Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh: Quyết giữ toàn vẹn lãnh thổ



Xem hình
Trung tướng - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định như vậy trước thềm cuộc đối thoại quốc phòng Việt Nam - Mỹ tại Washington cũng như sau các cuộc đối thoại về chiến lược an ninh - quốc phòng tương tự với hai cường quốc khác là Trung Quốc và Ấn Độ
Đối thoại củng cố lòng tin
* Phóng viên: Xin thứ trưởng cho biết nội dung cuộc đối thoại quốc phòng Việt Nam - Mỹ sẽ diễn ra ngày 19-9 tại Washington?
- Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Hai bên sẽ tập trung trao đổi chính sách quốc phòng của hai nước, đánh giá tình hình quốc tế, khu vực và bàn về hợp tác Việt Nam - Mỹ trên lĩnh vực quốc phòng. Hai bên cũng trao đổi hợp tác về khắc phục hậu quả chiến tranh, bao gồm rà phá bom mìn và tẩy độc, tìm kiếm quân nhân Mỹ và Việt Nam mất tích trong chiến tranh, đồng thời bàn đến hợp tác về cứu hộ, cứu nạn trên biển và trên đất liền. An ninh biển cũng là một chủ đề sẽ bàn tại cuộc đối thoại lần này.
* Cuộc đối thoại chiến lược quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ ngày 14-9 tại Hà Nội  nhìn nhận thế nào về thách thức an ninh chung cũng như hợp tác để đối phó?

- Nhận thức chung lớn nhất giữa hai nước là cần duy trì môi trường hòa bình ổn định trong khu vực để phát triển kinh tế, đồng thời phải giải quyết mọi vấn đề vì hòa bình và bằng biện pháp hòa bình. Việt Nam và Ấn Độ có chung quan điểm: Muốn như vậy phải xây dựng một đất nước độc lập, tự chủ và phải mạnh.
Đó là gốc rễ cơ bản cho việc giữ gìn hòa bình, xử lý được xung đột và vượt qua các thách thức. Thứ đến là phải đẩy mạnh hơn nữa hội nhập quốc tế với tất cả các nước và tìm cách giải quyết bất đồng với những nước đang tồn tại những khác biệt hay xung đột về lợi ích.
* Thưa thứ trưởng, cuộc đối thoại quốc phòng Việt Nam và Trung Quốc trước đó (ngày 29-8) tại Bắc Kinh có mang lại nhận thức chung mới nào trong xử lý quan hệ hai nước, nhất là đối với các vấn đề trên biển Đông? 
- Giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có nhận thức chung quan trọng, thể hiện qua các tuyên bố của các lãnh đạo cấp cao hai nước về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện theo phương châm 16 chữ và 4 tốt, giải quyết bất đồng, xung đột bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đối thoại của các nhà quân sự trên cơ sở nhận thức chung đó phải phân tích sự kiện đang diễn ra xem có phù hợp với nhận thức chung không. Trên cơ sở đó đưa ra những điểm tương đồng và những khác biệt và cách thức xử lý những khác biệt đó.
Tàu hải quân Việt Nam tuần tra trên biển bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Ảnh: TRỌNG THIẾT
Đối thoại quốc phòng không phải là cơ chế giải quyết các vấn đề như phân chia trên biển Đông như thế nào, mà chủ yếu bàn cách ứng xử trên biển trong lĩnh vực quốc phòng.
Trước hết là không sử dụng vũ lực và không đe dọa sử dụng vũ lực. Cam kết này phải cụ thể bằng các quy định như cách thức hoạt động của  hải quân hai nước, cư xử với ngư dân... Hai bên thống nhất tăng cường giao lưu hải quân, tổ chức tuần tra, diễn tập chung, cứu hộ cứu nạn trên biển. Đó là các biện pháp nhằm giảm thiểu, đi đến triệt tiêu khả năng xung đột.
Không để xảy ra xung đột
* Vậy với nhận thức chung và đối thoại thẳng thắn, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc sẽ ổn định, lành mạnh hơn trong tương lai?
- Tôi tin rằng vấn đề biển Đông và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc sẽ phát triển tốt hơn, trước hết là vì lợi ích của hai nước. Rõ ràng, Trung Quốc có lợi ích khi quan hệ hòa hiếu với Việt Nam và các nước láng giềng. Ngược lại, nếu mối quan hệ đó xấu đi sẽ ảnh hưởng tới lợi ích của Trung Quốc dù họ là nước lớn.


Nhận thức chung là cơ sở để hai nước giải quyết được những bất đồng, kể cả các vấn đề tích cực cũng như các khác biệt và xung đột. Về quốc phòng, chúng tôi khẳng định là phải làm mọi cách để không xảy ra xung đột, dù có vấn đề gì xảy ra cũng phải được xử lý bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của hai bên.
* Hai bên có bàn và đưa ra cơ chế phòng ngừa xung đột nhằm biến những cam kết không để tái diễn những vụ việc như thời gian vừa qua giữa Việt Nam và Trung Quốc thành hiện thực?
- Cơ chế phòng ngừa xung đột đã có và được nhắc lại nhiều lần. Đó chính là nhận thức chung. Nguyên tắc lớn đã có, hai nước phải kiên trì triển khai thực hiện. Cũng cần kiên trì xây dựng lòng tin giữa hai nước trên cơ sở lợi ích chung. Quan hệ hợp tác, hữu nghị mang lại lợi ích cho cả Việt Nam và Trung Quốc. Công khai, minh bạch chính sách cũng như cách hành xử cũng là một cơ chế phòng ngừa xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là quá trình lâu dài, khó khăn. Kiên quyết không để mất một tấc đất, tấc biển nhưng bài toán không kém khó khăn là làm thế nào để giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định, không để xảy ra xung đột. Chúng ta thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo song quyết không bao giờ nhượng bộ về chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. 
Tăng cường đối thoại quốc phòng
* Trung Quốc gần đây tăng cường hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là thử nghiệm tàu sân bay, máy bay tàng hình J-20. Xin thứ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này?
- Với một cường quốc biển và đang phát triển như Trung Quốc thì việc tăng cường vũ khí hiện đại là nhu cầu tất yếu và đương  nhiên. Song việc một quốc gia láng giềng như Trung Quốc tăng cường hiện đại hóa vũ khí thì chúng ta phải quan tâm, nghiên cứu và theo dõi sát sao. Việt Nam hoan nghênh Trung Quốc sử dụng những vũ khí trang bị hiện đại để bảo vệ đất nước họ và bảo vệ an ninh hàng hải, chống cướp biển… nhằm xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển.


Ngược lại, chúng ta sẽ không hoan nghênh nếu việc sử dụng các loại vũ khí đó có biểu hiện bất thường như được đưa ra  khu  vực tranh chấp, tăng ngân sách quốc phòng, tổ chức tập trận bất thường… Trong đối thoại, Việt Nam có đưa ra thảo luận và phía Trung Quốc khẳng định rằng việc hiện đại hóa vũ khí chỉ để tự vệ.
* Thưa thứ trưởng, có thông điệp gì mới khi Việt Nam liên tiếp có các cuộc đối thoại về chiến lược an ninh - quốc phòng với các cường quốc?
- Đại hội XI của Đảng xác định đường lối hội nhập quốc tế sâu rộng, tích cực và chủ động, trong đó có tăng cường đối ngoại quốc phòng. Trong tình hình hiện nay, quan hệ đối ngoại quốc phòng cần đẩy mạnh nhằm tạo ra sự tin cậy lẫn nhau với các nước có cùng mối quan tâm về lợi ích, trao đổi về các vấn đề chiến lược, trong đó có chiến lược quốc phòng.
Trong đối thoại quốc phòng, đối thoại chiến lược cấp thứ trưởng quốc phòng là mức cao nhất, có tác dụng xây dựng lòng tin để thế giới và đối tác hiểu chính sách quốc phòng của Việt Nam, thấy rõ một nước Việt Nam hòa hiếu nhưng quyết tâm bảo vệ chủ quyền và độc lập tự chủ của Tổ quốc mình.
Cần làm cho các nước thấy rằng quan hệ với Việt Nam là mối quan hệ có lợi, với mục đích duy nhất là củng cố hòa bình và cùng phát triển. Đối thoại quốc phòng cũng giúp ta hiểu chính sách quốc phòng của các nước, có được mối quan hệ để bảo đảm không phương hại đến lợi ích đất nước ta trong lĩnh vực quốc phòng.
Mua tàu ngầm để bảo vệ chủ quyền
* Thứ trưởng sẽ giải thích ra sao nếu có ý kiến về việc chúng ta vừa đưa vào hoạt động các tàu hải quân hiện đại Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ hay công bố sẽ mua tàu ngầm, máy bay hiện đại để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ?

- Với gần 90 triệu dân, có vị trí địa - chính trị quan trọng như đất nước ta thì việc hiện đại hóa quân đội là đương nhiên và cần thiết. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh từng tuyên bố rõ là Việt Nam mua tàu ngầm chỉ để bảo vệ vùng biển thuộc chủ quyền của đất nước.
Hiếm có nước nào trên thế giới có chính sách quốc phòng như vậy, tàu ngầm chỉ hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền của mình. Đây chỉ là quá trình hiện đại hóa quân đội để phù hợp với sự phát triển chung của đất nước.
Trung tướng - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh. Ảnh: TRƯỜNG SƠN
Việc chúng ta công khai thông báo việc mua tàu ngầm, tàu chiến đã tạo niềm tin rất tốt rằng Việt Nam là đất nước hòa hiếu, không đe dọa, gây chiến tranh.
Vũ khí vô địch của chúng ta là chiến lược quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân. Chúng ta cũng cần có sự ủng hộ của cộng đồng thế giới vì đó là sức mạnh thời đại.

Xem tin liên quan:
Theo Bích Diệp - Phạm Dương
NLĐO

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang