Xét từ góc độ luật pháp quốc tế, vụ tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 2 của PVN trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm luật quốc tế nghiêm trọng. Việc giải quyết tranh chấp bằng Tòa án quốc tế là một sự lựa chọn.
Các vùng nước liên quan đến một quốc gia ven biển. Đồ họa: wikipedia.
Trên đây là nhận xét của Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật TP HCM, trong cuộc trao đổi với VnExpress.
- Từ góc độ luật pháp quốc tế, ông đánh giá thế nào về vụ tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Việt Nam ngày 26/5?
- Vụ tàu Trung Quốc cắt cáp của tàu Bình Minh 02 cho thấy hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế của Trung Quốc. Hành vi này của Trung Quốc đã làm phức tạp thêm tình hình tại biển Đông. Tại biển Đông, tồn tại nhiều tranh chấp khác nhau, nổi bật lên trong đó là tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Vụ Bình Minh 02 không liên quan đến vùng tranh chấp chủ quyền mà xảy ra trên vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
- Ông có thể giải thích rõ hơn về quyền chủ quyền của Việt Nam ở địa điểm xảy ra sự việc?
- Công ước Luật biển năm 1982 đã định ra khung pháp lý cho các quốc gia trong việc xác định các vùng biển và Quy chế pháp lý của chúng; xác định ranh giới, biên giới trên biển giữa các quốc gia. Theo Công ước thì mỗi quốc gia ven biển có 5 vùng biển, bao gồm: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. (Đọc thêm về các khái niệm này).
Theo thông tin Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra thì tàu Bình Minh 02 bị các tàu hải giám của Trung Quốc bao vây, uy hiếp và cắt cáp thăm dò tại vùng biển cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý. Như vậy, đây là vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, và vùng đất nằm dưới vùng biển đó là thềm lục địa của Việt Nam, theo các quy định của Công ước.
Trong vùng đặc quyền kinh tế thì quốc gia ven biển có quyền chủ quyền về kinh tế và quyền tài phán. Quyền chủ quyền về kinh tế bao gồm các quyền đối với khai thác tài nguyên sinh vật (Điều 62), tài nguyên không sinh vật của cột nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Hoạt động khai thác tài nguyên trên vùng đặc quyền kinh tế đem lại lợi ích cho quốc gia ven biển như khai thác năng lượng nước, hải lưu, gió… Mọi tổ chức, cá nhân nước ngoài muốn khai thác tài nguyên trên vùng đặc quyền kinh tế phải có sự xin phép và đồng ý của quốc gia ven biển.
Quyền tài phán trên vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển bao gồm quyền lắp đặt, sửa chữa các đảo nhân tạo, công trình, thiết bị trên biển; quyền nghiên cứu khoa học biển; quyền bảo vệ môi trường.
Công ước quy định quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với việc thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản không sinh vật (chủ yếu dầu khí, kim loại, cát sỏi…) và tài nguyên sinh vật thuộc loài định cư; quốc gia ven biển có quyền chủ quyền trong việc khoan, đào, nổ... trên thềm lục địa.
Đối với các quốc gia khác trên thềm lục địa có các quyền về tự do hàng hải; tự do bay; tự do đặt dây cáp, ống dẫn ngầm song phải có sự thông báo trước với quốc gia ven biển.
Như vậy, theo quy định của Công ước, Việt Nam hoàn toàn có quyền đối với việc thăm dò, khai thác các tài nguyên trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế cũng như thăm dò khai thác dầu khí tại thềm lục địa của mình. Việc tàu Bình Minh 02 thăm dò dầu khí tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình là việc làm hết sức bình thường, theo đúng các quy định của Công ước.
- Vậy chiếu theo Công ước, các sai phạm của Trung Quốc là gì?
- Là thành viên của Công ước, có nghĩa là Trung Quốc cũng phải có nghĩa vụ tôn trọng các quyền của quốc gia ven biển như Việt Nam tại các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ, nhưng Trung Quốc đã phớt lờ các quy định đó, có hành vi uy hiếp đe dọa đối với tàu Bình Minh 02.
Thêm nữa, theo điều 279 Công ước, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ giải quyết các tranh chấp về giải thích và áp dụng Công ước trên cơ sở trước hết là Hiến chương Liên hợp quốc. Về vấn đề này, Hiến chương Liên hợp quốc yêu cầu các quốc gia phải giải quyết các tranh chấp quốc tế, kể cả tranh chấp về biển, bằng biện pháp hoà bình. Như vậy, Trung Quốc đã trực tiếp vi phạm điều 279 của Công ước.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng vi phạm các quy định của Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trong biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã cùng ASEAN ký kết năm 2002. Theo đó, DOC quy định các bên phải tự kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình, không được sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp.
Vị trí các tàu hải giám Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam và cắt cáp của tàu Bình Minh 02. Ảnh:TTXVN.
- Theo ông, chiến lược mà chúng ta nên theo đuổi trong việc giải quyết vụ việc này?
- Để chấm dứt các hành động tương tự Việt Nam cần phải quyết liệt phản đối, đồng thời kêu gọi dư luận thế giới phản đối hành vi của Trung Quốc vi phạm luật quốc tế và đi ngược lại những gì Trung Quốc đã cam kết thực hiện trong DOC.
Việc giải quyết các tranh chấp kiểu như vậy, theo các biện pháp mà Hiến chương đã liệt kê tại điều 33, thì với hành vi vi phạm đó của Trung Quốc, Việt Nam có thể nhờ sự giải quyết của các Tòa án quốc tế để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Cụ thể, vì Trung Quốc đã trực tiếp vi phạm UNCLOS nên Việt Nam có thể nhờ Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) phân xử vì Tòa án này có thẩm quyền rất lớn trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng các quy định của UNCLOS, hoặc một Tòa án trọng tài nào đó để giải quyết.
- Trên thế giới từng có tiền lệ nào tòa án quốc tế giải quyết được các tranh chấp về lãnh thổ?
- Các Tòa án quốc tế đều đã giải quyết nhiều vụ án liên quan. Có thể kể đến như Tòa án công lý quốc tế (ICJ) đã giải quyết rất nhiều tranh chấp lãnh thổ, như vụ đền Preah Vihear giữa Camphuchia và Thái Lan năm 1962. Năm 2008 Tòa này có ra phán quyết cho việc tranh chấp chủ quyền trên đảo Pedra Branca giữa Malaysia và Singapore.
Tòa án quốc tế về Luật biển cũng đã phân xử nhiều vụ án tranh chấp liên quan đến luật biển, gần đây Tòa này cũng đang nhận đơn nhờ phân định biên giới biển giữa Myanmar và Bangladesh trên vịnh Bengal…
Còn các Tòa trọng tài cũng đã xét xử rất nhiều vụ. Tuy nhiên, cũng chưa có vụ án nào hoàn toàn giống như sự kiện Bình Minh 02 vừa rồi.
- Trong Đối thoại an ninh châu Á Shangri-la sắp tới (3-5/6) có phần thảo luận về an ninh trên biển. Ông dự đoán như thế nào về vụ việc 26/5 được đưa ra mổ xẻ dưới góc độ an ninh hàng hải quốc tế?
- Việc đưa ra sự kiện này ra Đối thoại, theo tôi là hết sức cần thiết để thông qua đối thoại, các bên có tiếng nói chung hơn, từ đó có thể giảm thiểu được những căng thẳng trong khu vực, tránh các xung đột quân sự.
Đối thoại an ninh châu Á lần này chắc chắn thu hút sự chú ý của cả thế giới, bởi có sự hiện diện của cả Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates.
Tuy nhiên, việc có đưa được sự kiện này ra Đối thoại lại đòi hỏi rất nhiều điều kiện. Các cường quốc chính trị sẽ có thể dùng nhiều biện pháp để ngăn cản việc đưa vụ việc này nếu cảm thấy bất lợi cho họ. Vì thế để đưa ra vấn đề nhằm làm giảm các tranh chấp tương tự, các bên cần phải nghiêm chỉnh thực hiện các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc.
(Tin cập nhật) Trung Quốc lập đoàn rầm rộ dự hội nghị an ninh
ộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc sẽ lần đầu tiên dẫn đầu phái đoàn hùng hậu của nước này dự Đối thoại Shangri-La, hội nghị cấp cao hàng đầu về an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương, sắp diễn ra tại Singapore.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt (phải) sẽn gặp lại người đồng cấp sắp mãn nhiệm của Mỹ Robert Gates tại Singapore. Ảnh: Foreign Policy.
Đối thoại Shangri-La (The Shangri-La Dialogue) còn được gọi là Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á IISS (ISS Asia Security Summit) ra đời từ năm 2002, nhằm tạo diễn đàn cho các bộ trưởng quốc phòng châu Á - Thái Bình Dương đối thoại, xây dựng lòng tin và thúc đẩy hợp tác an ninh. Đối thoại Shangri-La tại Singapore từ ngày 3 đến 5/6 tới được kỳ vọng sẽ là cơ hội để nâng cao sự minh bạch các chính sách quốc phòng và hiện đại hóa quân sự trong khu vực.
Hội nghị thường niên quy tụ các quan chức hàng đầu về quốc phòng của 28 nước trong trong khu vực, gồm Việt Nam, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, cùng đại diện của NATO và Nga, là nhân tố quan trọng trong việc đình hình các vấn đề an ninh đang nổi lên ở châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh vấn đề chung, các nước còn tổ chức các cuộc họp song phương bên lề.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt sẽ lần đầu tiên tham dự diễn đàn Đối thoại Shangri-La, dẫn đầu một đoàn đại biểu được đánh giá là "hùng hậu" của Trung Quốc và phát biểu về hợp tác an ninh quốc tế của nước này. Ngay trước đó, tướng Lương có chuyến thăm chính thức Philippines để thảo luận với giới chức nước chủ nhà xung quanh các cáo buộc máy bay chiến đấu và tàu hải giám Trung Quốc đã xâm phạm Philippines hôm 15/5.
Tổng giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) John Chipman cho biết, mối quan tâm của Trung Quốc đối với hội nghị thường niên về an ninh tại Singapore này được thể hiện ngay từ tháng 3, khi Bắc Kinh công bố Sách trắng quốc phòng có nhắc đến “tầm quan trọng của Đối thoại Shangri-La đối với hợp tác quốc phòng khu vực”.
Trong khi đó, đại diện cho phái đoàn Mỹ dự Đối thoại Shangri-la là Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates với sự tháp tùng của tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Robert Willard. Đây sẽ là lần cuối ông Gates xuất hiện tại diễn đàn quốc tế trên cương vị người đứng đầu Lầu Năm Góc, trước khi cơ quan này có ông chủ mới. Ông Gates và tướng Lương được dự đoán sẽ có thảo luận song phương bên lề hội nghị, nhằm cải thiện hợp tác và đối thoại giữa hai quân đội.
Đối thoại Shangri-La là diễn đàn an ninh cấp cao uy tín, giải quyết được hàng loạt vấn đề tranh chấp và xây dựng các liên minh an ninh. Các phiên họp của hội nghị năm nay sẽ tập trung vào những vấn đề an ninh đang nổi lên, các học thuyết quân sự mới, ngân sách quốc phòng các nước, tranh chấp chủ quyền, sự phát triển vũ khí hạt nhân, vấn đề an ninh hàng hải hay các lợi ích về an ninh của Trung Quốc. Chủ đề liên quan đến Biển Đông cũng được dự đoán sẽ nhắc đến nhiều trong chương trình nghị sự.
Đối thoại Shangri-La 2011 diễn ra trong bối cảnh an ninh và quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương vừa trải qua một số biến động. Tiến sĩ Tim Huwley, giám đốc điều hành ISS-Asia, nhận định sự cạnh tranh về quân sự giữa các bên có thể gây ra sự bất ổn trong khu vực này. Tài liệu thường niên The Military Balance của chi nhánh IISS tại Singapore cũng nhấn mạnh đến sự chuyển dịch về sức mạnh quân sự từ phương Tây sang châu Á.
Trong khi khủng hoảng kinh tế đang làm giảm mức chi tiêu quân sự tại Mỹ và châu Âu, thì tại châu Á với tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định đã giúp ngân sách quốc phòng không bị ảnh hưởng. Điển hình là trong những tháng gần đây, giới truyền thông liên tục đưa về những phát triển của quân đội Trung Quốc, như việc công bố tàu sân bay đầu tiên Shi Lang, máy bay chiến đấu tàng hình J-20 cùng các chương trình về tên lửa chống hạm và tàu ngầm.
Theo tiến sĩ Huwley, bối cảnh chiến lược tại châu Á hiện nay với sự nghi ngờ ngày càng sâu sắc giữa các nước và một loạt các cuộc xung đột tiềm tàng có thể tạo lý do để các nước mở rộng năng lực quân sự của mình. Trong số này ông nhắc đến mối lo ngại về sự phát triển sức mạnh và thái độ gây hấn của Trung Quốc.
Chuyên gia này cũng nhận định, chương trình hiện đại hoá quân đội tại châu Á nguy hiểm ở chỗ nó thường phản ánh những nỗ lực không được công bố, dẫn đến gây mất ổn định cho các chiến lược và học thuyết quốc phòng. Ông cho rằng việc Trung Quốc nâng cao sức mạnh quân sự có liên quan đến tranh chấp chủ quyền với các láng giềng tại Biển Đông.
Ngược lại, một số nước Đông Nam Á nâng cấp sức mạnh quốc phòng cũng không chỉ vì các lý do được công bố công khai là hiện đại hoá quân đội, mà còn là vì họ muốn răn đe chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc, tiến sĩ Huwley bình luận thêm.