Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2011

Ấn Độ khẳng định tiếp tục hợp tác với Việt Nam tại Biển Đông


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Vishnu Prakash hôm qua tuyên bố New Delhi sẽ kiên quyết thực hiện kế hoạch hợp tác dầu khí với Việt Nam tại Biển Đông và khẳng định ý kiến phản đối của Trung Quốc là "không có cơ sở pháp lý".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Vishnu Prakash. 

Tờ Hindustan Times dẫn lời ông Vishnu Prakash yêu cầu Trung Quốc từ bỏ việc cố ngăn cản công ty dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh Ltd (OVL) hợp tác với Việt Nam thăm dò dầu khí tại hai lô nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Biển Đông. Ông khẳng định Ấn Độ sẽ quyết tâm thực hiện các kế hoạch hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này.
"Công ty ONGC Videsh Ltd đã phối hợp với Việt Nam thăm dò dầu khí ngoài khơi trong một thời gian và họ (Việt Nam) đang trong quá trình mở rộng hợp tác và một công ty khác là Essar Oil Ltd cũng đã được cấp phép thăm dò một lô khí đốt tại Việt Nam", ông Prakash nói thêm.
"Đây (năng lượng) là lĩnh vực hợp tác quan trọng và chúng tôi muốn phát triển việc này. Hợp tác giữa chúng tôi với Việt Nam hay với bất cứ nước nào khác trên thế giới đều tuân thủ luật pháp, quy tắc và công ước quốc tế", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ nhấn mạnh. Ông cũng nhắc lại quan điểm của Ấn Độ về việc "ủng hộ tự do hàng hải tại Biển Đông".
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị cũng bác bỏ việc Trung Quốc phản đối Ấn Độ hợp tác với Việt Nam thăm dò dầu khí tại Lô 127, Lô 128 thuộc Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Ông Nghị nhấn mạnh: "Việt Nam khẳng định các dự án hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí, trong đó có các dự án hợp tác tại Lô 127, 128, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, hoàn toàn thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, phù hợp với tập quán và thực tiễn quốc tế và các thỏa thuận đa phương và song phương mà Việt Nam ký kết".
Do đó theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam thì "các ý kiến phản đối sự hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài tại thềm lục địa và Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và vô giá trị". Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và Việt Nam yêu cầu các bên không có các hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông, góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.
Những tuyên bố chính thức của Việt Nam và Ấn Độ về hợp tác thăm dò dầu khí giữa hai nước tại Biển Đông được đưa ra sau khi Trung Quốc gửi công hàm ngoại giao cho Ấn Độ, trong đó cảnh báo rằng nếu không có sự cho phép của Bắc Kinh thì công ty dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh Ltd (OVL) có hoạt động thăm dò tại các lô 127 và 128 là "bất hợp pháp".
Ngày 15/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du còn ngang nhiên tuyên bố: "Chúng tôi phản đối bất cứ nước nào có hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ở các vùng biển thuộc Trung Quốc. Các công ty nước ngoài có liên quan không được tham gia vào Biển Đông".
Những tuyên bố nói trên của Trung Quốc về các dự án hợp tác dầu khí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được đưa ra đúng thời điểm đoàn đại biểu cấp cao Ấn Độ, gồm Ngoại trưởng S.M Krishna và Thứ trưởng Quốc phòng Shashi Kant Sharma, đang ở thăm Việt Nam.
Trong các cuộc gặp giữa đoàn đại biểu Ấn Độ và các quan chức Việt Nam, hai bên nhất trí về việc đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông, các bên liên quan cần tránh sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình trên cơ sở của luật pháp quốc tế, trong đó có Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông.
Theo: VnExpress

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang