Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

Chứng cứ khoa học khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa của VN


Với những tư liệu lịch sử, những hành động cụ thể đã chứng minh chủ quyền không thể bàn cãi của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

PGS.TS Văn Trọng, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương (Viện KHXH Việt Nam) cho biết việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này được chứng minh bằng những chứng cứ khoa học.
Người dân Việt Nam khám phá và đặt tên
Theo GS Văn Trọng, việc xác định chủ quyền của mỗi quốc gia đối với địa phận nào đó thường được xác định trên nhiều tiêu chí, trong đó người ta thường chú ý đến những tiêu chí như: người phát hiện đầu tiên; xác lập quyềnquản lý, sở hữu; thực thi quyền sở hữu đến ngày nay. Cả 3 yếu tố này đều được việt Nam chứng minh từ rất sớm. Những tư liệu lịch sử, cho thấy ngay từ những năm 1630 - 1653, tác giả Đỗ Bá đã đề cập chủ quyền của Việt Nam trên các đảo ở ngoài khơi bờ biển trong tác phẩm “Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư”. 
Trong sách này, danh xưng tổng quát của các đảo nêu tên Bãi Cát Vàng thuộc địa phận huyện Bình Sơn, phủ Quảng Nghĩa. Lúc đó Bãi Cát Vàng còn được gọi bằng nhiều tên khác như: Trường Sa, Cồn Vàng, Hoàng Sa, Đại Hoàng Sa, Vạn lý Trường Sa…, còn danh xưng quốc tế là Paracel. Điều này chứng tỏ Bãi Cát Vàng và các quần đảo phụ thuộc đã được người dân Việt Nam khám phá và đặt tên bằng ngôn ngữ thuần Việt.
Cụ thể hơn, sau này, trong bộ sách Phủ biên tạp lục của nhà bác học Lê Quý Đôn (viết năm 1776) - một sử liệu đầy đủ và chính xác nhất được tác giả trình bày khá tỉ mỉ về Trường Sa, Hoàng Sa vào lúc chưa có nhà nghiên cứu nào trong nước cũng như nước ngoài đề cập. Sách có nêu ở ngoài Cù Lao Ré (thuộc địa phận xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Nghĩa - sau này là tỉnh Quảng Ngãi) về hướng Đông Bắc, có đảo Đại Trường Sa.
Trước đây, chính quyền Việt Nam không phân biệt Trường Sa và Hoàng Sa, danh xưng Hoàng Sa là bao gồm cả Trường Sa trong đó. Quần đảo có nhiều đảo và núi, có hơn 130 ngọn. Giữa các núi là biển, có chỗ cách nhau một ngày đường biển hoặc vài trống canh. Trên các đảo rải rác có suối nước ngọt. Ở trong các đảo có bãi cát vàng, dài khoảng 30 dặm bằng phẳng và rộng lớn, nước trong nhìn tận đáy. Trên bãi có rất nhiều hải vật lạ như ốc hoa, có thứ mang tên “ốc tai voi”, lớn như chiếc chiếu, dưới bụng có từng hạt bằng ngón tay trỏ lớn…
Ngoài ra, các bộ sách lịch sử của Việt Nam như Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam nhất thống chí, Châu bản triều Nguyễn… đều miêu tả chi tiết về 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, và chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này. 
Chứng minh chủ quyền bằng hành động thực tiễn
Ngoài những tư liệu lịch sử, “Phủ biên tạp lục” và các sử sách sau này đều cho thấy ngay từ thời các chúa Nguyễn (từ năm 1687) đã thành lập một đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người của xã An Vĩnh, hằng năm họ luân phiên nhau đi biển. Đội Hoàng Sa được cấp phát 6 tháng lương, đi 3 ngày 3 đêm mới đến đảo Hoàng Sa. Họ bắt chim, bắt cá làm đồ ăn, lượm được nhiều hải vật như gươm, ngựa bằng đồng, tiền bạc, ngà voi, đồ dạ, đồ sứ...
Đội Hoàng Sa đi từ tháng 1 đến tháng 8  mới về cửa En (nay là Thuận An) trình nộp các hiện vật đã thu lượm được. Ngoài ra, các chúa Nguyễn còn lập thêm các đội Bắc Hải. Đội này thuộc quyền quản lý của đội Hoàng Sa, đi từ Côn Lôn ra Hà Tiên để tìm kiếm, thu lượm hải vật. Trong nhiều năm liền, chính quyền Việt Nam duy trì việc quản lý, khai thác hải sản tại quần đảo Hoàng Sa. Cùng với việc quản lý, thu thuế, chính quyền dương thời cũng bắt đầu lập đồn binh thường trú tại quần đảo Hoàng Sa.
Minh chứng cho điều này, PGS.TS Văn Trọng viết trong sách “Hoàng Sa  - quần đảo Việt Nam” cho biết trên đảo còn có một tấm bia chủ quyền của Việt Nam, lại có một miếu thờ với một pho tượng Phật bà cao 1,5m quay mặt về bờ biển miền Trung, tay cầm bát 6 cạnh, tương tự các tượng Phật ở vùng Non Nước gần Đà Nẵng. Ở 4 phía đảo Hoàng Sa còn có những lô cốt kiên cố xây bằng đá chở từ Đà Nẵng ra. Ngoài ra, khi tàu buôn các nước qua khu vực này gặp nạn thường được chính quyền Việt Nam đương thời giúp đỡ về nơi ở, gạo ăn và tìm kiếm phương tiện giúp họ trở về nước. Ở thời điểm đó, không có sự hiện diện của quân đội nước nào. Điều này đồng nghĩa với việc thừa nhận chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này.
Ngoài ra, ở đây có 2 ngôi nhà lớn, một là nơi đồn trú của binh lính bảo vệ đảo, một là Trạm khí tượng. Sử sách còn ghi lại, trạm khí tượng trên đảo được xây dựng từ năm 1938, tên quốc tế là Pattle, mang số hiệu 48860, trong đó 48 là số hiệu vùng Đông Nam Á. Trạm này hoạt động liên tục ngày đêm, cung cấp cho thế giới các số liệu quan trắc khí tượng và tình hình gió bão biển đông, giúp tàu bè và máy bay tránh nạn. Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) đánh giá cao đóng góp của trạm 48860 vào công cuộc dự báo thời tiết ở biển Đông. Trên đảo, trước đây còn có một cây đèn biển do Việt Nam xây dựng từ trước chiến tranh thế giới thứ 2 để dẫn đường cho tàu bè qua lại. Ngọn đèn biển đó do công nhân Việt Nam đêm đêm thắp sáng, rất quen thuộc với thuỷ thủ các nước.
Điều này chứng tỏ 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được chính quyền Việt Nam phát hiện, quản lý từ rất sớm và duy trì đến sau này. Lãnh thổ này được các triều đại phong kiến Việt Nam hành xử theo Luật pháp nhà nước mà không có sự tranh chấp hay ý kiến của các nước khác.
Không chỉ những bằng chứng lịch sử và hành động cụ thể xác định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và trường Sa, các tài liệu lịch sử của nhiều nước cũng chứng tỏ điều này một cách rõ rệt.
Theo BAODATVIET

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang