về chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vốn đều giàu có tài nguyên và tọa lạc ở các hải trình chiến lược tại khu vực."
AFP cũng ghi nhận: "Việt Nam đã loan báo nhiều trường hợp tàu đánh cá và các thiết bị ngư nghiệp bị phía Trung Quốc bắt giữ ở các khu vực tranh chấp từ năm 2009."
Hãng tin Pháp từ Hà Nội nhận định: "Vai trò táo bạo, quyết đoán ngày một gia tăng của Trung Quốc tại Biển Nam Trung Hoa đã và đang làm dấy lên các căng thẳng với các quốc gia khác trong khu vực."
AFP trích lời của Tổng thống Philippine, Benigno Aquino, mới đây cảnh báo rằng 'các diễn biến đi xa hơn xung quanh quần đảo có thể tiềm tàng việc làm nổ ra một cuộc chạy đua vũ trang, buộc nước này phải củng cố quân sự."
Hồi tháng Ba, Philippines, một trong các quốc gia trong khu vực tới nay tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa đã phàn nàn việc các tàu tuần duyên và hộ tống của Trung Quốc đã 'đe dọa' xâm hại một tàu khai thác dàu của quốc gia thành viên khối Đông Nam Á (ASEAN) này ở một vùng biển tranh chấp gần Trường Sa.
Các diễn biến đi xa hơn xung quanh quần đảo có thể tiềm tàng việc làm nổ ra một cuộc chạy đua vũ trang, buộc Phiippine phải củng cố quân sự
Tổng thống Philippine, Benigno Aquino theo AFP
Manila ngay lập tức chuyển văn bản phản đối việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở quần đảo này cũng như các khu vực khác cận kề ở vùng biển Nam Trung Hoa lên Liên Hiệp Quốc.
Hiện chưa có phản ứng chính thức từ phía Trung Quốc về việc Việt Nam trao công hàm phản đối hôm thứ Bảy về cuộc va chạm giữa tàu hải giám Trung Quốc và tàu Bình Minh 02 của Petrovietnam tại khu vực mà Việt Nam cho là nằm sâu trong lãnh hải và thềm lục địa 200 hải lý của nước này.
Hôm thứ Sáu, hãng tin Reuters trích lời các nguồn tin chính thức của Việt Nam, loan tin ba tàu hải giám của Trung Quốc đã thách thức một tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam tại vùng biển tranh chấp "làm hỏng các thiết bị và đe dọa rằng tàu của VN đã vi phạm lãnh hải của Trung Quốc."
Vẫn hãng tin này cho biết ngay sau thời điểm Việt Nam lên tiếng về sự việc, Bộ Ngoại giao của Trung Quốc "không có bình luận nào ngay lập tức."
'Gây hấn'
Hôm thứ Sáu, tập đoàn dầu khí quốc gia PetroVietnam nói ba tàu hải giám Trung Quốc đã vi phạm lãnh hải của Việt Nam, phá hoại thiết bị và cản trở hoạt động của tàu khảo sát Việt Nam.
Sự kiện xảy ra ngay tảng sáng hôm thứ Năm 26/05, tại vùng biển miền Trung, chỉ cách mũi Đại Lãnh của tỉnh Phú Yên 120 hải lý, mà PetroVietnam nói hoàn toàn trong thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
PetroVietnam đã có cuộc họp gấp với báo chí về sự việc mà hãng này gọi là "hành động hết sức ngang ngược, vi phạm trắng trợn đối với quyền chủ quyền của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cản trở hoạt động của PetroVietnam".
Phó Tổng Giám đốc PetroVietnam Đỗ Văn Hậu được Thông tấn xã Việt Nam trích lời nói hãng này đã báo cáo và đề nghị Chính phủ cùng các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam "có các biện pháp phản đối mạnh mẽ nhất có thể đối với phía Trung Quốc", đồng thời hỗ trợ PetroVietnam thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng biển của Việt Nam.
Theo ông Hậu, vụ 'gây hấn' xảy ra khi tàu địa chấn Bình Minh 02 của PetroVietnam đang tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực các lô 125, 126, 148, 149 trên thềm lục địa miền Trung của Việt Nam.
Đây là hành động hết sức ngang ngược, vi phạm trắng trợn đối với quyền chủ quyền của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cản trở hoạt động của PetroVietnam.
Phó TGĐ PetroVietnam Đỗ Văn Hậu
Ông nói tàu Bình Minh 02 đã làm công việc này trong hai đợt, đợt thứ nhất hồi năm 2010 và đợt thứ hai từ 17/03 năm nay, "quá trình khảo sát những ngày vừa qua được tiến hành trôi chảy".
Tuy nhiên vào khoảng 5 giờ sáng thứ Năm, tàu Bình Minh 02 phát hiện ba tàu hải giám của Trung Quốc chạy nhanh vào khu vực tàu này đang khảo sát mà không hề cảnh báo.
Gần một tiếng sau đó, "tàu hải giám Trung Quốc đã chủ động chạy qua khu vực thả dây cáp, cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02", sau đó tiếp tục uy hiếp tàu này.
Được biết hai bên đã có trao đổi, và tàu Bình Minh 02 khẳng định đang hoạt động trong lãnh hải của Việt Nam.
Mãi tới 9 giờ sáng, tức sau gần bốn tiếng đồng hồ, các tàu hải giám Trung Quốc mới rút đi.
Hãy xem đoạn video trên Thời sự nước ta nói về vấn đề này:
Ông Đỗ Văn Hậu được dẫn lời cho biết: "Tàu Bình Minh 02 và các tàu bảo vệ đã phải dừng công việc trong ngày 26/05 và thu lại các thiết bị bị hỏng để sửa chữa".
Tàu khảo sát địa chấn của Việt Nam tới 6 giờ sáng thứ Sáu 27/05 mới quay trở lại hoạt động bình thường.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)