Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

Một số sai lầm của ngoại giao Trung Quốc


(Toquoc)-Ngoại giao Trung Quốc vừa phạm một sai lầm mới. Lần này liên quan quan hệ giữa Trung Quốc và Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) Lybia.
Một số báo chí phương Tây cho hay, các lực lượng nổi dậy khi tiếp quản Tripoli đã tìm thấy các tài liệu bằng tiếng Arập trong sọt rác tại tư gia của các cựu quan chức cấp cao của Gaddafi. Tài liệu cho thấy các công ty buôn bán vũ khí của Trung Quốc chào bán cho cho các lực lượng trung thành với ông Gaddafi số vũ khí trị giá 200 triệu USDgồm tên lửa chống tăng và các bệ phóng tên lửa. Các tài liệu còn cho biết các công ty đề nghị vận chuyển vũ khí qua Algeria, Nam PhiViệc bán vũ khí như thế là vi phạm một chế tài mà LHQ đã áp đặt đối với Lybia.
Omar Hariri, thành viên NTC, khẳng định vũ khí của Trung Quốc đã được giao cho chế độ Gaddafi và được dùng để chống lại lực lượng nổi dậy. Giới quan sát cho rằng cùng với sự sụp đổ của ông Gaddafi trước quân nổi dậy được phương Tây hỗ trợ, Trung Quốc đang phải chịu thất bại ngoại giao thực sự đầu tiên từ khi trở thành siêu cường. Trong vụ này, Trung Quốc lâm vào thế phòng thủ vì đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết 1970 của Liên hợp quốc cấm vận vũ khí đối với chế độ của Gaddafi. Trung Quốc luôn phản đối can thiệp vào công việc nội bộ Lybia. Gần đây Trung Quốc mới nỗ lực cải thiện quan hệ với phe nổi dậy ở Lybia khi phe này thắng thế trước chế độ Gaddafi.
Lực lượng nổi dậy kiểm soát nguồn tài nguyên dầu khí: Số phận các hợp đồng dầu khí Trung Quốc tại Lybia bị ảnh hưởng thế nào sau vụ tai tiếng bán vũ khí cho lực lượng Gaddafi?
Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du thừa nhận rằng các quan chức đại diện cho Gaddafi đã gặp các nhà buôn bán vũ khí của Trung Quốc trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 7. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc không hề hay biết gì về vấn đề này. Bà này nóirằng các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm về xuất khẩu các mặt hàng quân sự coi vấn đề này là rất nghiêm trọng, nhưng không cho biết liệu có mở cuộc điều tra nào về các cuộc gặp gỡ này hay không.
Vụ việc trên sẽ làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa Trung Quốc với chế độ mới ở Lybia. Chủ tịch NTC, Moustapha Abdeljalil, đã yêu cầu Trung Quốc giải thích về thái độ bất thường đó. Việcchính quyền Trung Quốc thiếu hậu thuẫn cho quân nổi dậy ở Lybia có nghĩa là trong tương lai các công ty của Trung Quốc có thể sẽ mất đi các hợp đồng liên quan tới khai thác dầu khí ở Lybia. Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD vào ngành dầu khí ở Lybia. Rất khó có việc NTC tuân thủ tất cả các hợp đồng do chính phủ Gaddafi đã ký với các công ty của Trung Quốc khi Trung Quốc là nước từng ủng hộ Gaddafi.
Khó có thể tin rằng các cuộc thương lượng vi phạm lệnh cấm vận đó có thể diễn ra mà không được phép của giới lãnh đạo chính trị, như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã khẳng định.
Từ 10 năm trở lại đây, ngành ngoại giao Trung Quốc hoạt động rất tích cực phục vụ lợi ích kinh tế của nước này. Lần này phải trả giá vì đã không dự báo được kết cục của cuộc khủng hoảng Lybia. Hai yếu tố cho thấy Trung Quốc đã không nhận ra vấn đề: Thứ nhất, Trung Quốc đánh giá quá mức sự suy yếu của phương Tây và năng lực quân sự của các nước này trong việc mở một mặt trận mới. Thứ hai, Trung Quốc không nắm bắt được các vấn đề nội tại của các nước Arập, đặc biệt là động lực của các cuộc cách mạng khởi đầu ở Tuynidi hồi tháng 12/2010. Trong cơn bão cách mạng hiện nay ở thế giới Arập, Trung Quốc không có đủ khả năng để đối phó với các tình huống đang thay đổi rất nhanh.
Đội bóng quân đội Trung Quốc ẩu đả với đội bóng rổ Mỹ giao đấu hữu nghị bên thềm chuyến thăm Bắc Kinh của Phó Tổng thống Mỹ Biden
Nhân đây, người ta biết thêm rằng, quá trình hình thành chính sách đối ngoại ở Trung Quốc đã bị phi tập trung hóa hơn bao giờ hết. Người nước ngoài không nên bắt đầu quan hệ với Trung Quốc bằng các nhận thức có sẵn.
Trong năm nay, có ít nhất ba ví dụ cho thấy các tướng lĩnh cao cấp quân đội Trung Quốc có các hành động thể hiện quan điểm cứng rắn riêng của họ. Hồi đầu năm, giữa lúc Bộ trưởng quốc phòng Mỹ thăm Trung Quốc, quân đội cho thử máy bay tàng hình, đặt nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc vào thế khó xử khi ông Gates đề nghị giải thích sự kiện thử máy bay này có ý nghĩa gì. Vừa rồi, giữa lúc Phó tổng thống Mỹ đang được đón tiếp trọng thị tại Bắc Kinh, đội bóng rổ quân đội Trung Quốc đã dùng vũ lực xô xát với đội bóng rổ Mỹ sang giao đấu hữu nghị. Hành động “vuốt mặt không nể mũi” này có thể hiểu là quân đội làm như vậy để bày tỏ phản đối hoạt động ngoại giao của chính phủ Trung Quốc và chủ trương hòa hoãn của ban lãnh đạo tối cao của Trung Quốc với Mỹ. Đó là chưa nói các hành động gây hấn trên Biển Đông vừa qua đã làm hỏng những nỗ lực to lớn về chính trị, ngoại giao của Trung Quốc suốt một thập kỷ xây dựng hình ảnh “trỗi dậy hòa bình”. Một cựu thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc nhận xét 10 năm nỗ lực ngoại giao khá thành công của Trung Quốc tại châu Á “bị phá hỏng trong một ngày”.
Điều quan trọng hơn nữa, theo báo Sankei (Nhật Bản) là nhìn vào các sự kiện như vậy có thể đưa đến các nhận xét có ý nghĩa quan trọng khi dự đoán tình hình Trung Quốc sau này. Một là giữa ông Hồ Cẩm Đào và Quân giải phóng (PLA) dường như đã nảy sinh những rạn nứt trong chiến lược đối với Mỹ. Hai là PLA đang có dấu hiệu muốn thoát khỏi sự kiểm soát của Đảng và chính phủ Trung Quốc, hành động theo chủ ý của riêng mình. Báo Sankei kết luận, rõ ràng đó là sự thay đổi đáng chú ý, báo trước những điều khó dự đoán liên quan sự ổn định ở Trung Quốc trong những năm tới./

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang