Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

Thư ngỏ gửi ứng viên Chủ tịch nước và Thủ tướng

Năm 1946, Hồ Chí Minh nói: Giờ tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới rằng: Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan, phát tài. Trong tình hình đất nước hiện nay, thiết nghĩ ứng viên Chủ tịch nước lần này cũng nên noi gương Người có một lời tuyên bố về bản thân mình như thế.

Nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng Trần Đình Huỳnh gửi tới VietNamNet lá thư ngỏ gửi ứng viên Chủ tịch nước và Thủ tướng. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Kính thưa hai vị,
Là một công dân, một nhà giáo đã nghỉ hưu, tôi nhận thấy ở kỳ họp lần thứ nhất của Quốc hội khóa XIII, theo Hiến pháp hiện hành của nước ta, hai vị sẽ có quyền và trọng trách rất lớn trước quốc dân về việc thành lập Chính phủ mới - một trọng trách gần giống việc Bác Hồ đã làm khi Người được Quốc hội khóa I giao cho thành lập chính phủ mới năm 1946.
Vậy tôi xin mạo muội gửi tới hai vị bức thư ngỏ này.
Năm 1946 là năm để lại nhiều sự kiện lịch sử nổi bật của đất nước ta. Một trong những sự kiện mãi mãi không phai mờ là lần đầu tiên, một nước Việt Nam mới, một thể chế dân chủ cộng hòa được xác lập một cách hợp hiến, phù hợp với thông lệ quốc tế trong hoàn cảnh chính quyền mới như ngàn cân treo sợi tóc trước những sức mạnh và thủ đoạn nham hiểm của thù trong, giặc ngoài. Toàn thể quốc dân trông cậy vào sự chèo lái con thuyền quốc gia của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đứng đầu nhà nước.
Cuộc tổng tuyển cử tự do được tiến hành. Theo Hiến pháp 1946, Quốc hội - cơ quan đại diện cao nhất của toàn dân - đã bầu Hồ Chí Minh làm Chủ tịch nước, đồng thời là người đứng đầu Chính phủ. Quốc hội đã ủy thác cho Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng ra thành lập Chính phủ.
Quốc hội, quốc dân đồng bào, quốc tế dõi theo, chờ đợi quan điểm, tư tưởng, bản lĩnh cách mạng, tinh thần ái quốc của Hồ Chí Minh trước thái độ, hành động và quyết định của Người về một Chính phủ mới do Người thành lập.
Với trọng trách ấy, Người đã:
1. Tuyên bố về bản thân mình:
Khi nhận trọng trách thành lập Chính phủ, Hồ Chí Minh khẳng định, công việc đại sự quốc gia bây giờ thì "bất kỳ Quốc hội ủy cho tôi hay cho ai cũng phải gắng mà làm. Tôi xin nhận". Điều này chứng tỏ, việc nước là việc chung, quan trọng, bất cứ ai cũng phải hiểu rõ như thế để khi được giao trọng trách thì không thể thoái thác, cũng không thể chỉ thấy mặt vinh dự mà trước hết phải là trách nhiệm, nghĩa vụ và bổn phận.
Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố: "Giờ tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới rằng: Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan, phát tài".
Một người đứng ra thành lập Chính phủ mới mà như vậy thì mọi người dân có thể tin tưởng, kỳ vọng vào một Chính phủ với những thành viên mà người ấy lựa chọn ắt phải là một Chính phủ vì dân, một "Chính phủ làm công bộc của dân".
Trong tình hình đất nước như hiện nay, chúng tôi thiết nghĩ ứng viên Chủ tịch nước lần này cũng nên noi gương Hồ Chí Minh có một lời tuyên bố ngắn gọn về bản thân mình như thế thay cho bài phát biểu dài. Lời tuyên bố ấy chắc chắn sẽ có sức mạnh quy tụ lòng người.
2. Tuyên bố về tư cách của Chính phủ:
Trước hết, đó là một Chính phủ đoàn kết. Chính phủ là người chèo lái con thuyền quốc gia, là người phát huy trí tuệ, tài lực, vật lực toàn dân vì sự nghiệp chung. Nếu Chính phủ không đoàn kết trên nền tảng đó mà lại tranh giành quyền lực, địa vị, phe phái, ắt sẽ làm suy thoái sức mạnh đất nước, là nguy cơ suy vong của chế độ, là mất nước. Chính vì vậy Hồ Chí Minh đã tuyên bố: "Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái".
Thấm nhuần tư tưởng,đạo đức Hồ Chí Minh: Không có gì quý hơn độc lập tự do, và ý thức được cơ sở sức mạnh của Nhà nước là ở nhân dân, dân tộc, nhân ta mong đợi Chính phủ mới được bầu ra kỳ này sẽ thực sự là một Chính phủ đoàn kết toàn dân và tập hợp nhân tài không phân biệt người trong Đảng hay người ngoài Đảng.
Với tầm nhìn của một nhà chính trị lỗi lạc, Hồ Chí Minh đã lường trước căn bệnh trầm kha của mọi nhà nước ở tất cả các chế độ cũng có thể nhiễm vào Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ mới ra đời; hằn sâu trong tâm trí nhân dân về sự hà lạm, tham nhũng của bọn quan cai trị trong các nhà nước cũ.
Do đó, Người đã tuyên bố: "Tuy trong quyết nghị không nói đến, không nêu lên hai chữ liêm khiết, tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới: Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết".
Một dân tộc tuy còn trên 90% số dân mù chữ, vừa mới được sống trong chế độ mới, vẫn có thể rất dễ dàng nhận ra từ lời tuyên bố ấy rằng lịch sử đã sang trang, ở đấy có sự phân biệt rạch ròi bản chất tốt đẹp của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với tất cả các chính phủ trước đó.
Một chính phủ đoàn kết, trọng dụng nhân tài với các thành viên là những người liêm khiết, biết giữ gìn sự trong sạch của bản thân và giữ gìn thanh danh của Chính phủ, danh dự của quốc gia, tất yếu sẽ thu phục được lòng người, đoàn kết được toàn dân.
Ngày nay, nhân dân ta chờ đợi ở Chính phủ mới sẽ được bầu ở kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII một lời tuyên bố, một lời hứa nghiêm túc của tân Chủ tịch nước và tân Thủ tướng Chính phủ.
3. Tuyên bố về năng lực và bản lĩnh của Chính phủ:
Chính phủ phải biết làm việc
Chính phủ phải chấp hành các nghị quyết của Quốc hội. Với tư cách là cơ quan hành pháp và là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, Chính phủ phải có năng lực làm việc. Nhớ lại, có lần nói chuyện với cán bộ, công chức hành chính, Người đã dặn: Chúng ta phải là những người đày tớ thật trung thành của nhân dân, nghĩa là phải làm những công việc chung của nhân dân và phải làm thật tốt.
Chính phủ phải dũng cảm, gan góc, dám chịu trách nhiệm
Dũng cảm nhưng mưu lược, nhẫn nại nhưng kiên quyết và khéo léo, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì lợi ích quốc gia, Chính phủ hoạt động phải có trọng tâm, trọng điểm, kế hoạch trước mắt và lâu dài. Tất cả phải hướng vào mục đích chiến lược quốc gia.
Vì những lẽ trên, Người đã tuyên bố: "Theo lời quyết nghị của Quốc hội, Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ biết làm việc, có gan góc, quyết tâm đi vào mục đích trong thì kiến thiết, ngoài thì tranh thủ độc lập và thống nhất của nước nhà".
4. Chính phủ cần phải tuyên thệ:
Tuyên thệ là lời hứa thiêng liêng của người được bầu giữ trọng trách trong bộ máy nhà nước trước lá cờ Tổ quốc - lá cờ đã từng thấm máu đỏ của nhiều thế hệ, là hồn thiêng của núi sông; trước những người đã tín nhiệm bỏ phiếu bầu ra mình. Tuyên thệ cũng là giờ phút thiêng liêng của người lãnh trọng trách trước quốc gia, để người ấy không bao giờ được quên rằng họ đang "nặng nợ quốc gia", để luôn gắng gỏi làm tròn phận sự. Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới trước nay người ta vẫn làm như thế.
Nhớ lại khi thành lập Chính phủ kháng chiến, Hồ Chủ tịch đã đọc lời tuyên thệ nhậm chức: "Trước bàn thờ thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, thề xin cương quyết lãnh đạo nhân dân kháng chiến, thực hiện nền dân chủ cộng hòa Việt Nam, mang lại tự do, hạnh phúc cho dân tộc. Trong công việc giữ gìn nền độc lập, chúng tôi quyết vượt mọi nỗi khó khăn dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ".
Quốc hội khóa XIII sắp khai mạc kỳ họp thứ nhất, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, trong đó trọng tâm là quyết định bộ máy tổ chức và nhân sự cấp cao của Nhà nước. Trong tình hình đất nước đang có nhiều việc bộn bề, phức tạp, khó khăn hiện nay, nhân dân chờ đợi và kỳ vọng vào tài năng, đức độ và dũng khí của Quốc hội khóa mới, tân Chủ tịch nước, tân Chính phủ và tân Thủ tướng Chính phủ .
Tôi cũng như hầu hết quốc dân đã nô nức đi bầu Quốc hội và ủy thác tất cả cho các vị đại biểu Quốc hội xem xét để bầu các chức danh quan trọng của nhà nước, trong đó có hai ứng viên là Chủ tịch nước và Thủ tướng. Chúng tôi cũng mong rằng tài năng, đức độ và bản lĩnh của các vị tân Chủ tịch nước và tân Thủ tướng sẽ thể hiện ngay ở buổi đầu làm việc lần này trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới.
Đang đọc nhiều:
>> 'Lãnh đạo Trung Quốc hành xử tiểu nhân với VN'
>> 'Đã đến lúc nói thẳng với Trung Quốc'
Theo Vietnamnet

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang