Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

Ba giá trị quân sự của Biên Đông đối với Trung Quốc


Báo Đông Phương buổi sáng (Thượng Hải) ngày 26/7 đăng bài viết của tác giả Mã Nghiêu, phân tích 3 giá trị quân sự của Biển Đông đối với Trung Quốc. Nội dung chính như sau:
Với diện tích rộng, độ sâu lớn, vị trí chiến lược hiểm yếu và nguồn tài nguyên phong phú, Biển Đông có giá trị hết sức to lớn về mặt quân sự. Nhất là với một nước lớn đang trỗi dậy như Trung Quốc thì giá trị quân sự mà Biển Đông mang lại là không gì thay thế được. Giá trị này chủ yếu thể hiện trên 3 phương diện:

Thứ nhất, Biển Đông là mặt trận quan trọng đối với tương lai phát triển lực lượng hàng không vũ trụ của Trung Quốc. Trung Quốc hiện đang xây dựng Trung tâm phóng tên lửa hàng không Văn Xương trên đảo Hải Nam, nơi có vĩ độ thấp thuận lợi cho việc phóng tàu vũ trụ. Trong tương lai, đây sẽ là nơi Trung Quốc tiến hành phóng các loại tên lửa và các thiết bị hàng không phục vụ mục đích chinh phục vũ trụ. Việc tiến hành các hoạt động hàng không, trong đó có phóng tên lửa đẩy tại các đảo ngoài khơi có vĩ độ thấp đỏi hỏi phải có sự đảm bảo về mặt chủ quyền, quyền chủ quyền trên biển. Hiện nay, các cơ sở nghiên cứu phát triển công nghệ hàng không vũ trụ và tên lửa đẩy của Trung Quốc hầu hết đều đặt tại những trung tâm khoa học kỹ thuật lớn, nằm ven biển phía Đông như Thượng Hải và Thiên Tân, trong khi 3 trường bắn tên lửa cũ là Tây Xương, Tửu Tuyền và Thái Nguyên đều nằm sâu trong lục địa, điều này khiến cho tên lửa sau khi chế tạo xong phải vận chuyển một quãng đường khá dài bằng đường bộ để tới các trường bắn. Nếu so sánh với vận tải bằng đường biển thì vận tải đường bộ gặp nhiều hạn chế hơn, do đó việc đặt Trung tâm phóng tên lửa Văn Xương trên đảo Hải Nam là đã cân nhắc đến yếu tố này. 
 

ảnh minh họa

Thứ hai, Biển Đông là địa bàn hoạt động cơ động và căn cứ trú ẩn ưu việt cho lực lượng hải quân hạt nhân của Trung Quốc trong tương lai. Quân đội Mỹ từ thế kỷ trước đã bắt đầu tiến hành nghiên cứu công nghệ lazer rà quét tàu ngầm, với mục tiêu phát hiện các thiết bị lặn ở độ sâu 150m. Trong các vùng biển xung quanh Trung Quốc, Bột Hải có độ sâu trung bình chỉ 18m, Hoàng Hải có độ sâu trung bình là 44m, với độ sâu này thì thiết bị thăm dò nói trên hoàn toàn có thể kiểm soát toàn bộ. Đông Hải tuy có độ sâu đạt 370m, nhưng Mỹ - Nhật Bản đã bố trí tại đây những hệ thống rà quét tiên tiến, khả năng tàu ngầm Trung Quốc bị phát hiện là rất cao. Chỉ có Biển Đông với độ sâu trung bình đạt tới 1.212m mới là môi trường và địa điểm ưu việt để xây dựng căn cứ tàu ngầm hạt nhân.
Hải quân Trung Quốc hiện nay chưa đủ năng lực để vươn ra kiểm soát vòng cung “chuỗi đảo thứ hai” và khu vực Ấn Độ Dương, do đó trong tình hình hiện nay thì Biển Đông là khu vực duy nhất lực lượng tàu ngầm hạt nhân có thể tiến hành hoạt động tuần tra chiến lược.

Cuối cùng, Biển Đông là vùng biển lý tưởng nhất để hàng không mẫu hạm có thể thực hiện các hoạt động huấn luyện và diễn tập.Hiện nay, do nhiều nhân tố như chiến lược phát triển, trình độ khoa học kỹ thuật, thực lực kinh tế,… hải quân Trung Quốc trên thực tế mới chỉ phát triển được tàu ngầm và các loại tàu chiến vừa và nhỏ. Để chủ động nắm ưu thế kiểm soát trên biển thì hàng không mẫu hạm là chỗ dựa đáng tin cậy, đồng thời cũng là phương tiện duy nhất hiện nay mang lại sự bảo đảm trên không cho hạm đội khi tác chiến tại các vùng biển xa. Với đặc điểm là loại tàu chiến mặt nước có kích thước và trọng tải lớn nhất, đồng thời kèm theo nó là biên đội khoảng 10 tàu các loại, hàng không mẫu hạm cần những vùng biển rộng lớn để tiến hành diễn tập và huấn luyện. Điều này là khó thực hiện tại những vùng biển nhỏ như Bột Hải, Hoàng Hải và Đông Hải, mặt khác lại dễ gây phản ứng từ phía các nước xung quanh như Nhật Bản, Hàn Quốc. Chỉ có Biển Đông là khu vực lý tưởng cho hàng không mẫu hạm Trung Quốc, không chỉ bởi thực lực quân sự của các nước ven Biển Đông khá yếu mà thế lực của Mỹ tại đây cũng không lớn như tại khu vực Đông Bắc Á.

Tóm lại, Biển Đông có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với quá trình vươn lên trở thành một cường quốc hải dương, cường quốc vũ trụ; là vùng biển chiến lược để Trung Quốc phát triển lực lượng hải quân biển xa.

(gt)/nghiencuubiendong

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang