Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

Phát hiện tài liệu mới về đội hùng binh Hoàng Sa


Dòng họ Võ Văn ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đang lưu giữ những tài liệu cho thấy tổ tiên họ từng gia nhập đội hùng binh ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ từ năm 1786, sớm hơn 30 năm so với các tài liệu công bố trước đây.
tai_lieu_hoang_sa_19.9
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi tiếp cận tài liệu cổ liên quan đến đội hùng binh Hoàng Sa của dòng họ Võ Văn ở huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: Trí Tín

Trong lúc thực hiện dự án “Khôi phục những ngôi mộ của binh phu đi Hoàng Sa”, tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi đã phát hiện nhiều tài liệu quý của dòng họ Võ Văn ở huyện đảo Lý Sơn liên quan đến chủ quyền lãnh hải Hoàng Sa, Trường Sa từ cuối thế kỷ 18. Võ Văn là một trong 13 dòng họ tiền hiền trên đất đảo Lý Sơn.
Sau nhiều lần phiên dịch, tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu lưu trữ viết bằng chữ Hán của dòng họ này, tiến sĩ Vũ kết luận: “Tộc họ Võ Văn ở Lý Sơn có công rất lớn trong việc thiết lập đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa, giong buồm ra biển Đông đo đạc hải trình, tìm kiếm các hải vật, sản vật và khí cụ về dâng nộp lên triều đình từ cuối thế kỷ 18".
Đến nay, tại Lý Sơn cũng như ở vùng ven biển Quảng Ngãi, chưa tìm thấy tài liệu nào ghi chép về đội hùng binh Hoàng Sa sớm hơn tài liệu của dòng họ Võ Văn. Những tài liệu này ghi rõ ràng: Vào năm Thái Đức thứ 9 - 1786, triều đình Tây Sơn đã cử Võ Văn Khiết làm cai đội Hoàng Sa có nhiệm vụ tuyển mộ binh phu cho đội Hoàng Sa và đội Quế Hương để đi tìm đồi mồi, ba ba biển, các đồ vật quý hiếm trên biển để về phụng nộp cho triều đình.
Căn cứ vào các bộ chính sử, từ trước đến nay các nhà nghiên cứu cho rằng Cai đội Phạm Quang Ảnh đi ra Hoàng Sa, Trường Sa sớm nhất, vào năm Ất Hợi - 1815. Tuy nhiên, những tài liệu mà Tiến sĩ Vũ và các nhà nghiên cứu đã sưu tầm được, đặc biệt là tài liệu Hán Nôm tìm thấy trong dòng họ Võ Văn, cho thấy "Cai đội Võ Văn Khiết mới là người Lý Sơn chỉ huy đội Hoàng Sa sớm nhất. Nối tiếp ông Khiết là Cai đội Võ Văn Phú ra Hoàng Sa vào năm 1803" - ông Vũ nhận định.
Hiện tài liệu của dòng họ Võ còn lưu tờ kê trình của Cai thủ cửa biển Sa Kỳ kiêm cai cơ thủ ngự quản đội Hoàng Sa là Phú Nhuận hầu Võ Văn Phú, nói về việc trình tấu cho ông Võ Văn Khiết làm cai đình An Vĩnh vào năm 1803. Tờ kê trình này ghi chép rõ: Tiếp theo Võ Văn Khiết còn có con ông là Võ Văn Phú, mà trong các bộ chính sử có ghi là Phú Nhuận hầu, cũng là cai đội Hoàng Sa vào năm Gia Long thứ 2 (1803).
Ngoài ra, dòng họ Võ Văn còn có nhiều người đi Hoàng Sa nữa, tiêu biểu là Võ Văn Hùng - người mà trong các bộ chính sử triều Nguyễn có nhắc đến nhiều lần với vai trò người dẫn đường cho thủy quân và tuyển chọn đà công, thủy thủ... Đó là những người vâng mệnh triều đình thực thi nhiệm vụ cắm mốc chủ quyền trên đảo Hoàng Sa trong thời Minh Mạng.
Tại nhà ông Võ Văn Út, hậu duệ thứ 16 của họ Võ ở Lý Sơn, còn giữ phả tộc cổ cũng có ghi chép rõ ràng: Võ Văn Hùng là một trong 10 người con của Hội nghĩa hầu Võ Văn Khiết, ít nhất đã ba lần vượt biển Đông ra Hoàng Sa. Năm Giáp Ngọ (1834) có thể là chuyến vượt biển lần thứ hai của ông.
Chính vì thông thạo hải trình, luồng lạch nên ông Hùng được giao nhiệm vụ dẫn đường (hay còn gọi hoa tiêu) cho hải đội ra quần đảo Hoàng Sa. Cùng đi với ông còn có em trai Võ Văn Công. Người trực tiếp cầm lái là ông Đặng Văn Siểm cùng quê Lý Sơn với anh em họ Võ.
Chính ông Võ Văn Hùng có nhiệm vụ tuyển chọn binh phu đi Hoàng Sa trong trai làng Lý Sơn. Khởi hành vào năm Ất Mùi (1835), những người trực tiếp đưa đoàn thuyền ra quần đảo này như Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sanh được khen thưởng vì sự tận tâm với trọng trách.
Phần mộ của Cai đội Hoàng Sa Võ Văn Khiết ở thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: Trí Tín
Phần mộ của Cai đội Hoàng Sa Võ Văn Khiết ở thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: Trí Tín

Ông Võ Văn Khiết đã được phong tước Hội Nghĩa hầu, mộ còn ở thôn Tây, làng An Vĩnh, Lý Sơn. Nhưng mộ của Võ Văn Phú, Võ Văn Hùng, Võ Văn Công, Võ Văn Sanh… mà gia phả họ Võ Văn còn ghi, vẫn chưa xác định được nơi yên nghỉ.
Tiến sĩ Vũ cho rằng, có thể họ đã không có cơ may trở về sau những lần vượt biển đi đo đạc thủy trình, cắm mốc, dựng bia chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa từ hai trăm năm trước.

Theo: VnExpress

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang