Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

Libya sụp đổ đẩy thế giới 'sát' bờ vực 'Thế chiến' thứ 3?


Sự sụp đổ của chế độ Gaddafi đặt ra một câu hỏi rằng, liệu khối quân sự có thể dội bom đất nước Bắc Phi này nếu nhà lãnh đạo Gaddafi trước đây không chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.

Quyết định từ bỏ sai lầm?
Chưa đầy một tuần sau ngày quân đội Mỹ bắt giữ Tổng thống Iraq Saddam Hussein hồi cuối năm 2003, Libya tuyên bố từ bỏ nghiên cứu vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí sát thương hàng loạt khác, tiếp nhận thanh sát quốc tế, ký Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân và cấm vũ khí hoá học.
Quyết định này của Tổng thống Gaddafi được phương Tây đón nhận rất nồng nhiệt.
"Cam kết của đại tá Gaddafi sẽ khiến cho đất nước chúng ta an toàn hơn và thế giới của chúng ta hoà bình hơn. Những nhà lãnh đạo nào từ bỏ việc theo đuổi các loại vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học sẽ tìm được một con đường dẫn tới mối quan hệ tốt đẹp hơn với Mỹ và các nước khác", ông chủ Nhà Trắng George Bush khi đó tuyên bố.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Tony Blair khẳng định: “Quyết định này cho phép Libya quay trở lại với cộng đồng quốc tế. Nó cũng cho thấy các quốc gia có thể từ bỏ chương trình vũ khí bí mật của mình một cách tự nguyện và hoà bình”.
Theo sau những lời tung hô là việc dỡ bỏ hàng loạt biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Libya, khiến quốc gia Bắc Phi cũng hoan hỉ không kém.
Tổng thống Libya (trái) chấp nhận cúi đầu chịu từ bỏ chương trình hạt nhân để có được quan hệ với Mỹ và phương Tây. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, bốn năm sau, ông Gaddafi tức giận tuyên bố, nước ông không hề nhận được sự đền bù tương xứng cho quyết định từ bỏ vũ khí hạt nhân năm 2003. Theo nhà lãnh đạo Libya, phương Tây không giữ lời hứa chuyển đổi chương trình vũ khí hạt nhân của Libya thành chương trình năng lượng dân sự.
Không chỉ có vậy, 8 năm sau khi Tổng thống Libya tuyên bố từ bỏ chương trình hạt nhân, phương Tây còn tiến hành chiến dịch can thiệp quân sự, lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo này.
Một số nguồn tin thậm chí cho rằng, thời điểm chính quyền Gaddafi chấp nhận từ bỏ vũ khí hạt nhân để lại gần hơn với các nước phương Tây cũng chính là thời điểm mà các nước này không ngần ngại lên kế hoạch lật đổ Gaddafi.
Hồi chuông cảnh báo
Dù chưa thể khẳng định đây là một bài học sáng giá cho các quốc gia trên thế giới nhưng một điều chắc chắn rằng, sự ra đi của ông Gaddafi khiến những nước đang sống trong bất an càng khát khao sở hữu vũ khí hạt nhân để đảm bảo an ninh quốc gia. Điều đó có nghĩa là tham vọng không phổ biến vũ khí hạt nhân của Tổng thống Mỹ Obama đang thực sự bị thách thức.
Ông Obama tuyên bố về mục tiêu xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân của mình với lý do rằng, quan điểm đảm bảo an ninh quốc gia bằng vũ khí hạt nhân giờ đã quá lỗi thời bởi tư tưởng đó chỉ có thể tồn tại dưới thời chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên, trên thực tế, lý do theo đuổi chương trình hạt nhân của các nước ngày nay vẫn không khác gì so với thời chiến tranh Lạnh, đó là tạo dựng một tấm lá chắn cho chủ quyền quốc gia.
Từ năm 1945 đến năm 1991, bom hạt nhân luôn là thứ vũ khí đảm bảo an ninh số 1 trên thế giới. Những quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân như Mỹ, Liên Xô, Anh, Pháp và Trung Quốc ngăn chặn thành công các cuộc tấn công quân sự nhằm vào lãnh thổ của mình.
Thực tế này khiến cho các quốc gia không có thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt này rút ra một kết luận rằng, vũ khí hạt nhân mang lại sự an toàn cho những quốc gia sở hữu nó. Điều đó đồng nghĩa với việc không có vũ khí hạt nhân sẽ rất nguy hiểm.
Từ thời chiến tranh Lạnh đến nay, vũ khí hạt nhân vẫn được xem là tấm lá chắn đảm bảo an ninh quốc gia. Ảnh minh họa.
Do đó, thế giới hình thành nên hai luồng tư tưởng trái ngược nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng, giải pháp duy nhất nhằm đảm bảo an ninh quốc gia là tìm mọi cách để có được công nghệ sản xuất bom hạt nhân trong khi những nước có trong tay thứ vũ khí này lại muốn ngăn chặn sự phổ biến của nó.
Để "dung hòa" hai luồng tư tưởng này, Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) ra đời năm 1970, theo đó, khuyến khích những quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân chuyển giao công nghệ hạt nhân hòa bình cho những nước chưa được biết đếm thứ vũ khí này.
Mục tiêu chính của hiệp ước này là nhằm có được sự cam kết giải giáp vũ khí của tất cả các bên. Tuy nhiên, những nước có trong tay vũ khí nguyên tử lại không muốn vậy. Một số nước như Israel, Ấn Độ và Pakistan vẫn thờ ơ với hiệp ước này để có thể thỏa sức theo đuổi chương trình hạt nhân của riêng mình. Trong khi đó, một số quốc gia khác lại ngấm ngầm nghiên cứu tiếp cận công nghệ sản xuất vũ khí nguyên tử.
Sau khi Liên Xô tan rã, việc giải giáp vũ khí hạt nhân bắt đầu có triển vọng. Ukraine, Kazakhstan và Nam Phi chính thức tuyên bố vứt bỏ vũ khí hạt nhân. Sau đó, nhiều quốc gia sở hữu và không sở hữu vũ khí nguyên tử khác cùng đưa ra những cam kết đầy tham vọng nhưng có vẻ mơ hồ về mục tiêu giải giáp vũ khí của NPT.
Tham vọng giải giáp vũ khí này sau đó được tiếp thêm sức mạnh bằng sự ra đời của khu vực phi hạt nhân tại Nam Mỹ và châu Phi, cũng như thỏa thuận cắt giảm vũ khí giữa Nga và Mỹ.
Những cuộc tấn công quân sự thôi thúc nhiều nước nghiên cứu nhằm sở hữu vũ khí hạt nhân. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, mục tiêu không phổ biến vũ khí hạt nhân này đến nay tiếp tục bị đe dọa bởi hành động đầy mâu thuẫn của những nước lớn. Vì nhiều lý do khác nhau, những nước này tấn công một số quốc gia không có vũ khí nguyên tử như Nam Tư, Iraq và Libya.
Trong khi đó, các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân như Triều Tiên và Pakistan lại không bị tấn công. Không chỉ vậy, nhờ thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt có trong tay mà họ thu được nhiều lợi ích từ cộng đồng quốc tế.
Lợi thế của vũ khí nguyên tử còn có thể thấy rõ khi so sánh giữa Libya và Pakistan. Năm 2003, Tripoli chấp thuận từ bỏ chương trình hạt nhân cùng rất nhiều vũ khí sinh học và hóa học của mình; đồng thời cam kết chấm dứt ủng hộ khủng bố. Đổi lại, quốc gia Bắc Phi này được gia nhập hệ thống kinh tế chính trị toàn cầu. Vậy mà, cuối cùng họ cũng vẫn bị tấn công với lý do đàn áp người biểu tình.
Trong khi đó, quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân Pakistan lại có thể che giấu trùm khủng bố bị truy nã gắt gao trên thế giới suốt 10 năm. Không chỉ vậy, quốc gia này còn ủng hộ nhiều nhóm chiến binh khác nhau trong khu vực và viện trợ tài chính cho Taliban. Thế nhưng, Pakistan lại không phải gánh chịu bất cứ hậu quả ngoài mong muốn nào từ các nước lớn. Thậm chí họ còn nhận được viện trợ kinh tế và quân sự từ cường quốc số 1 thế giới là Mỹ.
Do đó, bất chấp những viễn cảnh tươi đẹp mà phương Tây đưa ra về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân, những quốc gia luôn cảm thấy bị đe dọa vẫn muốn theo đuổi chương trình hạt nhân để không bị thôn tính.
Mỹ và các đồng minh nên hiểu rằng, chính những cuộc tấn công quân sự vào các nước không sở hữu vũ khí hạt nhân đang làm suy yếu nỗ lực triển khai hiệp ước NPT của họ bởi nếu cứ để nỗi sợ hãi vây quanh những nước nhỏ bé thì chắc chắn họ phải tìm mọi cách để kìm chế nếu sợ hãi đó, theo đó có thể đưa cả thế giới lao vào một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Và điều gì sẽ xảy ra nếu có thêm nhiều nước có vũ khí hạt nhân? Liệu kết cục cuối cùng có phải là chiến tranh thế giới thứ 3?
(Tổng hợp)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang