Nếu dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp Biển Đông sẽ gây ra điều bất lợi với tất cả các bên, không loại trừ Trung Quốc. Để giải quyết vấn đề này, các bên phải khẩn trương cùng nhau thương lượng dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và thừa nhận hiện trạng.
Đây là một trong những nhận định được đưa ra tại hội thảo quốc tế Hợp tác vì hòa bình an ninh và phát triển khu vực trong bối cảnh mới, do Viện KHXH Việt Nam tổ chức ngày 21.9. Hội thảo đã thu hút rất nhiều học giả đến từ các nước trong khu vực, trao đổi giải pháp có thể giải quyết những tranh chấp ở khu vực biển Đông một cách hòa bình, tránh xẩy ra xung đột trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Các học giả tại hội thảo. |
Tới từ Philipines, GS Renato Cruz De Castro, thuộc ĐH DeLa Salle, cho rằng nếu nhìn lại cách tiếp cận của Trung Quốc (TQ) ở biển Đông chứng tỏ họ đã sử dụng các thủ thuật ngoại giao dưới vỏ bọc tuyên bố hòa bình để đạt được mục đích là tuyên bố chủ quyền trên biển của mình với yêu sách đường chữ U, bất chấp lợi ích của quốc gia khác và lợi ích quốc tế. “Tình hình biển Đông trở nên tồi tệ hay khả quan đều phụ thuộc vào cách ứng xử của TQ”, ông Renato nói .
Đến từ Viện Okazaki, Nhật Bản, ông Tetsuo Kotani cho biết trong lịch sử trước đây, những người trị vì TQ không mấy quan tâm tới các vùng biển. Ngày nay, TQ đang tập trung nhiều nguồn lực để xây dựng sức mạnh trên biển vì mục đích an ninh năng lượng và an ninh tuyến đường biển. “Sự ổn định tại đông Á phụ thuộc vào sự cân bằng giữa thế lực trên đất liền TQ, Nga và Ấn Độ và thế lực trên biển là Mỹ và Nhật. Sự bành trướng trên biển của TQ có thể làm bất ổn định sự cân bằng này. Càng tìm sự thống trị đối với các đường biển quốc tế thì TQ càng chỉ thu hút thêm sự thù dịch”, ông Tetsuo Kotani nói.
Thừa nhận khu vực biển Đông đang chứng kiến áp lực gia tăng về vấn đề tiếp cận nguồn tài nguyên biển, bà Xu Fang, Viện nghiên cứu Biển Đông (Hải Nam, TQ) cũng cho rằng: “Sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của những quốc gia tiếp giáp biển Đông đã thúc đẩy nhu cầu về các nguồn tài nguyên như dầu và khí đốt. Một số quốc gia đã bắt đầu tiếp cận nguồn tài nguyên giàu tiềm năng trong khu vực tranh chấp, tạo ra nguy cơ không nhỏ đe dọa đến hòa bình và ổn định khu vực”.
Sự vô lý của “bản đồ hình chữ U”
Bàn về sự vô lý của yêu sách đường bản đồ 9 đoạn mà TQ tuyên bố, GS Barry Wain, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore), khẳng định: “TQ cần phải được nhắc nhở về bản đồ đường chữ U. Mặt khác nhà lãnh đạo TQ cũng phải tỏ rõ quan điểm về bản đồ này trước dư luận thế giới”.
Từ yêu cầu trên, bà Xu Fang cho biết tại TQ hiện nay, quan điểm về đường chữ U không còn được coi là phổ biến. Theo đó, ngay cả những nhà lãnh đạo nước này cũng đang tỏ ra lo ngại về bản đồ chữ U nên chưa đưa ra kết luận cuối cùng về vấn đề này. Bà Xu Fang nhấn mạnh: “Bản thân TQ cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề bất ổn nội bộ. Chính vì thế nếu ai đó cho rằng TQ sẽ dùng vũ lực để giải quyết vấn đề tranh chấp trên biển Đông thì quả là ý tưởng mơ hồ và rất khó trở thành hiện thực. Chúng ta cần có niềm tin về quan hệ giữa TQ với các nước Đông Nam Á, sẽ hợp tác chia sẻ lợi ích một cách công bằng trong khu vực”.
Đồng tình với quan điểm này GS Võ Đại Lược (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) cho rằng nếu dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp biển Đông sẽ gây ra điều bất lợi với tất cả các bên, không loại trừ TQ. “Để giải quyết vấn đề này, các bên phải khẩn trương cùng nhau thương lượng dựa trên cơ sở luật pháp Quốc tế và thừa nhận hiện trạng. Ngoài ra, cuộc thương lượng này cần có sự góp mặt của các quốc gia bên ngoài khu vực tranh chấp”, GS Lược nói.
Tuy nhiên theo GS Nguyễn Duy Long, Chuyên viên cao cấp Viện nghiên cứu Đông Nam Á, giải quyết xung đột trên nằm ở vấn đề là phải tìm ra lợi ích tổng thể giữa TQ với Đông Nam Á. Mặt khác, bản thân TQ cũng phải nhìn lại mối quan hệ tổng thể của mình với tất cả các nước Đông Nam Á, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn về chính trị, văn hóa… “Tại sao chúng ta chỉ nhấn mạnh tới bất đồng mà bỏ qua sự tương đồng rất lớn giữa các bên? Nếu không nhìn thấy sự tương đồng thì không thể tìm ra những kiến giải cho những xung đột và tranh chấp hiện nay trong khu vực”, GS Long nhận định.
XEM CÁC TIN LIÊN QUAN:
>> Ấn Độ khẳng định tiếp tục hợp tác với Việt Nam tại Biển Đông>> Tranh chấp Biển Đông: điềm báo 'đổi' thế cục?
>> Tin vui - Việt Nam có thể mua tên lửa BrahMos
Theo BAODATVIET
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)