Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

Sách Trắng 2011 có xua tan quan ngại về Trung Quốc?


(Toquoc)-Văn kiện thể hiện tư duy và sự tự tin nước lớn, tái khẳng định một số nội dung tích cực, nhưng vẫn chưa xua tan được các ngờ vực về mối đe dọa từ sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Ngày 6/9, Văn phòng Báo chí Quốc Vụ viện Trung Quốc công bố “Sách trắng về Phát triển hòa bình Trung Quốc năm 2011”, nhấn mạnh cam kết về con đường phát triển hòa bình, gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng Trung Quốc không tìm kiếm bá quyền, sẽ là đối tác đáng tin cậy trong việc theo đuổi hòa bình, phát triển với láng giềng và thế giới.
Việc công bố tài liệu này diễn ra trong bối cảnh các hoạt động của Trung Quốc về đối ngoại bên cạnh nhiều thành tựu, có nhiều điều bất cập, bên cạnh các bước tiến, có những bước thụt lùi. Sự đánh giá của thế giới về hiện tượng Trung Quốc hiện hữu nhiều trạng thái. Quá trình phát triển của Trung Quôc đem lại sinh khí và động lực cho sự phát triển của thế giới, đóng góp nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn cho tiến bộ nhân loại. Mặt khác, Trung Quốc bước vào vũ đài thế giới như một nước lớn hàng đầu nhưng chưa được chuẩn bị tốt về văn hóa ứng xử của một cường quốc. Một dẫn chứng, tạp chí Địa chính trị (Algieria) nêu ra 11 hạn chế, vừa tự thân vừa thực tế, khiến Trung Quốc không dễ dàng biến sức mạnh kinh tế thành sức mạnh chính trị trên trường quốc tế. Theo tờ báo nêu trên, yếu tố đầu tiên là tình trạng thiếu minh bạch trong chính sách và việc thực thi của Trung Quốc. Cái đập vào mắt là, một cường quốc như Trung Quốc xuất hiện trên diễn đàn thế giới mà không đưa ra được một thông điệp mang tính tổng thể nào. Nước này trưng ra sức nặng vật chất của mình mà không đưa ra một nội dung nào khiến người khác phải mơ ước về nó và yêu thích nó. Hơn nữa, hình mẫu Trung Quốc, được xác lập như hiện nay và được ứng dụng với tầm cỡ kinh tế của nó, lại không thích hợp với thực trạng giới hạn của thế giới, từ đó không thu hút được các thế hệ khao khát một thế giới trong đó dấu ấn của con người nhẹ nhàng hơn. Tờ báo viết: “Lãnh đạo không có nghĩa là dùng sức nặng, áp đặt, mà là thu hút, lôi cuốn… Lãnh đạo chỉ tồn tại khi được chấp nhận. Trong chính trị quốc tế, lòng tin là một thế mạnh, tự tin quá lại là một điểm yếu, nhất là khi quá tự tin sẽ khiến người ta đi từ kiểu tự kỷ này sang một kiểu tự kỷ khác. Tính sáng tạo bị kiềm chế vì thiếu vắng Nhà nước pháp quyền”.
Năm 2010 Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giơi
Sáu “lợi ích cốt lõi” trong quan hệ quốc tế của Trung Quốc
Sách trắng năm nay làm rõ nội hàm khái niệm “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Trong chương về “Chính sách đối ngoại”, Sách trắng nêu rõ sáu vấn đề lợi ích cốt lõi: Chủ quyền quốc gia; an ninh quốc gia; toàn vẹn lãnh thổ; thống nhất quốc gia; chế độ chính trị và cục diện ổn định xã hội mà Hiến pháp Trung Quốc đã quy định; những đảm bảo cơ bản cho phát triển bền vững kinh tế xã hội.
Đây là lần đầu tiên chính phủ TQ chính thức ra một văn kiện trong đó xác định và giới hạn rõ nội hàm vấn đề “lợi ích cốt lõi”. Đồng thời, cũng là lần đầu tiên vấn đề “cục diện ổn định xã hội” được đưa vào phạm vi này.
Theo giới phân tích, việc coi “ổn định xã hội” là “lợi ích cốt lõi” cho thấy Trung Quốc muốn cảnh báo một số quốc gia và tổ chức bên ngoài không nên mượn vấn đề nhân quyền, pháp trị, tôn giáo để gây áp lực cho Trung Quốc.
Vài năm gần đây, trong ngôn ngữ ngoại giao của TQ thường xuyên xuất hiện cụm từ “lợi ích cốt lõi”, tuy nhiên khái niệm này chưa được hệ thống hóa, cách đề cập thường gặp nhất là để chỉ các vấn đề Đài Loan, Tây Tạng… Đầu năm 2010, theo truyền thông nước ngoài đưa tin, Trung Quốc lần đầu tiên đề cập vấn đề Biển Đông như một trong những “lợi ích cốt lõi” của mình, khiến cho Mỹ, Nhật và các nước láng giềng không khỏi quan ngại. Điều này đã làm cho ngoại giao Trung Quốc từng rơi vào thế bị động.
Tháng 12/2010, Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc có bài viết tựa đề “Kiên trì đi con đường phát triển hòa bình”, trong đó lần đầu tiên trình bày một cách có hệ thống về khái niệm lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Theo ông Đới Bỉnh Quốc, “lợi ích cốt lõi” được hiểu là: (i) Một là thể chế chính trị và ổn định chính trị quốc gia, tức là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chế độ XHCN và con đường CNXH đặc sắc Trung Quốc; (ii) Hai là an ninh chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước; (iii) Ba là những đảm bảo cơ bản cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế xã hội. Đây là những vấn đề lợi ích không được phép xâm phạm hay phá hoại.
Sách trắng lần này đã trình bày một cách hoàn thiện và quy phạm hơn về vấn đề lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, có thể phân thành ba phạm trù:
Một là, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước. Tức là chủ quyền lãnh thổ quốc gia không thể bị xâm phạm, xâm lược hay đe dọa; sự nghiệp thống nhất đất nước tất yếu phải hoàn thành; không cho phép các hành động chia cắt đất nước, cụ thể là trong vấn đề Đài Loan, Tân Cương, Tây Tạng.
Trung Quốc không ngừng gia tăng khả năng quân sự
Hai là, an ninh quốc gia, chế độ chính trị và cục diện ổn định xã hội theo Hiến pháp TQ đã quy định. Tức là không cho phép bên ngoài đe dọa hoặc xâm phạm tới chế độ chính trị mà TQ đã lựa chọn phù hợp với tình hình Trung Quốc.
Ba là, những đảm bảo cơ bản cho sự phát triển bền vững của kinh tế xã hội, an ninh tiền tệ, ổn định kinh tế v.v…
Ngoài ra, Sách Trắng tái khẳng định mục tiêu xây dựng một thế giới hài hòa, không theo đuổi bá quyền, không sử dụng vũ lực trừ phi bị tấn công trước, kêu gọi giải quyết các cuộc tranh chấp và xung đột thông qua đàm phán và tham khảo ý kiến, tìm kiếm điểm chung, gạt sang bên những bất đồng...
Không làm giảm mối quan ngại và tăng lòng tin trên thế giới
Sách Trắng là một nội dung quan trọng, chỉ ra những gì mà Trung Quốc đang thực hiện con đường phát triển và cần cho biết điều đó có ý nghĩa thế nào với Trung Quốc và thế giới.
Giáo sư Chu Phong, Viện Quan hệ quốc tế Đại học Bắc Kinh, nhận xét “lợi ích cốt lõi” trong ngôn ngữ ngoại giao của Trung Quốc có một hàm nghĩa đặc thù. Vấn đề mà TQ xem là lợi ích cốt lõi, nhấn mạnh Trung Quốc có quyền bảo lưu toàn bộ quyền lựa chọn chính sách, bao gồm cả việc lựa chọn biện pháp vũ lực để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, ông Chu Phong cũng nhấn mạnh, không thể mang nguyên tắc cơ bản về lợi ích cốt lõi quốc gia gom chung với “lợi ích cốt lõi” trong thực tiễn quan hệ đối ngoại, càng không thể mang những vấn đề tranh chấp trong quan hệ quốc tế của Trung Quốc mở rộng thành “lợi ích cốt lõi”. Quan niệm về lợi ích cốt lõi là nguyên tắc cơ bản chỉ đạo việc nhận thức và định nghĩa lợi ích quốc gia; còn “cách nói về lợi ích cốt lõi” là phản ứng đặc định trong chính sách ngoại giao đối với những vấn đề cụ thể và xác định, là thực tiễn của “quan niệm về lợi ích cốt lõi” trong chính sách ngoại giao. Nếu như trùm chiếc mũ “lợi ích cốt lõi” lên tất cả những vấn đề trong chính sách đối ngoại thì chỉ làm cho khái niệm “lợi ích cốt lõi” bị suy yếu.
Bình luận về Sách Trắng 2011, một số các nhà quan sát cho rằng trong những năm qua, lời nói của Bắc Kinh không đi đôi với hành động, nhất là trong các vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo với các nước láng giềng ở châu Á. Ông Michael Mazza, chuyên gia về quốc phòng Trung Quốc của Viện Nghiên cứu Chính sách Nhà nước (Mỹ), nhận định Sách Trắng này chỉ mang tính tuyên truyền và sẽ không làm giảm mối lo ngại của nhiều nước trên thế giới về ý đồ thật sự trong những nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự của giới hữu trách ở Bắc Kinh. Ông này cho rằng “phần lớn nội dung của Sách Trắng 2011 - ít ra là phần liên quan tới vấn đề an ninh - không đúng sự thật, không phù hợp với những hành vi của Trung Quốc. Trung Quốc đã có lúc thuyết phục được các nước, đặc biệt là những nước láng giềng ở Đông Nam Á, rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc mang tính hòa bình và không đe dọa tới an ninh của khu vực hay của thế giới, nhưng điều này đã thay đổi trong vài năm gần đây. Michael Mazza nhận xét: “Trong thập niên trước, Trung Quốc đã có những hoạt động ngoại giao mang lại hiệu quả. Họ làm cho các nước láng giềng tin rằng họ sẽ phát triển trong hòa bình - hay trỗi dậy trong hòa bình, như cách nói trước đây. Tuy nhiên, những hành động của họ trong hai năm qua đã làm thay đổi cái nhìn của các nước trong khu vực đối với họ. So với những năm trước, các nước trên thế giới hiện cảm thấy lo ngại nhiều hơn về những hành động của Trung Quốc cũng như về đường hướng phát triển của họ. Thí dụ rõ ràng nhất là những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông”.
Lời nói là quan trọng, nhưng hành động còn quan trọng hơn. Nội dung Sách Trắng cho thấy sự phát triển tư duy đối ngoại Trung Quốc với tư cách là cường quốc. Không kém phần quan trọng,Sách Trắng cũng nhằm thống nhất những suy nghĩ trong nước khi có một số luận điệu kêu gọi hành động cứng rắn, sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực vẫn còn thịnh hành trong nước. Sách nói với công chúng rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục khiêm nhường và cẩn trọng trong chính sách ngoại giao. Và thế giới vẫn phải chờ xem hành động của Trung Quốc có đi đôi với lời nói theo những tiêu chí tiến bộ vừa được công bố trong Sách Trắng./

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang