Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

Cờ Tổ quốc tung bay trên ngư trường Hoàng Sa

Thật đáng trân trọng, bất chấp những hiểm nguy, được sự hỗ trợ của cả nước, ngư dân Việt Nam với lòng quả cảm, vượt lên đầu sóng ngọn gió, bám biển ra khơi, khẳng định chủ quyền của đất nước và cờ Tổ quốc vẫn luôn tung bay trên ngư trường Hoàng Sa.
Trong những năm gần đây ngư dân Việt Nam mà nhất là ngư dân tỉnh Quảng Ngãi luôn bị tàu nước ngoài bắt bớ, đánh đập, đâm tàu khiến tính mạng ngư dân nhiều phen lâm nguy. Những chuyến ra khơi gắn với những vụ "tai nạn” như vậy thật sự là nỗi kinh hoàng đối với dư luận, đe dọa nghiêm trọng tính mạng, tài sản và công việc mưu sinh bao đời của ngư dân Việt. 


"Sóng gió” trên biển Đông
Cho đến nay, ông Đặng Nam - thuyền trưởng tàu BKS QNg 2203 TS ở xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi - không thể nào quên được vụ tàu ông bị đâm chìm khiến 9 thuyền viên suýt mất mạng. Ông Nam kể: "Vào khoảng 1 giờ 30 ngày 15-7-2009, trong lúc đang hành nghề lưới chuồn tại tọa độ 13,45' độ vĩ bắc - 110,32' độ kinh đông, cách bờ biển Phú Yên - Bình Định khoảng 200 km về phía đông, tàu của tôi bất ngờ bị một chiếc tàu không rõ nguồn gốc tông chìm. Rất may một tàu khác của ngư dân Việt Nam gần đó đã kịp thời ứng cứu, nhưng cả 9 ngư dân đều bị thương, trong đó, anh Phạm Văn Ca (30 tuổi) và Đặng Lan (32 tuổi) bị thương rất nặng. Toàn bộ tài sản, gồm tàu và ngư lưới cụ, với tổng trị giá khoảng 500 triệu đồng đã mất sạch.
Điều đáng lên án là trong lúc chạy tránh bão cũng đã có rất nhiều tàu, thuyền bị bắt, ngư dân bị đánh đập, bị tịch thu tài sản. Như trong cơn bão số 9, có đến 16 chiếc tàu đánh cá của hơn 200 ngư dân huyện đảo Lý Sơn và huyện Bình Sơn- Quảng Ngãi đánh bắt hải sản ngoài khơi không còn cách nào khác phải chạy vào trú tại đảo Hoàng Sa vào chiều tối ngày 28-9-2009. Từ đây những ngư dân từ già cho đến trẻ bị những kẻ "cướp biển” đánh đập và cướp sạch tài sản, khi thoát chết trở về những gì họ kể lại thật kinh hoàng. Em Lê Hợp mới 15 tuổi cũng bị bọn chúng bắt nằm sấp xuống sàn tàu và đánh đập dã man, bảo chỉ ra chỗ nào cất dấu tài sản của bà con trên tàu. Họ hành hạ những ngư dân vô tội, cướp đi tài sản, kể cả lương thực sống còn của họ. 16 tàu của bà con không chiếc nào thoát được thảm nạn trên.
Mới đây, ngày 6-5-2011, tại đảo Bạch Quy thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tàu QNg 50615TS do ngư dân Trần Văn Thoa (31 tuổi) làm thuyền trưởng cùng 14 ngư dân thuộc xã Bình Châu huyện Bình Sơn đã bị một tàu kiểm ngư của Trung Quốc rượt đuổi và tịch thu 1 máy dò cá, 1 máy định vị tầm xa, 1 máy quét, lấy toàn bộ hải sản. Tổng số tài sản bị lấy hơn 200 triệu đồng. Tiếp đến trưa ngày 11-5-2011, tàu của thuyền trưởng Phạm Hà, 37 tuổi cũng bị tàu kiểm ngư của Trung Quốc vơ vét sạch tài sản như dây hơi, máy định vị, đồ nghề sửa máy, dây điện và toàn bộ 200 kg tôm hùm, 3 tấn cá... Anh Võ Đào (35 tuổi) ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu là thuyền trưởng tàu cá QNg 90 019 TS cũng cho biết: "Ngày 9-5-2011, sau 10 ngày vất vả giữa biển khơi, 8 anh em đánh bắt được khoảng 4-5 tấn hải sản các loại thì bị tàu kiểm ngư Trung Quốc mang biển hiệu 309 áp sát trấn lột toàn bộ...”
Đáng nói, trong số trên có những ngư dân kỳ cựu, hàng chục năm trời bám biển nhưng chính vì sự bắt bớ, tịch thu tài sản, đòi tiền chuộc thậm chí đánh đập đã khiến họ tan gia bại sản như "Sói biển” Mai Phụng Lưu, ở Lý Sơn với 4 lần bị tịch thu tài sản, tàu thuyền, nợ nần chống chất hàng trăm triệu đồng. Hay như ông Tiêu Viết Là, 48 tuổi, ở xã Bình Châu huyện Bình Sơn, rất nhiều lần bị Trung Quốc bắt tàu, tịch thu tài sản, đòi tiền chuộc hàng trăm triệu đồng. Theo ông Là, có lần tàu Trung Quốc đuổi theo tàu ông và xả súng vào be tàu khiến 6 ngư dân bị thương, trong đó anh Huỳnh Văn Hưng bị bắn gãy xương tàn phế một cánh tay đến tận bây giờ. Họ còn kê biên lai phạt 6 vạn nhân dân tệ nhưng sau đó thu tàu khiến ông mất thêm trên 300 triệu...
Theo thống kê (chưa đầy đủ) của tỉnh Quảng Ngãi, từ năm 2005 – 2009, toàn tỉnh có 81 tàu cá với 929 ngư dân bị tàu nước ngoài bắt. Trong đó năm 2005 tàu thuyền bị bắt ít nhất là 7 tàu, 75 ngư dân và nhiều nhất là năm 2008 với 26 tàu và 227 ngư dân. Riêng từ đầu năm 2010 đến nay, có gần 20 tàu thuyền với trên 200 ngư dân bị tàu nước ngoài bắt giữ, tịch thu phương tiện và bắt nộp phạt hàng trăm triệu đồng mới cho về nước.
Ngư dân quyết tâm bám biển.
Đồng hành cùng ngư dân
Trước những khó khăn và hiểm nguy mà bà con ngư dân phải đối mặt trên Biển Đông, để tháo gỡ những khó khăn này, để "đồng hành” cùng ngư dân, những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách giúp đỡ bà con. Cụ thể, Chính phủ đã có Quyết định số: 118/2007/QĐ-TTg về hỗ trợ đối với ngư dân bị tai nạn trên biển. Chính phủ cũng đã quyết định xây dựng trạm cứu nạn, cứu hộ tại huyện đảo Lý Sơn với tổng vốn đầu tư gần 70 tỷ đồng. Bộ NN&PTNT cũng đang triển khai hệ thống thông tin cho tàu cá. Một số biện pháp khác như triển khai phát triển quỹ "nhân đạo nghề cá”, "quỹ bảo hiểm”... Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh miền Trung cũng đã chỉ đạo các đồn, trạm biên phòng ở các địa phương vận động ngư dân thành lập tổ, đội tổ chức vươn ra khơi đánh bắt thủy sản và thường trực theo dõi thông tin để hỗ trợ ngư dân...
Hiện nay tất cả các tàu cá đều được trang bị máy Icom tầm xa, tầm gần để liên lạc thường xuyên với nhau và liên lạc với đất liền. Chính nhờ hệ thống này mà công tác cứu nạn, cứu hộ trên biển được thuận lợi, góp phần hạn chế thấp nhất những rủi ro. Tại hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, chính quyền đã hỗ trợ kinh phí để đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng; tổ chức tập huấn cách ứng phó khi gặp bão, các quy định về trang thiết bị an toàn tàu cá, kiến thức sử dụng tần số máy thông tin liên lạc phục vụ cho công tác cứu nạn, cứu hộ trên biển; kỹ năng sơ cứu ban đầu cho người bị nạn; vận động thành lập các tổ đoàn kết sản xuất trên biển tập hợp các tàu nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, phòng tránh bão, cứu nạn, cứu hộ trên biển...
 Chính quyền cũng đã khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư, tạo điều kiện cho bà con vay vốn đóng tàu có công suất lớn đánh bắt xa bờ. Đề án "Hỗ trợ đóng mới, cải hoán tàu thuyền đánh bắt xa bờ” đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt. Theo đó, từ năm 2010-2015, tỉnh hỗ trợ cho các chủ tàu cá là ngư dân, tổ hợp tác, HTX thực hiện nâng cấp hay đóng mới tàu cá có công suất từ 90CV trở lên. Về mức hỗ trợ, đối với tàu có công suất từ 90 đến dưới 250CV được hỗ trợ mỗi tàu 80 triệu đồng/năm, từ 250CV đến dưới 400CV được hỗ trợ 100 triệu đồng, từ 400CV trở lên hỗ trợ 120 triệu đồng... Xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn đã làm các thủ tục giúp ngư dân được nhận gần 4 tỷ đồng tiền hỗ trợ theo Quyết định 289 của Chính phủ, để giải quyết những khó khăn. Mới đây nhất, UBND tỉnh Quảng Ngãi và huyện Lý Sơn đã vận động các chủ tàu thuyền và lao động hành nghề trên biển thuộc địa bàn huyện liên kết với nhau để thành lập nghiệp đoàn nghề cá đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã quyết định thành lập Quỹ hỗ trợ ngư dân.  
Những ngư dân Lý sơn hành nghề lặn bắt hải sâm ở ngư trường Hoàng Sa.
Nơi ấy là Tổ quốc của chúng ta
Phải nói rằng, cho dù gặp không ít khó khăn từ thiên tai hay từ phía Trung Quốc, nhưng ngư dân Việt Nam vẫn quyết tâm bám biển. Bởi với họ nơi đó là cuộc sống, là Tổ quốc. Sự liên tục có mặt của các ngư dân thật sự là những "cột mốc sống” khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa. Thực tế, nhiều thế hệ ngư dân ở miền Trung đã gắn bó với Hoàng Sa, Trường Sa như máu thịt của mình. Ông Mai Phụng Lưu, ở Lý Sơn, người đã hơn 30 năm gắn bó với nghề biển tâm sự: "Chúng tôi thuộc từng tên đảo, vách đá của Hoàng Sa như Bon Bay, Phú Lâm, Đá Lồi, Cây Bàng... Bởi nơi này là máu thịt của chúng tôi, là mảnh đất thiêng liêng của cha ông để lại!”. Thuyền trưởng Mai Phụng Lưu 4 lần bị phía Trung Quốc bắt tàu, đòi tiền chuộc người, khiến gia đình gặp không ít khó khăn, ngập chìm trong nợ nần, nhưng khát vọng ra khơi vẫn cháy bỏng trong ông. Mới đây ông được vay 300 triệu đồng trong đêm hội "Đồng hành cùng ngư dân bám biển” diễn ra tại TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức. Ông nói: "Bằng mọi cách tôi sẽ có con tàu 200 CV và 2 tháng sau cờ Tổ quốc sẽ tung bay trên con tàu của tôi ở ngư trường Hoàng Sa”. Còn anh Nguyễn Dưỡng cũng ở Lý Sơn cho biết: "Tôi vừa đóng mới một chiếc tàu, tôi sẽ đi Hoàng Sa. Hoàng Sa là của mình. Hoàng Sa do tổ tiên để lại. Mình không ra là có tội với cha ông của mình”.
Thật vậy, cho dù còn đó những nỗi lo và hiểm nguy nhưng hiện tại, Quảng Ngãi hiện có 5.600 tàu đánh bắt thủy sản, trong đó gần 1.700 tàu đánh cá xa bờ với hơn 40.000 lao động trực tiếp sản xuất trên biển. Trong đó, tại ngư trường Hoàng Sa có hơn 600 tàu với gần 1.000 lao động, Trường Sa có 425 tàu với trên 700 lao động. Hay như tại Quảng Nam có trên 3.200 tàu cá tham gia đánh bắt hải sản trong đó có gần 500 tàu đánh bắt xa bờ ở 2 quần đảo nói trên. Chỉ tính riêng huyện đảo Lý Sơn, dân số hơn 21.000 người, có đến 70% dân số sống với nghề biển và họ vẫn đang quyết tâm bám biển, bất chấp những hiểm nguy, sóng gió trên Biển Đông.
Cảng cá Lý Sơn vẫn tấp nập tàu thuyền vào ra.
Cùng với Quảng Nam, Quảng Ngãi, các tỉnh miền Trung cũng đã có hàng nghìn tàu thuyền cùng với hàng chục nghìn ngư dân bám biển, bất chấp tất cả những hiểm nguy. Bởi họ ý thức được rằng, Hoàng Sa, Trường Sa là ngư trường truyền thống lâu đời của Việt Nam, cha ông đã để lại cho họ thì họ sẽ và mãi mãi giữ gìn. Nhưng nhiều ngư dân cho rằng, họ rất cần nhiều hơn nữa sự "đồng hành” từ các cơ quan chức năng trong khi đánh bắt thủy sản ngoài biển khơi như cần có được những thông tin chính xác đánh bắt cá ở những tọa độ nào thì không bị tàu nước ngoài đe dọa, rượt đuổi, không còn tiếp tục bị thiệt hại về tài sản như đã từng xảy ra. Cần sớm có một hành lang ngư trường an toàn nhằm giúp ngư dân an tâm khi hành nghề đánh bắt trên biển, giúp ngư dân có được những tàu đánh cá công suất lớn, trang bị đầy đủ các hệ thống thông tin liên lạc, định vị hiện đại. Cần tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ của lực lượng hải quân, biên phòng trên biển, cần ngăn chặn các tàu lạ xâm phạm lãnh hải Việt Nam, phải kiên quyết bảo vệ biển của mình bằng mọi giá... Họ còn cho rằng, cần phải coi ngư dân Lý Sơn bám biển như những người lính. Họ là hậu duệ của đội hùng binh Hoàng Sa từ hơn 300 năm trước, đang tiếp bước truyền thống cha ông chứ không chỉ đơn thuần là ra khơi để kiếm kế sinh nhai. Có như vậy ngư dân mới thật sự an tâm bám biển.

Theo Đại Đoàn Kết

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang