Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Trung Quốc cần học cách ứng xử với Mỹ và thế giới


Tư tưởng dân tộc chủ nghĩa rất có hại cho sự mở cửa của Trung Quốc với thế giới bên ngoài trong tương lai. Đặc biệt, các học thuyết âm mưu rất phổ biến trong các cuộc thảo luận về quan hệ kinh tế với bên ngoài, đặc biệt là với Mỹ.

Hệ thống dự trữ toàn cầu: USD, SDR hay NDT?
USD là một hòn đá tảng của hệ thống kinh tế quốc tế thời kỳ sau chiến tranh. Hệ thống  Bretton Woods được thành lập năm 1944 có hai trụ cột quan trọng: đồng USD quy đổi ra vàng và hầu hết các đồng tiền khác quy đổi sang USD. Hệ thống Bretton Woods sụp đổ năm 1971 khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon đình chỉ khả năng quy đổi của USD ra vàng vì thanh khoản USD vượt quá tăng trưởng vàng. Cuối cùng, hầu hết các nước dần chuyển đổi sang cơ chế tỷ giá mềm dẻo. Nhưng USD vẫn là dự trữ ngoại tệ toàn cầu quan trọng nhất.
Niềm tin của cộng đồng quốc tế vào USD đã bắt đầu suy giảm từ cuối những năm 1990, khi thâm hụt kép của Mỹ bắt đầu tăng nhanh chóng. Trong những năm đầu thế kỷ 21, thâm hụt cán cân thanh toán của Mỹ tiếp tục nới rộng và nợ của nước này tích lũy nhanh. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là kết quả của chính sách tiền tệ nới lỏng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), đặc biệt là mức lãi suất thấp, khuyến khích tiêu dùng và đầu tư thái quá. Một số người cũng đổ lỗi vấn đề này là do cái gọi là Thế tiến thoái lưỡng nan Triffen: nhu cầu ngày càng lớn đối với đồng tiền dự trữ toàn cầu (USD) đẩy Mỹ vào thâm hụt cán cân vãng lai ngày càng lớn, từ đó làm xói mòn niềm tin của giới đầu tư vào USD.
Đây là lý do khiến nhiều chuyên gia liên tục kêu gọi đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ mà nhiều chính phủ và ngân hàng trung ương trên thế giới đang nắm giữ, đặc biệt là ở châu Á. Theo dữ liệu của IMF, tỷ lệ trung bình các tài khoản bằng USD trong tổng dự trữ ngoại tệ đã giảm gần 10% trong 10 năm trước khi xảy ra khủng hoảng sub-prime. Một số chuyên gia lo ngại về một cuộc khủng hoảng USD, kết quả của việc tranh nhau bán tài sản bằng USD trên thế giới. Nhưng cuộc khủng hoảng này đã không xảy ra. Trên thực tế, sau cuộc khủng hoảng sub-prime, USD đã tăng giá vì các nhà đầu tư vẫn coi Mỹ là một thiên đường an toàn trong những lúc bất chắc.
Tuy nhiên, câu hỏi về tương lai của đồng USD sẽ không nhanh chóng trôi qua. Đề nghị của ông Chu Hiểu Xuyên, thay đổi SDR của IMF bằng một đồng tiền dự trữ siêu quốc gia, là một lời đáp cho những lo ngại về hệ thống dự trữ toàn cầu hiện nay. Ông Chu đã khuyến cáo các bước chi tiết để cải cách SDR, bao gồm mở rộng giỏ SDR, thiết lập tỷ giá hối đoái chính thức giữa SDR với các đồng tiền quốc tế chính khác, sử dụng SDR trong một số giao dịch kinh tế quốc té, và phát hành tài sản bằng SDR. Sau này, Ủy ban Chuyên gia Tài chính và Cải cách tiền tệ của LHQ, do Joseph Stiglitz làm chủ tịch, cũng đưa ra một đề xuất tương tự nhằm tạo ra một đồng tiền dự trữ siêu quốc gia. Tạo ra đồng tiền này là một ý tưởng thông minh để vượt qua cuộc khủng hoảng cố hữu giữa chức năng toàn cầu và chính sách quốc gia của một đồng tiền dự trữ toàn cầu. Ý tưởng này có thể xuất phát từ Keynes.
Đặc biệt, SDR là một chủ đề chính trong cuộc thảo luận về cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế tại các hội nghị G20. Vai trò của SDR có thể ít nhất mở rộng trong các lĩnh vực đầu tư dự tữ và quản lý tiền mặt. Nhưng bước đầu tiên, giỏ tiền tệ - hiện gồm USD, euro, bảng Anh và yen Nhật - cần được mở rộng hơn để đưa thêm vào một số đồng tiền của các nền kinh tế thị trường mới nổi. Tuy nhiên, bước chỉnh sửa tiếp theo sẽ không diễn ra trước năm 2015 sau khi tiến hành sửa đổi gần đây nhất vào năm 2010.
Ông Yi Gang, Phó Thống đốc PBC và là người điều hành Cục Trao đổi ngoại hối quốc gia (SAFE), mới đây đưa ra một đề xuất mở rộng SDR bằng việc trước tiên tạo ra một cái bóng của SDR. IMF đặt ra hai tiêu chí để một đồng tiền được đưa vào SDR: thị phần của một quốc gia trong thương mại toàn cầu và thị phần của đồng tiền một quốc gia trong các giao dịch tài chính quốc tế. Theo các tiêu chí này, Trung Quốc đề xuất rằng IMF tạo ra một "SDR phụ" vào năm 2011 trong đó bao gồm cả các đồng tiền của các nước BRICS. Như vậy có thể tính được chỉ số SDR phụ hoặc lãi suất và tiếp tục sửa đổi ảnh hưởng của nó trong những năm tiếp theo. Đến năm 2015, IMF có thể chính thức mở rộng giỏ SDR bằng việc đưa vào đó đồng tiền của các thị trường mới nổi.
Việc tạo ra một đồng tiền siêu quốc gia, dù cuối cùng có thể thành công, sẽ phải trải qua một tiến trình rất dài. Nó sẽ đòi hỏi các quốc gia riêng lẻ nhượng bộ chủ quyền tiền tệ của mình và thành lập một ngân hàng trung ương toàn cầu. Rất khó, nếu không muốn nói là không thể, đòi hỏi điều này trong tương lai gần.
Điều nhiều khả năng xảy ra nhất hiện nay là một hệ thống tiền tệ dự trữ đa dạng. Một mặt, USD không còn chế ngự hệ thống tài chính toàn cầu như trong nửa thế kỷ qua nữa. Mặt khác, chưa thực sự có đồng tiền nào thay thế được USD. Vì vậy, USD sẽ vẫn là một trong những ngoại tệ dự trữ quan trọng nhất trên thế giới, dù tầm quan trọng của nó có thể giảm dần. Cùng lúc đó, một số đồng tiền khác, như euro, sẽ có vai trò lớn hơn.
Theo một cách nào đó, điều này đang diễn ra. Trong 10 năm qua, thị phần của tài sản bằng euro trong dự trữ ngoại hối gia tăng đều đặn, bên cạnh đó là sự suy giảm của thị phần tài sản bằng USD. Một câu hỏi quan trọng đặt ra là liệu hệ thống dự trữ đa ngoại tệ có chỗ cho các đồng tiền của các thị trường mới nổi hay không? Hiện nay, các đồng tiền dự trữ chủ yếu là của các nước công nghiệp hóa. Nhưng vì vai trò của các nền kinh tế thị trường mới nổi ngày càng tăng, liệu các nền kinh tế này, đặc biệt là các quốc gia BRICS, có thể đóng một vai trò nào đó trong hệ thống dự trữ toàn cầu hay không?
Vai trò toàn cầu của đồng nhân dân tệ (NDT) là chủ đề được tranh cãi gay gắt cả ở trong và ngoài Trung Quốc. Tại hội thảo G20 về hệ thống tiền tệ quốc tế ở Nam Kinh tháng 4/2011, hầu hết các quan chức từ các nước G20 đều nhất trí rằng NDT nên được đưa vào giỏ SDR. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn là liệu việc đưa đồng tiền này vào SDR có nên đi kèm với điều kiện là khả năng hoán đổi của tài khoản vốn và độ mềm dẻo của tỷ giá hối đoái NDT hay không.
Việc quốc tế hóa đồng NDT đã được nhắc lại khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đây ít nhất là một câu trả lời trước triển vọng mù mờ của USD. Từ giữa năm 2008, PBC đã thu hẹp biên độ tỷ giá hối đoái của NDT, nhưng cùng lúc lại tăng tốc quá trình quốc tế hóa đồng tiền này.
Cuộc cải cách triệt để chính sách đồng NDT đã bắt đầu từ đầu năm 1994, khi PCB thống nhất tỷ giá chính hối đoái chính thức và trên thị trường, và thông qua một cơ chế thả nổi có kiểm soát. Những năm sau đó, NDT đã dần dần tăng giá cho đến khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á. Sau nhiều lần tạm ngừng trong thời gian khủng hoảng tài chính châu Á và khủng hoảng sub-prime ở Mỹ, NDT đã trở lại cơ chế thả nổi có quản lý từ ngày 19/6/2010. Nhưng nhìn chung, tỷ giá hối đoái của đồng tiền này vẫn rất cứng nhắc và NDT có thể vẫn đang bị định giá thấp hơn giá trị thực - bằng chứng là thặng dư cán cân thanh toán rất lớn và dự trữ ngoại tệ tăng nhanh của Trung Quốc.
Tháng 12/1996, PBC thông báo với IMF việc áp dụng khả năng hoán đổi cán cân thanh toán. Dù việc này liên tiếp bị hoãn vì nhiều cuộc khủng hoảng tài chính bên ngoài, nhưng Trung Quốc đã tiếp tục các bước hướng tới tự do hóa tài khoản vốn, bao gồm việc thông qua các mô hình Đầu tư chứng khoán của các định chế nước ngoài (QFII) và Đầu tư chứng khoán của các định chế trong nước (QDII), sử dụng NDT trong các giao dịch kinh tế quốc tế với các nước láng giềng, và thiết lập một thị trường NDT ở Hong Kong. Trên thực tế, một số ngân hàng trung ương như ở Thái Lan và Nga đã bắt đầu coi NDT là ngoại tệ dự trữ của mình.
Nhưng NDT vẫn còn một con đường dài trước khi được quốc tế hóa. PBC vẫn can thiệp mạnh vào các thị trường ngoại hối và kiểm soát chặt chẽ các dòng vốn xuyên biên giới, đặc biệt là đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, thanh toán nợ và danh mục vốn đầu tư của các ngân hàng. Quan trọng nhất, chính thị trường quốc tế, chứ không phải chính quyền Trung Quốc, quyết định việc NDT có trở thành đồng tiền quốc tế hay không.
Trung Quốc đã thấy rõ sự cần thiết phải cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế. Họ cũng quan tâm tới việc thúc đẩy quốc tế hóa đồng NDT. Tuy nhiên sẽ có lợi nhất cho Trung Quốc và thế giới nếu đảm bảo sự chuyển tiếp êm ả của hệ thống dự trữ toàn cầu. Trung Quốc, Mỹ và các nền kinh tế lớn nên phối hợp hỗ trợ sự ổn định của USD. Sau cùng, USD vẫn là đồng tiền quan trọng nhất đối với các giao dịch kinh tế của Trung Quốc với nước ngoài và chiếm khoảng 60% trong số hơn 3.000 tỷ USD dự trữ ngoại tệ của nước này.
Các đề nghị, vai trò và trách nhiệm của Trung Quốc
Có thể kết luận bằng cách trả lời ba câu hỏi liên quan đến quan điểm của Trung Quốc về cải cách hệ thống kinh tế quốc tế: Trung Quốc muốn gì? Họ có thể mang đến những gì? và Trách nhiệm của họ là gì?
Trung Quốc muốn gì? Trung Quốc muốn biến đổi hệ thống kinh tế quốc tế để phản ánh thực tế mới của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là tầm quan trọng ngày càng gia tăng của các nền kinh tế thị trường mới nổi. Đồng thời, Trung Quốc cũng hy vọng duy trì các đặc điểm tích cực của hệ thống hiện nay vốn đã góp phần tạo ra sự thịnh vượng của nền kinh tế toàn cầu trong những thập kỷ qua, đặc biệt là sự thúc đẩy tự do thương mại, tự do của các dòng vốn, và toàn cầu hóa.
Trung Quốc là nước hưởng lợi chính từ hệ thống quốc tế hiện nay và sẽ vẫn giúp cải thiện nó. Trung Quốc không quan tâm tới việc xây dựng một hệ thống hoàn toàn mới bên cạnh cái hiện có. Nhưng hệ thống kinh tế quốc tế mới nên tăng vai trò ảnh hưởng của các nền kinh tế thị trường mới nổi và chú ý nhiều hơn tới các điều kiện của các nước đang phát triển khi lập ra các quy định kinh tế.
Trung Quốc ủng hộ tiến trình G20, tiến trình có thể kết hợp tốt nhất giữa tính hiệu quả và tính đại diện. G7 hay G8 - cái gọi là câu lạc bộ những nước giàu - là một thể chế đã lỗi thời. Trung Quốc đánh giá cao quan hệ đối tác với Mỹ, nhưng không tìm cách thể chế hóa một nền tảng G2 trong các vấn đề kinh tế quốc tế.
Các tổ chức quốc tế nên có trách nhiệm toàn cầu nhiều hơn, như giám sát kinh tế vĩ mô, điều tiết tài chính và quản lý lưu thông tiền mặt toàn cầu. Nhưng trước hết, các tổ chức này cũng sẽ cần tiến hành các cuộc cải cách nhằm tăng tính đại diện, hiệu quả và công bằng. Cấu trúc điều hành của các tổ chức quốc tế nên thay đổi nhằm phản ánh đúng hơn tầm quan trọng ngày càng lớn của các nền kinh tế thị trường mới nổi. Và việc đặt ra các quy định kinh tế quốc tế cũng nên chú ý hơn tới các điều kiện hiện nay của các nước đang phát triển.
Hệ thống dự trữ toàn cầu đang cần cải cách khẩn cấp. Giới chức Trung Quốc gần đây đề nghị một giỏ SDR phụ, bao gồm cả một số đồng tiền của các nước BRICS trước khi có sự sửa đổi chính thức SDR vào năm 2015. Tuy nhiên trong tương lai gần, một hệ thống dự trữ đa hối sẽ nhiều khả năng xảy ra hơn. Trung Quốc quan tâm đến việc tìm kiếm một vai trò của NDT trong tương lai, bên cạnh euro và một số đồng tiền khác. Trước mắt, Trung Quốc, Mỹ và các nước khác trên thế giới sẽ có lợi hơn nếu đồng USD được ổn định.
Trung Quốc có thể đem đến những gì? Là nền kinh tế thị trường mới nổi lớn nhất và năng động nhất, Trung Quốc cũng có thể đóng góp vào cuộc cải cách hệ thống kinh tế quốc tế. Điều này phù hợp với mục tiêu của Trung Quốc phối hợp với các nước khác xây dựng một thế giới hài hòa. Như Trung Quốc đã thể hiện trước đây trong các cuộc thương lượng về các vấn đề khó như sự biến đổi khí hậu và tái cân bằng toàn cầu, họ ưu tiên giải quyết các vấn đề thông qua hợp tác, chứ không phải đối đầu.
Quan hệ đối tác Mỹ - Trung là cần thiết nhưng không phải là điều kiện đủ cho hợp tác kinh tế quốc tế trong nhiều lĩnh vực. Đối thoại Chiến lược và Kinh tế định kỳ giữa hai nước là một khuôn khổ quan trọng cho hai bên trao đổi quan điểm về các vấn đề song phương và đa phương. Trung Quốc cũng muốn phối hợp với các thành viên khác của BRICS để đưa ra các quan điểm chính sách thị trường mới nổi và cùng nhau thúc đẩy các sáng kiến này trong khuôn khổ toàn cầu như G20 và IMF.
Trung Quốc có thể giúp hỗ trợ việc ổn định USD trên các thị trường ngoại hối, như thông qua sự quản lý uyển chuyển đối với lượng dự trữ ngoại tệ rất lớn của họ. Nhưng điều này đòi hỏi sự hợp tác của Mỹ về cách quản lý của riêng họ đối với các chính sách tiền tệ và tài chính. Trung Quốc cũng có thể hỗ trợ quá trình tái cân bằng toàn cầu bằng việc trước tiên giảm thặng dư cán cân thanh toán của mình. Trung Quốc cũng có thể có lợi khi chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại trên thế giới và giúp hoàn tất vòng đàm phán Doha về tự do hóa thương mại.
Trung Quốc có trách nhiệm gì? Trước tiên, với vai trò là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc cần bỏ tâm lý quốc gia nhỏ. Các quyết định kinh tế của bất cứ quốc gia nào cũng nên tính đến các phản ứng có thể của các nước khác. Chính sách tỷ giá hối đoái là một ví dụ điển hình. Những thay đổi của đồng tiền trong một quốc gia nhỏ không có tác động nào đối với thế giới, nhưng thay đổi này tại một nước lớn như Trung Quốc có thể dẫn tới những thay đổi lớn trong thương mại toàn cầu và các cấu trúc sản xuất.
Thứ hai, tư tưởng dân tộc chủ nghĩa rất có hại cho sự mở cửa của Trung Quốc với thế giới bên ngoài trong tương lai. Đặc biệt, các học thuyết âm mưu rất phổ biến trong các cuộc thảo luận về quan hệ kinh tế với bên ngoài, đặc biệt là với Mỹ. Nếu chúng ta không giảm thiểu hiệu quả sự ảnh hưởng của các tư tưởng thời chiến tranh Lạnh trong các quyết định chính sách kinh tế quốc tế, chúng ta sẽ không thể trở thành một đối tác đáng tin cậy của các quốc gia khác trong việc cải cách hệ thống kinh tế quốc tế.
Thứ ba, Trung Quốc nên thúc đẩy hơn nữa tự do hóa nền kinh tế của mình và tiến gần hơn tới một nền kinh tế thị trường, trong đó có các cuộc cải cách cơ chế tỷ giá hối đoái, kiểm soát tài khoản vốn và biến động tại các thị trường tác nhân khác. Đồng thời, Trung Quốc cũng nên thúc đẩy sự phát triển của khối tư nhân và giảm ảnh hưởng của khối nhà nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế quốc tế. Điều này rất quan trọng để hỗ trợ cho một hệ thống kinh tế quốc tế mở và hiệu quả.
Và cuối cùng, cũng có thể đã đến lúc để Trung Quốc học cách làm việc với Mỹ và các thành viên khác của G20 để cung cấp các dịch vụ hàng hóa công cho nền kinh tế thế giới. Cùng với việc Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác đòi có thêm quyền, họ cũng nên chia sẻ thêm trách nhiệm trong việc duy trì một môi trường kinh tế toàn cầu ổn định, thực thi các luật lệ kinh tế quốc tế và giúp đỡ các quốc gia tạm thời đang phải hứng chiu những cú sốc không mong muốn./.
  • Châu Giang dịch từ cuốn Rising China: Global Challenges and Opportunities

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang