Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

Dày đặc tư liệu nước ngoài khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa của VN


 Không chỉ những bằng chứng lịch sử và hành động cụ thể xác định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và trường Sa, các tài liệu lịch sử của nhiều nước cũng chứng tỏ điều này một cách rõ rệt.
Những tài liệu của người Pháp, Hà Lan... từ trước thế kỷ 18 đều ghi nhận chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này.
Những sử liệu chính xác
Từ nhiều thế kỷ trước, người phương Tây đã biết đến và ghi nhận quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng trong quá trình nghiên cứu Ký sự Batavia(Journal de Batavia) của Công ty Đông Ấn - Hà Lan xuất bản, cho thấy vào các năm 1631-1636 có ghi về những sự kiện các tàu biển thuộc Công ty Đông Ấn bị tai nạn tại quần đảo Hàng Sa thuộc xứ Đàng Trong như sau: Ngày 20/7/1634, vào thời Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635), 3 chiếc tàu biển đăng ký tại Hà Lan từ Batavia (Indonesia) đến Tuoranne (Đà Nẵng) cùng nhổ neo đi Đài Loan. Ngày 21, trên đường biển tại tọa độ khoảng 15 vĩ độ và 115 kinh tuyến, các tàu đã gặp bão nên lạc hướng, trong đó, 1 chiếc bị đắm gần tọa độ nêu trên, nơi có quần đảo Hoàng Sa. Thủy thủ để lại 50 người ở lại đảo, mang theo 2 người vào duyên hải xứ Đàng Trong xin giúp đỡ, và được đi nhờ tàu Nhật Bản về xứ Batavia.
Chắc tay súng bảo vệ vùng biển đảo thương yêu của Tổ quốc. (Ảnh minh họa)

Sau này, trong cuốn sách Hoàng Sa, Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam nhìn từ công pháp quốc tế, nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng cũng nêu: Kể từ năm 1634, người Hà Lan đã tường thuật khá rõ về quần đảo Hoàng Sa trên lãnh hải Việt Nam do các Chúa Nguyễn hành xử để kiểm soát các tàu biển qua lại khu vực này. Nhưng địa danh Hoàng Sa (Paracel), Trường Sa (Spartley) không phải tới năm 1636 mới được người Hà Lan chính thức nói đến. Ngay từ đầu thế kỷ XVI, một bản đồ hàng hải phương Tây được anh em nhà Van Langren, người Hà Lan vẽ, ấn hành năm 1595 đã nhắc đến địa danh Pareacel, Spartley.
Ngoài các tài liệu của người Hà Lan về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các giáo sĩ châu Âu thuộc Hội truyền giáo Paris thường xuyên tháp tùng các thuyền buôn đến Việt Nam truyền giáo tại các xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài cũng ghi chép cẩn thận về hải trình họ theo các thuyền buôn đến Việt Nam và được lưu trữ tại Văn khố Hội truyền giáo Paris. Các tài liệu này đều cho thấy việc các tàu thuyền buôn của họ gặp nạn, được các chúa Nguyễn giúp đỡ, trở về nước. Các tư liệu này được viết bằng tiếng Pháp và sau này được giáo sĩ Đặng Phương Nghi công bố trên Tập sanSử địa ấn hành năm 1975 tại Sài Gòn.
Sự thật hiển nhiên không thể bác bỏ
Tương tự như các tài liệu của phương Tây nửa đầu thế kỷ 19, trong sách Bức tranh Thế giới - Lịch sử và sự mô tả các dân tộc, tôn giáo, phong tục, tập quán của họ: Nhật Bản, Đông Dương, Tích Lan, nhà xuất bản Firmin-Didot Frères et Cie, xuất bản năm 1850 tại Paris, cũng nhắc đến chủ quyền của xứ Đàng Trong đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: “...Chúng tôi chỉ xin lưu ý rằng từ hơn 34 năm nay, quần đảo Paracels mà người Việt gọi là Cát Vàng hoặc Hoàng Sa, gồm rất nhiều hòn đảo chằng chịt - đã được chiếm cứ bởi người xứ Đàng Trong”.
Đặc biệt, nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng cũng cho biết trong số các tài liệu phương Tây viết về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, có khá nhiều sách và bài viết của Giám mục Jean Louis Taberd. Ông là giám mục Thiên Chúa giáo, am tường về địa lý, lịch sử, phong tục, ngôn ngữ xứ Đàng Trong. Bài viết của Giám mục J.L. Taberd trong quyển sách xuất bản định kỳ hằng năm là Bức tranh Thế giới - Lịch sử và mô tả các dân tộc, tôn giáo, phong tục, tập quán của họ, xuất bản năm 1833 tại Paris, có nêu: “... chúng tôi biết chắc là Hoàng đế Gia Long đã thân chinh vượt biển để thâu quần đảo Hoàng Sa, và chính là vào năm 1816, Ngài đã long trọng treo tại đó lá cờ của xứ Đàng Trong”. Vài năm sau, cũng Giám mục Taberd, trong bài viết Ghi chú về địa lý xứ Đàng Trong đăng trênTập san Hội châu Á của xứ Bengal, xuất bản tháng 9/1837 tại Calcutta (Ấn Độ), và bài Ghi chú thêm về địa lý xứ Đàng Trong, tháng 4/1838, tiếp tục xác định: “Năm 1816, nhà vua đã tới cắm cờ một cách long trọng và chính thức giữ chủ quyền các hòn đảo này, nơi hình như không một ai tranh giành với nhà vua”.
Đặc biệt, trong cuốn Tự điển La tinh - Việt cũng của Giám mục J. L Taberd, xuất bản năm 1838, còn đính thêm một bản đồ với tên gọi là An Nam Đại quốc Họa đồ, trong đó ghi rõ tọa độ và khẳng định Paracels hay Cát Vàng nằm trong lãnh hải của Việt Nam. Điều này chứng tỏ quần đảo Hoàng Sa (Paracel) và Trường Sa (Spartey) là những hải đảo quen thuộc với các nhà hàng hải, giáo sĩ phương Tây từ thế kỷ 16. Mỗi khi bị nạn, họ đều tìm cách đến duyên hải Đàng Trong của Việt Nam mong được cứu giúp vì Hoàng Sa, Trường Sa từ thế kỷ 16 đã thuộc quyền sở hữu của các Chúa Nguyễn (1558-1778).
Những sử liệu và sự kiện này chứng minh một cách chính xác và hùng hồn cho chủ quyền Việt Nam trên vùng biển này. Các sử liệu này cũng khẳng định rằng chậm nhất là đến cuối thế kỷ 16, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một phần lãnh thổ của Việt Nam và được người Việt chính thức hành xử chủ quyền trên các đảo ấy. Đây là sự thật hiển nhiên mà không một sử gia chân chính nào có thể bác bỏ.
Theo BAODATVIET

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang